1

Âm đạo: Cấu tạo, chức năng và các bệnh lý thường gặp

Tìm hiểu về giải phẫu, chức năng và các vấn đề thường gặp của âm đạo
Âm đạo: Cấu tạo, chức năng và các bệnh lý thường gặp Âm đạo: Cấu tạo, chức năng và các bệnh lý thường gặp

Nội dung chính của bài viết:

  • Âm hộ là phần bên ngoài của cơ quan sinh dục nữ. Âm đạo là ống cơ nối nối tử cung và cổ tử cung với âm hộ, thành bên trong có các dây thần kinh và niêm mạc.
  • Âm đạo là bộ phận quan trọng với chức năng sinh lý cũng như là chức năng sinh sản của người phụ nữ.
  • Âm đạo được cấu tạo bởi các bộ phận: cửa âm đạo, thành âm đạo và màng trinh.
  • Viêm âm đạo, co thắt âm đạo, teo âm đạo, sa âm đạo thậm chí ung thư âm đạo là những bệnh lý thường gặp của âm đạo.
  • Nếu bạn không thụt rửa, tránh xa xà phòng thơm, luyện tập, quan hệ tình dục an toàn và khám phụ khoa thường xuyên thì sẽ làm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh liên quan đến đường âm đạo.
  • Các triệu chứng của các vấn đề ở âm đạo có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng khác nhau. Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng thì cần đi khám để bác sĩ tìm ra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục. 

Âm hộ

Âm hộ là phần bên ngoài của cơ quan sinh dục nữ, gồm có:

  • Môi âm hộ
  • Cửa âm đạo
  • Âm vật
  • Niệu đạo

Âm đạo là ống cơ nối nối tử cung và cổ tử cung với âm hộ, thành bên trong có các dây thần kinh và niêm mạc (hay màng nhầy). Âm đạo là bộ phận quan trọng với chức năng sinh lý cũng như là chức năng sinh sản của người phụ nữ.

Cấu tạo và chức năng âm đạo

Cửa âm đạo

Cửa âm đạo nằm giữa lỗ niệu đạo và hậu môn. Đây là nơi máu kinh đi ra ngoài cơ thể, sinh em bé và quan hệ tình dục.

Thành âm đạo

Thành âm đạo được tạo nên bởi các lớp cơ và được che phủ bởi niêm mạc, tương tự như phần bên trong khoang miệng của chúng ta. Thành âm đạo có các lớp mô với vô số sợi đàn hồi. Bề mặt trong của thành âm đạo cũng có những nếp gấp cho phép âm đạo giãn rộng khi quan hệ và sinh nở.

Vào chu kỳ kinh nguyệt, mô trong thành âm đạo sẽ có những thay đổi do hormone. Các tế bào ở lớp ngoài có nhiệm vụ lưu trữ glycogen. Ở giai đoạn rụng trứng, lớp này bị bong ra. Glycogen bị vi khuẩn phân hủy và giúp duy trì mức pH ở mức bình thường để bảo vệ âm đạo không bị nhiễm khuẩn và nấm gây hại.

Màng trinh

Màng trinh là một màng mỏng nằm chắn ở bên trong âm đạo, cách cửa âm đạo khoảng 2cm. Màng trinh có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau nhưng đa số có hình bán nguyệt. Hình dạng này cho phép máu chảy ra ngoài âm đạo vào kỳ kinh nguyệt.

Vào lần đầu tiên quan hệ hoặc đưa một vật gì đó vào âm đạo (ví dụ như tampon), màng trinh có thể bị rách. Điều này cũng có thể xảy ra khi vận động quá mạnh hoặc bị chấn thương.

Tuy nhiên, không phải khi nào màng trinh cũng có hình bán nguyệt. Một số hình dạng bất thường của màng trinh có thể cản trở dòng chảy của máu trong kỳ kinh nguyệt, gây khó khăn khi dùng tampon hoặc quan hệ. Các dạng này gồm có:

  • Màng trinh không thủng hay màng trinh dạng bít kín là màng trinh che hoàn toàn đường vào âm đạo. Dạng màng trinh này ngăn cản máu kinh nguyệt rời khỏi cơ thể. Người có màng trinh không thủng cần làm tiểu phẫu để sửa lại.
  • Màng trinh dạng lỗ mọt: Dạng màng trinh này gần giống với màng trinh không thủng, cũng che cửa vào âm đạo nhưng không che kín hoàn toàn mà vẫn có một lỗ nhỏ, tuy nhiên lỗ này quá nhỏ nên máu kinh vẫn không thoát ra ngoài được. Dạng màng trinh này cũng cần làm tiểu phẫu để tạo lỗ lớn hơn.
  • Màng trinh dạng vách ngăn: Màng trinh có một dải mô ở giữa, tạo thành hai lỗ hai bên và cũng cần sửa bằng tiểu phẫu.

Bệnh lý thường gặp ở âm đạo

Có nhiều vấn đề khác nhau có thể xảy ra ở âm đạo và dưới đây là một số bệnh lý thường gặp:

Viêm âm đạo

Viêm âm đạo là tình trạng âm đạo bị nhiễm trùng và dẫn đến viêm. Viêm âm đạo gây ra các triệu chứng khó chịu như:

  • Dịch tiết âm đạo hay khí hư bất thường
  • Ngứa ngáy
  • Cảm giác nóng rát

Có nhiều dạng viêm âm đạo khác nhau, được phân loại dựa trên nguyên nhân. Các loại phổ biến nhất gồm có:

  • Viêm âm đạo do vi khuẩn (Bacterial vaginosis - BV): Viêm âm đạo do vi khuẩn xảy ra khi vi khuẩn trong âm đạo phát triển quá mức. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là do một tác nhân nào đó làm thay đổi độ pH trong âm đạo, chẳng hạn như thụt rửa. Viêm âm đạo do vi khuẩn không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI), nhưng việc quan hệ tình dục với một người lạ hoặc quan hệ với nhiều người sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Viêm âm đạo do vi khuẩn có biểu hiện thường gặp là dịch tiết âm đạo màu trắng hoặc xám, nhưng không phải ai cũng gặp phải hiện tượng này.
  • Nhiễm nấm âm đạo: Nhiễm nấm âm đạo xảy ra do chủng nấm Candida, mà phổ biến nhất là nấm Candida albicans phát triển quá mức trong âm đạo. Nhiễm trùng nấm men âm đạo là bệnh rất phổ biến với các triệu chứng thường gặp là ngứa ngáy, viêm nhiễm và tiết dịch đặc, có màu trắng đục, lợn cợn, vón cục như óc đậu. Bệnh nhiễm trùng nấm men thường được điều trị bằng các loại thuốc kháng nấm không kê đơn (OTC).
  • Nhiễm Trichomonas: Nhiễm Trichomonas là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do một ký sinh trùng có tên là Trichomonas vaginalis gây nên. Bệnh này thường gây triệu chứng là dịch tiết màu xanh lá cây hoặc màu vàng có mùi tanh, nóng rát và đỏ ở vùng kín. Bệnh nhiễm Trichomonas được điều trị bằng kháng sinh. Nếu đã quan hệ thì cả hai người đều cần phải điều trị để tránh tái nhiễm.

Co thắt âm đạo

Co thắt âm đạo là tình trạng mà các cơ âm đạo co thắt đột ngột, không chủ ý khi có vật từ bên ngoài đi vào, ví dụ như tampon hoặc dương vật. Các cơn co thắt cơ gây đau đớn mỗi khi âm đạo bị thâm nhập hoặc không thể thâm nhập được. Tình trạng này thường bắt đầu vào lần quan hệ đầu tiên.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây co thắt âm đạo nhưng thường là do chấn thương khi quan hệ hoặc các yếu tố tâm lý. Ở nhiều người, co thắt âm đạo gây ra nỗi sợ hãi mỗi khi quan hệ và tâm lý này lại khiến cho cho các cơ càng co thắt nhiều hơn.

Bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục

Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (sexually transmitted infection - STI) là những bệnh nhiễm trùng lan truyền từ người sang người qua máu và dịch cơ thể khi quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ đường miệng, đường âm đạo và đường hậu môn. Các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục gây ra nhiều triệu chứng khác nhau và không phải lúc nào cũng giới hạn ở vùng kín, từ dịch tiết bất thường cho đến mụn cóc sinh dục hoặc các vết lở loét trên da. Tuy nhiên, một số bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục lại không có bất kỳ biểu hiện nào và chỉ được phát hiện khi khám sàng lọc định kỳ. Các bệnh phổ biến gồm có:

  • Chlamydia
  • Mụn rộp sinh dục
  • Bệnh lậu
  • Mụn cóc sinh dục

Teo âm đạo

Teo âm đạo là tình trạng mà mô âm đạo co lại và mỏng đi, khiến cho ống âm đạo bị thu hẹp lại và giảm sự đàn hồi. Đây là vấn đề thường chủ yếu xảy ra trong thời kỳ mãn kinh. Trong thời kỳ này, mức độ sản sinh estrogen giảm, làm giảm lượng dịch tiết và ảnh hưởng đến độ pH trong âm đạo.

Bệnh teo âm đạo cũng có thể xảy đến sớm do các nguyên nhân khác làm giảm sự sản sinh estrogen, ví dụ như cho con bú, cắt buồng trứng và tác dụng phụ của một số loại thuốc. Teo âm đạo gây khô, đau rát khi quan hệ và kích ứng.

Sa âm đạo

Sa âm đạo xảy ra khi âm đạo bị kéo giãn và tụt xuống vào các cơ quan khác. Rất hiếm khi chỉ có âm đạo bị ảnh hưởng mà thường thì các mô hỗ trợ tử cung cũng bị kéo giãn, khiến cho tử cung suy yếu.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ xảy ra vấn đề này gồm có sinh thường, béo phì khiến cho khoang bụng liên tục phải chịu áp lực do mỡ thừa, thường xuyên phải rặn mạnh khi đi ngoài do táo bón và mãn kinh.

Ngoài ra, tình trạng sa các bộ phận khác cũng ảnh hưởng đến âm đạo, gồm có:

  • Sa bàng quang, xảy ra ở phần trước của âm đạo và bàng quang
  • Sa trực tràng kiểu túi, xảy ra ở phần sau của âm đạo và trực tràng
  • Sa ruột non, xảy ra ở phần trước của thành âm đạo và ruột non

Sa âm đạo không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng nhưng nếu có thì triệu chứng thường gặp là cảm giác nặng ở xương chậu hay cảm giác âm đạo bị kéo. Các triệu chứng này thường trở nên nặng hơn khi đứng, đại tiện, nâng vật nặng và đỡ hơn hoặc biến mất khi nằm. Ngoài ra còn có triệu chứng là tiểu són khi hắt hơi, cười hoặc ho.

Ung thư âm đạo

Ung thư âm đạo là một bệnh rất hiếm gặp. Có nhiều loại ung thư âm đạo khác nhau, nhưng phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào vảy – một bệnh bắt đầu trong lớp niêm mạc âm đạo. Ở giai đoạn đầu, bệnh này thường không có bất kỳ biểu hiện nào nhưng khi lan rộng thì có thể gây chảy máu âm đạo, dịch tiết bất thường hoặc nổi u cục trong âm đạo.

Theo thống kê, hai phần ba số ca ung thư âm đạo là do nhiễm HPV (human papillomavirus). Khi được phát hiện sớm, ung thư âm đạo có thể được chữa khỏi.

Triệu chứng của các vấn đề ở âm đạo

Các triệu chứng của các vấn đề ở âm đạo có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng khác nhau và phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên.

Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến:

  • Thay đổi về lượng, màu sắc hoặc mùi của dịch tiết âm đạo
  • Kích ứng trong hoặc xung quanh âm đạo
  • Đỏ
  • Ngứa
  • Chảy máu trong hoặc sau khi quan hệ
  • Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
  • Ra máu sau mãn kinh
  • Đau khi quan hệ

Các vấn đề ở âm đạo càng được phát hiện sớm thì càng dễ điều trị thành công, vì vậy cần đi khám ngay nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số này.

Các biện pháp giữ vùng kín khỏe mạnh

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc nhiều vấn đề ở âm đạo bằng các cách như sau:

  • Không thụt rửa: Âm đạo có cơ chế tự làm sạch nên không cần thụt rửa. Thụt rửa sẽ làm đảo lộn sự cân bằng tự nhiên của vi khuẩn và nấm, dẫn đến nhiễm trùng.
  • Tránh dùng xà phòng thơm và các sản phẩm vệ sinh phụ nữ có mùi. Chất tạo mùi trong các sản phẩm vệ sinh có mùi thơm, như xà phòng, băng vệ sinh, dung dịch vệ sinh và giấy lau có thể gây kích ứng và phá vỡ sự cân bằng pH tự nhiên của âm đạo. Nên lựa chọn các sản phẩm không mùi.
  • Quan hệ tình dục an toàn: Luôn luôn sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục và khám sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục thường xuyên.
  • Tập bài tập Kegel: Những bài tập này giúp tăng cường cơ sàn chậu, giảm nguy cơ bị sa âm đạo và suy yếu cơ sàn chậu.
  • Tiêm phòng: Nên tiêm vắc-xin ngừa HPV - loại virus có thể lây truyền qua đường quan hệ tình dục
  • Khám phụ khoa thường xuyên: để làm xét nghiệm Pap smear, tầm soát ung thư cổ tử cung và HPV.

Medically reviewed by: Bác sĩ Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: âm đạo, cấu tạo
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây