1

Ai nên làm xét nghiệm STD và những điều cần biết

Nếu nghi ngờ bị mắc một bệnh lây qua đường tình dục hoặc có những dấu hiệu bất thường thì cần đến bệnh viện khám càng sớm càng tốt.
Ai nên làm xét nghiệm STD và những điều cần biết Ai nên làm xét nghiệm STD và những điều cần biết

Tại sao cần làm xét nghiệm?

Nếu không được điều trị, các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI), hay còn được gọi ngắn gọn là bệnh lây qua đường tình dục (STD) có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ví dụ như:

  • Vô sinh
  • Ung thư
  • Mù lòa
  • Tổn thương các cơ quan nội tạng

Theo ước tính từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO, có hơn 1 triệu ca mắc mới các bệnh này mỗi ngày trên toàn cầu.

Tuy nhiên, rất nhiều người không được điều trị kịp thời vì nhiều bệnh lây qua đường tình dục không biểu hiện triệu chứng hoặc có các triệu chứng không đặc hiệu, có nghĩa là các triệu chứng giống như nhiều vấn đề khác. Hơn nữa, tâm lý sợ bị người khác kỳ thị cũng khiến nhiều người không đi xét nghiệm STD. Xét nghiệm là cách duy nhất để kiểm tra một người có mắc các bệnh này hay không.

Các chuyên gia khuyến nghị những người có quan hệ tình dục đều nên sàng lọc STD thường xuyên.

Nên xét nghiệm những bệnh nào?

Có nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục. Khi đến khám, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể về xét nghiệm cần thực hiện. Thông thường sẽ cần làm xét nghiệm kiểm tra một trong các bệnh phổ biến nhất như:

  • Chlamydia
  • Bệnh lậu
  • HIV
  • Viêm gan B
  • Bệnh giang mai
  • Nhiễm trichomonas

Thường thì không cần làm xét nghiệm HSV (virus gây mụn rộp) trừ khi đã biết trước hoặc bệnh nhân chủ động yêu cầu.

Nếu nghi ngờ bị mắc một bệnh lây qua đường tình dục hoặc có những dấu hiệu bất thường thì cần đến bệnh viện khám càng sớm càng tốt. Đừng ngại ngùng. Cần phát hiện và điều trị sớm để tránh xảy ra những biến chứng nghiêm trọng hơn.

Nếu đang mang thai thì việc làm xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục lại càng cần thiết vì các bệnh này có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Có thể sẽ cần sàng lọc STD và một số bệnh khác trong lần khám thai đầu tiên.

Ngoài ra, cũng nên làm xét nghiệm sau khi bị ép buộc quan hệ tình dục hoặc quan hệ tình dục với người lạ.

Yếu tố nguy cơ

Khi đi khám, cần chia sẻ các yếu tố nguy cơ với bác sĩ. Đặc biệt, phải nói với bác sĩ nếu đã quan hệ tình dục đường hậu môn. Một số bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục đường hậu môn không thể phát hiện được bằng các phương pháp xét nghiệm thông thường. Có thể cần làm xét nghiệm Pap smear hậu môn để sàng lọc các tế bào tiền ung thư hoặc ung thư có liên quan đến HPV.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục gồm có:

  • Quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ: việc thâm nhập đường âm đạo hoặc hậu môn mà không sử dụng bao cao su sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ mắc STD. Sử dụng bao cao su không đúng cách cũng sẽ không thể ngăn ngừa được các bệnh này.
  • Quan hệ tình dục đường miệng tiềm ẩn nguy cơ thấp hơn nhưng virus, vi khuẩn từ người mang bệnh vẫn có thể lây truyền sang người kia nếu không sử dụng bao cao su hoặc màng chắn miệng - một biện pháp bảo vệ có dạng miếng cao su mỏng, hình vuông được đặt bên trên âm đạo hoặc hậu môn.
  • Quan hệ tình dục với nhiều người: càng quan hệ với nhiều người thì xác suất bị mắc bệnh lây qua đường tình dục sẽ càng cao.
  • Có tiền sử mắc bệnh lây qua đường tình dục: việc bị một STD sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác.
  • Sử dụng rượu hoặc chất gây nghiện.
  • Dùng chung bơm kim tiêm: đây là con đường lây truyền nhiều bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, bao gồm HIV, viêm gan B và viêm gan C.
  • Nam giới đang dùng thuốc điều trị rối loạn cương dương: những người đang dùng các loại thuốc điều trị rối loạn cương dương như sildenafil (Viagra), tadalafil và vardenafil có nguy cơ nhiễm STD cao hơn bình thường.

Có những phương pháp xét nghiệm nào?

Tùy thuộc vào lịch sử hoạt động tình dục của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ yêu cầu tiến hành các phương pháp xét nghiệm khác nhau, gồm có xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm dịch sinh dục hoặc thăm khám lâm sàng.

Hầu hết các bệnh lây truyền qua đường tình dục đều có thể được phát hiện bằng phương pháp xét nghiệm nước tiểu hoặc xét nghiệm máu. Hai phương pháp này giúp phát hiện các bệnh:

  • Chlamydia
  • Bệnh lậu
  • Viêm gan
  • Mụn rộp
  • Hiv
  • Bệnh giang mai

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu không chính xác bằng các phương pháp kiểm tra khác. Hơn nữa, có thể phải mất ít nhất một tháng sau khi phơi nhiễm thì xét nghiệm máu mới cho kết quả chính xác. Ví dụ, nếu bị nhiễm HIV thì thường phải sau vài tuần đến vài tháng thì xét nghiệm máu mới phát hiện được virus và cho kết quả dương tính.

Xét nghiệm dịch sinh dục

Bác sĩ lấy mẫu dịch từ âm đạo, cổ tử cung hoặc niệu đạo để kiểm tra các bệnh lây qua đường tình dục. Đối với nữ thì sẽ dùng tăm bông để lấy dịch âm đạo và cổ tử cung. Đối với nam giới thì sẽ cần lấy mẫu dịch từ niệu đạo. Phương pháp này cũng thực hiện được cho cả nữ giới. Nếu quan hệ tình dục đường hậu môn thì sẽ cần lấy mẫu từ trực tràng để kiểm tra sự hiện diện của các vi sinh vật truyền nhiễm trong khu vực này.

Xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV

Xét nghiệm Pap (hay phết tế bào cổ tử cung) không phải là một phương pháp xét nghiệm sàng lọc các bệnh lây qua đường tình dục. Phương pháp này được thực hiện nhằm phát hiện các dấu hiệu ban đầu của ung thư cổ tử cung hoặc ung thư hậu môn. Nhưng phụ nữ bị nhiễm HPV, đặc biệt là chủng HPV 16 và HPV 18, có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung. Cả phụ nữ và nam giới quan hệ tình dục qua đường hậu môn đều có thể bị ung thư hậu môn do nhiễm HPV.

Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm Pap không nói lên điều gì về việc có bị nhiễm HPV hay không. Để kiểm tra HPV thì sẽ cần làm một xét nghiệm khác.

Kết quả xét nghiệm Pap bất thường không có nghĩa là đang hoặc sẽ bị ung thư cổ tử cung hoặc ung thư hậu môn mà chỉ là phát hiện thấy những tế bào không bình thường ở những bộ phận này. Trong nhiều trường hợp, những tế bào không bình thường tự biến mất mà không cần điều trị. Khi xét nghiệm Pap cho kết quả bất thường thì bác sĩ sẽ yêu cầu làm tiếp xét nghiệm HPV. Nếu kết quả xét nghiệm HPV âm tính thì có nghĩa là khả năng bị ung thư cổ tử cung hoặc ung thư hậu môn trong tương lai gần là rất thấp.

Phương pháp xét nghiệm HPV thường không mấy hữu ích trong chẩn đoán ung thư. Lý do là bởi hầu hết những người có quan hệ tình dục đều bị nhiễm ít nhất một chủng HPV vào một thời điểm nào đó trong đời nhưng đa số đều không bao giờ bị ung thư cổ tử cung hoặc ung thư hậu môn.

Thăm khám lâm sàng

Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như mụn rộp và mụn cóc sinh dục, có thể được phát hiện khi thăm khám lâm sàng kết hợp với các xét nghiệm khác. Bác sĩ sẽ kiểm tra vùng kín để tìm vết loét, mụn nước, sẩn và các dấu hiệu khác của bệnh. Sau đó sẽ lấy mẫu bệnh phẩm từ những vùng khả nghi và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.

Cần phải cho bác sĩ biết nếu như nhận thấy bất kỳ thay đổi nào ở trên hoặc xung quanh bộ phận sinh dục cũng như là ở trên hoặc xung quanh hậu môn nếu từng quan hệ tình dục đường hậu môn.

Tóm tắt bài viết

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục rất phổ biến và có thể được phát hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau. Sau khi quan hệ tình dục không an toàn và nghi bị nhiễm một trong các bệnh này hay có bất cứ biểu hiện bất thường nào thì cần đến bệnh viện khám. Hãy khai báo với bác sĩ về lịch sử hoạt động tình dục cụ thể để được tư vấn về phương pháp xét nghiệm cần thực hiện. Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính thì bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị dựa trên bệnh mắc phải. Việc điều trị sớm sẽ giúp tránh được những hậu quả nghiêm trọng.

Tổng số điểm của bài viết là: 50 trong 10 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: xét nghiệm std
Tin liên quan
11 điều cần biết về xét nghiệm STD
11 điều cần biết về xét nghiệm STD

Bất cứ ai có quan hệ tình dục đều có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) hay còn gọi là bệnh xã hội. Do đó, mỗi một người đều phải nhận thức được những rủi ro và biết cách bảo vệ bản thân.

Nhiễm chlamydia ở miệng: Những điều cần biết
Nhiễm chlamydia ở miệng: Những điều cần biết

Chlamydia không chỉ xảy ra ở bộ phận sinh dục mà còn có thể xảy ra ở khoang miệng và họng.

Những điều phụ nữ cần biết về bệnh lậu khi mang thai
Những điều phụ nữ cần biết về bệnh lậu khi mang thai

Bệnh lậu là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất.

Những Điều Cần Biết Về Triệu Chứng Sốt Khi Nhiễm HIV
Những Điều Cần Biết Về Triệu Chứng Sốt Khi Nhiễm HIV

Những điều cần biết về triệu chứng sốt khi nhiễm HIV là gì? Người nhiễm HIV có thể bị sốt vì nhiều lý do. Đó có thể là tác dụng phụ của thuốc kháng virus (thuốc ARV). Sốt cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh khác, chẳng hạn như cúm.

Những điều cần biết về bệnh zona thần kinh ở người nhiễm HIV
Những điều cần biết về bệnh zona thần kinh ở người nhiễm HIV

Những người nhiễm HIV sẽ bị bệnh zona thần kinh nặng hơn bình thường và cũng có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây