1

Xét nghiệm bilirubin máu để làm gì?

Xét nghiệm bilirubin máu là phương pháp nhằm đo nồng độ bilirubin trong cơ thể và giúp xác định xem bạn có đang gặp phải vấn đề nào hay không.
Xét nghiệm bilirubin máu để làm gì? Xét nghiệm bilirubin máu để làm gì?

Xét nghiệm bilirubin máu là gì?

Bilirubin là một sắc tố màu vàng được tạo ra trong cơ thể khi huyết sắc tố trong các tế bào hồng cầu cũ bị phá vỡ. Đây là một quá trình bình thường diễn ra trong cơ thể. Sau khi lưu thông trong máu, bilirubin sẽ đi đến gan. Ở gan, bilirubin được xử lý, trộn lẫn với dịch mật, đẩy vào ống dẫn mật và được tích trữ trong túi mật.

Sau đó, dịch mật được tiết vào ruột non để hỗ trợ tiêu hóa chất béo và cuối cùng bilirubin được đào thải ra ngoài trong phân.

Bilirubin trong cơ thể gồm có bilirubin trực tiếp và bilirubin gián tiếp. Bilirubin được gan liên kết với axit glucuronic (một loại axit có nguồn gốc từ glucose) được gọi là bilirubin trực tiếp hay bilirubin liên hợp. Trước khi đi tới gan, bilirubin chưa được liên kết với axit glucuronic thì được gọi là bilirubin gián tiếp hay bilirubin không liên hợp. Tổng lượng bilirubin trong máu được gọi là bilirubin toàn phần.

Đôi khi, gan không thể xử lý hết bilirubin trong cơ thể mà nguyên nhân là do có quá nhiều bilirubin, tắc nghẽn hoặc viêm gan.

Khi cơ thể có quá nhiều bilirubin, da và lòng trắng mắt sẽ bắt đầu chuyển sang màu vàng. Tình trạng này được gọi là vàng da (jaundice).

Xét nghiệm bilirubin máu là phương pháp nhằm đo nồng độ bilirubin trong cơ thể và giúp xác định xem bạn có đang gặp phải vấn đề nào hay không.

Có ba chỉ số xét nghiệm bilirubin trong máu là bilirubin trực tiếp, bilirubin gián tiếp và bilirubin toàn phần.

Ở cả người lớn và trẻ em, nồng độ bilirubin tăng cao thường gây ra các triệu chứng phổ biến là vàng da hoặc tròng trắng mắt, mệt mỏi, ngứa ngáy, nước tiểu sẫm màu và chán ăn.

Tại sao cần kiểm tra chỉ số bilirubin?

Nếu bilirubin không được liên kết với axit glucuronic và tạo thành bilirubin liên hợp trong gan hoặc không được loại bỏ hoàn toàn khỏi máu thì sẽ gây hại cho gan.

Do đó cần làm xét nghiệm kiểm tra bilirubin trong máu nhằm kiểm tra tổn thương gan.

Hiện tượng vàng da nhẹ ở trẻ sơ sinh có thể là do những thay đổi bình thường trong quá trình chuyển hóa bilirubin nhưng cũng có thể là dấu hiệu đầu tiên của một vấn đề sức khỏe.

Nếu nồng độ bilirubin khi sinh ở mức quá cao thì cần xét nghiệm máu cho trẻ liên tục nhiều lần trong vài ngày đầu tiên để theo dõi chức năng gan. Vàng da ở trẻ sơ sinh có thể là một vấn đề rất nghiêm trọng và thậm chí còn đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.

Một lý do khác khiến cho nồng độ bilirubin tăng cao là có nhiều tế bào hồng cầu đang bị phá hủy hơn mức bình thường. Tình trạng này được gọi là tán huyết.

Xét nghiệm bilirubin trong máu thường chỉ là một phần trong nhóm các xét nghiệm nhằm kiểm tra gan gồm có:

  • Xét nghiệm transanase alanine
  • Xét nghiệm aspartate aminotransferase
  • Xét nghiệm alkaline phosphatase
  • Xét nghiệm albumin
  • Xét nghiệm protein toàn phần

Cần chuẩn bị gì trước xét nghiệm bilirubin máu?

Đối với xét nghiệm bilirubin máu, bạn thường sẽ cần nhịn ăn và không được uống bất cứ thứ gì ngoài nước lọc trong ít nhất 4 tiếng trước khi làm xét nghiệm.

Ngoài ra, có thể bạn sẽ còn phải ngừng dùng một số loại thuốc nếu như có ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, ví dụ như các loại kháng sinh (như penicillin G), thuốc an thần (như phenobarbital), thuốc lợi tiểu như furosemide (Lasix) và thuốc trị hen suyễn (như theophylline).

Ngoài ra còn có nhiều loại thuốc khác cũng ảnh hưởng đến nồng độ bilirubin trong máu. Bạn nên nói rõ với bác sĩ về các loại thuốc mà bạn đang dùng trước khi đến xét nghiệm để được hướng dẫn cụ thể về việc dừng thuốc.

Quy trình xét nghiệm bilirubin máu

Vì đây là xét nghiệm máu nên trước tiên, bạn sẽ được lấy mẫu máu. Sau khi xác định và sát trùng vị trí lấy máu, kim tiêm được đưa qua da vào một tĩnh mạch ở cánh tay hoặc mu bàn tay và sau đó rút một lượng máu nhỏ. Mẫu máu này được đem đến phòng thí nghiệm để làm xét nghiệm.

Trong quá trình lấy máu, có thể bạn sẽ cảm thấy hơi nhói. Sau khi rút kim, vị trí đâm kim sẽ được đặt bông vô khuẩn và bạn cần ấn chặt lên đó một lúc. Cuối cùng, vị trí chích sẽ được băng lại và để nguyên trong 10 – 20 phút. Nên cố gắng tránh sử dụng bên cánh tay bị lấy máu cho đến ngày hôm sau.

Chỉ số bilirubin bao nhiêu là bình thường?

Ở trẻ lớn và người trưởng thành, phạm vi bình thường của chỉ số bilirubin trực tiếp là từ 0 – 0.04mg/dL. Mức bình thường của chỉ số bilirubin toàn phần là từ 0.3 – 1.0mg/dL.

Chỉ số bilirubin gián tiếp trong máu được tính bằng cách lấy chỉ số bilirubin toàn phần trừ đi chỉ số bilirubin trực tiếp.

Ở trẻ sơ sinh, chỉ số bilirubin ở mức hơi cao là điều bình thường. Trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi sinh, nồng độ bilirubin gián tiếp dưới 5.2mg/dL là mức bình thường. Tuy nhiên, ở nhiều trẻ sơ sinh, nồng độ bilirubin lại vượt quá 5mg/dL trong vài ngày đầu và đây là dấu hiệu của vấn đề vàng da.

Nguyên nhân khiến bilirubin tăng cao

Nếu phát hiện nồng độ bilirubin trong máu ở mức cao, bác sĩ sẽ yêu cầu làm thêm các xét nghiệm máu bổ sung hoặc siêu âm để xác định vấn đề. Ở người trưởng thành, nồng độ bilirubin cao thường là do các vấn đề về gan, ống mật túi mật hoặc tụy như:

  • Các bệnh về gan như viêm gan
  • Hội chứng Gilbert - một bệnh về gan di truyền mà gan không thể xử lý hết lượng bilirubin
  • Xơ gan
  • Hẹp đường mật – tình trạng mà ống dẫn mật quá hẹp khiến dịch mật không thể đi qua được
  • Ung thư túi mật hoặc ung thư tụy
  • Sỏi mật
  • Độc tính của thuốc

Ngoài vấn đề về gan, mật và tụy, chỉ số bilirubin cao còn có thể là do các vấn đề về máu, ví dụ như:

  • Thiếu máu tán huyết: Tình trạng này xảy ra khi có quá nhiều tế bào máu bị phá hủy do bệnh tự miễn, khiếm khuyết di truyền, nhiễm độc do dùng thuốc hoặc nhiễm trùng và gan không thể chuyển hóa lượng bilirubin gián tiếp trong cơ thể.
  • Phản ứng khi truyền máu: Đây là những phản ứng xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công các tế bào máu được truyền vào cơ thể.

Những rủi ro của xét nghiệm bilirubin máu

Mọi quy trình cần lấy mẫu máu đều có đi kèm với các rủi ro như:

  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Tụ máu, hình thành vết bầm ở vị trí đâm kim
  • Nhiễm trùng do da không được sát trùng sạch sẽ trước khi lấy máu
  • Chảy máu nhiều hơn bình thường hoặc chảy máu trong một thời gian dài sau khi lấy máu. Nếu thấy chảy máu quá lâu mà không ngừng thì cần thông báo ngay cho bác sĩ

Vàng da ở trẻ sơ sinh

Ở trẻ sơ sinh, bilirubin cao (thường là bilirubin gián tiếp) và vàng da có thể là vấn đề rất nguy hiểm và do một số yếu tố gây ra. Có 4 loại vàng da phổ biến:

  • Vàng da sinh lý: thường xảy ra từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 sau khi sinh và có thể kéo dài từ 10 – 12 ngày. Nguyên nhân do chức năng gan bị trì hoãn trong thời gian ngắn. Vàng da sinh lý thường không phải là vấn đề đáng lo ngại. Cách khắc phục là cho trẻ bú thường xuyên, hiệu quả, từ 8 – 12 lần mỗi ngày.
  • Vàng da do bú kém: thường xảy ra trong tuần đầu tiên, nguyên nhân do trẻ bú mẹ không tốt, không chịu bú hoặc mẹ có ít sữa.
  • Vàng da do sữa mẹ: thường xảy ra sau 2 đến 3 tuần, nguyên nhân do một số chất trong sữa mẹ gây cản trở khả năng xử lý bilirubin trong gan của trẻ.
  • Vàng da bệnh lý: đây là loại vàng da nghiêm trọng nhất, xảy ra trong vòng 24 - 48 giờ sau khi sinh và nồng độ bilirubin của trẻ tăng nhanh. Nguyên nhân thường là do máu của mẹ và bé không tương thích hoặc mắc bệnh gan. Những trường hợp trẻ bị vàng da bệnh lý cần có biện pháp can thiệp điều trị và có thể cần truyền máu. Mẹ vẫn có thể cho con bú bình thường trong quá trình điều trị.

Ba dạng vàng da đầu tiên đều có thể dễ dàng xử lý và thường vô hại khi được điều trị. Tuy nhiên, vàng da bệnh lý lại là một vấn đề nghiêm trọng. Một số vấn đề gây vàng da bệnh lý và nồng độ bilirubin cao ở trẻ sơ sinh gồm có:

  • Hình dạng tế bào máu bất thường, chẳng hạn như thiếu máu hồng cầu hình liềm
  • Nhóm máu của trẻ và mẹ không phù hợp, khiến các tế bào hồng cầu của trẻ bị phá hủy, được gọi là bệnh tiêu huyết ở trẻ sơ sinh (erythroblastosis fetalis)
  • Thiếu một số protein quan trọng do khiếm khuyết di truyền
  • Bầm tím do sinh khó
  • Nồng độ hồng cầu cao do sinh non, trẻ quá nhỏ
  • Nhiễm trùng

Làm gì khi chỉ số bilirubin bất thường?

Nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy chỉ số bilirubin cao bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu tiến hành thêm các xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân đằng sau vấn đề.

Một khi đã xác định được nguyên nhân khiến nồng độ bilirubin tăng cao, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị thích hợp và sau đó bạn sẽ tiếp tục phải xét nghiệm bilirubin máu thường xuyên để theo dõi hiệu quả điều trị.

Nếu nghi ngờ chức năng gan hoặc túi mật đang có vấn đề, bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra cấu tạo các cơ quan này.

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây