Tại sao cần xét nghiệm chức năng gan?
Tại sao cần làm xét nghiệm chức năng gan?
Gan là cơ quan thực hiện nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, chẳng hạn như:
- Loại bỏ độc tố có trong máu
- Chuyển hóa chất dinh dưỡng từ thực phẩm
- Tích trữ khoáng chất và vitamin
- Điều hòa quá trình đông máu
- Sản xuất cholesterol, protein, enzyme và dịch mật
- Tạo các yếu tố chống lại nhiễm trùng
- Loại bỏ vi khuẩn từ máu
- Xử lý các chất gây hại cho cơ thể
- Duy trì cân bằng hormone
- Điều chỉnh lượng đường trong máu
Do đó, các vấn đề về gan sẽ có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Xét nghiệm chức năng gan giúp chúng ta biết được gan có đang thực hiện các chức năng một cách bình thường hay không.
Xét nghiệm chức năng gan được thực hiện nhằm mục đích:
- Kiểm tra mức độ tổn thương gan trong các trường hợp bị mắc các bệnh nhiễm trùng gan, như viêm gan B hay viêm gan C hoặc thường xuyên uống nhiều rượu.
- Theo dõi tác dụng phụ nếu đang dùng một số loại thuốc có ảnh hưởng đến gan.
- Theo dõi sự tiến triển của bệnh và hiệu quả của các phương pháp điều trị trong các trường hợp bị bệnh gan.
- Chẩn đoán nếu đang gặp phải các triệu chứng bất thường mà nghi là do chức năng gan có vấn đề.
- Trường hợp có một số vấn đề về sức khỏe như chỉ số triglyceride cao, tiểu đường, cao huyết áp, thiếu máu hoặc bị bệnh lý về túi mật.
Xét nghiệm chức năng gan gồm có nhiều xét nghiệm phản ánh các khía cạnh khác nhau của chức năng gan.
Các xét nghiệm chức năng gan giúp xác định:
- Chỉ số transanase alanine (ALT)
- Chỉ số aspartate aminotransferase (AST)
- Chỉ số alkaline phosphatase (ALP)
- Chỉ số albumin
- Chỉ số bilirubin
Các chỉ số ALT và AST cho thấy lượng enzyme mà gan giải phóng ra khi đáp ứng với tổn hại hoặc bệnh tật. Chỉ số albumin chỉ ra mức độ albumin mà gan sản sinh ra còn chỉ số bilirubin đo khả năng xử lý bilirubin của gan. ALP là chỉ số giúp để đánh giá hệ thống ống dẫn mật của gan.
Khi có sự bất thường ở bất kỳ chỉ số nào thì cũng phải theo dõi, đánh giá thêm nhằm xác định nguyên nhân của vấn đề. Chỉ cần có một chỉ số tăng nhẹ thôi cũng có thể là dấu hiệu của bệnh gan.
Xét nghiệm chức năng gan gồm những gì?
Các xét nghiệm chức năng gan được thực hiện nhằm đo định lượng một số enzyme và protein có trong máu. Nồng độ cao hơn hoặc thấp hơn mức bình thường của các enzyme hoặc protein này có thể chỉ ra vấn đề với gan.
Một số xét nghiệm chức năng gan phổ biến gồm có:
Xét nghiệm alanine transaminase (ALT)
Alanine transaminase (ALT) là một loại enzyme được cơ thể sử dụng để chuyển hóa protein. Nếu gan bị tổn thương và không hoạt động bình thường, ALT sẽ được giải phóng vào máu và dẫn đến nồng độ ALT tăng cao.
Do đó, chỉ số ALT cao hơn bình thường có thể là dấu hiệu cho thấy gan bị tổn thương.
Theo Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ (ACG), khi chỉ số ALT trên 25 IU/L ở nữ và trên 33 IU/L ở nam thì sẽ cần kiểm tra, đánh giá thêm.
Xét nghiệm aspartate aminotransferase (AST)
Aspartate aminotransferase (AST) là một loại enzyme có trong một số bộ phận của cơ thể, bao gồm tim, gan và cơ. Khi gan bị tổn thương, AST được giải phóng vào máu. Chỉ số AST cao có thể chỉ ra vấn đề về gan hoặc cơ bắp. Tuy nhiên, vì nồng độ AST không liên quan trực tiếp đến tình trạng gan như ALT nên thường phải kết hợp cả xét nghiệm ALT để kiểm tra chính xác các vấn đề về gan.
Giới hạn bình thường của chỉ số AST thường là 40 IU/L ở người lớn nhưng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì có thể cao hơn.
Xét nghiệm alkaline phosphatase (ALP)
Alkaline phosphatase (ALP) là một loại enzyme có trong trong xương, ống mật và gan. Xét nghiệm ALP thường được thực hiện kết hợp với một số xét nghiệm khác.
Nồng độ ALP cao là dấu hiệu của viêm gan, tắc nghẽn đường mật hoặc bệnh về xương.
Trẻ em và thanh thiếu niên thường có chỉ số ALP cao hơn người trưởng thành vì xương vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển. Chỉ số này cũng tăng cao hơn bình thường trong thai kỳ. Giới hạn bình thường của chỉ số ALP là 120 U/L ở người lớn.
Xét nghiệm albumin
Albumin là loại protein chính được gan tạo ra. Albumin thực hiện nhiều chức năng quan trọng như:
- Ngăn chất lỏng trong máu rò rỉ ra khỏi mạch máu
- Nuôi dưỡng các mô
- Vận chuyển hormone, vitamin và các chất khác trong khắp cơ thể
Xét nghiệm albumin cho biết mức độ mà gan đang tạo ra loại protein đặc biệt này. Phạm vi bình thường của chỉ số albumin là 3,5 - 5.0g/dL. Chỉ số albumin thấp có nghĩa là gan đang không hoạt động bình thường. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến cho chỉ số albumin ở mức thấp cũng có thể là do thiếu hụt dinh dưỡng, bệnh thận, nhiễm trùng và viêm.
Xét nghiệm bilirubin
Bilirubin là một sản phẩm từ quá trình thoái hóa các tế bào hồng cầu và chất này thường được xử lý bởi gan trước khi được bài tiết ra ngoài qua phân.
Khi bị tổn thương, gan sẽ không thể xử lý bilirubin một cách bình thường được. Điều này dẫn đến nồng độ bilirubin trong máu tăng cao bất thường. Xét nghiệm bilirubin cho kết quả ở mức cao có thể cho thấy rằng chức năng gan đang có vấn đề.
Phạm vi bình thường của chỉ số bilirubin thường là 0,1 - 1,2mg/dL. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mà chức năng gan hoàn toàn bình thường nhưng chỉ số bilirubin vẫn cao do một số bệnh di truyền.
Các biểu hiện của bệnh lý về gan
Khi gan có vấn đề, cơ thể sẽ có những triệu chứng phổ biến như:
- Suy nhược cơ thể
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng
- Sụt cân
- Da và lòng trắng mắt ngả vàng (vàng da)
- Ứ dịch trong ổ bụng, được gọi là cổ trướng
- Chất thải có màu bất thường (nước tiểu sẫm màu hoặc phân nhạt màu)
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Tiêu chảy
- Đau bụng
- Bầm tím hoặc chảy máu bất thường
Khi nhận thấy các triệu chứng này, bạn nên đi xét nghiệm kiểm tra chức năng gan để phát hiện vấn đề. Nếu đã được chẩn đoán bệnh về gan thì vẫn cần đi xét nghiệm thường xuyên để theo dõi sự tiến triển của bệnh và hiệu quả của các phương pháp điều trị cũng như là tác dụng phụ của một số loại thuốc.
Chuẩn bị trước xét nghiệm
Một số loại thuốc và thực phẩm có thể làm thay đổi nồng độ các enzyme và protein trong máu nên cần tạm thời ngừng trong một thời gian trước khi làm xét nghiệm. Trước khi đến bệnh viện làm xét nghiệm chức năng gan, bạn nên uống nhiều nước và mặc áo có tay rộng, dễ xắn lên để bác sĩ lấy máu.
Quy trình xét nghiệm chức năng gan
Bước đầu tiên trong xét nghiệm chức năng gan là lấy mẫu máu. Quy trình thực hiện như sau:
- Xác định vị trí lấy máu và sát trùng để loại bỏ vi sinh vật bám trên da và tránh nhiễm trùng.
- Quấn dây garo trên vị trí lấy máu để làm nổi tĩnh mạch.
- Dùng kim tiêm để lấy mẫu máu từ cánh tay.
- Sau khi lấy đủ máu, tháo dây garo, rút kim và đặt bông lên trên vị trí đâm kim.
- Sau đó, mẫu máu được gửi đến phòng thí nghiệm để tiến hành xét nghiệm.
Sau xét nghiệm chức năng gan
Sau khi hoàn tất quy trình lấy máu xét nghiệm, bạn sẽ có thể tiếp tục sinh hoạt như bình thường. Tuy nhiên, nếu gặp hiện tượng choáng hoặc xây xẩm sau khi lấy máu thì nên ngồi nghỉ một lúc trước khi rời bệnh viện.
Kết quả của các xét nghiệm này có thể sẽ không đủ để xác định chính xác vấn đề của gan hay mức độ tổn thương gan nhưng sẽ giúp bác sĩ biết được bước tiếp theo cần làm là gì. Khi có kết quả, bác sĩ sẽ đọc, chẩn đoán và yêu cầu làm thêm các xét nghiệm khác nếu cần thiết.
Nói chung, nếu kết quả cho thấy có vấn đề bất thường với chức năng gan thì bác sĩ sẽ dựa trên các loại thuốc và bệnh sử của bạn để xác định nguyên nhân và có cách khắc phục.
Ví dụ, nếu bạn uống nhiều rượu thì sẽ phải ngừng uống còn nếu men gan tăng cao do tác dụng phụ của một loại thuốc thì cần ngừng thuốc.
Có thể bạn sẽ cần làm thêm các xét nghiệm viêm gan, nhiễm trùng hoặc các bệnh khác cũng ảnh hưởng đến gan và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm hoặc cắt lớp vi tính (CT scan). Ngoài ra có thể cũng cần tiến hành sinh thiết gan để đánh giá tình trạng xơ hóa, bệnh gan nhiễm mỡ hoặc các bệnh lý khác về gan.
Rủi ro của xét nghiệm chức năng gan
Lấy máu là kỹ thuật đơn giản, được thực hiện rất phổ biến và hiếm khi gây ra bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, trong một số rất ít trường hợp, lấy mẫu máu có thể gây:
- Chảy máu dưới da hay tụ máu
- Chảy máu quá nhiều
- Ngất xỉu
- Nhiễm trùng
Đây đều là những vấn đề rất hiếm khi xảy ra .