1

Xơ Gan

Xơ gan là gì?

Xơ gan là bệnh xảy ra khi các mô khỏe mạnh của gan dần bị thay thế bằng mô sẹo và không thể hoạt động bình thường. Xơ gan là giai đoạn đầu của quá trình hình thành sẹo trong gan. Sau đó, khi mô sẹo hình thành quá mức thì lúc này bệnh chuyển sang giai đoạn cuối, được gọi là xơ gan mất bù.

Mặc dù nhiều nghiên cứu trên động vật đã cho thấy khả năng tự tái tạo hoặc tự chữa lành của gan nhưng một khi gan người bị tổn thương thì thường không tự lành lại được. Tuy nhiên, các loại thuốc hiện nay và một số thay đổi về lối sống có thể ngăn tình trạng xơ hóa gan tiến triển nặng hơn.

Các giai đoạn của xơ gan

Có một số cách phân loại giai đoạn xơ hóa gan khác nhau và bác sĩ sẽ dựa vào đó để xác định mức độ tổn thương gan. Vì các giai đoạn bệnh ở mỗi người tiến triển không hoàn toàn giống nhau nên mỗi cách phân loại đều có những điểm hạn chế nhất định. Mặc dù cùng ở một giai đoạn nhưng gan người này có thể bị xơ hóa nặng hơn một chút so với người khác. Tuy nhiên, xác định giai đoạn xơ gan vẫn là điều cần thiết để bác sĩ cũng như là bệnh nhân biết được mức độ mà gan đã bị tổn hại và từ đó có cách điều trị hiệu quả.

Một trong những cách phân loại độ xơ hóa gan phổ biến nhất là theo hệ thống Metavir. Hệ thống này sử dụng thang điểm để xác định mức độ hoạt động của sự xơ hóa và đánh giá giai đoạn xơ hóa hiện tại của gan. Bác sĩ sẽ xác định số điểm bằng phương pháp sinh thiết gan và đối chiếu với thang điểm. Theo hệ thống này, có 4 mức độ hoạt động của sự xơ hóa, từ A0 đến A3:

  • A0: không hoạt động
  • A1: hoạt động nhẹ
  • A2: hoạt động ở mức vừa
  • A3: hoạt động mạnh

Và có 5 giai đoạn xơ hóa, từ F0 đến F4:

  • F0: không bị xơ hóa
  • F1: xơ hóa nhẹ - xơ hóa khoảng cửa và chưa có dải xơ
  • F2: xơ hóa khoảng cửa và đã có vài dải xơ
  • F3: có nhiều dải xơ nhưng gan chưa bị chai (xơ gan mất bù)
  • F4: xơ gan mất bù

Do đó, theo hệ thống phân loại Metavir, bệnh nặng nhất ở giai đoạn A3, F4.

Một hệ thống chia giai đoạn khác là Batts và Ludwig. Hệ thống này phân chia quá trình xơ hóa theo 4 cấp độ từ 1 đến 4, trong đó cấp 4 là nghiêm trọng nhất. Hiệp hội Nghiên cứu Gan Quốc tế (IASL) cũng có một hệ thống phân loại với 4 giai đoạn từ viêm gan mạn tính tối thiểu đến viêm gan mạn tính nghiêm trọng.

Các triệu chứng của bệnh xơ gan

Bác sĩ thường không thể chẩn đoán xơ gan ở giai đoạn nhẹ đến vừa vì ở những giai đoạn này, bệnh xơ gan thường không gây ra các triệu chứng.

Nhưng khi bệnh chuyển nặng thì sẽ biểu hiện các triệu chứng như:

  • Mất cảm giác ngon miệng khi ăn
  • Đầu óc không minh mẫn, khó tư duy rõ ràng
  • Tích tụ chất lỏng ở chân hoặc bụng
  • Vàng da (da và tròng trắng mắt chuyển màu vàng)
  • Buồn nôn
  • Sụt cân đột ngột
  • Suy nhược

Theo một nghiên cứu, khoảng 6 - 7% dân số thế giới bị xơ gan mà không hề hay biết do không có triệu chứng.

Các nguyên nhân gây xơ gan

Xơ hóa gan là tình trạng thường xảy ra sau khi gan bị tổn thương hoặc viêm. Khi tổn thương, các tế bào gan sẽ bắt đầu quá trình tự chữa lành vết thương. Trong quá trình này, các loại protein như collagen và glycoprotein thừa sẽ tích tụ lại trong gan. Sau nhiều lần như vậy, các tế bào gan sẽ mất khả năng tự phục hồi và lượng protein thừa sẽ hình thành nên mô sẹo, xơ.

Một số loại bệnh gan cũng có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng xơ hóa như:

  • Viêm gan tự miễn
  • Tắc mật
  • Thừa sắt
  • Các bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, bao gồm gan nhiễm mỡ không do rượu đơn thuần (NAFL) và viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH)
  • Viêm gan siêu vi B và C
  • Bệnh gan do rượu

Theo tạp chí y khoa The Lancet, nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh xơ gan là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) và đứng thứ hai là bệnh gan do rượu.

Chẩn đoán xơ gan

Sinh thiết gan

Sinh thiết gan được coi là phương pháp xét nghiệm tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh xơ gan. Đây là thủ thuật xâm lấn trong đó bác sĩ sẽ dùng kim dài để lấy một mẫu mô từ gan Sau đó, mẫu mô này được đưa đến phòng thí nghiệm để các chuyên gia phân tích và phát hiện sự hiện diện của mô sẹo.

Siêu âm đàn hồi thoáng qua

Một phương pháp khác để chẩn đoán xơ gan là siêu âm đàn hồi thoáng qua (transient elastography). Đây là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng âm thanh tần số thấp để đo độ cứng của mô gan. Khi một người bị xơ gan, các mô sẹo sẽ làm cho gan cứng lại. Tuy nhiên, đôi khi phương pháp này cho kết quả dương tính giả, có nghĩa là kết quả siêu âm cho thấy mô gan bị cứng nhưng kết quả sinh thiết lại không phát hiện thấy mô xơ trong gan.

Các xét nghiệm không xâm lấn

Ngoài hai phương pháp kể trên, bác sĩ có thể còn thực hiện thêm các xét nghiệm khác không xâm lấn để xác định xơ gan. Đó là các xét nghiệm máu và thường được thực hiện trong những trường hợp đã được chẩn đoán viêm gan C mạn tính từ trước, đây là những người có nguy cơ cao bị xơ gan.

Bên cạnh đó còn có các phương pháp xét nghiệm cần tính toán phức tạp, chẳng hạn như chỉ số APRI (chỉ số tỉ lệ AST/tiểu cầu) hoặc xét nghiệm FibroSURE (đo 6 dấu ấn chức năng gan khác nhau, đưa vào công thức rồi đối chiếu điểm số nhằm xác định tình trạng tổn hại của gan). Tuy nhiên, không thể xác định giai đoạn xơ hóa gan dựa trên các phương pháp xét nghiệm này.

Các phương pháp điều trị

Tùy theo nguyên nhân gây xơ gan mà sẽ có cách điều trị thích hợp. Nếu nguyên nhân là do một vấn đề khác về gan thì sẽ cần điều trị vấn đề đó trước để giảm ảnh hưởng lên gan. Ví dụ, nếu nguyên nhân là bệnh gan do rượu thì người bệnh cần ngừng uống rượu hoặc thực hiện các biện pháp hỗ trợ cai rượu trong trường hợp không thể tự cai. Nếu là bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu thì sẽ cần thay đổi chế độ ăn uống để giảm cân và kết hợp dùng thuốc để kiểm soát lượng đường trong máu. Tập thể dục và giảm cân cũng có tác dụng trì hoãn sự tiến triển của bệnh.

Bên cạnh đó, người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc chống xơ hóa – các loại thuốc đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm khả năng hình thành sẹo trong gan. Tùy theo nguyên nhân gây xơ gan và tình trạng bệnh của từng người mà bác sĩ sẽ kê loại thuốc cụ thể. Ví dụ:

  • Đối với bệnh gan mạn tính: dùng thuốc ức chế men chuyển, chẳng hạn như benazepril, Lisinopril và ramipril
  • Đối với viêm gan siêu vi C: dùng a-Tocopherol hoặc interferon-alpha
  • Đối với viêm gan nhiễm mỡ không do rượu: dùng chất chủ vận PPAR-alpha

Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiến hành nhiều thử nghiệm nhằm tìm ra loại thuốc có thể đảo ngược hay phục hồi lại những tác động của bệnh xơ gan lên lá gan nhưng hiện tại thì vẫn chưa có loại thuốc nào làm được điều này.

Nếu bệnh xơ gan tiến triển nặng đến mức phần lớn gan bị thay bằng mô sẹo (xơ gan giai đoạn cuối) và không còn hoạt động được thì giải pháp duy nhất lúc này là phẫu thuật ghép gan. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp và đủ điều kiện trải qua ca phẫu thuật này.

Biến chứng

Biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh xơ gan là xơ gan mất bù. Tuy nhiên, thường phải qua một thời gian rất dài, thường là 10 – 20 năm thì xơ gan mới tiến triển sang giai đoạn này.

Gan là cơ quan vô cùng quan trọng đối với cơ thể vì chịu trách nhiệm lọc các chất có hại trong máu và thực hiện nhiều chức năng quan trọng khác. Nếu tình trạng gan bị xơ hóa tiến triển thành xơ gan mất bù và suy gan thì sẽ tiếp tục dẫn đến các biến chứng như:

  • Cổ trướng (tích tụ dịch nghiêm trọng trong ổ bụng)
  • Bệnh não gan (do tích tụ chất độc gây hại cho não bộ)
  • Hội chứng gan thận
  • Tăng áp tĩnh mạch cửa
  • Giãn vỡ tĩnh mạch gây xuất huyết

Mỗi một biến chứng này đều có thể gây tử vong.

Xơ gan là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Do đó, cần chẩn đoán và điều trị bệnh càng sớm càng tốt trước khi tiến triển sang giai đoạn nghiêm trọng. Vì xơ gan không phải lúc nào cũng có dấu hiệu cảnh báo nên cần đi khám định kỳ ngay cả khi không phát hiện điều bất thường, nhất là những người có nguy cơ cao như thừa cân hoặc nghiện rượu nặng.

 

Tìm hiểu thêm về:

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Video Xơ Gan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây