1

Sỏi Mật

Túi mật

Túi mật là một cơ quan rỗng hình quả lê nằm dưới gan và ở phía bên phải của ổ bụng. Chức năng chính của túi mật là cô đặc và tích trữ dịch mật - một loại enzyme tiêu hóa màu vàng xanh do gan sản sinh. Túi mật là một phần của đường mật.

Túi mật là nơi chứa lượng mật chưa được sử dụng đến cho quá trình tiêu hóa. Lớp lót bên trong của túi mật có tác dụng cô đặc dịch mật. Khi thức ăn đi vào ruột non, một loại hormone có tên là cholecystokinin sẽ được giải phóng, báo cho túi mật co bóp và đẩy dịch mật vào ruột non thông qua ống mật chủ.

Mật hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa bằng cách phân hủy chất béo. Ngoài ra, dịch mật còn đóng vai trò dẫn chất thải ra từ gan vào tá tràng - một phần của ruột non.

Sỏi mật là gì?

Túi mật là một cơ quan nhỏ nằm bên dưới gan ở vùng bụng trên bên phải. Đó là một túi lưu trữ mật - một chất dịch màu vàng xanh hỗ trợ sự tiêu hóa. Tình trạng thừa cholesterol, bilirubin hoặc muối mật sẽ làm hình thành sỏi mật. Sỏi mật là những cục nhỏ, cứng bên trong túi mật được hình thành do các thành phần trong dịch mật kết tinh, mà phổ biến nhất là do lượng cholesterol trong túi mật tăng cao. Một người bị sỏi mật hiếm khi phát hiện thấy bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi sỏi mật đạt đến một kích thước nhất định hoặc khi sỏi mật làm tắc nghẽn các ống dẫn mật. Phẫu thuật cắt túi mật là cách phổ biến nhất để điều trị sỏi mật.

Hầu hết sỏi mật hình thành khi có quá nhiều cholesterol trong mật.

soi mat

Nguyên nhân gây sỏi mật

Theo số liệu thống kê, 80% sỏi mật được tạo nên từ cholesterol, 20% còn lại được hình thành từ muối canxi và bilirubin.

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này.

Mật có quá nhiều cholesterol

Lượng cholesterol trong mật tăng quá cao sẽ dẫn đến hình thành sỏi cholesterol màu vàng trong túi mật. Những viên sỏi cứng này sẽ phát triển to lên nếu lượng cholesterol mà gan tạo ra tiếp tục vượt quá lượng cholesterol mà mật có thể xử lý.

Thừa bilirubin trong mật

Bilirubin là một chất được sản sinh ra trong quá trình gan phá hủy các tế bào hồng cầu cũ. Một số vấn đề, chẳng hạn như tổn thương gan và một số bệnh về máu, khiến gan sản sinh ra nhiều bilirubin hơn mức cần thiết. Khi túi mật không thể phân hủy lượng bilirubin thừa, sỏi mật sẽ hình thành. Những viên sỏi túi mật do nguyên nhân này thường có màu nâu sẫm hoặc đen.

Ứ đọng dịch mật

Túi mật cần giải phóng được hết dịch mật mới có thể duy trì trạng thái khỏe mạnh và thực hiện chức năng một cách bình thường. Nếu không, dịch mật sẽ ứ lại và trở nên quá đặc, dần dần sẽ dẫn đến hình thành sỏi túi mật.

Các yếu tố nguy cơ

Rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ sỏi mật đều có liên quan đến chế độ ăn uống và có thể điều chỉnh được nhưng bên cạnh đó cũng có một số yếu tố không thể kiểm soát, ví dụ như tuổi tác, chủng tộc, giới tính hay tiền sử gia đình.

Các yếu tố nguy cơ về lối sống:

  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Chế độ ăn nhiều chất béo, hàm lượng cholesterol cao và ít chất xơ
  • Giảm cân quá nhanh trong một thời gian ngắn

Các yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát:

  • Là phụ nữ
  • Có tiền sử gia đình bị sỏi mật
  • Trên 60 tuổi

Yếu tố nguy cơ về tình trạng sức khỏe:

  • Bị xơ gan
  • Đang mang thai
  • Đang dùng một số loại thuốc giảm cholesterol
  • Dùng thuốc có hàm lượng estrogen cao
  • Bị đái tháo đường

Mặc dù một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ sỏi mật nhưng không được tự ý ngừng bất cứ loại thuốc nào mà cần hỏi ý kiến bác sĩ trước.

Triệu chứng sỏi mật

Sỏi mật thường gây đau ở vùng bụng trên bên phải, đặc biệt là những khi ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo, chẳng hạn như đồ chiên rán. Các cơn đau thường kéo dài trong thời gian tối đa một vài giờ.

Ngoài ra, khi bị sỏi mật, bạn sẽ còn gặp phải các triệu chứng khác như:

  • Buồn nôn
  • Ói mửa
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Phân trắng, nhạt màu
  • Đầy hơi, trướng bụng
  • Tiêu chảy
  • Khó tiêu

Sỏi mật không triệu chứng

Bản thân sỏi mật không gây đau. Các cơn đau xảy đến khi sỏi mật gây tắc nghẽn và ngăn cản dịch mật chảy ra từ túi mật.

Theo Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ, 80% số người bị sỏi mật không hề biết mình bị bệnh do không cảm thấy bị đau hay bất kỳ triệu chứng nào. Trong những trường hợp này, bệnh thường chỉ được phát hiện khi chụp X-quang hoặc trong khi phẫu thuật ổ bụng vì những lí do khác.

Biến chứng và nguy cơ về lâu dài

Viêm túi mật cấp

Khi sỏi mật chặn ống dẫn mật và cản trở mật được giải phóng ra từ túi mật, túi mật sẽ bị viêm và nhiễm trùng. Tình trạng này được gọi là viêm túi mật cấp và cần có biện pháp can thiệp ngay lập tức.

Nguy cơ sỏi mật có triệu chứng phát triển thành viêm túi mật cấp là từ 1 đến 3%.

Các triệu chứng của viêm túi mật cấp gồm có:

  • Đau dữ dội ở vùng bụng trên hoặc vùng giữa lưng bên phải
  • Sốt
  • Cảm giác ớn lạnh
  • Ăn không ngon
  • Buồn nôn và ói mửa

Nếu bị sốt hoặc các triệu chứng này kéo dài quá 1 đến 2 tiếng thì cần đến bệnh viện ngay.

Các biến chứng khác

Sỏi mật nếu không được điều trị thì còn có thể gây ra các biến chứng khác như:

  • Vàng da (da hoặc lòng trắng mắt chuyển màu vàng)
  • Viêm túi mật (túi mật bị nhiễm trùng)
  • Viêm đường mật (các ống mật bị nhiễm trùng)
  • Nhiễm khuẩn huyết
  • Viêm tụy
  • Ung thư túi mật

Chẩn đoán sỏi mật bằng cách nào?

Đầu tiên, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám bao gồm kiểm tra mắt và da để phát hiện sự thay đổi về màu sắc. Da hoặc tròng trắng mắt ngả vàng là dấu hiệu của bệnh vàng da mà nguyên nhân là do có quá nhiều bilirubin trong cơ thể.

Ngoài ra còn cần làm các phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để bác sĩ có thể đánh giá tình trạng bên trong của cơ thể. Những phương pháp này gồm có:

  • Siêu âm: Siêu âm cho phép quan sát bên trong ổ bụng. Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được ứng dụng phổ biến để chẩn đoán các vấn đề về túi mật ví dụ như sỏi mật. Ngoài ra, siêu âm còn có thể cho thấy những dáu hiệu bất thường liên quan đến viêm túi mật cấp.
  • Chụp CT ổ bụng: Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này cho thấy hình ảnh của gan và vùng bụng.
  • Xạ hình túi mật: Quá trình xạ hình túi mật thường mất khoảng một tiếng. Đầu tiên, kỹ thuật viên tiêm một chất phóng xạ đặc biệt vào tĩnh mạch. Chất này sẽ đi theo máu đến gan và túi mật. Trên màn hình, nó sẽ cho thấy dấu hiệu nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn các ống dẫn mật do sỏi.
  • Xét nghiệm máu: Bạn sẽ cần làm cả xét nghiệm máu để đo lượng bilirubin trong máu. Các xét nghiệm này còn giúp kiểm tra chức năng gan.
  • Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Nội soi mật tụy ngược dòng là một kỹ thuật sử dụng máy ảnh và tia X để đánh giá các vấn đề trong ống mật và ống tụy. Kỹ thuật này giúp bác sĩ phát hiện sỏi mật đang mắc kẹt trong ống mật.

Điều trị sỏi mật

Phần lớn các trường hợp bị sỏi mật đều không cần điều trị trừ khi quá đau đớn. Nhiều người mắc sỏi mật và tự khỏi mà không hề hay biết. Trong trường hợp sỏi gây đau thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật hoặc dùng thuốc.

Nếu bạn có nguy cơ cao bị biến chứng phẫu thuật thì bác sĩ sẽ mổ nội soi kết hợp đặt dẫn lưu đường mật. Đây là phương pháp ít xâm lấn hơn so với phương pháp mổ hở truyền thống. Nếu bạn đang mắc phải một vấn đề về sức khỏe khác làm tăng rủi ro của ca phẫu thuật thì sẽ cần hoãn phẫu thuật để điều trị vấn đề đó trước.

Biện pháp điều trị tự nhiên và khắc phục tại nhà

Nếu có sỏi mật nhưng không có triệu chứng thì bạn có thể chỉ cần thực hiện theo một số lưu ý như sau:

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Tránh giảm cân quá nhanh
  • Bổ sung nhiều loại thực phẩm có đặc tính chống viêm như cà chua, rau xanh, trà xanh, quả bơ…
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Dùng thực phẩm chức năng theo hướng dẫn của bác sĩ

Một số loại viên uống bổ sung hay thực phẩm chức năng mà bạn nên dùng khi bị sỏi mật gồm có vitamin C, sắt và lecithin. Vitamin C và lecithin có thể làm giảm nguy cơ hình thành sỏi mật. Tuy nhiên, vẫn nên nói chuyện với bác sĩ về sản phẩm và liều lượng cụ thể trước khi dùng.

Phẫu thuật

Trong nhiều trường hợp, người bệnh cần phẫu thuật cắt túi mật nội soi. Đây là một quy trình phẫu thuật phổ biến được thực hiện dưới phương pháp gây mê toàn thân. Đầu tiên, bác sĩ sẽ tạo từ 3 - 4 vết mổ ở bụng, sau đó đưa thiết bị nội soi vào qua một trong các vết mổ và cẩn thận cắt bỏ túi mật.

Người bệnh thường có thể về nhà ngay trong ngày hoặc vào ngày hôm sau nếu không có biến chứng.

Sau khi cắt túi mật, có thể sẽ xảy ra hiện tượng đi ngoài phân lỏng hoặc nát. Nguyên nhân là bởi việc cắt bỏ túi mật sẽ làm thay đổi con đường mà dịch mật đi từ gan đến ruột non. Mật không còn đi qua túi mật mà được giải phóng trực tiếp từ gan vào ruột non nên không được cô đặc như trước. Điều này là nguyên nhân gây ra hiện tượng tiêu chảy. Để khắc phục hiện tượng này, bạn nên giảm bớt lượng chất béo có trong chế độ ăn để gan tiết ra ít dịch mật hơn.

Phương pháp điều trị không phẫu thuật

Dùng thuốc là một trong những phương pháp điều trị không sỏi mật không cần phẫu thuật nhưng hiện nay, thuốc không còn được sử dụng phổ biến nữa vì nhờ có công nghệ nội soi và robot mà quy trình phẫu thuật đã an toàn hơn trước rất nhiều mà hiệu quả điều trị lại cao.

Tuy nhiên, trong những trường hợp không thể tiến hành phẫu thuật thì bác sĩ vẫn sẽ kê thuốc ví dụ như ursodiol (Actigall, Urso) để làm tan sỏi mật do cholesterol. Người bệnh sẽ cần dùng thuốc 2 đến 4 lần mỗi ngày. Có thể phải mất đến vài năm thuốc mới loại bỏ được hết sỏi mật nhưng đôi khi sỏi mật vẫn có thể hình thành trở lại sau khi ngừng điều trị.

Một lựa chọn điều trị khác là tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích. Phương pháp này sử dụng một thiết bị tạo ra sóng xung kích đi vào cơ thể nhằm phá vỡ sỏi mật thành những mảnh nhỏ.

Chế độ ăn

Để cải thiện tình trạng bệnh và giảm nguy cơ hình thành sỏi mật, người bệnh cần lưu ý về chế độ ăn như sau:

  • Giảm lượng chất béo trong khẩu phần ăn mỗi ngày, tránh các loại thực phẩm nhiều chất béo, dầu mỡ và đồ chiên rán.
  • Bổ sung thêm chất xơ vào chế độ ăn nhưng nên thêm từ từ, không tăng đột ngột để tránh bị đầy hơi.
  • Tránh các loại thực phẩm và đồ uống có thể gây tiêu chảy.
  • Ăn nhiều bữa nhỏ mỗi ngày. Bằng cách này, cơ thể có thể tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn.
  • Uống đủ nước, khoảng 6 đến 8 ly mỗi ngày.

Nếu cần giảm cân thì nên giảm từ từ. Không nên giảm quá 1kg mỗi tuần. Việc giảm cân quá nhanh sẽ làm tăng nguy cơ sỏi mật và các vấn đề về sức khỏe khác.

Triển vọng điều trị

Nếu phẫu thuật cắt túi mật hoặc loại bỏ sỏi trong túi mật thì triển vọng thường khá tích cực. Đa phần thì sau khi bị loại bỏ, sỏi đều không quay trở lại.

Tuy nhiên, nếu điều trị bằng các phương pháp không phẫu thuật ví dụ như dùng thuốc làm tan sỏi thì sỏi mật có thể hình thành trở lại.

Còn nếu bạn không gặp phải triệu chứng nào thì không cần phải điều trị nhưng vẫn nên thay đổi lối sống để ngăn chặn sỏi phát triển to lên và gây ra vấn đề không mong muốn.

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Video Sỏi Mật

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây