Trứng Hết Hạn Có Ăn Được Không?
Trứng là loại thực phẩm chính trong bữa ăn của nhiều gia đình vì trứng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein mà giá cả lại rẻ hơn so với nhiều loại thực phẩm khác. Thêm nữa, trứng có thể làm thành nhiều món khác nhau, phù hợp với tất cả các bữa ăn trong ngày và thời gian chế biến lại nhanh chóng. Vì những lý do này nên gần như gia đình nào cũng có sẵn vài quả trứng trong tủ lạnh.
Tuy nhiên, đôi khi do không ăn đến hoặc do có quá nhiều trứng mà những quả trứng phải nằm trong tủ lạnh lâu hơn bình thường. Lúc này, nhiều người sẽ băn khoăn không biết trứng hết hạn có ăn được không.
Trứng đóng hộp bán tại siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch đều có ghi “ngày sản xuất” và “hạn sử dụng”. Những thông tin này giúp chúng ta biết được trứng còn dùng được hay không.
Nhưng nếu được bảo quản đúng cách thì dù đã quá hạn sử dụng, trứng vẫn hoàn toàn có thể ăn được.
Mặt khác, trứng bị nhiễm vi khuẩn hoặc bảo quản không đúng cách có thể bị hỏng và chứa vi khuẩn gây hại cho sức khỏe, kể cả khi vẫn còn hạn sử dụng. Vì vậy, điều quan trọng là phải nhận biết được các dấu hiệu cho thấy trứng đã bị hỏng.
Bài viết này sẽ giải thích khi nào thì có thể ăn trứng hết hạn và cách bảo quản trứng để giữ được trong thời gian lâu nhất.
Trứng để được bao lâu?
Trứng còn nguyên vỏ nếu được bảo quản trong tủ lạnh sẽ để được trung bình 3 – 5 tuần. Sau khi mua về, nên rửa sạch trứng và lau khô trước khi cho vào tủ lạnh. (1)
So với các loại thực phẩm giàu protein dễ hỏng khác, trứng có thể để được lâu hơn đáng kể. Sữa tươi và thịt thường chỉ để được trong ngăn mát tủ lạnh tối đa 1 tuần.
Nếu như mua trứng ở ngoài chợ thì sẽ không biết được trứng có mới hay không và còn có thể để được trong tủ lạnh bao lâu nữa. Lúc này thì buộc phải dựa vào các dấu hiệu nhận biết và cách kiểm tra để xác định trứng có còn dùng được hay không.
Tuy nhiên, nếu là trứng đóng hộp có nhãn mác đầy đủ thì thường sẽ có ngày sản xuất và hạn sử dụng. Những thông tin này giúp chúng ta biết được trứng còn để được bao lâu.
Ngày sản xuất là ngày mà trứng được đẻ ra và nếu được xử lý, bảo quản đúng cách trong ngăn mát tủ lạnh, trứng thường để được từ 3 – 5 tuần tính từ ngày sản xuất.
Sau 5 tuần, độ tươi ngon của trứng sẽ giảm. Trứng có thể sẽ không còn mùi vị như ban đầu và màu sắc, kết cấu trứng cũng có sự thay đổi đôi chút. Càng để lâu thì chất lượng trứng sẽ càng giảm, ngay cả khi bảo quản trong tủ lạnh. Nhưng miễn là trứng không bị nhiễm vi khuẩn hoặc nấm mốc thì vẫn có thể tiếp tục để được thêm vài ngày hoặc thậm chí vài tuần nữa. Khi lấy trứng ra dùng thì cần quan sát kỹ vỏ trứng và để ý kết cấu cũng như là mùi của trứng. Nếu vỏ bị nứt hay có các dấu hiệu lạ như nhớt hoặc đập trứng ra bị loãng và có mùi thối thì phải vứt ngay.
Tóm tắt: Trứng có hạn sử dụng trung bình từ 3 – 5 tuần tính từ ngày trứng được đẻ ra. Nếu bảo quản đúng cách trong ngăn mát tủ lạnh, hầu hết trứng vẫn có thể ăn được sau 5 tuần, mặc dù chất lượng và độ tươi của trứng lúc này đã bắt đầu giảm.
Ăn trứng đã hết hạn sử dụng có sao không?
Khi bạn ăn trứng đã hết bạn thì có vấn đề gì không, sẽ gặp phải những nguy cơ gì. Cũng như những đối tượng nào không thể sử dụng. Hãy theo dõi tiếp nội dung bạn nhé!
Nguy cơ nhiễm khuẩn
Trứng đã quá hạn sử dụng vẫn ăn được, miễn là trứng được rửa sạch, bảo quản đúng cách và nấu chín trước khi ăn. So với trứng còn hạn sử dụng thì trứng đã quá hạn được vài ngày hoặc vài tuần cũng không có khác biệt nào lớn về mùi vị hay kết cấu.
Tuy nhiên, ăn những quả trứng đã bị hỏng hoặc bị nhiễm vi khuẩn như Salmonella sẽ gây hại cho sức khỏe, thậm chí là dẫn đến những vấn đề nguy hiểm.
Trứng là loại thực phẩm có nguy cơ nhiễm Salmonella rất cao. Salmonella là một loại vi khuẩn sống trong ruột động vật và con người, được thải ra ngoài qua phân. Con người thường bị nhiễm vi khuẩn này từ nước uống hoặc thực phẩm. Nhiễm khuẩn Salmonella (salmonellosis) ảnh hưởng đến đường ruột.
Những người bị nhiễm khuẩn Salmonella có thể không biểu hiện triệu chứng hoặc gặp các triệu chứng như sốt, nôn mửa, tiêu chảy và đau quặn bụng. Các triệu chứng này thường xuất hiện trong vòng 8 đến 72 giờ sau khi bị nhiễm vi khuẩn. Đa số người khỏe mạnh đều khỏi bệnh trong vòng vài ngày mà không cần đến các biện pháp điều trị đặc biệt nhưng trong một số trường hợp, nhiễm khuẩn Salmonella gây tiêu chảy kéo dài và khiến cơ thể mất nước nghiêm trọng đến mức cần phải cấp cứu. Nếu tình trạng nhiễm trùng lan ra ngoài đường ruột thì có thể gây nên các biến chứng đe dọa tính mạng.
Vi khuẩn Salmonella có thể tồn tại bên trong quả trứng hoặc ở trên bề mặt vỏ trứng. Vi khuẩn vẫn có thể tiếp tục sinh sôi phát triển ngay cả khi trứng được bảo quản ở nhiệt độ thấp.
Điều này có nghĩa là dù đã bảo quản trứng trong tủ lạnh thì vẫn có nguy cơ bị nhiễm khuẩn Salmonella khi ăn trứng nhưng nguy cơ này là không cao.
Cách tốt nhất để tránh bị nhiễm khuẩn từ trứng là luôn nấu chín trứng trước khi ăn. Nhiệt độ bên trong trứng phải đạt tối thiểu 71 độ C hay 160 độ F trong quá trình nấu. Nếu như không có nhiệt kế thực phẩm thì hãy nấu cho đến khi trứng chắc lại hoàn toàn, bên trong không còn nhão, ướt.
Những người không nên ăn trứng đã hết hạn
Một số người có nguy cơ nhiễm khuẩn Salmonella do ăn trứng cao hơn bình thường, gồm có trẻ nhỏ, người lớn tuổi và người đang mắc bệnh. Những nhóm đối tượng này không nên ăn trứng sống và trứng đã hết hạn sử dụng.
Ở hầu hết mọi người, tình trạng nhiễm khuẩn Salmonella đều tự khỏi và các triệu chứng thuyên giảm đáng kể chỉ sau vài ngày. Tuy nhiên, ở những nhóm có nguy cơ cao thì nhiễm khuẩn Salmonella lại là vấn đề đáng lo ngại vì có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa tính mạng và phải nhập viện điều trị.
Tóm tắt: Nếu trứng đã quá hạn sử dụng nhưng chưa hỏng thì vẫn có thể ăn được. Tuy nhiên, ăn trứng đã bị hỏng hoặc có chứa vi khuẩn có thể gây nhiễm khuẩn Salmonella.
Cách nhận biết trứng hỏng
Trứng đã quá hạn sử dụng không có nghĩa là đã bị hỏng.
Tuy nhiên, ngày sản xuất và hạn sử dụng ghi trên bao bì là thông tin hữu ích giúp chúng ta biết được trứng có còn tươi hay không.
Nếu trứng mới hết hạn được vài ngày cho đến một tuần và vẫn luôn được bảo quản trong tủ lạnh thì khả năng cao là trứng chưa bị hỏng, mặc dù chất lượng của trứng đã không còn được như lúc ban đầu.
Nếu trứng đã quá hạn sử dụng một thời gian dài thì cần phải thực hiện một số bước kiểm tra trước khi sử dụng.
Dưới đây là các cách đơn giản để nhận biết trứng đã hỏng hay vẫn còn dùng được:
- Ngửi thử: Trứng hỏng đều có mùi khó chịu đặc trưng, dù còn sống hay đã nấu chín. Đôi khi, chúng ta có thể ngửi thấy mùi bất thường ngay từ khi còn chưa đập trứng nhưng vẫn nên đập ra để kiểm chứng.
- Quan sát: Nếu vỏ trứng có vết nứt, chất nhầy hoặc mốc thì đó là những dấu hiệu cho thấy trứng đã bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm mốc và phải vứt ngay. Tương tự, lòng trắng hoặc lòng đỏ chuyển màu cũng là dấu hiệu của trứng đã hỏng.
- Dựa vào cảm giác: Nếu trứng không có các dấu hiệu kể trên nhưng bạn lại có cảm giác trứng đã bị hỏng thì tốt nhất hãy vứt đi và lấy quả khác.
Tóm tắt: Nếu bảo quản tốt thì trứng hết hạn vài ngày đến một tuần vẫn có thể ăn được. Nếu trứng đã hết hạn quá lâu thì cần kiểm tra bằng cách ngửi thử hoặc quan sát vỏ trứng và bên trong trứng. Một số dấu hiệu cho thấy trứng đã bị hỏng là có mùi hôi khó chịu, vỏ có vết nứt, chất nhầy hoặc mốc và lòng trắng, lòng đỏ bị đổi màu.
Cách bảo quản trứng tươi lâu
Giống như các loại thực phẩm khác, trứng không để được vĩnh viễn nhưng nếu làm sạch và bảo quản đúng cách thì trứng có thể để được khá lâu. Những phương pháp này cũng giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn.
Dưới đây là một số cách để giữ trứng tươi lâu nhất.
1. Bảo quản trong tủ lạnh
Cách bảo quản trứng tốt nhất là để trong tủ lạnh ở nhiệt độ khoảng 4 – 5°C (40°F). Không nên đông lạnh trứng còn nguyên vỏ vì các chất bên trong sẽ nở ra và làm vỡ lớp vỏ. (1)
Một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã cho thấy rằng bảo quản ở nhiệt độ thấp, ví dụ như trong ngăn mát tủ lạnh sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ trứng bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. (2)
Vì lý do này nên ở nhiều quốc gia, trứng sau khi được đẻ ra sẽ được rửa sạch và đưa vào bảo quản lạnh ngay lập tức, sau đó duy trì nhiệt độ thấp trong suốt quá trình vận chuyển và bày bán ở các siêu thị, cửa hàng. Người tiêu dùng được khuyến nghị đưa trứng vào tủ lạnh ngay sau khi mua về để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
Nên đặt trứng trong hộp kín và để ở phía bên trong tủ lạnh thay vì để ở cửa tủ vì cánh cửa thường là nơi ấm nhất và phải tiếp xúc nhiều nhất với không khí bên ngoài.
Khi để trứng trong tủ lạnh, không đặt bất cứ thứ gì nặng lên trên để tránh làm vỡ vỏ trứng và không đặt trứng cạnh thịt sống để hạn chế lây lan vi khuẩn.
Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục tìm những cách mới để giữ cho trứng không bị nhiễm Salmonella và các loại vi khuẩn khác, chẳng hạn như bọc trứng trong màng sinh học có nguồn gốc thực vật.
Tuy nhiên, cách hiệu quả và đơn giản nhất để giữ cho trứng tươi lâu là bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
2. Chọn trứng tiệt trùng
Trong quá trình tiệt trùng, trứng được xử lý nhiệt ở mức nhiệt độ vừa đủ để tiêu diệt vi khuẩn bên ngoài vỏ mà không làm chín trứng bên trong. Do đó, trứng tiệt trùng ít có nguy cơ chứa Salmonella hoặc các vi khuẩn khác hơn so với trứng thông thường.
Do đó, nếu có thể thì nên mua trứng tiệt trùng (pasteurized egg), đặc biệt là những người có nguy cơ nhiễm khuẩn cao như người đang mắc bệnh, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người lớn tuổi và người có hệ miễn dịch yếu.
Trứng tiệt trùng là lựa chọn an toàn hơn nhiều khi cần làm các món có trứng sống, chẳng hạn như sốt cocktail trứng sữa hay sốt hollandaise.
Tóm tắt: Tốt nhất nên bảo quản trứng trong ngăn mát tủ lạnh nhưng không để trứng ở cánh tủ và phải để cách xa thịt sống.
Tóm tắt bài viết
Một trong những ưu điểm của trứng so với nhiều loại thực phẩm khác là để được lâu. Khi bảo quản ở nhiệt độ thích hợp trong tủ lạnh, trứng có thể để được trong suốt nhiều tuần. Tuy nhiên, dù bảo quản trong tủ lạnh thì trứng vẫn có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Salmonella nên cần phải nấu chín kỹ trứng trước khi ăn.
>>> Xem thêm bài viết: 6 Lý Do Trứng Là Thực Phẩm Lành Mạnh Nhất Hành Tinh
Nói chung, ăn chay là chế độ ăn uống không có một số loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Gần như tất cả những người ăn chay đều không ăn thịt nhưng nhiều người thắc mắc ăn chay thì có thể ăn trứng hay không.
Trứng là một loại thực phẩm quen thuộc trong mỗi gia đình. Trứng có chứa hầu hết các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần nên được mệnh danh là loại thực phẩm bổ dưỡng nhất hành tinh. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ băn khoăn không biết có phải kiêng trứng khi mang thai hay không?
Những người bị bệnh gút cần kiêng một số loại thực phẩm để tránh làm tăng axit uric trong máu và gây ra cơn gút cấp. Vậy trứng có nằm trong danh sách những thực phẩm cần kiêng hay không?
Nghiên cứu cho thấy rằng ăn nhiều trứng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim mạch. Mặc dù mối liên hệ này không rõ ràng nhưng các nhà khoa học tin rằng thực phẩm có lượng cholesterol cao, đặc biệt là những thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như trứng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh này.
Đôi khi, trứng đập ra có đốm màu đỏ như máu. Nhiều người cho rằng không nên ăn những quả trứng này vì trứng đã bị hỏng. Điều này có đúng không và tại sao một số quả trứng lại bị như vậy?
- 0 trả lời
- 72 lượt xem
- 0 trả lời
- 666 lượt xem
dạ chào bác sĩ . em bé hiện tại sa được 37 tuần . cdxd chi có 55 , 2kg1 vây có bị hội chứng người lùn k ạ