Triglyceride cao nhưng cholesterol lại bình thường là dấu hiệu của bệnh gì?

Triglyceride và cholesterol đều là chất béo trong máu nhưng hai loại chất béo này không giống nhau.
Cơ thể cần cholesterol để xây dựng tế bào và sản xuất một số hormone. Cơ thể chuyển hóa lượng calo dư thừa thành triglyceride và lưu trữ trong các tế bào mỡ. Triglyceride được giải phóng để tạo năng lượng khi cần thiết.
Trong nhiều trường hợp, nồng độ triglyceride trong máu cao trong khi nồng độ cholesterol lại ở mức bình thường.
Ví dụ, nếu chế độ ăn có nhiều calo từ carbohydrate và đường chứ không phải từ thực phẩm chứa nhiều cholesterol thì mức triglyceride có thể tăng cao trong khi mức cholesterol vẫn bình thường. Các yếu tố về lối sống như hút thuốc và ít vận động cũng như các vấn đề sức khỏe như bệnh gan và bệnh tự miễn cũng có thể góp phần làm tăng mức triglyceride.
Nguyên nhân gây triglyceride cao trong khi cholesterol bình thường
Mức triglyceride cao trong khi mức cholesterol bình thường có thể là do nhiều nguyên nhân:
- Chế độ ăn: Chế độ ăn nhiều carbohydrate, chất béo bão hòa và nhiều calo có thể làm tăng triglyceride mà không làm tăng cholesterol. Nguyên nhân là do triglyceride được tạo ra để lưu trữ lượng calo dư thừa. Lượng calo dư thừa càng lớn thì cơ thể tạo ra càng nhiều triglyceride.
- Hút thuốc: Hút thuốc lá làm tăng nồng độ triglyceride. Hút thuốc làm giảm lượng lipoprotein mật độ cao (HDL) hay cholesterol tốt trong cơ thể. Điều này làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch (tích tụ chất béo trên thành động mạch) và còn có thể khiến cơ thể sản xuất quá nhiều triglyceride.
- Béo phì: Béo phì có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin, khiến cơ thể khó đốt cháy mỡ và sử dụng năng lượng từ calo. Điều này có thể làm tăng mức triglyceride.
- Ít vận động: Tập thể dục giúp đốt cháy calo và duy trì nồng độ triglyceride ở mức khỏe mạnh. Lối sống ít vận động sẽ làm tăng nguy cơ triglyceride cao.
- Uống nhiều rượu bia: Uống rượu làm tăng nồng độ một loại protein gan tên là lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL). Quá nhiều VLDL khiến cơ thể khó đốt cháy mỡ và làm tăng mức triglyceride.
- Bệnh gan: Những người mắc một số bệnh gan, chẳng hạn như bệnh gan nhiễm mỡ và xơ gan, có thể có chỉ số triglyceride cao trong khi cholesterol vẫn bình thường. Nguyên nhân là bởi những bệnh này làm thay đổi cách gan tạo ra và sử dụng triglyceride.
- Bệnh tự miễn: Cơ thể sản xuất nhiều triglyceride hơn để chống lại tình trạng viêm. Những người mắc các bệnh tự miễn như lupus và viêm khớp dạng thấp bị viêm mạn tính và điều này có thể dẫn đến mức triglyceride cao.
- Di truyền: Cách cơ thể tạo ra và kiểm soát mức triglyceride được quyết định một phần bởi di truyền. Một số bệnh di truyền, chẳng hạn như tăng chylomicron máu và rối loạn betalipoprotein máu có tính gia đình, khiến cơ thể khó phân hủy chất béo và điều hòa nồng độ triglyceride.
- Thuốc: Một số loại thuốc có thể làm tăng nồng độ triglyceride trong máu, ví dụ như thuốc nội tiết tố, steroid, retinoid, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị HIV và thuốc chẹn beta.
Tác hại của triglyceride cao
Triglyceride trong máu cao có thể gây nguy hiểm, ngay cả khi mức cholesterol không cao. Triglyceride cao có thể dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch, khiến cho động mạch cứng là hẹp lại. Xơ vữa động mạch có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như suy tim, đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Nồng độ triglyceride trong máu cao còn có thể gây viêm tụy (viêm tuyến tụy) với các triệu chứng như đau, buồn nôn và sụt cân. Nếu không được điều trị, viêm tụy có thể gây suy thận, ung thư tuyến tụy và các vấn đề nghiêm trọng khác.
Các cách giảm triglyceride
Thay đổi lối sống có thể làm giảm mức triglyceride. Nếu đã thay đổi lối sống mà chỉ số triglyceride vẫn cao thì sẽ phải dùng thuốc hoặc thực phẩm chức năng, chẳng hạn như statin, fibrate, niacin hoặc dầu cá.
Một số thay đổi về lối sống giúp làm giảm triglyceride:
- Bỏ thuốc lá. Hút thuốc làm tăng triglyceride và cai thuốc có thể đưa chỉ số triglyceride trở về mức bình thường.
- Uống ít rượu bia. Uống nhiều rượu bia khiến cơ thể khó sử dụng triglyceride để lấy năng lượng. Bỏ rượu bia hoặc giảm lượng rượu bia tiêu thụ sẽ giúp giảm mức triglyceride.
- Ăn ít đường và carbohydrate đơn giản. Lượng calo dư thừa từ đường và carbohydrate đơn giản sẽ làm tăng triglyceride trong máu. Giảm lượng carbohydrate trong chế độ ăn giúp làm giảm mức triglyceride.
- Giảm chất béo bão hòa. Để giảm triglyceride, bạn nên lựa chọn những thực phẩm chứa chất béo tốt, chẳng hạn như cá, quả bơ và các loại hạt thay vì thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Nếu bạn đang bị thừa cân thì cần cố gắng giảm cân. Giảm lượng calo nạp vào sẽ giúp giảm cân và giảm mức triglyceride. Nên kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống với tập thể dục để có hiệu quả giảm cân tốt nhất.
Tóm tắt bài viết
Triglyceride là một loại chất béo có trong máu. Cơ thể tạo ra triglyceride để lưu trữ lượng calo dư thừa.
Có nhiều yếu tố có thể làm tăng mức triglyceride mà không làm tăng cholesterol, gồm có các yếu tố về lối sống như chế độ ăn uống, thiếu vận động, hút thuốc và tiêu thụ nhiều rượu. Điều này cũng có thể là do các vấn đề sức khỏe như bệnh gan và bệnh tự miễn. Đôi khi, triglyceride trong máu cao là do dùng một số loại thuốc.
Thay đổi lối sống có thể làm giảm mức triglyceride, chẳng hạn như ăn uống lành mạnh, giảm cân nếu thừa cân và cai hoặc giảm uống rượu. Nếu thay đổi lối sống là chưa đủ thì có thể bạn sẽ phải dùng thuốc để giảm mức triglyceride.

Thay thế chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa bằng chất béo tốt và ăn nhiều trái cây, rau củ là cách hiệu quả để kiểm soát mức cholesterol và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Khi bạn có quá nhiều cholesterol, nó sẽ tích tụ trong các động mạch của bạn. Sự tích tụ này làm cho động mạch xơ cứng lại - một quá trình được gọi là xơ vữa động mạch.

Cholesterol là một loại chất béo có trong máu của bạn. Các tế bào cơ thể cần cholesterol, nó giúp cho màng ngoài của các tế bào ổn định.

Bệnh tim mạch ở nam giới có những triệu chứng và dấu hiệu gì khác so với nữ giới?