1

Tại sao suy thận gây tăng cân?

Suy thận có ảnh hưởng đến cân nặng. Suy thận có thể gây tích tụ nước trong cơ thể và điều này dẫn đến tăng cân. Mặt khác, ở những người bị thừa cân, giảm cân có thể làm giảm nguy cơ suy thận. Thay đổi lối sống, chế độ ăn uống và dùng thuốc có thể cải thiện sức khỏe thận.
Tại sao suy thận gây tăng cân? Tại sao suy thận gây tăng cân?

Thận là cặp cơ quan có hình hạt đậu nằm ở hai bên cột sống. Thận có chức năng lọc máu để loại bỏ chất thải, đồng thời đưa các chất dinh dưỡng và chất điện giải quan trọng trở lại các mô và kiểm soát sự cân bằng nước trong cơ thể.

Các vấn đề về thận có thể khiến cơ thể bị mất quá nhiều nước nhưng đồng thời cũng có thể gây ra tình trạng giữ nước. Đây là một trong những lý do tại sao suy thận lại ảnh hưởng đến cân nặng.

Bài viết dưới đây sẽ giải thích về mối liên hệ giữa suy thận và tăng cân cũng như những cách để khắc phục cả hai vấn đề này.

Suy thận là gì?

Suy thận là tình trạng thận không hoạt động bình thường. Suy thận được chia thành suy thận mạn tính và suy thận cấp tính. Suy thận cấp hay tổn thương thận cấp tính là khi chức năng thận bị giảm đột ngột, tạm thời, nguyên nhân có thể là do nhiễm độc hoặc mắc một số bệnh lý như nhiễm trùng. Suy thận mạn là tình trạng chức năng thận giảm từ từ, ngày càng nặng theo thời gian và thận bị tổn thương vĩnh viễn.

Suy thận có thể xảy ra do di truyền, một số bệnh lý hoặc chấn thương. Nguyên nhân phổ biến gây suy thận mạn là cao huyết áp và bệnh tiểu đường.

Nếu không được kiểm soát tốt, suy thận mạn sẽ dần tiến triển sang giai đoạn cuối. Lúc này, khả năng lọc máu của thận không còn đáp ứng được nhu cầu của cơ thể. Các giai đoạn sau của suy thận mạn có thể dẫn đến nhiều biến chứng. Người bệnh sẽ phải điều trị bằng phương pháp lọc máu hoặc ghép thận.

Kiểm soát các tình trạng gây tổn thương thận kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống cũng như lối sống sẽ giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh suy thận.

Tại sao suy thận có thể gây tăng cân?

Suy thận có thể gây tăng cân nhưng không giống như tăng cân do ăn quá nhiều hay lười vận động, tăng cân ở những người mắc bệnh suy thận thường là do tình trạng giữ nước.

Khi chức năng thận suy giảm, cơ quan này sẽ không loại bỏ được hết lượng nước dư thừa từ máu và các mô. Thận bị tổn thương không thể chuyển nước dư thừa thành nước tiểu, vì vậy nên lượng nước này sẽ tích tụ trong cơ thể thay vì được đào thải ra ngoài. Một lít nước nặng khoảng 1kg, do đó, một vài lít nước tích tụ trong cơ thể sẽ khiến cân nặng tăng lên nhanh chóng.

Khác với tăng cân do dư thừa calo (calo nạp vào lớn hơn calo tiêu hao), tăng cân do suy thận sẽ không cải thiện khi thay đổi thói quen ăn uống. Cân nặng sẽ chỉ giảm khi chức năng thận được cải thiện hoặc lượng nước dư thừa được loại bỏ bằng các phương pháp điều trị như lọc máu.

Béo phì có thể dẫn đến suy thận

Béo phì không trực tiếp gây suy thận. Tuy nhiên, béo phì sẽ góp phần gây ra các vấn đề khác có thể làm tăng nguy cơ suy thận.

Các nguyên nhân hàng đầu gây suy thận gồm có:

  • Bệnh tiểu đường
  • Cao huyết áp
  • Đột biến gen hoặc bệnh di truyền
  • Nhiễm trùng
  • Nhiễm độc hoặc tiếp xúc với hóa chất độc hại

Mặc dù béo phì không phải là nguyên nhân trực tiếp gây suy thận nhưng lại là một yếu tố góp phần gây ra nhiều vấn đề có thể dẫn đến suy thận như tiểu đường và cao huyết áp.

Lối sống ít vận động, chế độ ăn uống không cân bằng và các thói quen sống không lành mạnh khác có thể làm tăng nguy cơ mắc cả bệnh cao huyết áp và tiểu đường type 2, cả hai đều có thể làm tăng nguy cơ suy thận.

Giảm cân có giúp cải thiện chức năng thận không?

Nếu chỉ giảm cân thì sẽ không cải thiện được chức năng thận.

Kiểm soát bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp sẽ giúp ngăn thận tổn thương thêm và theo thời gian, chức năng thận có thể sẽ được cải thiện.

Mặc dù giảm cân không tác động trực tiếp đến chức năng thận nhưng giảm cân sẽ giúp cải thiện quá trình trao đổi chất và sức khỏe tổng thể.

Tăng cân xảy ra vào giai đoạn nào của suy thận?

Khi thận mất khả năng lọc máu, một số chất sẽ bắt đầu tích tụ trong cơ thể và gây hại, ví dụ như kali, natri và phốt pho. Đây vốn là những chất điện giải cần thiết nhưng khi tồn tại quá nhiều thì sẽ gây ra vấn đề.

Quá nhiều hoặc quá ít các khoáng chất và chất điện giải này có thể gây ra những thay đổi về huyết áp, nhịp tim và xáo trộn các quá trình quan trọng khác. Thừa hoặc thiếu các chất điện giải này còn có thể dẫn đến sự dịch chuyển chất lỏng cũng như góp phần khiến cho cơ thể bị mất nước hoặc giữ nước.

Khi bị tổn thương nghiêm trọng, thận sẽ mất khả năng loại bỏ nước dư thừa qua nước tiểu, lượng nước này sẽ tích tụ trong cơ thể và dẫn đến tăng cân. Tăng cân do tích nước phổ biến nhất ở giai đoạn 4 hoặc 5 của suy thận mạn.

Suy thận có gây sụt cân không?

Mặc dù người bị suy thận mạn ở các giai đoạn sau thường bị tăng cân do tích nước nhưng bệnh lý này cũng có thể gây sụt cân. Người bị suy giảm chức năng thận cần hạn chế một số loại thực phẩm, ví dụ như thực phẩm chứa nhiều kali hay protein. Nếu không biết điều chỉnh chế độ ăn uống cho cân bằng, người bệnh sẽ rất dễ bị thiếu hụt dinh dưỡng và điều này sẽ dẫn đến sụt cân. Ngoài ra, người bị suy thận còn được khuyến nghị giảm lượng nước uống. Điều này có thể khiến cơ thể bị mất nước và đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến sụt cân.

Phương pháp điều trị

Nếu mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp hoặc các bệnh lý khác gây suy giảm chức năng thận thì người bệnh sẽ phải điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống để ngăn ngừa thận bị tổn thương thêm.

Trong những trường hợp bị suy thận mạn, việc điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, mức độ hoạt động của thận và mức độ ảnh hưởng của tình trạng suy thận đến sức khỏe tổng thể.

Ở các giai đoạn đầu của suy thận mạn, phương pháp điều trị chính là dùng thuốc kiểm soát lượng đường trong máu, huyết áp và thuôc làm giảm tích nước. Khi sang đến giai đoạn 4 và giai đoạn cuối, người bệnh sẽ cần phải lọc máu.

Có hai hình thức lọc máu là chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng. Mục tiêu của cả hai hình thức là loại bỏ chất độc, chất thải và nước dư thừa ra khỏi cơ thể. Một giải pháp khác cho người bị suy thận mạn giai đoạn cuối là ghép thận nhưng có thể người bệnh sẽ phải lọc máu trong một thời gian dài trước khi đủ điều kiện ghép thận. Hơn nữa, việc tìm được thận phù hợp cũng không hề đơn giản.

Tóm tắt bài viết

Tăng cân là một vấn đề phổ biến ở những người mắc suy thận nghiêm trọng. Tuy nhiên, tăng cân ở người bị suy thận không phải do tích tụ mỡ thừa mà là do thận không còn khả năng chuyển chất thải và nước dư thừa thành thành nước tiểu, dẫn đến tích tụ nước trong cơ thể. Suy thận cũng có thể gây sụt cân, đặc biệt là khi người bệnh cần giảm lượng nước uống và kiêng một số loại thực phẩm.

Việc điều trị suy thận mạn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Các giai đoạn đầu có thể điều trị bằng cách thay đổi lối sống kết hợp dùng thuốc điều trị nguyên nhân gốc rễ gây suy thận. Nhưng khi sang giai đoạn cuối thì người bệnh sẽ phải lọc máu hoặc ghép thận.

Ở người bị thừa cân hoặc béo phì, giảm cân sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý như cao huyết áp và tiểu đường, nhờ đó phòng ngừa suy thận mạn.

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tại sao
Tin liên quan
Tại sao cao huyết áp làm tăng nguy cơ suy thận mạn?
Tại sao cao huyết áp làm tăng nguy cơ suy thận mạn?

Cao huyết áp là một vấn đề rất phổ biến. Cứ 8 người trên thế giới lại có một người bị cao huyết áp. Và cứ 10 người lại có một người bị suy thận mạn. Rất nhiều người mắc cả hai bệnh lý này. Trên thực tế, cao huyết áp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy thận mạn.

Ghép thận có những rủi ro nào?
Ghép thận có những rủi ro nào?

Ghép thận là một phương pháp phẫu thuật nhằm điều trị suy thận, giúp người bệnh không phải phụ thuộc lâu dài vào thiết bị lọc máu.

Suy thận có được dùng statin không?
Suy thận có được dùng statin không?

Ở những người bị suy thận và mắc bệnh tim, lợi ích của việc điều trị bằng statin có thể sẽ lớn hơn rủi ro. Tuy nhiên, phương pháp điều trị sẽ thay đổi theo từng giai đoạn của bệnh suy thận.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây