Tại sao lại bị đau ngực và nôn mửa?
Nôn là tình trạng dịch dạ dày trào ngược ra ngoài qua miệng. Trước khi bị nôn, bạn thường có cảm giác buồn nôn hoặc thấy khó chịu ở bụng.
Dưới đây là những điều bạn cần biết về tình trạng xuất hiện đồng thời cả hai triệu chứng này.
Nguyên nhân gây đau ngực và nôn là gì?
Đau ngực kèm nôn mửa có thể do nhiều vấn đề sức khỏe. Một số nguyên nhân phổ biến gồm:
Các tình trạng liên quan đến tim:
- đau tim
- đau thắt ngực
- bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ
- bệnh tim do tăng huyết áp
Nguyên nhân do vấn đề tiêu hóa:
- trào ngược axit hoặc GERD (trào ngược dạ dày thực quản)
- viêm loét dạ dàytá tràng
- sỏi mật
- thoát vị khe hoành thực quản
Nguyên nhân do sức khỏe tâm thần:
- rối loạn hoảng sợ
- lo lắng
- chứng sợ khoảng trống
Các nguyên nhân khác:
- thoát vị
- tăng huyết áp ác tính (tình trạng cấp cứu do tăng huyết áp)
- hội chứng cai rượu (AWD)
- ngộ độc khí CO
- nhiễm bệnh than
Khi nào cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế
Hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bạn nghĩ rằng mình bị đau ngực và nôn là do cơn đau tim. Gọi 115 hoặc các dịch vụ cấp cứu tại địa phương nếu gặp phải những triệu chứng đó cùng với các tình trạng:
- khó thở
- đổ mồ hôi
- chóng mặt
- khó chịu ở ngực với cơn đau lan đến hàm
- khó chịu ở ngực lan đến một cánh tay hoặc vai
Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn bị nôn hơn 2 ngày mà không đỡ hoặc tình trạng quá nặng đến mức không giữ được chất lỏng trong dạ dày (uống nước nhưng lại bị nôn ra ngay) sau 1 ngày. Bạn cũng nên đi khám bác sĩ ngay nếu bị nôn ra máu, đặc biệt là khi kèm theo chóng mặt hoặc thay đổi nhịp thở.
Hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế nếu bạn lo ngại về các triệu chứng mình gặp phải để được cấp cứu kịp thời.
Đau ngực và nôn mửa được chẩn đoán như thế nào?
Nếu bạn bị đau ngực và nôn mửa, trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ xem xét bệnh sử và hỏi về các triệu chứng khác mà bạn có thể gặp phải.
Các xét nghiệm có thể được sử dụng để chẩn đoán bao gồm chụp X-quang ngực và điện tâm đồ (ECG hoặc EKG).
Đau ngực và nôn được điều trị như thế nào?
Phương pháp điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra các triệu chứng bạn gặp phải. Ví dụ, nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh đau tim, có thể cần can thiệp ngay lập tức để thông lại mạch máu bị tắc hoặc phẫu thuật tim hở để khôi phục dòng máu.
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống nôn và buồn nôn, chẳng hạn như ondansetron (Zofran) và promethazine.
Trào ngược axit hoặc GERD có thể được điều trị bằng thuốc kháng axit hoặc thuốc giảm sản xuất axit dạ dày.
Nếu triệu chứng là do vấn đề lo âu, bác sĩ có thể kê thuốc chống lo âu để kiểm soát tình trạng này.
Xử trí đau ngực và nôn mửa tại nhà như thế nào?
- Bù nước: Nôn mửa có thể gây mất nước. Hãy uống từng ngụm nhỏ nước lọc hoặc dung dịch điện giải để tránh mất nước. Bạn cũng có thể áp dụng các mẹo ngăn ngừa buồn nôn và nôn ngay từ đầu.
- Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi có thể giúp giảm đau ngực. Nếu đau ngực là do lo âu thì bạn nên hít thở sâu và thực hiện các biện pháp giảm bớt căng thẳng.
Nếu không phải là trường hợp khẩn cấp, các phương pháp khắc phục này sẽ khá hiệu quả. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi điều trị đau ngực tại nhà để xác định xem liệu mình có cần được chăm sóc khẩn cấp hay không.
Làm thế nào để ngăn ngừa đau ngực và nôn mửa?
Thường thì bạn sẽ không thể ngăn ngừa được tình trạng đau ngực và nôn mửa, nhưng có thể giảm được nguy cơ mắc một số tình trạng là nguyên nhân gây ra các triệu chứng này. Ví dụ, ăn chế độ ăn ít chất béo để giảm các nguy cơ do sỏi mật. Hãy thực hiện các thói quen lành mạnh, chẳng hạn như tập thể dục và tránh hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc lá.
Một tình trạng hiếm gặp được gọi là cardiac cephalgia (đau đầu do thiếu máu cơ tim) có thể khiến bạn bị cả đau ngực và đau đầu. Các nguyên nhân khác dẫn đến việc xảy ra đồng thời cả hai triệu chứng này bao gồm tăng huyết áp, trầm cảm, lupus ban đỏ, bệnh Legionnaires, đau nửa đầu và xuất huyết dưới nhện (chảy máu dưới nhện).