1

Làm thế nào để phân biệt đau thắt ngực và cơn đau tim?

Đau thắt ngực là cảm giác khó chịu ở ngực xảy ra khi tim không nhận đủ máu, thường do tắc nghẽn động mạch vành. Cơn đau tim xảy ra khi dòng máu đến tim bị giảm nghiêm trọng hoặc bị cắt đứt, gây tổn thương hoặc hoại tử mô tim. Hiểu rõ điểm tương đồng và khác biệt giữa đau thắt ngực và cơn đau tim sẽ giúp bạn xử trí an toàn và chính xác khi thấy bản thân hay người khác gặp phải các triệu chứng.
Hình ảnh 28 Làm thế nào để phân biệt đau thắt ngực và cơn đau tim?

Làm sao để biết đau ngực là do đau thắt ngực mạn tính hay cơn đau tim?

Đau thắt ngực là cảm giác khó chịu ở ngực xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị giảm, khiến cơ tim không nhận đủ oxy và dưỡng chất để hoạt động hiệu quả. Cảm giác này có thể như ngực bị thắt chặt, bóp nghẹt hoặc áp lực.

Có hai loại đau thắt ngực chính: đau thắt ngực ổn định (đau thắt ngực mạn tính) và đau thắt ngực không ổn định.

  • Đau thắt ngực ổn định (đau thắt ngực mạn tính): Loại này có thể dự đoán được rằng sẽ xảy ra sau khi hoạt động ở một mức độ nhất định. Ví dụ, người được chẩn đoán đau thắt ngực ổn định có thể xuất hiện triệu chứng sau khi đi bộ đoạn đường dài.
  • Đau thắt ngực không ổn định: Đây là loại đau thắt ngực xuất hiện bất thường hoặc có những thay đổi so với các triệu chứng đau thắt ngực ổn định, chẳng hạn như xuất hiện với tần suất hoặc cường độ mạnh hơn, thậm chí khi vận động nhẹ hay lúc nghỉ ngơi. Ví dụ, người thường gặp triệu chứng sau khi đi bộ đường dài giờ đây có thể xuất hiện triệu chứng sau khi đi đoạn ngắn hoặc cả lúc không vận động.

Đau thắt ngực ổn định thường chỉ xảy ra vài lần trong một năm hoặc vài lần trong một tháng. Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy khoảng 1/5 người bị bệnh động mạch vành (CAD) bị đau thắt ngực ít nhất một lần mỗi tháng, và khoảng một nửa trong số họ bị đau ít nhất một lần mỗi tuần.

Đau thắt ngực không ổn định được điều trị giống như một trường hợp cấp cứu y tế.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo rằng bất kỳ cơn đau thắt ngực không ổn định nào cũng cần được điều trị như một trường hợp cấp cứu y tế, vì có thể đó là một cơn đau tim.

Cơn đau tim xảy ra khi có một động mạch vành bị tắc hoàn toàn, làm gián đoạn toàn bộ dòng máu đến tim. Các triệu chứng của cơn đau tim bao gồm:

  • Đau hoặc khó chịu ở ngực
  • Đau ở vai, cổ hoặc hàm
  • Đổ mồ hôi
  • Buồn nôn
  • Chóng mặt
  • Khó thở

Triệu chứng đau thắt ngực và đau tim có gì khác nhau?

Không dễ để xác định liệu đau ngực là do đau thắt ngực hay cơn đau tim, nhưng có một số đặc điểm quan trọng cần lưu ý để phân biệt hai tình trạng này:

Đau thắt ngực Cơn đau tim
Các cơn đau thường kéo dài vài phút (không quá 5 phút) Đau thường kéo dài hơn nửa giờ hoặc có thể lặp lại nhiều lần
Cơn đau thường giảm đi khi nghỉ ngơi và/hoặc dùng thuốc (đối với đau thắt ngực ổn định) Đau kéo dài liên tục hoặc ngày càng nặng hơn

Đau thắt ngực có phải là dấu hiệu sắp xảy ra cơn đau tim không?

Đau thắt ngực ổn định thường là dấu hiệu cho thấy động mạch vành bị hẹp, một tình trạng có thể dẫn đến cơn đau tim. Tuy nhiên, đau thắt ngực ổn định không phải lúc nào cũng cảnh báo cơn đau tim sắp xảy ra, nhưng nó làm tăng nguy cơ bị đau tim.

Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy những người bị bệnh động mạch vành (CAD) kèm theo đau thắt ngực sẽ có nguy cơ bị tái thông mạch vành, đột quỵ và suy tim cao hơn so với những người mắc CAD nhưng không đau thắt ngực.

Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2020 phát hiện rằng khoảng một nửa số người bị đau thắt ngực không bị tắc nghẽn động mạch vành (tình trạng khi động mạch vành lớn, động mạch cung cấp máu cho tim, bị tắc nghẽn đáng kể).

Nhiều người trong nhóm nghiên cứu này gặp vấn đề ở các mạch máu nhỏ của tim, được gọi là đau thắt ngực vi mạch, và tình trạng này thường có thể được điều trị bằng thuốc kết hợp với việc thay đổi lối sống.

Nên làm gì nếu gặp triệu chứng đau thắt ngực hoặc đau tim?

Nếu bạn đã được chẩn đoán bị đau thắt ngực ổn định, bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc, chẳng hạn như nitroglycerin, để giảm triệu chứng.

Nitroglycerin có dạng viên ngậm dưới lưỡi, dung dịch xịt, miếng dán, hoặc thuốc bôi. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách dùng, liều lượng phù hợp và dạng thuốc cần sử dụng.

Ngoài nitroglycerin, bác sĩ cũng có thể kê thêm các loại thuốc khác để kiểm soát các bệnh nền liên quan đến đau thắt ngực ổn định, bao gồm huyết áp cao, mỡ máu cao, tiểu đường, hoặc kết hợp các yếu tố này.

Gọi cấp cứu nếu bạn đã nghỉ ngơi và dùng thuốc nhưng cơn đau vẫn không giảm.

Đau ngực có biểu hiện khác với các cơn đau thắt ngực mạn tính thông thường có thể được coi là dấu hiệu của cơn đau tim. Nếu cơn đau kéo dài hơn bình thường hoặc cảm giác đau dữ dội hơn, nhiều khả năng là bị đau tim.

Các triệu chứng khác có thể là dấu hiệu đau tim chứ không phải đau thắt ngực, bao gồm:

  • Đổ mồ hôi lạnh
  • Chóng mặt, choáng váng, hoặc cảm giác yếu người
  • Cảm giác lo sợ, bất an
  • Buồn nôn và nôn
  • Đau ở hàm, cổ, vai hoặc tay
  • Khó thở

Lưu ý rằng có thể chỉ xuất hiện triệu chứng đau ngực nhưng ngoài ra, bạn cũng có khả năng gặp phải một số triệu chứng nghiêm trọng khác mặc dù gần như không thấy khó chịu ở ngực. Nếu bạn đã từng bị đau tim, hãy nhớ rằng các triệu chứng của cơn đau tim lần này có thể rất khác với trước đó.

Gọi cấp cứu ngay nếu bạn nghĩ mình đang bị đau tim

Gọi 115 thường là cách nhanh nhất để được chăm sóc y tế khẩn cấp, thay vì nhờ người khác chở bạn đến bệnh viện. Các nhân viên y tế được đào tạo để xử lý những tình trạng nguy hiểm như rối loạn nhịp tim hoặc ngừng tim có thể xảy ra trong cơn đau tim và đưa bạn đến bệnh viện kịp thời.

Kết luận

Đau thắt ngực là cảm giác khó chịu ở ngực do thiếu máu cơ tim (giảm lưu lượng máu đến cơ tim).

Cơn đau tim xảy ra khi động mạch vành bị tắc nghẽn nghiêm trọng, khiến dòng máu đến tim bị gián đoạn hoàn toàn.

Có hai loại đau thắt ngực: đau thắt ngực ổn định và không ổn định.

  • Đau thắt ngực ổn định có thể dự đoán được sẽ xuất hiện khi gắng sức.
  • Đau thắt ngực không ổn định là cơn đau xảy đến bất thường hoặc đau có tính chất trầm trọng hơn, cần được xem là trường hợp cấp cứu y tế, vì có thể đó là cơn đau tim.

Dù các cơn đau thắt ngực trước đây bạn gặp phải có thể không gây biến chứng nghiêm trọng nhưng vẫn cần cẩn trọng đối với mọi cơn đau ngực và gọi cấp cứu ngay nếu bạn nghi ngờ cơn đau có thể là dấu hiệu của đau tim.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Phân biệt chứng ợ nóng và nhồi máu cơ tim
Phân biệt chứng ợ nóng và nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim và ợ nóng là hai vấn đề khác nhau nhưng lại có cùng một triệu chứng đó là đau tức ngực. Vì thế nên đôi khi chúng ta rất khó mà biết được mình nên gọi cấp cứu ngay lập tức hay chỉ cần uống một viên thuốc kháng axit là đủ.

Phân biệt chất béo tốt và chất béo xấu
Phân biệt chất béo tốt và chất béo xấu

Các loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày có hàng chục loại chất béo khác nhau, và mỗi loại lại có một vai trò và tác động không giống nhau bên trong cơ thể.

Làm thế nào để phân biệt Cơn hoảng loạn và Cơn đau tim?
Làm thế nào để phân biệt Cơn hoảng loạn và Cơn đau tim?

Cơn hoảng loạn và cơn đau tim (nhồi máu cơ tim) có thể có các triệu chứng tương tự nhau. Nếu không chắc chắn, hãy tìm đến dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp. Các triệu chứng giống nhau sẽ bao gồm đau ngực, khó thở, chóng mặt và toát mồ hôi lạnh khắp người. Mặc dù cơn hoảng loạn có thể cảm giác giống cơn đau tim, nhưng các triệu chứng như đau ngực, toát mồ hôi và khó thở đôi khi có thể là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng hơn.
Nếu bạn đang băn khoăn làm thế nào để phân biệt sự khác nhau giữa hai tình trạng này thì những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các dấu hiệu của cơn hoảng loạn so với cơn đau tim và khi nào cần tìm sự trợ giúp y tế.

Khi bị đau tim sẽ cảm thấy như thế nào? Dấu hiệu nhận biết cơn đau tim?
Khi bị đau tim sẽ cảm thấy như thế nào? Dấu hiệu nhận biết cơn đau tim?

Dấu hiệu cảnh báo điển hình của đau tim thường là tình trạng đau tức ngực. Tuy nhiên, có thể xuất hiện các dấu hiệu khác như chóng mặt, đau vùng cổ hoặc hàm.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), ước tính mỗi năm có khoảng 805.000 người ở Mỹ bị đau tim.
Đau tim, hay còn gọi là nhồi máu cơ tim, xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị tắc nghẽn. Nếu không đủ máu đến nuôi cơ tim, một phần cơ tim có thể bị tổn thương và hoại tử. Tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng.
Đau ngực là dấu hiệu cảnh báo đau tim phổ biến nhất, nhưng còn có thể kèm theo các dấu hiệu khác như khó thở hoặc chóng mặt. Các triệu chứng này có thể nặng, nhẹ và khác nhau ở từng người.
Đau tim đôi khi bị nhầm lẫn với ợ nóng (heartburn) hoặc cơn lo âu (anxiety attack). Hơn nữa, các triệu chứng có thể khác nhau giữa nam và nữ.
Bài viết này sẽ xem xét kỹ hơn các dấu hiệu cảnh báo của cơn đau tim, cảm giác thường thấy và các triệu chứng có thể khác nhau giữa nam và nữ như thế nào.

Biện pháp khắc phục tại nhà giúp giảm đau ngực là gì? Có hiệu quả như thế nào?
Biện pháp khắc phục tại nhà giúp giảm đau ngực là gì? Có hiệu quả như thế nào?

Đau ngực có thể do các vấn đề về tiêu hóa, căng cơ hoặc thói quen sinh hoạt. Có một số biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp bạn làm giảm được các triệu chứng. Tuy nhiên, nếu bạn nghi ngờ mình đang bị đau tim, cảm thấy ngực đau dữ dội và khó thở, hãy liên hệ ngay dịch vụ cấp cứu tại địa phương. Sau khi gọi được cấp cứu, hãy mở mọi cửa ra vào để nhân viên y tế có thể tiếp cận được nhanh chóng và ngồi xuống cho đến khi có người đến hỗ trợ.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây