1

Làm thế nào để phân biệt Cơn hoảng loạn và Cơn đau tim?

Cơn hoảng loạn và cơn đau tim (nhồi máu cơ tim) có thể có các triệu chứng tương tự nhau. Nếu không chắc chắn, hãy tìm đến dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp. Các triệu chứng giống nhau sẽ bao gồm đau ngực, khó thở, chóng mặt và toát mồ hôi lạnh khắp người. Mặc dù cơn hoảng loạn có thể cảm giác giống cơn đau tim, nhưng các triệu chứng như đau ngực, toát mồ hôi và khó thở đôi khi có thể là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng hơn.
Nếu bạn đang băn khoăn làm thế nào để phân biệt sự khác nhau giữa hai tình trạng này thì những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các dấu hiệu của cơn hoảng loạn so với cơn đau tim và khi nào cần tìm sự trợ giúp y tế.
Hình ảnh 4 Làm thế nào để phân biệt Cơn hoảng loạn và Cơn đau tim?

Cơn hoảng loạn (Panic Attack) là gì?

Cơn hoảng loạn là một cảm giác lo âu tột độ xảy ra đột ngột và dữ dội, kèm theo các triệu chứng thể chất và tinh thần biểu hiện rõ ràng. Khi gặp cơn hoảng loạn, người bệnh thường cảm thấy vô cùng sợ hãi và lo lắng, đồng thời thấy tim đập nhanh, lòng bàn tay đổ mồ hôi, cùng nhiều triệu chứng khác. Dù cơn hoảng loạn có thể làm bạn sợ hãi và khó chịu nhưng thực sự thì nó không gây nguy hiểm.

Triệu chứng của cơn hoảng loạn

Cơn hoảng loạn có thể gây ra một số triệu chứng về thể chất và tinh thần nghiêm trọng, bao gồm:

  • Tim đập nhanh hoặc đập mạnh.
  • Chóng mặt.
  • Người bị bốc hoả hoặc ớn lạnh đột ngột.
  • Run rẩy hoặc rùng mình.
  • Đổ mồ hôi, kể cả mồ hôi ở lòng bàn tay.
  • Buồn nôn, đau bụng, hoặc tiêu chảy.
  • Đau ngực hoặc khó thở.
  • Tự nhiên cảm thấy có điều xấu sắp xảy ra.
  • Lo âu, sợ hãi tột độ.
  • Cảm giác tách rời bản thân (depersonalization) hoặc mất kết nối với thế giới xung quanh (derealization).

Cơn đau tim (Heart Attack) là gì?

Cơn đau tim, hay còn gọi là Nhồi máu cơ tim, xảy ra khi dòng máu đến tim bị chặn lại, thường do cục máu đông. Khi không được cung cấp đủ máu, cơ tim không nhận đủ oxy và bắt đầu chết dần. Nếu không được điều trị kịp thời, đau tim có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho tim hoặc thậm chí tử vong.

Triệu chứng của cơn đau tim

Đau tim là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng có thể có nhiều triệu chứng, bao gồm:

  • Khó thở
  • Khó chịu ở ngực, thường ở bên trái hoặc giữa ngực.
  • Cảm giác bóp nghẹt, bị áp lực, hoặc đau ở ngực kéo dài hoặc xuất hiện rồi biến mất.
  • Đau hoặc khó chịu ở cổ, hàm, hoặc lưng trên.
  • Đau hoặc khó chịu ở cánh tay hoặc vai.
  • Chóng mặt hoặc yếu người.
  • Đổ mồ hôi, buồn nôn hoặc nôn.
  • Mệt mỏi không rõ nguyên do.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), phụ nữ có nhiều khả năng hơn gặp các triệu chứng như:

  • Đau cổ.
  • Đau hàm.
  • Đau lưng.
  • Khó thở.
  • Buồn nôn hoặc nôn.

Tim sẽ bị ảnh hưởng gì khi gặp cơn hoảng loạn?

Cơn hoảng loạn kích hoạt cơ chế "chiến đấu hay bỏ chạy" (fight or flight), đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi nhận thấy có mối đe dọa. Khi cơ thể rơi vào trạng thái này, adrenaline (một hormone và cũng là một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng, được tiết ra từ tuyến thượng thận) được giải phóng vào máu, gây ra một loạt các thay đổi sinh lý để giúp cơ thể chuẩn bị đối phó hoặc chạy trốn, ví dụ như tim đập nhanh hơn để tăng lưu lượng máu đến cơ bắp để cung cấp nhiều oxy và năng lượng hơn.

Cụ thể, trong cơn hoảng loạn, sự bùng phát adrenaline có thể ảnh hưởng đến tim và phổi như sau:

  • Làm tim đập nhanh hơn.
  • Tăng lượng máu được bơm đi.
  • Làm tăng huyết áp.
  • Tăng nhịp hô hấp (nhịp thở)

Dù cơn hoảng loạn có thể khiến bạn thấy nguy hiểm nhưng các triệu chứng như đau ngực và khó thở thực chất là do tác động của adrenaline lên tim, phổi và các cơ quan khác.

Cơn hoảng loạn và cơn đau tim giống nhau ở điểm nào?

Một trong những lý do khiến nhiều người nhầm lẫn giữa cơn hoảng loạn và cơn đau tim là do các triệu chứng của hai tình trạng này có phần giống nhau. Ví dụ, cả hai đều có thể gây ra:

  • Khó thở.
  • Đau ngực.
  • Chóng mặt.
  • Đổ mồ hôi.
  • Các triệu chứng khó chịu khác về thể chất.

Nhiều khi, việc bạn lo sợ rằng cơn hoảng loạn có thể là một cơn đau tim cũng xuất phát từ chính cơn hoảng loạn đó vì nó gây cảm giác như sắp có điều xấu xảy ra và khiến bạn cực kỳ lo lắng. Tuy nhiên, đây chỉ là những cảm giác điển hình của cơn hoảng loạn, cảm giác bất ổn không đồng nghĩa với việc thực sự có nguy hiểm xảy ra.

Phân biệt cơn hoảng loạn và cơn đau tim

Khi gặp phải các triệu chứng, bạn có thể không biết chắc chắn liệu đó có phải là một cơn hoảng loạn không, hay còn ghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, dưới đây là một số điểm khác biệt để nhận biết:

Cơn hoảng loạn

  • Thường kéo dài khoảng 10 phút, xuất hiện rất đột ngột, đôi khi do phản ứng với tác nhân kích thích.
  • Triệu chứng đạt đỉnh trong vòng 10 phút và thường biến mất sau 30 phút, mặc dù đôi khi có thể mất vài giờ để hồi phục hoàn toàn.

Nhồi máu cơ tim

  • Triệu chứng có thể khởi phát dần dần hoặc đột ngột, thường xảy ra sau khi gắng sức.
  • Gây cảm giác từ đau nhói cho đến đè nén hoặc bóp nghẹt, thường lan đến hàm, cổ, hoặc lưng.
  • Triệu chứng kéo dài hàng giờ chứ không biến mất nhanh chóng.

Khi nào cần tìm đến sự hỗ trợ y tế khẩn cấp?

Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây, đặc biệt là nếu không thấy thuyên giảm hoặc thậm chí trở nên nặng hơn, thìhãy tìm đến sự hỗ trợ y tế ngay lập tức:

  • Đau ngực nghiêm trọng, cảm giác khó chịu hoặc bị áp lực.
  • Cơn đau lan đến hàm, cổ, lưng, hoặc vai.
  • Khó thở hoặc thở hổn hển.
  • Ớn lạnh hoặc đổ mồ hôi lạnh.
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa.

Khi nghi ngờ bị đau tim, đừng chỉ chờ xem liệu triệu chứng có hết hay không mà hãy gọi dịch vụ cấp cứu ngay lập tức.

Cách chẩn đoán cơn hoảng loạn

Khi gặp phải các triệu chứng của cơn hoảng loạn, hãy sớm trao đổi với bác sĩ. Nếu bác sĩ xác định rằng các triệu chứng không phải do một tình trạng bệnh lý khác thì bạn có thể được tư vấn tìm đến một chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần để chẩn đoán và điều trị.

Điều trị cơn hoảng loạn

Dù bạn mới trải qua cơn hoảng loạn lần đầu hay đang đối mặt với tình trạng sức khỏe tâm thần khác gây ra các cơn hoảng loạn thường xuyên, các phương pháp điều trị sau có thể giúp phục hồi và làm các triệu chứng thuyên giảm:

  • Liệu pháp tâm lý:

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là phương pháp phổ biến để điều trị chứng rối loạn lo âu và rối loạn hoảng sợ. CBT giúp thay đổi cách suy nghĩ, cảm nhận và hành vi góp phần gây ra cơn hoảng loạn.

  • Thuốc:

Một số loại thuốc có thể giúp giảm triệu chứng lo âu gây ra cơn hoảng loạn, như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) hoặc thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRIs). Đây là hai loại thuốc chống trầm cảm, thường được kê đơn để điều trị chứng lo âu mãn tính.

  • Thay đổi lối sống:

Nhiều người gặp cơn hoảng loạn do gia tăng căng thẳng trong cuộc sống, vì vậy, thay đổi lối sống để giúp giảm căng thẳng nói chung là điều cần thiết. Trường hợp cơn hoảng loạn là một triệu chứng của bệnh khác (như rối loạn căng thẳng sau sang chấn - PTSD) thì điều trị căn bệnh nền cũng mang lại hiệu quả rõ rệt.

Chẩn đoán cơn đau tim

Khi cơn đau tim khởi phát, quan trọng là phải đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt. Các phương pháp chẩn đoán thường được sử dụng bao gồm:

  • Điện tâm đồ (ECG): Đo tín hiệu điện của tim để xác định bất thường.
  • Xét nghiệm troponin: Xét nghiệm máu kiểm tra protein troponin, thường xuất hiện trong máu khi cơ tim bị tổn thương.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp kiểm tra bất thường ở tim hoặc các cơ quan lân cận.

Điều trị cơn đau tim

Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), việc điều trị cơn đau tim thường được bắt đầu ngay cả khi chưa có chẩn đoán chính thức, bởi điều trị kịp thời có thể cứu sống bệnh nhân.

Aspirin thường là một trong những loại thuốc đầu tiên được dùng khi bị đau tim để làm loãng máu và ngăn ngừa hình thành máu đông. Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để phá vỡ cục máu đông hiện có, hoặc có thể kê đơn thuốc nitrat (nitroglycerin) để giúp tim và động mạch bơm máu dễ dàng hơn.

Trong trường hợp đau tim nghiêm trọng, có thể cần đến các thủ thuật phẫu thuật hoặc không phẫu thuật để giúp ngăn chặn cơn đau và phục hồi lưu lượng máu đến tim:

  • Can thiệp mạch vành qua da (PCI): đôi khi được gọi là nong mạch vành, là can thiệp không phẫu thuật phổ biến nhất đối với các cơn đau tim nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ đặt ống thông để xác định vùng tim bị tổn thương và tái thông động mạch bị tắc.
  • Đặt stent: Đôi khi có thể đặt stent trong quá trình PCI để giúp giữ cho động mạch yếu hoặc hẹp luôn mở và khôi phục dòng máu đến tim.
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG): Sử dụng động mạch khỏe từ cơ thể để gắn vào các động mạch trên và dưới đoạn động mạch bị tắc, giúp máu lưu thông bình thường.

Câu hỏi thường gặp

Mọi người thường nhầm lẫn các triệu chứng của cơn hoảng loạn với cơn đau tim. Sau đây là một số điều cần lưu ý.

  • Cơn hoảng loạn có dẫn đến cơn đau tim không?

Cơn hoảng loạn có thể gây đau tim ở người mắc bệnh động mạch vành, do lượng adrenaline tăng lên khiến tim phải hoạt động nhiều hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng căng thẳng và lo âu mạn tính cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tim mạch, đặc biệt là ở những người mắc bệnh tim mạch.

  • Làm sao để điều trị cơn đau tim tại nhà?

Nếu bạn đột ngột bị đau ngực nghiêm trọng và cơn đau kéo dài hơn vài phút, nên tìm kiếm hỗ trợ y tế ngay lập tức.

  • Có tình trạng nào khác có thể biểu hiện giống cơn đau tim?

Cơn hoảng loạn không phải là trường hợp duy nhất cảm giác giống với cơn đau tim. Một số tình trạng thường gặp khác cũng có thể gây đau và khó chịu ở ngực như ợ nóng, trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hay thậm chí là căng cơ ngực. Các tình trạng bệnh lý khác có khả năng gây ra các triệu chứng tương tự như cơn đau tim bao gồm thuyên tắc phổi, viêm tụy và viêm phổi.

Kết luận

Khi cảm thấy khó chịu hoặc lo sợ, không dễ để xác định được đó là một cơn hoảng loạn hay cơn đau tim. Tuy nhiên, cầnđặc biệt chú ý tới các triệu chứng như đau ngực dữ dội hoặc đau lan đến hàm, cổ, hoặc lưng.

Nếu nghi ngờ mình đang gặp phải tình trạng nghiêm trọng hơn chứ không chỉ là một cơn hoảng loạn, đừng chần chừ mà hãy tìm đến sự hỗ trợ y tế khẩn cấp. Điều này có thể sẽ cứu sống bạn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Phân biệt chất béo tốt và chất béo xấu
Phân biệt chất béo tốt và chất béo xấu

Các loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày có hàng chục loại chất béo khác nhau, và mỗi loại lại có một vai trò và tác động không giống nhau bên trong cơ thể.

Khi bị đau tim sẽ cảm thấy như thế nào? Dấu hiệu nhận biết cơn đau tim?
Khi bị đau tim sẽ cảm thấy như thế nào? Dấu hiệu nhận biết cơn đau tim?

Dấu hiệu cảnh báo điển hình của đau tim thường là tình trạng đau tức ngực. Tuy nhiên, có thể xuất hiện các dấu hiệu khác như chóng mặt, đau vùng cổ hoặc hàm.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), ước tính mỗi năm có khoảng 805.000 người ở Mỹ bị đau tim.
Đau tim, hay còn gọi là nhồi máu cơ tim, xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị tắc nghẽn. Nếu không đủ máu đến nuôi cơ tim, một phần cơ tim có thể bị tổn thương và hoại tử. Tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng.
Đau ngực là dấu hiệu cảnh báo đau tim phổ biến nhất, nhưng còn có thể kèm theo các dấu hiệu khác như khó thở hoặc chóng mặt. Các triệu chứng này có thể nặng, nhẹ và khác nhau ở từng người.
Đau tim đôi khi bị nhầm lẫn với ợ nóng (heartburn) hoặc cơn lo âu (anxiety attack). Hơn nữa, các triệu chứng có thể khác nhau giữa nam và nữ.
Bài viết này sẽ xem xét kỹ hơn các dấu hiệu cảnh báo của cơn đau tim, cảm giác thường thấy và các triệu chứng có thể khác nhau giữa nam và nữ như thế nào.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây