1

Sức khỏe vùng kín qua các lứa tuổi

Theo thời gian, cơ thể chúng ta sẽ có nhiều thay đổi và vùng kín cũng không phải ngoại lệ.
Sức khỏe vùng kín qua các lứa tuổi Sức khỏe vùng kín qua các lứa tuổi

Nội dung chính của bài viết:

  • Độ tuổi 20 là khoảng thời gian mà âm đạo phụ nữ ở trạng thái tốt nhất nhờ nồng độ các hormone giới tính estrogen, progesterone và testosterone đều ở mức cao nhất.
  • Trong độ tuổi 30, sau khi sinh con, âm đạo sẽ bị kéo giãn và sự đàn hồi sẽ giảm đi nhưng dần dần theo thời gian, đa phần âm đạo sẽ trở lại kích thước và tình trạng gần giống như trước khi sinh.
  • Ở độ tuổi 40, khi nồng độ estrogen trong cơ thể giảm đi, thành âm đạo sẽ trở nên mỏng và khô hơn. Hiện tượng này được gọi là teo âm đạo và có thể gây ra những vấn đề như nóng rát, đau khi quan hệ, ngứa ngáy...
  • Đến tuổi 50, nhiều phụ nữ đã mãn kinh và nồng độ estrogen ở mức khá thấp nhất. Âm hộ sẽ co lại và nhăn nheo. Teo âm đạo là một vấn đề phổ biến ở nhiều phụ nữ trong độ tuổi này.
  • Không có cách nào ngăn cản được tác động của quá trình lão hóa lên cơ thể nhưng bạn có thể giữ cho âm đạo luôn trong trạng thái khỏe mạnh bằng việc duy trì lối sống khỏe mạnh và đi khám phụ khoa thường xuyên.

Âm hộ hay còn gọi là cửa mình là phần bên ngoài của cơ quan sinh dục nữ, gồm có âm vật, môi bé, môi lớn và gò mu. Âm đạo là bộ phận nối âm hộ với cổ tử cung và tử cung ở bên trong.

Trong suốt cuộc đời, âm đạo sẽ có nhiều thay đổi. Việc hiểu được những gì đang diễn ra ở từng độ tuổi sẽ giúp bạn giữ được âm đạo luôn khỏe mạnh.

Độ tuổi 20

Độ tuổi 20 là khoảng thời gian mà âm đạo phụ nữ ở trạng thái tốt nhất nhờ nồng độ các hormone giới tính estrogen, progesterone và testosterone đều ở mức cao nhất. Estrogen là hormone có vai trò giữ cho âm đạo luôn được bôi trơn, đàn hồi và tăng tính axit, ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Âm đạo được bao quanh bởi hai bộ nếp gấp da được gọi là môi trong (môi bé) và môi ngoài (môi lớn). Môi lớn có chứa một lớp mô mỡ. Ở độ tuổi 20, môi lớn thường căng đầy còn môi bé thường mỏng, có màu sáng và nằm bên trong môi lớn.

Độ tuổi này cũng là giai đoạn mà ham muốn tình dục tăng cao. Những người quan hệ tình dục thường xuyên sẽ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) do vi khuẩn di chuyển từ âm đạo vào niệu đạo. Để giảm nguy cơ mắc bệnh này, hãy đi tiểu ngay sau khi quan hệ để loại bỏ vi khuẩn ra khỏi niệu đạo.

Âm đạo có khả năng tự làm sạch bằng cách tạo ra chất dịch màu trắng đục hoặc trong suốt gọi là dịch tiết âm đạo hay khí hư. Lượng dịch tiết âm đạo sẽ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nội tiết tố (hormone) diễn ra trong chu kỳ kinh nguyệt. Nếu như không có các triệu chứng đau khi quan hệ, ngứa ngáy, dịch tiết có mùi hôi hoặc nóng rát thì rất hiếm khi âm đạo cần được chăm sóc đặc biệt hay điều trị ở độ tuổi 20 mà chỉ cần vệ sinh hàng ngày bằng dung dịch vệ sinh dịu nhẹ hoặc nước là đủ.

Độ tuổi 30

Sang đến độ tuổi 30, môi trong có thể sẫm màu hơn do thay đổi hormone trong cơ thể. Khi mang thai, dịch tiết âm đạo sẽ tăng, có màu trắng đục và hơi có mùi. Tuy nhiên, nếu dịch tiết có màu xanh, vàng hoặc mùi hôi tanh khó chịu thì đây là dấu hiệu cho thấy có vấn đề bất thường.

Sau khi sinh con, âm đạo sẽ bị kéo giãn và sự đàn hồi sẽ giảm đi nhưng ở phụ nữ trẻ thì dần dần theo thời gian, đa phần âm đạo sẽ trở lại kích thước và tình trạng gần giống như trước khi sinh. Có thể tập các bài tập Kegel để tăng cường cơ sàn chậu và khôi phục trạng thái săn chắc, đàn hôi cho âm đạo.

Các loại thuốc tránh thai đường uống cũng có thể gây ra những thay đổi ở âm đạo như tăng tiết dịch, khô và chảy máu. Những triệu chứng này thường tự hết khi ngừng dùng thuốc nhưng nếu vẫn tiếp diễn thì cần đi khám ​​bác sĩ phụ khoa. Thường sẽ phải thử qua nhiều loại thuốc tránh thai khác nhau thì mới có thể tìm ra loại phù hợp với mình.

Độ tuổi 40

Do tuổi 40 là độ tuổi tiền mãn kinh – giai đoạn trước khi ngừng kinh nguyệt hoàn toàn nên âm đạo trải qua những thay đổi đáng kể ở độ tuổi này. Khi nồng độ estrogen trong cơ thể giảm đi, thành âm đạo sẽ trở nên mỏng và khô hơn. Hiện tượng này được gọi là teo âm đạo và có thể gây ra những vấn đề như:

  • Nóng rát, đỏ
  • Đau đớn khi quan hệ
  • Giảm tiết dịch âm đạo, gây khô
  • Ngứa ngáy
  • Nóng rát khi đi tiểu
  • Âm đạo bị rút ngắn
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Quan hệ thường xuyên sẽ làm tăng lưu lượng máu đến âm đạo và giữ cho âm đạo đàn hồi, từ đó giúp làm chậm quá trình teo âm đạo. Ngoài ra, các loại gel/kem dưỡng ẩm âm đạo hoặc estrogen dạng bôi cũng có tác dụng chống khô âm đạo. Hiện nay estrogen có nhiều dạng khác nhau, từ dạng viên uống, gel, miếng dán, dạng xịt và dạng vòng đặt âm đạo. Còn nếu bạn thích các biện pháp tự nhiên thì có thể dùng dầu ô liu và dầu dừa để giữ ẩm âm đạo nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ phụ khoa trước khi thử.

Một thay đổi khác ở vùng kín vào độ tuổi 40 là lông mu bắt đầu mỏng đi hoặc chuyển sang màu bạc.

Ngoài độ tuổi 50

Khi sang đến tuổi 50, nhiều phụ nữ đã mãn kinh và nồng độ estrogen ở mức khá thấp hoặc thậm chí “cạn kiệt”. Âm hộ sẽ co lại và nhăn nheo. Teo âm đạo là một vấn đề phổ biến ở nhiều phụ nữ trong độ tuổi này.

Nồng độ estrogen thấp còn làm thay đổi độ axit trong âm đạo. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và làm tăng nguy cơ viêm nhiễm. Estrogen thấp không chỉ ảnh hưởng đến âm đạo mà còn tác động đến cả đường tiết niệu. Tình trạng teo có thể diễn ra ở cả niệu đạo, dẫn đến rò rỉ nước tiểu và bàng quang hoạt động quá mức, làm tăng tần suất đi tiểu, buồn tiểu bất chợt, tiểu rắt và són tiểu không tự chủ.

Liệu pháp hormone bằng cách dùng thuốc uống hoặc thuốc đặt âm đạo sẽ giúp làm giảm các triệu chứng teo âm đạo và teo đường tiết niệu. Mặc dù vậy nhưng không phải ai cũng phù hợp với liệu pháp hormone mà có thể cần đến các biện pháp khắc phục khác như:

  • Thực hiện các bài tập rèn luyện bàng quang (liệu pháp phản hồi sinh học)
  • Sử dụng máy giãn âm đạo để cải thiện độ đàn hồi
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
  • Giữ cân nặng khỏe mạnh
  • Giảm thiểu hoặc bỏ hẳn các thức uống chứa caffeine
  • Không hút thuốc
  • Tập các bài tập Kegel và các bài tập cơ sàn chậu khác
  • Dùng chất bôi trơn âm đạo
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm âm đạo

Phụ nữ sau mãn kinh còn có nguy cơ bị sa âm đạo, đặc biệt là những người có thời gian chuyển dạ kéo dài và sinh thường. Sa âm đạo là vấn đề xảy ra khi toàn bộ hoặc một phần của âm đạo bị sệ xuống cửa vào âm đạo. Sa âm đạo còn ảnh hưởng đến cả các cơ quan khác như bàng quang, trực tràng và tử cung.

Các dấu hiệu của sa âm đạo thường là cảm giác tức ở vùng chậu, khó chịu ở âm đạo, đau mỏi vùng lưng dưới khi ngồi hoặc đứng và đỡ hơn khi nằm. Các phương pháp điều trị sa âm đạo gồm có các bài tập cơ sàn chậu, đặt vòng nâng cổ tử cung (vòng pessary) để giữ cho vùng bị sa cố định tại vị trí bình thường và phương pháp cuối cùng là phẫu thuật đối với những trường hợp bị sa âm đạo nghiêm trọng.

Âm đạo là một cơ quan đóng vai trò quan trọng trong cơ thể phụ nữ, giúp thỏa mãn nhu cầu sinh lý và thực hiện chức năng sinh sản. Tuy nhiên, theo thời gian, âm đạo sẽ không còn duy trì được trạng thái như khi còn trẻ.

Không có cách nào ngăn cản được tác động của quá trình lão hóa lên cơ thể nhưng bạn có thể giữ cho âm đạo luôn trong trạng thái khỏe mạnh nhất bằng cách:

  • Đi khám phụ khoa thường xuyên
  • Quan hệ tình dục một cách an toàn
  • Thường xuyên thực hiện các bài tập Kegel dù ở độ tuổi nào
  • Không dùng nước hoa vùng kín
  • Không thụt rửa, không dùng các sản phẩm vệ sinh vùng kín có tính sát khuẩn mạnh và có mùi

Bất kể bao nhiêu tuổi thì bạn cũng cần đi khám ngay nếu có các hiện tượng sau:

  • Đau hoặc nóng rát âm đạo
  • Dịch tiết âm đạo có màu bất thường, ví dụ như xanh hoặc vàng
  • Dịch tiết đặc, vón cục và có màu trắng như bã đậu
  • Dịch tiết có mùi hôi tanh khó chịu
  • Chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân
  • Đau khi quan hệ
  • Ngứa âm đạo dai dẳng

Medically reviewed by: Bác sĩ Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: sức khỏe
Tin liên quan
Men vi sinh có vai trò thế nào với sức khỏe vùng kín?
Men vi sinh có vai trò thế nào với sức khỏe vùng kín?

Bổ sung men vi sinh hay probiotic là một cách phổ biến được nhiều chuyên gia khuyến nghị để tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa. Men vi sinh là các chủng vi khuẩn có lợi tồn tại tự nhiên trong một số loại thực phẩm và trong các sản phẩm bổ sung.

Nguyên Nhân Gây Mẩn Đỏ Vùng Kín Ở Phụ Nữ
Nguyên Nhân Gây Mẩn Đỏ Vùng Kín Ở Phụ Nữ

Nguyên nhân gây mẩn đỏ vùng kín ở chị em là gì? Ví dụ như viêm da tiếp xúc, nhiễm trùng hoặc các bệnh tự miễn. Đôi khi, tình trạng này tự hết sau một vài ngày. Nhưng nếu kéo dài dai dẳng thì phải đi khám bác sĩ.

Vùng mu bị ngứa là tại sao và khắc phục bằng cách nào?
Vùng mu bị ngứa là tại sao và khắc phục bằng cách nào?

Thỉnh thoảng bị ngứa ở các vị trí khác nhau trên cơ thể, ví dụ như vùng mu, là điều bình thường và không có gì đáng ngại cả. Tuy nhiên, nếu tình trạng ngứa kéo dài dai dẳng thì đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề không bình thường, ví dụ như dị ứng, viêm nang lông hoặc nhiễm trùng.

Ngứa Vùng Kín Xuất Hiện Do Những Nguyên Nhân Nào?
Ngứa Vùng Kín Xuất Hiện Do Những Nguyên Nhân Nào?

Ngứa vùng kín là vấn đề khó chịu đối với nhiều chị, em. Đôi khi nó còn ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày. Vậy những nguyên nhân nào gây ra hiện tượng này, hãy cùng tìm hiểu ngay bài viết dưới đây nhé!

Nguyên Nhân Nào Gây Nóng Rát Vùng Kín?
Nguyên Nhân Nào Gây Nóng Rát Vùng Kín?

Nguyên nhân gây nóng rát vùng kín ở chị em như thế nào. Nếu tình trạng này liên tục tiếp diễn vf kèm những triệu chứng khác thì ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe. Hãy tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé!

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây