1

Răng Hutchinson – dấu hiệu của bệnh giang mai bẩm sinh

Răng Hutchinson xảy ra do trẻ bị lây truyền bệnh giang mai khi còn trong bụng mẹ hoặc trong khi sinh.
Răng Hutchinson – dấu hiệu của bệnh giang mai bẩm sinh Răng Hutchinson – dấu hiệu của bệnh giang mai bẩm sinh

Răng Hutchinson là gì?

Răng Hutchinson là một dấu hiệu của bệnh giang mai bẩm sinh, xảy ra khi người mẹ bị giang mai lây truyền bệnh sang thai nhi trong thời gian mang thai hoặc trong khi sinh.

Vấn đề này bắt đầu biểu hiện rõ khi trẻ mọc răng vĩnh viễn. Các răng cửa và răng hàm có hình tam giác hoặc có vết lõm ở cạnh cắn của răng. Các răng còn thưa nhau và men răng yếu.

Răng Hutchinson là một vấn đề trong “tam chứng Hutchinson”, gồm có răng, tai và mắt. Tình trạng này được đặt theo tên của Jonathan Hutchinson - một bác sĩ phẫu thuật người Anh và chuyên gia về bệnh giang mai từng làm việc tại Bệnh viện London vào cuối những năm 1800.

Vậy cụ thể, răng Hutchinson có biểu hiện như thế nào? Khi nào thì bắt đầu xuất hiện? Điều trị bằng cách nào và cần làm gì để ngăn ngừa?

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây răng Hutchinson là do bị nhiễm bệnh giang mai (một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn) khi còn trong bụng mẹ hoặc trong khi sinh.

Bệnh giang mai được xếp vào nhóm các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Bệnh này thường có biểu hiện đầu tiên là xuất hiện các vết loét trên da ở bộ phận sinh dục, hậu môn hoặc miệng, được gọi là săng giang mai. Vi khuẩn gây bệnh ở những vết loét này sẽ xâm nhập vào niêm mạc hay da của người tiếp xúc.

Các săng giang mai thường không đau đớn trong giai đoạn đầu mới nhiễm bệnh. Trên thực tế, rất nhiều người không biết rằng mình mắc bệnh trong suốt nhiều năm liền. Ngoài ra, bệnh giang mai còn có các triệu chứng khác như:

  • Phát ban trên bàn tay, bàn chân và nhiều vị trí khác trên cơ thể
  • Các triệu chứng giống cúm (sốt, đau cơ, đau họng, sưng hạch bạch huyết ở cổ)
  • Rụng tóc
  • Chán ăn
  • Người mệt mỏi

Những triệu chứng này thường tự hết sau một thời gian.

Trẻ sơ sinh có nguy cơ bị răng Hutchinson và các triệu chứng khác của bệnh giang mai cao nhất nếu người mẹ bị nhiễm giang mai dưới 2 năm. Cụ thể, nguy cơ sẽ tăng lên nếu tình trạng bệnh không được điều trị trước tuần thứ 18 của thai kỳ.

Sự lây truyền bệnh có thể xảy ra qua nhau thai khi thai nhi còn trong bụng mẹ hoặc lây trong quá trình sinh nở.

Các biểu hiện của răng Hutchinson

Ban đầu trẻ sơ sinh thường không có bất cứ dấu hiệu nào của bệnh giang mai nhưng sau đó, các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện khi trẻ lớn dần. Những trẻ bị lây nhiễm giang mai từ mẹ có thể gặp phải tam chứng Hutchinson, gồm có:

  • Các vấn đề ở tai trong (các bệnh ở mê đạo tai, ví dụ như viêm mê đạo), có thể gây điếc
  • Các vấn đề về mắt (viêm giác mạc kẽ)
  • Dị dạng ở răng (răng Hutchinson)

Răng Hutchinson thường biểu hiện rõ sau khi trẻ lên 6 tuổi – thời điểm mà răng vĩnh viễn bắt đầu mọc. Vấn đề này chủ yếu xảy ra ở răng cửa giữa và răng hàm vĩnh viễn.

Các đặc điểm cụ thể của răng Hutchinson gồm có:

  • Răng nhỏ, hình nón với vùng lõm ở cạnh cắn
  • Men răng mỏng và xỉn màu
  • Răng thưa

Nếu răng của trẻ có những đặc điểm này thì hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa hoặc nha sĩ.

Điều trị răng Hutchinson

Để điều trị răng Hutchinson thì trước tiên cần đi khám bác sĩ nhi khoa để được chẩn đoán đúng và kê thuốc nếu cần thiết.

Sẽ cần làm xét nghiệm máu hoặc đôi khi là xét nghiệm dịch não tủy để kiểm tra xem có mắc bệnh giang mai hay không. Nếu đúng trẻ bị mắc bệnh thì phương pháp điều trị là tiêm một mũi kháng sinh penicillin. Nếu đã nhiễm bệnh trên một năm thì sẽ cần tiêm nhiều mũi hơn.

Tuy nhiên, thuốc kháng sinh chỉ có thể tiêu diệt vi khuẩn và điều trị bệnh giang mai chứ không thể giải quyết được vấn đề ở răng. Để khắc phục hàm răng thì sẽ cần đến các phương pháp phục hình răng.

Một số lựa chọn gồm có:

  • Bọc răng sứ: đây là phương pháp đặt mão răng đơn lẻ lên từng chiếc răng thật để làm cho răng có hình dạng, kích thước và chức năng bình thường.
  • Làm cầu răng: cũng tương tự như bọc răng sứ nhưng mỗi cầu răng gồm có từ hai mão răng trở lên, được đặt lên răng thật để lấp vào khoảng trống giữa các răng. Cầu răng cũng khắc phục được cả các vấn đề về khớp cắn và khôi phục hình dạng khuôn mặt cùng nụ cười tự nhiên.
  • Trám răng: trám răng là một phương pháp dùng vật liệu nhân tạo để lấp đầy lỗ hổng do sâu răng, mẻ răng hoặc men răng suy yếu và các vấn đề khác. Vật liệu có thể là composite (màu răng), amalgam (màu bạc) hoặc vàng.
  • Trồng răng imlant: một trụ bằng titan được lắp vào xương hàm, sau đó đặt mão răng hoặc cầu răng lên trên. Phải chờ cho đến khi xương hàm đã phát triển đầy đủ thì mới có thể đặt trụ implant, thường là vào độ tuổi 16 - 20.

Tốt nhất nên đến gặp trực tiếp bác sĩ nha khoa thẩm mỹ để được tư vấn về phương pháp phù hợp nhất.

Biện pháp phòng ngừa

Cách tốt nhất để trẻ sinh ra không bị nhiễm giang mai và gặp phải vấn đề răng Hutchinson là người mẹ phải điều trị bệnh giang mai từ trước khi mang thai nếu mắc. Bệnh giang mai có thể có hoặc không biểu hiện triệu chứng nên cần đi xét nghiệm thường xuyên để phát hiện bệnh từ sớm và điều trị kịp thời.

Đặc biệt, nên xét nghiệm bệnh giang mai nếu:

  • Còn bị một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Việc mắc một bệnh sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác.
  • Không quan hệ tình dục an toàn và có nhiều bạn tình
  • Đang mang thai hoặc dự định có thai

Nếu nhiễm giang mai trong khi mang thai thì phải điều trị trước tuần thứ 16 của thai kỳ. Sau tuần thứ 18, mặc dù bệnh vẫn có thể được chữa khỏi nhưng trẻ sẽ có nguy cơ bị điếc, gặp các vấn đề về mắt, xương khớp và răng Hutchinson.

Chăm sóc răng miệng

Một khi răng đã mọc, cho dù có bị răng Hutchinson hay không thì cũng vẫn phải chăm sóc cẩn thận bằng những biện pháp dưới đây:

  • Đánh răng hai lần mỗi ngày bằng kem đánh răng có chứa fluor
  • Dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng sau khi ăn
  • Hạn chế đồ ăn, đồ uống có chứa nhiều đường
  • Sử dụng nước súc miệng có chứa fluor
  • Đi khám nha sĩ định kỳ

Tóm tắt bài viết

Mặc dù răng Hutchinson không thể phục hồi được nhưng vẫn phải điều trị nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, đó là bệnh giang mai để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe liên quan khác.

Khi răng vĩnh viễn đã mọc thì có thể đưa trẻ đi khám bác sĩ nha khoa thẩm mỹ để được tư vấn về các phương pháp khắc phục hình dạng của răng.

Nếu đang mang thai hoặc có ý định mang thai trong tương lai gần thì nên đi xét nghiệm bệnh giang mai nếu nghi ngờ đã tiếp xúc với người mắc bệnh để phát hiện và điều trị sớm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: giang mai, dấu hiệu
Tin liên quan
Xét nghiệm RPR trong chẩn đoán bệnh giang mai
Xét nghiệm RPR trong chẩn đoán bệnh giang mai

Xét nghiệm RPR là một phương pháp nhanh chóng để sàng lọc bệnh giang mai ở những người có nguy cơ cao.

Nhận biết dấu hiệu bệnh ghẻ
Nhận biết dấu hiệu bệnh ghẻ

Cái ghẻ có thể sống và sinh sản trên da trong vài tuần trước khi hệ miễn dịch có phản ứng và các triệu chứng bắt đầu xuất hiện.

Bệnh ghẻ: Dấu hiệu, cách điều trị và ngăn ngừa
Bệnh ghẻ: Dấu hiệu, cách điều trị và ngăn ngừa

Bệnh ghẻ là một bệnh ngoài da do một loài côn trùng siêu nhỏ có tên là Sarcoptes scabiei gây ra, được gọi là cái ghẻ.

Tìm hiểu về nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác
Tìm hiểu về nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác

Quan hệ tình dục là con đường lây truyền HIV phổ biến và các bệnh lây qua đường tình dục (STD/STI) khác.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây