1

Phản hồi sinh học có tác dụng gì?

Liệu pháp phản hồi sinh học được thực hiện nhằm mục đích giúp chúng ta khai thác sức mạnh của tâm trí và nhận thức được những gì đang diễn ra bên trong cơ thể, nhờ đó có thể kiểm soát sức khỏe của mình tốt hơn.
Phản hồi sinh học có tác dụng gì? Phản hồi sinh học có tác dụng gì?

Phản hồi sinh học là gì?

Những hành động chúng ta vẫn thường thực hiện hàng ngày như ăn uống, cười nói, giơ tay hay nhấc chân để bước lên cầu thang đều là những hành động có chủ đích, có nghĩa là chúng ta kiểm soát những hành động này. Mặt khác, các chức năng khác của cơ thể như tim đập, thân nhiệt và huyết áp lại được kiểm soát một cách không chủ đích bởi hệ thần kinh. Lấy ví dụ như khi tim đập nhanh hơn, điều này diễn ra để đáp ứng với các tác động từ bên ngoài, chẳng hạn như khi lo âu, phấn khích hay hoạt động thể chất. Chúng ta không thể đột nhiên làm tăng nhịp tim giống như khi giơ tay hay nhấc chân.

Có một kỹ thuật có thể giúp chúng ta kiểm soát các chức năng vốn diễn ra một cách không chủ đích này, đó là phản hồi sinh học (biofeedback). Liệu pháp này được sử dụng để ngăn ngừa hoặc điều trị nhiều vấn đề khác nhau, chẳng hạn như đau nửa đầu, đau mãn tính, tiểu không tự chủ và cao huyết áp.

Liệu pháp phản hồi sinh học được thực hiện nhằm mục đích giúp chúng ta khai thác sức mạnh của tâm trí và nhận thức được những gì đang diễn ra bên trong cơ thể, nhờ đó có thể kiểm soát sức khỏe của mình tốt hơn.

Các loại phản hồi sinh học

Có nhiều loại phản hồi sinh học và mỗi loại được sử dụng để theo dõi các chức năng khác nhau của cơ thể:

  • Điện cơ đồ: Phương pháp này đo hoạt động cơ và sự căng cơ. Điện cơ đồ thường được sử dụng để điều trị đau lưng, đau đầu, rối loạn lo âu, phục hồi cơ sau chấn thương và điều trị chứng tiểu són.
  • Phản hồi sinh học sử dụng nhiệt: Loại phản hồi sinh học này đo nhiệt độ da, thường được sử dụng để trị đau đầu và bệnh Raynaud.
  • Phản hồi thần kinh hay điện não đồ (EEG): Phương pháp này đo sóng não, có thể giúp điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), động kinh và các rối loạn co giật khác.
  • Hoạt động điện da (EDA): Phương pháp này đánh giá sự tiết mồ hôi và có thể được sử dụng để giảm đau đớn, lo âu.
  • Biến thiên nhịp tim (HRA): Phương pháp này đo nhịp tim, có thể được sử dụng để điều trị chứng rối loạn lo âu, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và rối loạn nhịp tim.

Chuyên gia trị liệu sẽ giúp xác định kỹ thuật phản hồi sinh học phù hợp nhất với từng người, dựa trên các vấn đề về sức khỏe

Mục đích của phản hồi sinh học

Phản hồi sinh học ra đời nhằm mục đích giúp chống lại căng thẳng hay stress thông qua các kỹ thuật thư giãn. Người bệnh chủ động điều khiển các chức năng vốn thường diễn ra một cách không tự chủ như nhịp thở và nhịp tim để vượt qua phản ứng của cơ thể trong các tình huống căng thẳng.

Phản hồi sinh học thường cho hiệu quả cao nhất đối với các tình trạng bị ảnh hưởng nhiều bởi căng thẳng, ví dụ như rối loạn học tập, rối loạn ăn uống, đái dầm và co thắt cơ.

Phản hồi sinh học có thể được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, gồm có:

  • Đau mãn tính: Bằng cách giúp người bệnh xác định các cơ bị căng và sau đó học cách thả lỏng cơ, liệu pháp phản hồi sinh học có thể giúp cải thiện các tình trạng như đau thắt lưng, đau bụng, rối loạn khớp thái dương hàm và đau cơ xơ hóa. Phản hồi sinh học có thể mang lại lợi ích giảm đau cho mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ đến người cao tuổi.
  • Nhức đầu: Nhức đầu là một trong những mục đích sử dụng được nghiên cứu kỹ nhất của liệu pháp phản hồi sinh học. Căng cơ và căng thẳng có thể gây ra hoặc làm nặng thêm chứng đau nửa đầu và các loại đau đầu khác. Có bằng chứng chứng minh rằng liệu pháp phản hồi sinh học có thể giúp thư giãn cơ và giảm căng thẳng, nhờ đó giảm cả tần suất lẫn mức độ nghiêm trọng của chứng đau đầu. Phản hồi sinh học sẽ có hiệu quả giảm đau đầu cao hơn nếu được kết hợp với thuốc.
  • Lo âu: Giảm lo âu là một trong những ứng dụng phổ biến nhất của liệu pháp phản hồi sinh học. Phản hồi sinh học giúp người bệnh nhận thức rõ hơn về phản ứng của cơ thể khi bị căng thẳng và lo âu, từ đó học được cách kiểm soát những phản ứng đó.
  • Tiểu són (tiểu không tự chủ): Liệu pháp phản hồi sinh học là một giải pháp cho những người bị chứng tiểu không tự chủ. Phản hồi sinh học có thể giúp phụ nữ xác định và tăng cường cơ sàn chậu – các cơ kiểm soát quá trình làm rỗng bàng quang. Sau một vài buổi trị liệu bằng phản hồi sinh học, phụ nữ bị chứng tiểu không tự chủ có thể giảm tần suất tiểu gấp và tiểu són. Phản hồi sinh học còn giúp khắc phục tình trạng đái dầm ở trẻ em cũng như chứng đại tiện không tự chủ ở người lớn. Không giống như các loại thuốc thường được dùng để điều trị tiểu không tự chủ, phản hồi sinh học hầu như không gây tác dụng phụ.
  • Cao huyết áp: Các bằng chứng về tác dụng của phản hồi sinh học đối với tình trạng cao huyết áp còn chưa nhất quán. Mặc dù kỹ thuật này có thể giúp làm giảm huyết áp nhưng vẫn không hiệu quả bằng các loại thuốc kiểm soát huyết áp.
  • Rối loạn chức năng tình dục: Liệu pháp phản hồi sinh học có thể giúp điều trị các dạng rối loạn chức năng tình dục, gồm có đau khi quan hệ tình dục ở phụ nữ và rối loạn cương dương ở nam giới.

Chuẩn bị trước khi điều trị

Hãy chọn chuyên gia trị liệu có chuyên môn và kinh nghiệm để có được hiệu quả cao nhất. Trao đổi với nơi điều trị xem có cần chuẩn bị gì trước hay không. Thông thường, người bệnh không cần chuẩn bị gì đặc biệt trước khi trị liệu.

Cơ chế của phản hồi sinh học

Các nghiên cứu vẫn chưa lý giải được chính xác cơ chế tác dụng của liệu pháp phản hồi sinh học nhưng liệu pháp này giúp cơ thể thư giãn, nhờ đó cải thiện các tình trạng liên quan đến căng thẳng.

Trong quá trình trị liệu bằng phản hồi sinh học, người bệnh sẽ được gắn các điện cực lên da và có thể đeo thêm cảm biến ở ngón tay nếu cần thiết. Các cảm biến/điện cực này sẽ gửi tín hiệu đến màn hình, màn hình sẽ phát ra âm thanh, ánh sáng nhấp nháy hoặc hình ảnh biểu thị nhịp tim, nhịp thở, huyết áp, nhiệt độ da, sự đổ mồ hôi hoặc hoạt động của cơ.

Khi ở trạng thái căng thẳng, các chức năng này sẽ thay đổi. Nhịp tim, huyết áp sẽ tăng, cơ căng ra, bắt đầu ra mồ hôi và nhịp thở nhanh hơn. Người bệnh sẽ thấy những phản ứng căng thẳng này qua những gì hiển thị trên màn hình và sau đó nhận được phản hồi ngay lập tức khi cố gắng ngăn chặn chúng.

Chuyên gia trị liệu sẽ giúp người bệnh thực hiện các bài tập thư giãn mà người bệnh có thể điều chỉnh để kiểm soát các chức năng khác nhau của cơ thể. Ví dụ, người bệnh có thể áp dụng một kỹ thuật thư giãn để ngăn chặn sự kích hoạt sóng não gây cảm giác đau đầu.

Một số bài tập thư giãn khác được sử dụng trong liệu pháp phản hồi sinh học gồm có:

  • Hít thở sâu
  • Thả lỏng cơ tăng dần (lặp lại chu kỳ siết chặt và thả lỏng các nhóm cơ khác nhau)
  • Tưởng tượng có hướng dẫn (tập trung vào một hình ảnh cụ thể, chẳng hạn như màu sắc và kết cấu bề mặt vỏ của quả cam). Kỹ thuật này giúp tập trung tâm trí và tạo cảm giác thư thái
  • Thiền chánh niệm (tập trung suy nghĩ và gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực)

Khi làm giảm nhịp tim, huyết áp và sự căng cơ, người bệnh sẽ nhận được phản hồi ngay lập tức trên màn hình. Cuối cùng, người bệnh sẽ học được cách tự kiểm soát các chức năng này mà không cần thiết bị phản hồi sinh học.

Một buổi trị liệu phản hồi sinh học điển hình kéo dài từ 30 đến 60 phút nhưng cũng có thể lâu hơn. Số buổi điều trị để giải quyết một vấn đề sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có vấn đề cần điều trị, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, phản ứng của cơ thể, việc tập luyện giữa các buỏi trị liệu và tốc độ học được cách kiểm soát các phản ứng thể chất. Thông thường, người bệnh sẽ bắt đầu thấy hiệu quả sau khoảng 10 buổi trị liệu hoặc cũng có thể sớm hơn. Tuy nhiên, một số vấn đề chẳng hạn như cao huyết áp, cần điều trị lâu hơn để thấy kết quả.

Hiệu quả của liệu pháp phản hồi sinh học sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như tần suất sử dụng các kỹ thuật học được trong cuộc sống hàng ngày.

Hiện nay có các thiết bị phản hồi sinh học mà người bệnh có thể mua và tự sử dụng tại nhà. Có những loại đi kèm màn hình hiển thị và cũng có những loại được kết nối với máy tính. Tuy nhiên, cần tìm hiểu kỹ trước khi mua những thiết bị này. Không phải thiết bị phản hồi sinh học nào cũng có hiệu quả.

Rủi ro của phản hồi sinh học

Liệu pháp phản hồi sinh học nói chung là an toàn, chưa có tác dụng phụ tiêu cực nào được báo cáo. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với liệu pháp này. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu trị liệu bằng phản hồi sinh học hay bất kỳ phương pháp điều trị bổ sung nào.

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Cách sử dụng bao cao su nam
Cách sử dụng bao cao su nam

Bao cao su nam là một trong những biện pháp kiểm soát sinh sản phổ biến nhất vì dễ tìm mua, tiện lợi và giá rẻ. Bao cao su nam có bán ở hầu hết các cửa hàng tiện lợi, siêu thị và hiệu thuốc.

Có Thể Dùng Vaseline Để Bôi Trơn Khi Quan Hệ Không?
Có Thể Dùng Vaseline Để Bôi Trơn Khi Quan Hệ Không?

Có thể sử dụng Vaseline để bôi trơn khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, đây không phải là một lựa chọn an toàn.

Dùng Dầu Dừa Để Bôi Trơn Khi Quan Hệ Có An Toàn Không?
Dùng Dầu Dừa Để Bôi Trơn Khi Quan Hệ Có An Toàn Không?

Dùng dầu dừa bôi trơn khi quan hệ có an toàn không? Mặc dù hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại gel bôi trơn đa dạng nhưng bạn có thể cân nhắc sử dụng dầu dừa nếu thích sản phẩm tự nhiên và không chứa hóa chất.

Tiêm PRP trong điều trị rối loạn cương dương: Hiệu quả và tác dụng phụ
Tiêm PRP trong điều trị rối loạn cương dương: Hiệu quả và tác dụng phụ

Liệu pháp huyết tương giàu tiểu cầu hiện nay được ứng dụng vào nhiều mục đích khác nhau, bao gồm cả điều trị chứng rối loạn cương dương.

Mọi điều cần biết về cách sử dụng bao cao su
Mọi điều cần biết về cách sử dụng bao cao su

Để tránh mang thai ngoài ý muốn và ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục, đeo bao cao su dành cho cả nam và nữ là một lựa chọn thích hợp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây