1

Nhiễm Chlamydia Trachomatis sinh dục - tiết niệu - Bộ y tế 2015

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh da liễu - Bộ y tế 2015

1. ĐẠI CƯƠNG

- Chlamydia là tác nhân gây mù loà và bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD). Có ba biến thể sinh học khác nhau của Chlamydia:

  • Biến thể trachoma-serovars A, B và C gây bệnh mắt hột.
  • Chlamydia trachomatis gây các bệnh đường sinh dục ở người mà chủ yếu gây viêm niệu đạo có triệu chứng và không triệu chứng.
  • Biến thể serovars L1, L2, L3 gây bệnh hột xoài có cùng nhóm huyết thanh với bệnh mắt hột nhưng có lâm sàng xâm nhập lan tràn gây tổn hại nhiều hơn ở vùng sinh dục-tiết niệu.

- C. trachomatis gây nhiễm khuẩn đường sinh dục có triệu chứng gần giống như bệnh lậu. Việc nuôi cấy phân lập vi khuẩn rất khó khăn.

- Các yếu tố nguy cơ làm tăng bệnh bao gồm những người có triệu chứng và không có triệu chứng và bạn tình của họ không được chẩn đoán và điều trị sớm, các thày thuốc chưa có kinh nghiệm và chưa quan tâm đến bệnh này.

- Tỷ lệ mới mắc C. trachomatis không rõ do người bệnh không có triệu chứng đặc hiệu. Khả năng lây truyền bệnh cũng không rõ do thời gian ủ bệnh dài và khó phân lập được C. trachomatis.

2. NGUYÊN NHÂN

Chlamydia là vi khuẩn nội tế bào bắt buộc do không có khả năng tổng hợp các hợp chất có năng lượng cao (ATP và GTP). Điểm căn bản là chu kỳ nhân lên khác thường với hai hình thái rất đặc biệt để đáp ứng với đời sống nội tế bào và ngoại tế bào. Tiểu thể nhiễm trùng-thể căn bản (elementary body-EB) chịu được đời sống ngoại bào nhưng không có chuyển hoá. Tiểu thể này tiếp cận tế bào, chui vào trong và thay đổi thành có hoạt động chuyển hoá và thành thể lưới (reticulate body). Sau đó nó lấy các chất của tế bào chủ để tổng hợp ra RNA, DNA và protein của nó. Chính giai đoạn chuyển hoá mạnh này làm vi khuẩn nhạy cảm với kháng sinh. Chu kỳ nhân lên của Chlamydia khoảng 48-72 giờ, tế bào bị phá hủy và giải phóng ra thể cơ bản nhiễm trùng.

3. CHẨN ĐOÁN

a) Chẩn đoán xác định

* Lâm sàng

- Nhiễm C. trachomatis ở nam: biểu hiện chủ yếu là viêm niệu đạo.

+ Viêm niệu đạo:

  • Ở những người bệnh bị viêm niệu đạo không do lậu có khoảng 35-50% là do C. trachomatis. Triệu chứng là đi tiểu khó (đái buốt, đái rắt, đau khi đi tiểu) và tiết dịch niệu đạo, dịch nhày màu trắng đục hay trắng trong, số lượng ít đến vừa.
  • Khám thấy miệng sáo đỏ, viêm nề, không thấy các bệnh lý khác như sưng hạch bẹn, các ổ đau trong niệu đạo, các thương tổn bệnh herpes ở miệng sáo và dương vật.
  • Thời gian ủ bệnh khá dài (7-21 ngày), trái với lậu (3-5 ngày). Có tới trên 50% không biểu hiện triệu chứng, khi xét nghiệm dịch niệu đạo bằng nhuộm Gram không thấy song cầu Gram âm và có t 5 bạch cầu đa nhân/vi trường với độ phóng đại 1000X.
  • Chú ý là viêm niệu đạo sau lậu không do lậu thường do C. trachomatis. Những người bệnh này có khả năng mắc cùng một lúc cả hai bệnh nhưng bệnh do Chlamydia có thời gian ủ bệnh dài hơn và điều trị lậu không diệt được Chlamydia.

+ Viêm mào tinh hoàn và viêm tuyến tiền liệt:

  • C. trachomatis là nguyên nhân chủ yếu gây viêm mào tinh hoàn mà trước đây cho rằng không rõ căn nguyên.
  • Biểu hiện là đau một bên bìu, phù nề, đau và sốt, thường có viêm niệu đạo hoặc không.
  • Điều trị bằng tetraxyclin bệnh tiến triển tốt cho thấy C. trachomatis là căn nguyên.
  • Vai trò gây bệnh của C. trachomatis trong viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn chưa được rõ.

+ Viêm trực tràng:

  • Ở những người giao hợp qua đường hậu môn thì cả LGV và không phải LGV đều có thể gây viêm trực tràng. C. trachomatis không phải LGV có bệnh cảnh lâm sàng nhẹ hơn từ không có triệu chứng đến có triệu chứng giống viêm trực tràng do lậu rồi đau trực tràng và chảy máu, tiết nhày và ỉa chảy.
  • Nhuộm Gram dịch trực tràng có nhiều bạch cầu đa nhân. Soi trực tràng thấy niêm mạc bị tổn thương dễ bị bể vụn.

+ Hội chứng Reiter:

  • Gồm các triệu chứng viêm niệu đạo, viêm kết mạc mắt, viêm khớp và các thương tổn đặc trưng ở da, niêm mạc có liên quan đến nhiễm trùng C. trachomatis.
  • Xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang cho thấy trên 80% số người bị hội chứng Reiter có C. trachomatis. Bệnh thường gặp ở những người có HLA-B27.

- Nhiễm C. trachomatis ở phụ nữ:

+ Viêm cổ tử cung

  • Đa số người bệnh không có các dấu hiệu bệnh, khoảng 1/3 có dấu hiệu tại chỗ.
  • Các dấu hiệu thường gặp là tiết dịch nhày mủ và lộ tuyến phì đại với biểu hiện phù nề, xung huyết và dễ chảy máu.
  • Khám lâm sàng cổ tử cung thấy cổ tử cung dễ chảy máu, có dịch mủ trong ống cổ tử cung và phù nề ở vùng lộ tuyến phì đại cổ tử cung.
  • Nhuộm Gram dịch tiết cổ tử cung thấy có trên 30 bạch cầu /vi trường, độ phóng đại 1000X.

+ Viêm niệu đạo

  • Có tiết dịch niệu đạo, miệng niệu đạo đỏ hoặc phù nề. Ở những người có dịch tiết cổ tử cung có kèm theo đái khó, đái rắt là gợi ý việc người bệnh đồng thời bị viêm niệu đạo do C. trachomatis. Viêm niệu đạo do C. trachomatis có thể được nghĩ đến ở những người phụ nữ trẻ ở tuổi hoạt động tình dục mạnh mà có đi tiểu khó, đái rắt và mủ niệu, đặc biệt khi họ có bạn tình có triệu chứng viêm niệu đạo hoặc có bạn tình mới.
  • Nhuộm Gram dịch tiết niệu đạo thấy có trên 10 bạch cầu đa nhân trung tính/vi trường ở độ phóng đại 1000X, không thấy có lậu cầu, trùng roi và trực khuẩn. Tuy nhiên, đại đa số người bệnh bị viêm niệu đạo do C. trachomatis không có triệu chứng lâm sàng.

+ Viêm tuyến Bartholin: cũng như lậu cầu, C. trachomatis gây viêm xuất tiết ống tuyến Bartholin. Viêm tuyến Bartholin có mủ có thể do C. trachomatis đơn

thuần hay phối hợp với lậu cầu.

+ Viêm nội mạc tử cung: có tới gần một nửa số người bệnh viêm cổ tử cung và hầu hết số người viêm vòi trứng bị viêm nội mạc tử cung. Vi khuẩn lan qua niêm mạc tử cung lên vòi trứng. Sốt sau khi đẻ và viêm nội mạc tử cung sau đẻ thường do không điều trị C. trachomatis khi mang thai.

+ Viêm vòi trứng: cũng là biến chứng của viêm cổ tử cung do C. trachomatis. Tuy vậy, triệu chứng rất nghèo nàn hoặc không có triệu chứng. Hậu quả sẹo ống dẫn chứng gây nên chửa ngoài tử cung và vô sinh.

+ Viêm quanh gan (hội chứng Fitz-Hugh-Cutis): có thể xảy ra sau hoặc cùng lúc với viêm vòi trứng. Bệnh được nghĩ đến khi gặp ở phụ nữ trong tuổi hoạt động tình dục mạnh, có biểu hiện đau hạ sườn phải, sốt, buồn nôn hoặc nôn.

* Xét nghiệm

+ Nuôi cấy phân lập C. trachomatis: có độ đặc hiệu và độ nhạy cao.

+ Miễn dịch huỳnh quang trực tiếp bằng kháng thể đơn dòng có độ nhạy không cao.

+ Miễn dịch gắn men bằng kháng thể đơn dòng/đa dòng: độ nhạy 60-80%, đặc hiệu 97-99%.

+ PCR hoặc LCR: là kỹ thuật có độ nhạy và đặc hiệu cao nhất, đạt gần 100%.

* Chẩn đoán xác định

  • Đối với nam giới: Cần xét nghiệm cho những người bệnh lậu, viêm niệu đạo không do lậu. Xét nghiệm nhuộm Gram thấy có trên 4 bạch cầu đa nhân/vi trường ở độ phóng đại 1000X, không có song cầu Gram âm. Nuôi cấy tìm lậu cầu, làm PCR, LCR hoặc ELISA dương tính với C.trachomatis.
  • Đối với phụ nữ: có tiền sử phơi nhiễm với C.trachomatis (có quan hệ tình dục hoặc bạn tình có dấu hiệu, triệu chứng bệnh) và có biểu hiện một số triệu chứng (viêm cổ tử cung tiết dịch nhày mủ, viêm niêm mạc tử cung, viêm tiểu khung, viêm niệu đạo, viêm trực tràng) cần được xét nghiệm. Xét nghiệm dịch cổ tử cung có >20 bạch cầu đa nhân/vi trường ở độ phóng đại 1000X, không có song cầu Gram âm. Nuôi cấy tìm lậu cầu, làm PCR, LCR hoặc ELISA dương tính. Những phụ nữ có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh (người bệnh đến các phòng khám STD, phụ khoa, phụ nữ sảy thai, người có nhiều bạn tình) cần được xét nghiệm sàng lọc.

4. ĐIỀU TRỊ

Trị liệu được lựa chọn là azitromycin, tetracyclin hoặc doxycyclin trong 1-3 tuần.

a) Điều trị nhiễm C. trachomatis không biến chứng ở niệu đạo, cổ tử cung và trực tràng

- Phác đồ khuyến cáo điều trị nhiễm Chlamydia:

  • Azithromycin 1g uống liều duy nhất, hoặc:
  • Doxycyclin 100mg, uống 2 lần/ ngày trong 7 ngày.

- Các phác đồ thay thế:

  • Erythromycin 2 g/ngày, chia 4 lần trong 7 ngày hoặc:
  • Levofloxacin 500 mg một lần/ ngày trong 7 ngày, hoặc:
  • Ofloxacin 300mg uống 2 lần/ ngày trong 7 ngày.

- Một số thuốc khác có hiệu quả điều trị như amoxicillin, rifampicin, sulfonamid, clindamycin và các fluoroquinolon. Các thuốc không có tác dụng điều trị như penicilin, ampixilin, cephalosporin, spectinomycin.

- Theo dõi sau điều trị cho thấy có một số trường hợp bị lại (5-10%) có thể do tái phát hoặc tái nhiễm. Một số người bệnh sau điều trị mặc dù không còn C.trachomatis nhưng vẫn còn triệu chứng hoặc tái phát triệu chứng bệnh có thể do đồng thời bị tác nhân gây bệnh khác.

b) Điều trị cho phụ nữ có thai

  • Erythromycin 500mg uống 4 viên/ngày trong 7 ngày, hoặc:
  • Amoxicillin 500mg uống 3 viên ngày trong 7 ngày, hoặc có thể thay thế bằng:
  • Azithromycin 1g uống liều duy nhất

Các bạn tình của người bệnh cần được xét nghiệm trong vòng 30 ngày sau khi phơi nhiễm hoặc được điều trị bằng tetracyclin, doxycyclin.

5. PHÒNG BỆNH

  • Trở ngại chủ yếu trong việc phòng chống có hiệu quả nhiễm trùng sinh dục do C. trachomatis là không có các xét nghiệm đặc hiệu tại các phòng khám STD.
  • Có tới trên 40% người bệnh nhiễm C. trachomatis không có triệu chứng và rất nhiều người trong tuổi hoạt động tình dục bị nhiễm C. trachomatis mà không đi khám chữa bệnh vì không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nghèo nàn.
  • Một biện pháp có thể thực hiện là tầm soát C. trachomatis ở các phòng khám nơi có nhiều người bệnh để phát hiện các trường hợp không có triệu chứng.
  • Việc điều trị cho bạn tình là một biện pháp quan trọng và hiệu quả.

 

BỆNH LÝ ĐƯỜNG SINH DỤC DO LẬU CẦU VÀ C. TRACHOMATIS

 

Cơ quan Lậu cầu  C. trachomatis
Nam
Niệu đạo  Viêm niệu đạo do lậu NGU, PGU
Mào tinh Viêm mào tinh hoàn Viêm mào tinh hoàn
Trực tràng  Viêm trực tràng Viêm trực tràng
Kết mạc  Viêm kết mạc Viêm kết mạc
Hệ thống  Nhiễm lậu cầu lan tỏa  HC- Reiter
Nữ
Niệu đạo  HC niệu đạo cấp  HC niệu đạo cấp
Tuyến Bartholin  Viêm tuyến Bartholin  Viêm tuyến Bartholin
Cổ tử cung Viêm cổ tử cung Viêm cổ tử cung
Vòi trứng Viêm vòi trứng  Viêm vòi trứng
Kết mạc mắt Viêm kết mạc mắt  Viêm kết mạc mắt
Màng ngoài gan Viêm quanh gan Viêm quanh gan
Hệ thống  Nhiễm lậu cầu lan tỏa  Viêm khớp phản ứng

  

BỆNH LÝ DO CHLAMYDIA GÂY NÊN Ở NGƯỜI

 

Chủng Tuýp huyết thanh Bệnh
C. psittaci Nhiều tuýp huyết thanh Psittacosis
C. pneumoniae TWAR Bệnh lý đường hô hấp
C. trachomatis

L1, L2, L3

A,B,Ba,C

D,E,F,G,H,I,J,K

Bệnh hột xoài

Bệnh mắt hột

Viêm kết mạc mắt thể vùi, viêm niệu đạo, VCTC, viêm vòi trứng, viêm trực tràng, viêm mào tinh hoàn, viêm phổi trẻ sơ sinh.

 

 

Bài viết nghiên cứu có thể bạn quan tâm
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về thận, tiết niệu - Bộ y tế 2015
  •  2 năm trước

(Ban hành kèm theo Quyết định số 3931/QĐ-BYT ngày 21/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Chẩn đoán và điều trị nội khoa sỏi thận tiết niệu - Bộ y tế 2015
  •  2 năm trước

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về thận, tiết niệu - Bộ y tế 2015

Nhiễm ký sinh trùng đường ruột ở trẻ em - Bộ y tế 2015
  •  2 năm trước

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em - Bộ y tế 2015

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật ngoại khoa chuyên khoa phẫu thuật tiết niệu - Bộ y tế 2017
  •  2 năm trước

Quyết định số 5731/QĐ-BYT ngày 21/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu hướng dẫn Quy trình kỹ thuật Ngoại khoa Chuyên khoa Phẫu thuật Tiết niệu

Tin liên quan
Tại sao đã điều trị bằng kháng sinh mà nhiễm trùng đường tiết niệu vẫn không khỏi?
Tại sao đã điều trị bằng kháng sinh mà nhiễm trùng đường tiết niệu vẫn không khỏi?

Nếu các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu vẫn kéo dài sau khi điều trị thì có thể phải điều trị bằng một loại thuốc khác hoặc cũng có thể các triệu chứng là do một bệnh lý khác gây ra.

8 cách điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu không cần dùng thuốc kháng sinh
8 cách điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu không cần dùng thuốc kháng sinh

Nhiễm trùng đường tiết niệu (viêm đường tiết niệu) gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Tình trạng này thường phải điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng bạn cũng có thể thử các biện pháp khắc phục tại nhà sau đây để kiểm soát các triệu chứng.

Điểm Khác Biệt Giữa Nhiễm Nấm Âm Đạo Và Viêm Đường Tiết Niệu
Điểm Khác Biệt Giữa Nhiễm Nấm Âm Đạo Và Viêm Đường Tiết Niệu

Cả viêm đường tiết niệu và nhiễm nấm âm đạo đều là những vấn đề phổ biến ở phụ nữ nhưng có nhiều biện pháp để ngăn ngừa và điều trị.

Có nên sử dụng dầu dừa để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu không?
Có nên sử dụng dầu dừa để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu không?

Dầu dừa là một trong những phương pháp tự nhiên được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Lý do là bởi dầu dừa có chứa các axit béo có đặc tính kháng khuẩn giúp chống lại nhiễm trùng.

Có thể điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng tinh dầu không?
Có thể điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng tinh dầu không?

Ngày càng có nhiều người tìm đến các phương pháp tự nhiên để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Một trong những phương pháp đó là sử dụng tinh dầu.

Hỏi đáp có thể bạn quan tâm
Nhiễm nấm men có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không?
  •  4 năm trước
  •  1 trả lời
  •  1050 lượt xem

- Bác sĩ ơi, nhiễm nấm men có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không ạ? Cảm ơn bác sĩ!

Có cách nào chữa dứt điểm tình trạng tiết dịch màu trắng đục và có mùi hôi tại bộ phận sinh dục của bé gái 9 tuổi không?
  •  3 năm trước
  •  1 trả lời
  •  857 lượt xem

Em có bé gái được 9 tuổi. Dạo gần đây âm đạo của bé tiết ra dịch có mùi khó chịu như trứng ung và màu trắng đục như nước vo gạo. Có khi còn bị đau rát và đỏ tấy bên dưới bộ phận sinh dục. Bé đi khám tại bệnh viện Nhi Đồng 2 mấy lần, nhưng bác sĩ không cho siêu âm hay xét nghiệm chỉ chẩn đoán viêm phụ khoa rồi cho thuốc về uống. Bé uống thuốc hết 1 thời gian lại bị lại. Hàng ngày em vẫn vệ sinh nước muối cho bé. Em có tới bệnh viện Từ Dũ để khám cho bé nhưng ở đây không khám bệnh trẻ em. Bé nhà em bị dị tật không hậu môn và đã phẫu thuật. Hiện tại bé đang bị ứ nước thận ở 2 bên. Có cách nào để chữa dứt điểm bệnh ở bộ phận sinh dục cho bé không ạ?

Có thể thụ thai, sau khi vừa uống xong thuốc trị viêm đường tiết niệu?
  •  3 năm trước
  •  1 trả lời
  •  3322 lượt xem

Đang chuẩn bị mang thai thì em bị viêm đường tiết niệu. Đi khám, bs phụ khoa kê thuốc cho em uống trong vòng 5 ngày: Scanax 500mg, Acid mefenamic 500mg và Domi tazoke. Bác sĩ cho em hỏi uống hết liều thuốc trên thì bao lâu em có thể thụ thai được ạ?

Dừng thuốc viêm đường tiết niệu, có thụ thai được không?
  •  3 năm trước
  •  1 trả lời
  •  1373 lượt xem

Em vừa dùng xong một toa thuốc trị viêm đường tiết niệu với 4 loại thuốc là: Cefprozil 500mg, Lornoxicam 8 mg, Royalpanacea và Emanera 20mg. Vậy, nếu bi giờ em có thai thì việc uống thuốc trên có ảnh hưởng đến thai nhi không ạ?

Muốn sinh mổ để tránh lây nhiễm cho em bé?
  •  3 năm trước
  •  1 trả lời
  •  484 lượt xem

Bé đầu em sinh thường, nay đã tròn 5 tuổi. Giờ em đang mang bầu bé thứ 2 được 30 tuần. Lúc 12 tuần, em đi xét nghiệm máu, kết quả: HBsAg dương tính 2.347/0.074; HBeAg dương tính 1466.74. Vì muốn khả năng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang bé thấp hơn, em muốn sinh mổ, có được không ạ?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây