Làm thế nào để phòng ngừa đột quỵ?
Các nghiên cứu về đột quỵ vẫn đang tiếp tục được thực hiện nhằm hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây đột quỵ, những yếu tố nguy cơ và những biện pháp phòng ngừa đột quỵ.
Bài viết này sẽ nêu ra các biện pháp đã được khoa học chứng minh là có thể phòng ngừa hoặc giảm nguy cơ đột quỵ.
Các dấu hiệu đột quỵ
Các triệu chứng của đột quỵ thường xuất hiện đột ngột. Các triệu chứng thường gặp gồm có:
- Khó khăn khi nói và hiểu lời nói
- Mặt bị xệ hoặc tê
- Yếu cơ/liệt một bên người
- Giảm thị lực
- Đi lại khó khăn
- Lú lẫn
- Đau đầu dữ dội (thường xảy ra với đột quỵ xuất huyết não)
Nếu bản thân hoặc một ai đó có những dấu hiệu này, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Cấp cứu kịp thời người bị đột quỵ sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong và tàn tật kéo dài.
Các cách giảm nguy cơ đột quỵ
Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ được chia thành hai nhóm: những yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát và những yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát.
Các yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát, thay đổi gồm có:
- Yếu tố di truyền, chẳng hạn như tiền sử gia đình bị đột quỵ hoặc mắc các bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ
- Giới tính
- Tuổi tác
- Chủng tộc
Bên cạnh đó cũng có những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được. Giải quyết những yếu tố này có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ.
1. Kiểm soát huyết áp
Cao huyết áp (hay còn gọi là tăng huyết áp) là một yếu tố chính làm tăng nguy cơ đột quỵ. Khoảng 90% bệnh nhân đột quỵ bị cao huyết áp. Huyết áp càng cao thì càng dễ bị đột quỵ.
Huyết áp tân thu 120 mmHg và huyết áp tâm trương 80 mmHg được coi là mức huyết áp bình thường (120/80 mmHg). Huyết áp chỉ cần cao hơn mức này một chút cũng đủ làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Khi có tuổi, việc kiểm soát huyết áp sẽ trở nên khó khăn hơn và cao huyết áp là vấn đề rất phổ biến ở người trên 65 tuổi.
Thay đổi lối sống là một cách để kiểm soát huyết áp:
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Tập thể dục thường xuyên
- Thực hiện chế độ ăn uống tốt cho tim mạch, chẳng hạn như chế độ ăn dash hay chế độ ăn có nhiều rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt
- Ăn ít muối
Những người bị tăng huyết áp có thể cần dùng thuốc để hạ huyết áp và giảm áp lực lên các mạch máu.
Kiểm soát tốt huyết áp có thể phòng ngừa khoảng 40% số ca đột quỵ. (1)
2. Kiểm soát đường huyết
Bệnh tiểu đường cũng là một yếu tố làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ. Khoảng 20% số ca tử vong ở những người mắc bệnh tiểu đường là do đột quỵ. Những người bị tiền tiểu đường cũng có nguy cơ đột quỵ cao hơn.
Bệnh tiểu đường còn có liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ, gồm có:
- Tăng huyết áp
- Béo phì
- Cholesterol trong máu cao
Bệnh tiểu đường cũng có thể kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống, chẳng hạn như tập thể dục thường xuyên và điều chỉnh chế độ ăn uống. Nhưng bệnh nặng sẽ phải dùng thuốc để duy trì lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh. Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường sẽ giúp giảm nguy cơ đột quỵ
3. Cải thiện cholesterol trong máu
Cải thiện cholesterol không chỉ là làm giảm lượng cholesterol xấu (LDL) mà tăng cholesterol tốt (HDL) cũng rất quan trọng.
Những người có mức LDL cholesterol cao có nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ cao hơn, trong khi những người có mức HDL cholesterol thấp có nguy cơ đột quỵ xuất huyết não cao hơn. (2)
Một chế độ ăn uống lành mạnh với chất béo tốt và nhiều protein có thể giúp giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt. Những người có mức cholesterol xấu quá cao có thể cần dùng thuốc statin để làm giảm cholesterol và ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Mảng xơ vữa có thể làm hình thành thành cục máu đông hoặc bong ra, di chuyển đến não và gây đột quỵ.
4. Bỏ thuốc lá
Những người hút thuốc có nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ cao hơn từ 2 đến 4 lần so với những người không hút thuốc. (3)
Khi bỏ thuốc, nguy cơ đột quỵ sẽ giảm ngay lập tức và tiếp tục giảm theo thời gian. Trong vòng 2 đến 4 năm sau khi bỏ thuốc, nguy cơ đột quỵ liên quan đến khói thuốc sẽ gần như bằng không.
Có nhiều cách hỗ trợ cai thuốc lá, chẳng hạn như dùng thuốc, thay đổi hành vi và liệu pháp thay thế nicotine.
5. Hạn chế uống rượu
Mặc dù uống một rượu vang vừa phải mỗi ngày có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhưng Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo rằng không phải loại rượu nào cũng mang lại lợi ích này và chỉ nên uống rượu ở mức độ vừa phải. Ngoài ra, AHA cũng lưu ý rằng có nhiều cách khác hiệu quả hơn để giảm nguy cơ đột quỵ, ví dụ như tập thể dục thường xuyên và ăn các loại trái cây giàu chất chống oxy hóa.
Uống nhiều rượu bia sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ. Điều này một phần là vì uống nhiều rượu bia sẽ làm tăng huyết áp.
Nếu bạn uống rượu thì tốt nhất chỉ nên uống ít hoặc vừa phải. Theo khuyến nghị của AHA, phụ nữ chỉ nên uống tối đa một đơn vị cồn và nam giới chỉ uống tối đa hai đơn vị cồn mỗi ngày (một đơn vị cồn = 10g cồn nguyên chất). Nếu có thể thì nên cai rượu hoàn toàn.
6. Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Thừa cân và béo phì là những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ. Thừa cân và béo phì còn có liên quan chặt chẽ đến các vấn đề sức khỏe khác làm tăng nguy cơ đột quỵ, gồm có cao huyết áp và tiểu đường.
Người bị thừa cân có nguy cơ đột quỵ cao hơn 22% so với người có cân nặng bình thường và ở những người béo phì, nguy cơ đột quỵ cao hơn 64%. (4)
Các cách để giảm cân và kiểm soát cân nặng gồm có giảm lượng calo nạp vào và tập thể dục thường xuyên.
Tuy nhiên, nếu thừa cân nghiêm trọng thì những cách này là chưa đủ mà sẽ phải dùng thuốc hoặc phẫu thuật giảm cân.
7. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục giúp làm giảm một số yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ, ví dụ như:
- Hạ huyết áp
- Giảm lượng đường trong máu
- Giảm cân hoặc duy trì cân nặng khỏe mạnh
Tập thể dục có lợi cho sức khỏe tim mạch và giúp giảm nguy cơ đột quỵ. Những người tập thể dục thường xuyên có nguy cơ đột quỵ thấp hơn và khi bị đột quỵ, những người này sẽ ít có nguy cơ tử vong hơn so với những người ít vận động.
Cố gắng duy trì thói quen tập thể dục cường độ vừa phải hầu hết các ngày trong tuần, ngay cả khi bạn không cần giảm cân. Không nhất thiết phải chọn các bài tập nặng mà có thể chọn bất kỳ hình thức tập luyện nào mà bạn cảm thấy phù hợp và có thể duy trì lâu dài, chẳng hạn như tập aerobic, đi bộ, chạy bộ, bơi, chơi một môn thể thao, các bài tập tại chỗ…
8. Ngủ đủ giấc
Nghiên cứu chỉ ra rằng chất lượng giấc ngủ kém có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Ngủ kém có thể gây ra các vấn đề như mệt mỏi, trí nhớ kém, lo âu và trầm cảm.
Các vấn đề về giấc ngủ có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ gồm có:
- Mất ngủ
- Buồn ngủ vào ban ngày
- Ngưng thở khi ngủ
- Ngủ quá nhiều (trên 9 tiếng một ngày)
Người trưởng thành cần ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày. Nếu bạn bị mất ngủ thì có thể thử các cách như thay đổi thói quen ăn uống vào buổi tối, thư giãn trước khi đi ngủ, giảm thời gian ngủ vào ban ngày, không dùng thiết bị điện tử trước giờ ngủ và nếu tình trạng vẫn không cải thiện thì có thể đi khám để được kê thuốc điều trị.
Đột quỵ cũng có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về giấc ngủ hiện tại và dẫn đến tăng nguy cơ đột quỵ tái phát.
9. Điều trị rung nhĩ
Rung nhĩ là một loại rối loạn nhịp tim, trong đó các buồng trên của tim co bóp quá nhanh hoặc không đều. Rung nhĩ có thể làm hình thành cục máu đông trong tim và cục máu đông có thể di chuyển đến tim và gây đột quỵ.
Rung nhĩ làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ và nếu còn có các yếu tố khác thì nguy cơ đột quỵ sẽ càng cao.
Do đó, điều trị rung nhĩ là điều cần thiết để phòng ngừa đột quỵ. Những người bị rung nhĩ thường phải dùng thuốc chống đông máu để ngăn hình thành cục máu đông.
10. Điều chỉnh chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh và đủ dinh dưỡng có thể giúp giảm cân và giảm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ khác.
- Giảm lượng muối (natri) có thể giúp hạ huyết áp.
- Ăn nhiều chất béo tốt, ví dụ như cá và các loại hạt, có thể cải thiện mức cholesterol.
- Hạn chế tiêu thụ đường bổ sung và carbohydrate tinh chế có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Không cần thiết phải tính toán lượng calo. Thay vào đó, chỉ cần lựa chọn các loại thực phẩm lành mạnh và giàu dinh dưỡng như:
- Trái cây
- Rau củ
- Các loại đậu
- Ngũ cốc nguyên hạt
- Cá
- Thịt gia cầm
Bên cạnh đó nên tránh hoàn toàn hoặc hạn chế các loại thực phẩm như:
- Đường tinh luyện
- Thịt đỏ
- Thực phẩm siêu chế biến
- Chất béo xấu
Những thay đổi nhỏ trong thói quen ăn uống có thể mang lại lợi ích lớn cho sức khỏe.
Tóm tắt bài viết
Có nhiều cách để phòng ngừa hoặc giảm nguy cơ đột quỵ, gồm có kiểm soát các vấn đề sức khỏe đang mắc, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, điều chỉnh chế độ ăn, duy trì cân nặng khỏe mạnh và tập thể dục đều đặn.
Nhiều biện pháp phòng ngừa đột quỵ cũng có lợi cho sức khỏe tổng thể và có thể giảm thiểu nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác.
Không có kế hoạch phòng ngừa đột quỵ nào phù hợp với tất cả mọi người. Mỗi người cần hiểu được các yếu tố nguy cơ của bản thân và từ đó xây dựng kế hoạch phòng ngừa đột quỵ cho phù hợp. Những điều chỉnh dù nhỏ nhưng nếu được thực hiện bền bỉ và lâu dài thì cũng sẽ mang lại sự thay đổi lớn.
Xuất huyết não là một loại đột quỵ và là vấn đề có thể để lại di chứng vĩnh viễn nếu không được can thiệp kịp thời.