1

Đột quỵ lỗ khuyết (nhồi máu não lỗ khuyết) là gì?

Đột quỵ lỗ khuyết có thể đe dọa tính mạng. Tuổi cao, tiền sử gia đình, hút thuốc và một số yếu tố về lối sống có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lỗ khuyết. Tập thể dục thường xuyên là một cách để giảm nguy cơ bị loại đột quỵ này.
Đột quỵ lỗ khuyết (nhồi máu não lỗ khuyết) là gì? Đột quỵ lỗ khuyết (nhồi máu não lỗ khuyết) là gì?

Đột quỵ lỗ khuyết hay đột quỵ ổ khuyết, nhồi máu não lỗ khuyết là một loại đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi một trong những động mạch nhỏ sâu bên trong não bị tắc nghẽn, điều này làm gián đoạn sự lưu thông máu đến não.

Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), đột quỵ lỗ khuyết chiếm khoảng 1% tổng số ca đột quỵ. Khi xảy ra cơn đột quỵ, bất kể là loại nào, các tế bào não sẽ bị thiếu oxy và bắt đầu chết chỉ trong vòng vài phút.

Triệu chứng của đột quỵ lỗ khuyết

Vì đột quỵ lỗ khuyết là một dạng đột quỵ nhẹ nên thường không có triệu chứng. Nhưng nếu có thì đột quỵ lỗ khuyết thường xảy ra đột ngột mà không có dấu hiệu cảnh báo trước. Các triệu chứng gồm có:

  • Nói năng khó khăn, nói không rõ ràng hoặc khó hiểu lời người khác nói
  • Không thể giơ một cánh tay lên
  • Xệ một bên mặt
  • Tê liệt, thường chỉ xảy ra ở một bên cơ thể
  • Khó đi lại hoặc cử động cánh tay
  • Lú lẫn
  • Vấn đề về trí nhớ
  • Đau đầu
  • Mất ý thức

Các tế bào não bị chết sẽ làm giảm hoặc mất một số chức năng cơ thể. Các triệu chứng đột quỵ lỗ khuyết ở mỗi trường hợp là khác nhau, tùy thuộc vào vị trí bị gián đoạn lưu thông máu.

Nguyên nhân gây đột quỵ lỗ khuyết

Đột quỵ lỗ khuyết xảy ra do sự gián đoạn lưu thông máu trong các động mạch nhỏ cấp máu cho các cấu trúc sâu của não. Một yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ lỗ khuyết là cao huyết áp mạn tính. Cao huyết áp mạn tính khiến các động mạch bị thu hẹp lại. Khi lòng động mạch hẹp lại, mảng xơ vữa hoặc cục máu đông sẽ dễ gây cản trở sự lưu thông máu đến mô não hơn.

Những ai có nguy cơ bị đột quỵ lỗ khuyết?

Một số người có nguy cơ bị đột quỵ lỗ khuyết cao hơn.

Người lớn tuổi

Nguy cơ đột quỵ lỗ khuyết tăng theo tuổi tác. Những người có nguy cơ cao bị đột quỵ lỗ khuyết là người bị cao huyết áp mạn tính, mắc bệnh tim mạch hoặc tiểu đường.

Người mắc một số bệnh lý

Một số vấn đề sức khỏe mạn tính có thể dẫn đến nhồi máu não lỗ khuyết, gồm có:

  • Cao huyết áp
  • Bệnh tim mạch
  • Bệnh tiểu đường
  • Xơ vữa động mạch – tình trạng tích tụ cholesterol và các chất khác bên trong động mạch
  • Bệnh động mạch ngoại biên, khiến cho mạch máu bị thu hẹp
  • Nồng độ homocysteine (một loại axit amin) trong máu cao – một dấu hiệu chỉ ra tình trạng thiếu hụt vitamin b12 hoặc folate
  • Tiền sử bị thiếu máu não cục bộ thoáng qua (đột quỵ nhẹ)

Người da đen

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng người da đen có tỷ lệ bị đột quỵ lỗ khuyết cao hơn người da trắng.

Một tổng quan tài liệu đã so sánh hai nghiên cứu. Một nghiên cứu được thực hiện trong một cộng đồng chủ yếu gồm người da đen và các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cứ 100.000 người thì có 52 người bị đột quỵ lỗ khuyết. Nghiên cứu còn lại thực hiện trên một nhóm người chủ yếu là người da trắng và phát hiện ra rằng tỷ lệ bị đột quỵ lỗ khuyết là 29/100.000.

Các nghiên cứu này chưa làm rõ lý do tại sao lại có sự khác biệt về nguy cơ bị đột quỵ lỗ khuyết ở người da đen và người da trắng, liệu là do yếu tố di truyền hay kinh tế xã hội. Do đó, cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa về điều này.

Người có tiền sử gia đình

Những người có tiền sử gia đình bị đột quỵ có thể sẽ có nguy cơ bị đột quỵ lỗ khuyết cao hơn.

Các yếu tố khác

Các yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ lỗ khuyết gồm có:

  • Hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá
  • Uống nhiều rượu
  • Sử dụng ma túy
  • Mang thai
  • Sử dụng thuốc tránh thai
  • Lối sống ít vận động
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh, không cung cấp đủ dinh dưỡng
  • Cholesterol cao
  • Mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

Điều quan trọng là phải khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các vấn đề sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, gồm có cholesterol cao và chứng ngưng thở khi ngủ.

Điều trị đột quỵ lỗ khuyết

Điều trị sớm đột quỵ lỗ khuyết sẽ giúp tăng cơ hội sống sót và ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng.

Khi người bệnh được đưa đến bệnh viện

Khi người bệnh đến phòng cấp cứu, bác sĩ có thể sẽ cho người bệnh dùng aspirin và các loại thuốc khác nhằm làm giảm nguy cơ bị đột quỵ thêm một lần nữa.

Trong thời gian nằm viện

Có thể cần phải thực hiện các biện pháp hỗ trợ chức năng hô hấp và tim.

Người bệnh có thể sẽ được tiêm thuốc làm tan cục máu đông qua đường tĩnh mạch. Trong những trường hợp đột quỵ lỗ khuyết nghiêm trọng, bác sĩ có thể sẽ đưa thuốc trực tiếp vào não.

Nếu các phương pháp điều trị này không hiệu quả, người bệnh sẽ phải phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông ra khỏi não.

Phục hồi chức năng

Đột quỵ lỗ khuyết có thể gây tổn thương não và ảnh hưởng đến các chức năng, khiến cho người bệnh không thể tự chăm sóc bản thân. Quá trình phục hồi ở mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ.

Một số người bị đột quỵ lỗ khuyết sau khi qua giai đoạn nguy hiểm cần phải chuyển đến khoa phục hồi chức năng của bệnh viện hoặc trung tâm phục hồi chức năng một thời gian. Người bệnh sẽ phải học lại các kỹ năng bị ảnh hưởng bởi cơn đột quỵ.

Quá trình phục hồi chức năng có thể mất nhiều tuần, nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Điều trị lâu dài

Hầu hết những người bị đột quỵ đều cần điều trị lâu dài để giảm nguy cơ đột quỵ tái phát. Một trong những mục tiêu chính của các phương pháp điều trị lâu dài là kiểm soát các vấn đề sức khỏe làm tăng nguy cơ đột quỵ, gồm có cao huyết áp, bệnh tiểu đường và cholesterol cao.

Sau đột quỵ lỗ khuyết, người bệnh có thể sẽ cần:

  • Vật lý trị liệu để phục hồi chức năng
  • Hoạt động trị liệu để cải thiện các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày
  • Trị liệu ngôn ngữ để khôi phục kỹ năng giao tiếp

Tiên lượng lâu dài

Một số nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng người bị đột quỵ lỗ khuyết có tiên lượng tốt hơn so với các loại đột quỵ khác. Nhưng người bị đột quỵ lỗ khuyết cũng có nguy cơ cao tiếp tục bị đột quỵ trong tương lai,ngoài ra còn có nguy cơ sa sút trí tuệ và tử vong do bệnh tim mạch cao hơn so với người chưa từng bị đột quỵ.

Chất lượng cuộc sống sau đột quỵ lỗ khuyết phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có tuổi tác và thời điểm mà người bệnh bắt đầu được điều trị kể từ khi các triệu chứng xuất hiện. Một số người phải sống với các biến chứng vĩnh viễn, gồm có:

  • Liệt
  • Mất kiểm soát cơ ở một bên cơ thể
  • Cảm giác kim châm ở chi bị ảnh hưởng

Ngay cả khi đã phục hồi chức năng sau đột quỵ, một số người vẫn gặp vấn đề về trí nhớ ngắn hạn. Một số người còn bị giảm khả năng suy nghĩ, lập luận và kiểm soát cảm xúc. Trầm cảm cũng là một vấn đề có thể xảy ra ở những người sống sót sau đột quỵ.

Đột quỵ lỗ khuyết làm tăng nguy cơ đột quỵ trong tương lai. Do đó, người bệnh nên khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ khác.

Phòng ngừa đột quỵ lỗ khuyết

Đột quỵ lỗ khuyết là một tình trạng đe dọa đến tính mạng cần điều trị khẩn cấp.

Một số yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như tuổi tác và tiền sử gia đình, nằm ngoài tầm kiểm soát nhưng các yếu tố liên quan đến lối sống thì có thể thay đổi để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ, ví dụ như duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, không hút thuốc và tập thể dục đều đặn.

Nếu mắc các bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ như cao huyết áp, bệnh tim mạch hoặc tiểu đường thì hãy cố gắng kiểm soát và khám sức khỏe định kỳ. Điều quan trọng nhất là phải gọi cấp cứu ngay khi có dấu hiệu của đột quỵ.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Dấu hiệu nhận biết cơn đột quỵ và nhồi máu cơ tim
Dấu hiệu nhận biết cơn đột quỵ và nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim xảy ra khi sự lưu thông máu đến cơ tim đột ngột giảm mạnh, trong khi đột quỵ xảy ra do sự gián đoạn lưu thông máu đến não. Mặc dù nhồi máu cơ tim và đột quỵ có một số triệu chứng tương tự nhau nhưng cũng có những triệu chứng khác nhau.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây