1

Dấu Hiệu Cảnh Báo Đột Quỵ hoặc Cơn Đau Tim Cần biết

Cơn đau tim xảy ra khi dòng máu đến cơ tim bị giảm đột ngột và nghiêm trọng, còn đột quỵ là tình trạng tương tự xảy ra với dòng máu đến não. Ngoài việc nhận biết các dấu hiệu, bạn cũng cần biết xử lý đúng cách. Cả hai tình trạng này đều có thể đe dọa đến tính mạng nhưng thường có thể điều trị được nếu bệnh nhân được chăm sóc y tế kịp thời.
Hình ảnh 51 Dấu Hiệu Cảnh Báo Đột Quỵ hoặc Cơn Đau Tim Cần biết

Dấu Hiệu Cảnh Báo Sớm của Đột Quỵ hoặc Cơn Đau Tim

Không phải mọi cơn đau tim đều khởi phát từ cơn đau ngực dữ dội và đột ngột. Các triệu chứng sớm của cơn đau tim có thể xuất hiện từ từ, khiến bạn không nhận thức được chuyện gì đang xảy ra. Ngoài ra, triệu chứng cũng có thể khác nhau ở từng người.

Một số dấu hiệu sớm thường gặp của cơn đau tim bao gồm:

  • Đau ngực nhẹ, khởi phát từ từ, có thể xuất hiện rồi biến mất
  • Khó chịu ở cánh tay, lưng, cổ hoặc hàm
  • Buồn nôn hoặc đau bụng
  • Chóng mặt
  • Khó thở, có thể xảy ra dù không gắng sức

Triệu chứng sớm của đột quỵ có thể còn khó nhận biết hơn. Dấu hiệu cảnh báo phổ biến nhất là cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA), còn được gọi là "đột quỵ nhẹ". TIA có thể xảy ra vài giờ, vài ngày, hoặc thậm chí vài tháng trước khi bị đột quỵ thực sự.

Ngoài mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, sự khác biệt chủ yếu giữa TIA và đột quỵ thực sự là ở những phát hiện hình ảnh từ phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI) và ở thời gian tắc nghẽn. Thông thường, TIA chỉ gây ra tình trạng tắc nghẽn lưu thông máu đến não tạm thời, thường không kéo dài đủ lâu để gây tổn thương nghiêm trọng hoặc lâu dài cho não bộ.

Các triệu chứng điển hình của TIA bao gồm:

  • Đau đầu đột ngột
  • Tê hoặc yếu người, đặc biệt ở một bên cơ thể
  • Mất thăng bằng hoặc khó đi lại
  • Đột nhiên lú lẫn
  • Khó nuốt

Phải Làm Gì Trong Trường Hợp Khẩn Cấp

Nếu bạn nghi ngờ mình hoặc ai đó xung quanh đang bị đau tim hoặc đột quỵ, cần gọi ngay dịch vụ cấp cứu (như 115).

Không được tự lái xe đến bệnh viện vì bạn có thể sẽ bị mất ý thức trên đường đi, gây nguy hiểm cho bản thân và người khác. Nên chờ nhân viên y tế đến, vì họ có thể bắt đầu điều trị cấp cứu ngay tại hiện trường và trên đường đến bệnh viện.

Trong trường hợp nghi ngờ cơn đau tim, hãy liên hệ cấp cứu và hỏi xem liệu có nên nhai một viên aspirin không. Trong nhiều trường hợp, aspirin có thể giúp phá vỡ cục máu đông gây tắc nghẽn dòng máu đến cơ tim. Nếu bác sĩ đã kê đơn nitroglycerin cho bạn để giảm đau ngực do tim, hãy uống một viên thuốc nitroglycerin.

Trong trường hợp nghi ngờ đột quỵ, hãy cố gắng ghi nhớ thời gian khởi phát các triệu chứng. Cung cấp thông tin này cho tổng đài cấp cứu, nhân viên y tế, hoặc các bác sĩ tại bệnh viện. Thuốc làm tan cục máu đông chỉ có thể được sử dụng trong vòng vài giờ kể từ khi đột quỵ khởi phát. Cố gắng giữ bình tĩnh và nghỉ ngơi cho đến khi được giúp đỡ.

Trong cả hai trường hợp, nếu người bệnh mất ý thức, có thể cần thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) để khôi phục lưu lượng máu. Các bước CPR bao gồm:

  • Đặt người bệnh nằm ngửa.
  • Đặt một tay chồng lên tay kia, ở giữa ngực người bệnh.
  • Ép ngực 2 lần mỗi giây.

So sánh Triệu Chứng Đau Tim và Đột Quỵ

Triệu chứng của đột quỵ thường dễ nhận biết hơn so với đau tim. Một trong những điểm khác biệt chủ yếu là đột quỵ thường gây ra các triệu chứng thần kinh đột ngột và nghiêm trọng, trong khi triệu chứng điển hình của đau tim là đau ngực.

Đối với cánh tay, cơn đau tim có thể gây đau lan xuống một hoặc cả hai cánh tay (thường là cánh tay trái, nhưng không phải lúc nào cũng vậy). Ngược lại, đột quỵ thường gây yếu hoặc tê ở một bên cơ thể hoặc mặt.

Người bị đau tim có thể vẫn nâng được cả hai tay dù bị đau. Trong khi đó, người bị đột quỵ thường chỉ có thể nâng được một tay, không thể nâng cả hai.

Triệu Chứng Đột Quỵ hoặc Đau Tim ở Phụ Nữ

Triệu chứng đột quỵ ở phụ nữ thường giống với nam giới, nhưng một nghiên cứu năm 2018 cho thấy phụ nữ có thể gặp một số dấu hiệu không điển hình như:

  • Ngất xỉu
  • Mệt mỏi
  • Tiểu không tự chủ
  • Đau
  • Yếu toàn thân

Phụ nữ cũng dễ gặp các triệu chứng đau tim không điển hình. Ngoài đau ngực và khó thở (triệu chứng phổ biến ở hầu hết mọi người), phụ nữ thường xuất hiện một hoặc nhiều dấu hiệu sau:

  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Đau ở ngực dưới hoặc bụng trên
  • Đau ở lưng trên
  • Cơ thể đau nhức giống cảm cúm
  • Mệt mỏi cực độ

Triệu Chứng Đột Quỵ hoặc Đau Tim ở Nam Giới

Ở nam giới, triệu chứng đau tim điển hình thường là đau ngực, được mô tả như cảm giác bóp nghẹt hoặc áp lực nặng đè lên ngực. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm:

  • Đau ở phần trên cơ thể như vai, cổ, hoặc hàm
  • Khó thở
  • Chóng mặt
  • Buồn nôn
  • Đổ mồ hôi lạnh

Các dấu hiệu sớm thường gặp của đột quỵ bao gồm:

  • Đau đầu đột ngột và dữ dội
  • Yếu hoặc tê ở một bên cơ thể hoặc mặt
  • Vấn đề về thị lực
  • Khó nói hoặc khó hiểu lời người khác nói

Sức Khỏe Tim Mạch Trong Cộng Đồng Người Chuyển Giới

Phần lớn các nghiên cứu sử dụng thuật ngữ "nam" và "nữ" dựa trên giới tính sinh học và thường để nhắc đến nhóm người không chuyển giới (người hợp giới - cisgender). Tuy nhiên, giới tính sinh học không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến triệu chứng đau tim hoặc đột quỵ.

Dù nghiên cứu về cộng đồng người chuyển giới còn hạn chế nhưng có một đánh giá gần đây đã chỉ ra rằng: "Cộng đồng người chuyển giới có nhiều nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch và hành vi hơn so với dân số không chuyển giới, do các yếu tố như căng thẳng xã hội, bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe và điều kiện kinh tế xã hội kém."

Bác sĩ có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về hoàn cảnh cụ thể của bạn có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tim mạch tổng thể.

Đột Quỵ và Đau Tim: Bệnh Nào Nghiêm Trọng Hơn?

Cả đột quỵ và đau tim đều có thể gây tử vong, nhưng vẫn có nhiều khả năng hồi phục được hoàn toàn. Kết quả phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng và thời điểm bệnh nhân nhận được hỗ trợ y tế.

Khi được điều trị kịp thời, hiệu quả, kết hợp thực hiện tốt chương trình phục hồi chức năng tim và duy trì lối sống lành mạnh, người sống sót sau cơn đau tim có thể sống thêm nhiều năm mà không chịu nhiều ảnh hưởng lâu dài từ cơn đau tim.

Tiên lượng sau đột quỵ thường khó dự đoán hơn. Tùy thuộc vào khu vực não bị tổn thương, người bệnh có thể gặp các biến chứng suốt đời, ngay cả khi được điều trị và phục hồi chức năng nhanh chóng. Một số biến chứng lâu dài bao gồm:

  • Đi lại khó khăn
  • Khó nuốt
  • Giảm chức năng một hoặc cả hai tay
  • Tiểu không tự chủ
  • Suy giảm nhận thức

Một nghiên cứu năm 2019 chỉ ra rằng 5-9% người sống sót sau đột quỵ bị co giật, còn 70% trường hợp có thể xuất hiện những thay đổi về tâm trạng, bao gồm triệu chứng trầm cảm.

Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2016 công bố trên Journal of Physical Therapy Science cho thấy gần 89% người sống sót sau đột quỵ lần đầu có thể gặp một hoặc nhiều biến chứng sau đây ngay sau đó:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Đau vai
  • Mất ngủ
  • Trầm cảm
  • Đau cơ xương (không phải đau vai)
  • Đi lại khó khăn
  • Khó nuốt

Đau tim là hệ quả của bệnh tim. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), mỗi năm ở Hoa Kỳ, cứ 4 người tử vong thì có 1 ca là do bệnh tim. Đau tim từ lâu đã là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của quốc gia này.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), đột quỵ gây ra khoảng 1 trong 19 ca tử vong mỗi năm tại Hoa Kỳ, trở thành nguyên nhân tử vong đứng thứ năm tại quốc gia này.

Phải Làm Gì Khi Nghi Ngờ Bị Đau Tim Hoặc Đột Quỵ

Cả đột quỵ và đau tim đều là các trường hợp cấp cứu y tế cần được xử lý ngay lập tức. Gọi cấp cứu (như 115) để được hỗ trợ và giảm thiểu tổn thương do đau tim hoặc đột quỵ.

Hãy cố gắng giữ bình tĩnh hết mức có thể. Nếu có thể, hãy nhờ người thân, hàng xóm hoặc bạn bè giúp đỡ trong lúc bạn chờ nhân viên y tế đến hoặc khi đã đến bệnh viện.

Kết Luận

Khi các dấu hiệu của đột quỵ hoặc đau tim khởi phát, có thể bạn không nhận thức được rằng mình đang đối mặt với một vấn đề tim mạch nghiêm trọng. Tuy nhiên, cần nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo đặc trưng của từng tình trạng và xử lý đúng cách để đạt được kết quả điều trị khả quan.

Cần đặc biệt lưu ý điều này nếu bạn hoặc người thân có nguy cơ cao bị đau tim hoặc đột quỵ do các yếu tố như huyết áp cao, tiểu đường, cholesterol cao, hoặc các yếu tố nguy cơ cao khác.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Dấu hiệu cảnh báo đau tim
Dấu hiệu cảnh báo đau tim

Đau tim (thường được gọi là nhồi máu cơ tim) xảy ra khi cơ tim không nhận đủ máu. Cơn đau tim có thể xảy ra dù không xuất hiện triệu chứng đau ngực. Đây là một tình trạng cấp cứu y tế, vì thế, nếu nghi ngờ mình đang bị đau tim, cần tìm đến sự hỗ trợ y tế ngay lập tức.

Phân biệt đột quỵ và nhồi máu cơ tim
Phân biệt đột quỵ và nhồi máu cơ tim

Các triệu chứng đột quỵ và nhồi máu cơ tim đều xảy đến đột ngột. Mặc dù có một vài triệu chứng giống nhau nhưng hai bệnh lý này vẫn có các triệu chứng khác biệt hoàn toàn.

Phân biệt chứng ợ nóng và nhồi máu cơ tim
Phân biệt chứng ợ nóng và nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim và ợ nóng là hai vấn đề khác nhau nhưng lại có cùng một triệu chứng đó là đau tức ngực. Vì thế nên đôi khi chúng ta rất khó mà biết được mình nên gọi cấp cứu ngay lập tức hay chỉ cần uống một viên thuốc kháng axit là đủ.

Phân biệt chất béo tốt và chất béo xấu
Phân biệt chất béo tốt và chất béo xấu

Các loại thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày có hàng chục loại chất béo khác nhau, và mỗi loại lại có một vai trò và tác động không giống nhau bên trong cơ thể.

Làm thế nào để phân biệt Cơn hoảng loạn và Cơn đau tim?
Làm thế nào để phân biệt Cơn hoảng loạn và Cơn đau tim?

Cơn hoảng loạn và cơn đau tim (nhồi máu cơ tim) có thể có các triệu chứng tương tự nhau. Nếu không chắc chắn, hãy tìm đến dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp. Các triệu chứng giống nhau sẽ bao gồm đau ngực, khó thở, chóng mặt và toát mồ hôi lạnh khắp người. Mặc dù cơn hoảng loạn có thể cảm giác giống cơn đau tim, nhưng các triệu chứng như đau ngực, toát mồ hôi và khó thở đôi khi có thể là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng hơn.
Nếu bạn đang băn khoăn làm thế nào để phân biệt sự khác nhau giữa hai tình trạng này thì những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về các dấu hiệu của cơn hoảng loạn so với cơn đau tim và khi nào cần tìm sự trợ giúp y tế.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây