Các lợi ích của tinh dầu gừng
Công dụng của tinh dầu gừng
Tinh dầu gừng được chiết xuất từ củ gừng qua quá trình chưng cất. Giống như các loại tinh dầu khác, tinh dầu gừng rất đậm đặc.
Tinh dầu gừng có mùi thơm nồng, ấm và cay. Vì vậy, đây là một trong những loại tinh dầu được sử dụng phổ biến trong liệu pháp mùi hương. Tinh dầu gừng còn có thể được sử dụng để chăm sóc da và tóc.
Gừng và tinh dầu gừng đã được sử dụng để điều trị nhiều tình trạng bệnh lý như:
- Buồn nôn
- Viêm khớp
- Rối loạn tiêu hóa
- Cảm lạnh
- Đau đầu
Lợi ích của tinh dầu gừng
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra những lợi ích của tinh dầu gừng đối với sức khỏe.
Chống viêm
Một nghiên cứu thực hiện trên chuột vào năm 2018 cho thấy tinh dầu gừng có tác dụng bảo vệ thận của chuột khỏi độc tố cadmium. Tinh dầu gừng được phát hiện là có tác dụng chống viêm, ngăn ngừa những thay đổi về chức năng thận hoặc các phân tử liên quan đến phản ứng viêm. (1)
Một nghiên cứu vào năm 2016 đã được thực hiện trên chuột bị viêm khớp dạng thấp. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tiêm tinh dầu gừng tuy không làm giảm sưng khớp cấp tính nhưng lại giúp ức chế đáng kể tình trạng sưng khớp mạn tính.
Một nghiên cứu khác cũng thực hiện trên chuột vào năm 2019 đã đánh giá tác động của việc uống chiết xuất gừng ở những con chuột bị béo phì theo chế độ ăn nhiều carbohydrate. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng uống chiết xuất gừng liều cao giúp ngăn ngừa tăng cân và giảm các dấu hiệu viêm.
Giảm buồn nôn
Hít mùi gừng hay ngậm gừng là một cách được nhiều người sử dụng để giảm buồn nôn. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm đánh giá tác dụng giảm buồn nôn của tinh dầu gừng.
Một nghiên cứu vào năm 2017 đã đánh giá hiệu quả của việc hít tinh dầu gừng để giảm buồn nôn sau phẫu thuật bụng. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người hít tinh dầu gừng có mức độ buồn nôn và nôn thấp hơn so với những người dùng giả dược. (2)
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác lại cho thấy kết quả trái ngược. Các nhà nghiên cứu đã so sánh mức độ buồn nôn sau phẫu thuật ở một nhóm trẻ em hít hỗn hợp tinh dầu (gồm có tinh dầu gừng) và nhóm trẻ em hít giả dược. Các nhà nghiên cứu nhận thấy không có sự khác biệt về mức độ buồn nôn ở hai nhóm trẻ này.
Chăm sóc tóc
Tinh dầu hoặc chiết xuất gừng là thành phần trong một số loại dầu gội và các sản phẩm chăm sóc tóc khác vì gừng được cho là có tác dụng cải thiện sức khỏe và sự mọc tóc. Tuy nhiên, mớicó rất ít nghiên cứu được thực hiện về lợi ích này của củ gừng.
Một nghiên cứu vào năm 2013 đã đánh giá tác dụng của 6-gingerol, một hoạt chất có trong tinh dầu gừng, đối với sự mọc lông ở tế bào nuôi cấy và ở chuột. Kết quả cho thấy 6-gingerol không những không thúc đẩy sự mọc lông mà còn ức chế lông mọc, cả ở nang lông nuôi cấy lẫn trên chuột.
Chăm sóc da
Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để tìm hiểu những lợi ích của tinh dầu gừng trong chăm sóc da và điều trị các vấn đề về da.
Một nghiên cứu vào năm 2015 đã thử sử dụng một số loại tinh dầu, trong đó có tinh dầu gừng, để trị nếp nhăn. Tinh dầu gừng, cùng với các loại tinh dầu khác, đã được phát hiện có đặc tính chống oxy hóa cao. (3)
Sau một thời gian thoa kem có chứa hỗn hợp các loại tinh dầu này, tình trạng da khô ráp đã được cải thiện ở một nhóm nhỏ tình nguyện viên.
Một nghiên cứu trên chuột đã đánh giá tác dụng của việc bôi tinh dầu lên da đối với bệnh viêm khớp. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hỗn hợp gồm nhiều tinh dầu khác nhau, trong đó có cả tinh dầu gừng và phát hiện ra rằng những con chuột được bôi hỗn hợp tinh dầu có mức độ phản ứng viêm thấp hơn và giảm các triệu chứng viêm khớp.
Tác dụng phụ của tinh dầu gừng
Tinh dầu gừng là một loại tinh dầu an toàn và có rất ít tác dụng phụ được báo cáo.
Tuy nhiên, giống như các loại tinh dầu khác, tinh dầu gừng rất đậm đặc và cần phải pha loãng với dầu nền trước khi thoa lên da. Sau khi pha loãng, bạn nên thoa thử một lượng nhỏ tinh dầu lên da cánh tay để kiểm tra phản ứng trước khi dùng lên những khu vực khác.
Tuyệt đối không được uống tinh dầu.
Cách sử dụng tinh dầu gừng
Dưới đây là các cách sử dụng tinh dầu gừng.
Liệu pháp mùi hương
Bạn có thể sử dụng tinh dầu gừng trong liệu pháp mùi hương.
Máy khuếch tán tinh dầu
Máy khuếch tán giúp lan tỏa tinh dầu đều khắp phòng. Một số loại tinh dầu cần pha loãng với nước trước khi cho vào máy khuếch tán trong khi một số loại có thể cho trực tiếp vào máy. Thực hiện theo hướng dẫn đi kèm để có hiệu quả tốt nhất và đảm bảo an toàn.
Hít tinh dầu
Nếu không có máy khuếch tán tinh dầu, bạn có thể làm theo các bước sau đây:
- Đun một nồi nước sôi.
- Thêm một vài giọt tinh dầu gừng vào nước. Ban đầu chỉ nên thêm 1 - 2 giọt tinh dầu.
- Trùm một chiếc khăn lên đầu.
- Cúi sát xuống nồi nước, nhắm mắt lại và hít hơi nước bốc lên.
Dùng tinh dầu làm xịt phòng
Bạn cũng có thể sử dụng tinh dầu gừng làm dung dịch xịt phòng:
- Pha 10 đến 15 giọt tinh dầu gừng với 30ml nước trong bình xịt.
- Thêm chất phân tán như solubol để tinh dầu tan đều trong nước (không bắt buộc)
- Lắc đều bình và xịt vào không khí.
Bôi tinh dầu lên da
Tinh dầu gừng bôi có thể được bôi lên da nhưng phải pha loãng với dầu nền trước. Một số loại dầu nền mà bạn có thể lựa chọn là dầu hạnh nhân, dầu jojoba, dầu dừa hay dầu quả bơ.
Lượng tinh dầu không nên vượt quá 3 đến 5% hỗn hợp. Ví dụ, để tạo ra hỗn hợp 3% tinh dầu, bạn cần pha 20 giọt tinh dầu với 30ml dầu nền.
Các sản phẩm từ gừng khác
Ngoài tinh dầu gừng, bạn cũng có thể sử dụng các sản phẩm từ gừng khác như:
- Gừng tươi
- Gừng sấy khô
- Gừng ngâm chua
- Bột gừng
- Kẹo gừng
- Trà gừng
Mặc dù nghiên cứu về tinh dầu gừng vẫn còn hạn chế nhưng đã có rất nhiều nghiên cứu về các sản phẩm từ gừng khác:
- Một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy uống viên nang chiết xuất gừng trước khi tập thể dục giúp giảm đau đáng kể. Uống viên nang chiết xuất gừng trước khi tập thể dục còn giúp làm giảm phản ứng viêm trong cơ thể.
- Một tổng quan vào năm 2018 đã tổng hợp các nghiên cứu về tác dụng giảm buồn nôn trong thai kỳ của gừng. Có tổng cộng 10 nghiên cứu đã được tổng hợp. Nhìn chung, gừng được cho là một phương pháp hiệu quả để giảm buồn nôn khi mang thai.
- Một tổng hợp vào năm 2018 cho thấy gừng giúp cải thiện tốc độ làm rỗng dạ dày ở những người mắc chứng khó tiêu chức năng nhưng không làm giảm cảm giác buồn nôn hoặc đau bụng.
Tóm tắt bài viết
Tinh dầu gừng là tinh dầu được chiết xuất từ phần thân rễ của cây gừng. Nghiên cứu chỉ ra rằng tinh dầu gừng có đặc tính chống viêm và có tác dụng làm giảm cảm giác buồn nôn.
Tinh dầu gừng có mùi thơm nồng, cay và ấm, có thể được sử dụng trong liệu pháp mùi hương và bôi ngoài da. Luôn phải pha loãng tinh dầu với dầu nền trước thoa lên da.
Tinh dầu là chất lỏng được chiết xuất từ các loài thực vật, có nồng độ hợp chất thực vật cao, có mùi thơm và dễ bay hơi. Tinh dầu bạc hà là loại tinh dầu được chiết xuất từ lá và thân cây bạc hà. Tinh dầu bạc hà là một trong những loại tinh dầu phổ biến nhất hiện nay. Tinh dầu bạc hà có thể được sử dụng cho mục đích chăm sóc sức khỏe, làm đẹp và làm sạch.
Tinh dầu bạc hà có thể giúp làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích và các vấn đề về tiêu hóa khác. Tinh dầu bạc hà còn giúp giảm đau và có lợi cho làn da.
Có rất nhiều biện pháp tự nhiên đã được sử dụng để trị đau đầu và một trong số đó là tinh dầu bạc hà. Tinh dầu bạc hà có dạng lỏng để bôi ngoài da hoặc khuếch tán vào không khí. Hiện nay còn có các sản phẩm viên uống tinh dầu bạc hà. Ngoài ra, tinh dầu bạc hà còn được thêm vào một số loại đồ ăn và đồ uống.
Nếu bạn đang tìm kiếm một sản phẩm tự nhiên để chăm sóc mái tóc thì có thử tinh dầu hoa oải hương. Các nghiên cứu cho thấy tinh dầu oải hương có thể thúc đẩy sự mọc tóc và ngăn ngừa rụng tóc, đồng thời tinh dầu oải hương còn mang lại những lợi ích khác cho sức khỏe da đầu và tóc.
Có nhiều cách kiểm soát chứng đau nửa đầu, từ dùng thuốc cho đến các biện pháp điều trị tự nhiên. Nghiên cứu gần đây cho thấy hoa oải hương có thể làm giảm chứng đau nửa đầu. Hoa oải hương có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau để trị đau nửa đầu. Một trong số đó là sử dụng tinh dầu oải hương. Cùng tìm hiểu xem liệu điều trị đau nửa đầu bằng tinh dầu oải hương có hiệu quả hay không và cách sử dụng ra sao.