Các loại thuốc điều trị đau tim. Cần lưu ý gì khi dùng thuốc điều trị đau tim?
Thuốc chẹn beta (Beta-blockers)
Thuốc chẹn beta là một nhóm thuốc thường được sử dụng để điều trị các vấn đề về tim như huyết áp cao, đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim, suy tim sung huyết và đau tim.
Những loại thuốc này ngăn chặn tác động của adrenaline, giúp tim hoạt động dễ dàng hơn. Bằng cách giảm tốc độ và lực co bóp của tim, thuốc chẹn beta giúp hạ huyết áp, từ đó giúp làm giảm đau thắt ngực và cải thiện lưu lượng máu sau cơn đau tim.
Một số ví dụ về thuốc chẹn beta dành cho người bị đau tim bao gồm:
- atenolol (Tenormin)
- carvedilol (Coreg)
- metoprolol và metoprolol tartrate (Toprol XL và Lopressor)
Cảnh báo từ FDA
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) ra cảnh báo mức cao nhất (boxed warning) đối với Metoprolol. Cảnh báo này thông báo cho bác sĩ và bệnh nhân về những tác dụng phụ của thuốc có thể gây nguy hiểm.
Nếu bạn đang sử dụng metoprolol, hãy cẩn thận và không được ngừng thuốc đột ngột. Việc này có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu cục bộ ở tim và dẫn đến cơn đau tim. Tương tự với bất kỳ loại thuốc chẹn beta nào khác, bạn chỉ nên quyết định ngừng uống khi được bác sĩ chỉ định.
Thuốc Ức Chế men Chuyển (ACE Inhibitors)
Thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitors) được sử dụng để điều trị tăng huyết áp và các bệnh lý khác như suy tim và đau tim. Thuốc này ức chế sản sinh một loại enzyme làm hẹp mạch máu, giúp cải thiện lưu thông máu bằng cách làm giãn và mở rộng mạch máu.
Cải thiện lưu lượng máu có thể giảm bớt gánh nặng cho tim và ngăn ngừa tổn thương sau cơn đau tim. Thuốc ức chế men chuyển thậm chí có thể giúp cái thiện tình trạng cấu trúc tim bị thay đổi do tăng huyết áp trong thời gian dài, giúp tim hoạt động tốt hơn ngay cả khi có các tổn thương cơ tim.
Ngoài ra, thuốc này còn có thể được sử dụng để điều trị bệnh thận mạn tính.
Thuốc ức chế men chuyển có ba loại chính:
- Thuốc chứa sulfhydryl như captopril (Capoten)
- Thuốc chứa phốt pho như fosinopril (Monopril)
- Thuốc chứa dicarboxylate như ramipril (Altace)
Một số ví dụ khác từ nhóm thuốc chứa dicarboxylate bao gồm:
- enalapril (Vasotec)
- lisinopril (Prinivil, Zestril)
- quinapril (Accupril)
Cảnh báo từ FDA
Thuốc ức chế men chuyển cũng được phát cảnh báo mức nghiêm trọng nhất (boxed warning) từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Không nên sử dụng thuốc này trong thai kỳ vì có thể gây hại hoặc làm gián đoạn thai kỳ. Nếu bạn có kế hoạch mang thai, hãy trao đổi với bác sĩ về các phương pháp hạ huyết áp khác. Nếu phát hiện mình mang thai trong khi đang dùng thuốc này, cần thông báo cho bác sĩ ngay.
Ngoài ra, ức chế men chuyển không an toàn cho những người mẫn cảm với thuốc hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc, cũng như những người từng bị phù mạch (angioedema) do dị ứng.
Thuốc Chống Kết Tập Tiểu Cầu (Antiplatelet Agents)
Thuốc chống kết tập tiểu cầu giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông trong động mạch bằng cách giữ cho tiểu cầu không kết dính lại với nhau – bước đầu tiên trong quá trình hình thành cục máu đông.
Những người bị đau tim và có nguy cơ đông máu cao thường được chỉ định sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu. Thuốc cũng có thể được sử dụng để ngăn ngừa đau tim cho những người có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh này.
Những trường hợp khác có thể sử dụng thuốc này bao gồm:
- Bệnh nhân bị đau tim và đã sử dụng thuốc làm tan cục máu đông (thrombolytic medication)
- Bệnh nhân đã được khôi phục lưu lượng máu đến tim bằng phương pháp thông tim
Aspirin là loại thuốc chống kết tập tiểu cầu được biết đến nhiều nhất.
Tuy nhiên, vào năm 2019, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) và Đại học Tim mạch Hoa Kỳ (ACC) đã khuyến nghị không nên sử dụng aspirin như phương pháp phòng ngừa chính cho bệnh tim mạch ở người dưới 70 tuổi hoặc những người có nguy cơ chảy máu cao.
Trong một số trường hợp, người từ 40–70 tuổi có thể sử dụng aspirin khi được tư vấn từ bác sĩ. Lực lượng Đặc nhiệm Dịch vụ Phòng ngừa Hoa Kỳ (UPSTF) đã ban hành những hướng dẫn tương tự.
Lý do ban hành những hướng dẫn này là vì sử dụng aspirin lâu dài có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng, làm giảm lợi ích ngăn ngừa bệnh của thuốc. Theo FDA, những tác dụng phụ này có thể bao gồm:
- Xuất huyết dạ dày
- Chảy máu não
- Suy thận
Ngoài aspirin, có các loại thuốc chống kết tập tiểu cầu khác bao gồm:
- clopidogrel (Plavix)
- prasugrel (Effient)
- ticagrelor (Brilinta)
Cảnh báo từ FDA
Nhiều loại thuốc chống kết tập tiểu cầu nhận cảnh báo mức nghiêm trọng nhất (boxed warning) từ FDA.
- Clopidogrel: Thuốc này được chuyển hóa trong gan. Một số người có sự khác biệt di truyền ở enzyme gan cytochrome p-450 2C19 (CYP2C19), làm chậm quá trình chuyển hóa thuốc, khiến thuốc kém hiệu quả hơn. Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm để xác định tình trạng này và thay đổi phương pháp điều trị nếu cần.
- Brilinta và Effient (hoặc các dạng thuốc gốc chứa cùng hoạt chất ticagrelor hoặc prasurgel) : Các thuốc này có thể gây chảy máu nghiêm trọng hoặc tử vong. Những người từng bị đột quỵ hoặc trên 75 tuổi không nên sử dụng. Bạn nên tránh dùng thuốc ít nhất 7 ngày trước khi phẫu thuật. Không sử dụng trong trường hợp đang bị chảy máu. Nếu bị chảy máu khi đang dùng Brilinta, bác sĩ sẽ tìm cách để cầm máu mà không cần phải dừng thuốc, vì ngừng thuốc có thể làm chảy máu nghiêm trọng hơn.
Không nên sử dụng Brilinta cùng aspirin vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.
Thuốc Chống Đông Máu (Anticoagulants)
Thuốc chống đông máu là các loại thuốc làm loãng máu, giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông ở những người từng bị đau tim. Khác với thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc chống đông máu tác động lên các yếu tố gây đông máu, từ đó hạn chế hình thành cục máu đông.
Ví dụ về thuốc chống đông máu
- Heparin: Tăng cường hoạt động của antithrombin III (AT3), làm ức chế các yếu tố đông máu.
- Warfarin (Coumadin): Ngăn chặn enzyme vitamin K epoxide reductase, một yếu tố gây đông máu.
Các thuốc chống đông máu khác bao gồm:
- Rivaroxaban (Xarelto)
- Dabigatran (Pradaxa)
- Apixaban (Eliquis)
Cảnh báo từ FDA
Nhiều thuốc chống đông máu cũng có cảnh báo nghiêm trọng nhất (boxed warnings) từ FDA.
Ngừng sử dụng thuốc chống đông máu một cách đột ngột có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông đe dọa tính mạng. Nếu buộc phải ngừng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc thay thế cho bạn để giảm thiểu nguy cơ này.
Sử dụng một số loại thuốc chống đông máu khi gây tê ngoài màng cứng hoặc chọc dò tủy sống có thể làm tăng nguy cơ bị tụ máu ở tủy sống hoặc ngoài màng cứng.
Vào năm 2021, FDA đã phê duyệt Xarelto cho trẻ em để điều trị hoặc giảm nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (VTE). Pradaxa đường uống cũng được FDA phê duyệt để điều trị VTE ở trẻ em từ 3 tháng đến 12 tuổi.
Ngoài các cảnh báo từ FDA, Viện Thực hành An toàn Thuốc (ISMP) xếp loại thuốc chống đông máu vào nhóm thuốc có mức độ cảnh báo cao do nguy cơ gây chảy máu. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc này và thông báo cho bác sĩ biết về bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng để tránh các tương tác thuốc nguy hiểm.
Khi dùng thuốc chống đông máu, cần theo dõi thường xuyên để đảm bảo an toàn.
Thuốc Làm Tan Cục Máu Đông (Thrombolytic Medication)
Thuốc làm tan cục máu đông, còn gọi là thuốc tiêu huyết khối hoặc thuốc tiêu sợi huyết (fibrinolytics), được sử dụng ngay sau cơn đau tim. Thuốc này được chỉ định khi không thể thực hiện can thiệp mạch vành qua da (angioplasty) để mở rộng mạch máu và cải thiện lưu lượng máu đến tim. Ngoài ra, liệu pháp tiêu sợi huyết có thể được sử dụng kết hợp với phẫu thuật.
Thuốc làm tan cục máu đông được truyền qua đường tĩnh mạch (intravenous - IV) tại bệnh viện, giúp nhanh chóng làm tan các cục máu đông lớn trong động mạch và khôi phục lưu lượng máu đến tim. Nếu lưu lượng máu không trở lại bình thường sau lần điều trị đầu tiên, có thể cần các liệu pháp bổ sung hoặc phẫu thuật.
Ví dụ về thuốc tan cục máu đông
- Alteplase (Activase)
- Streptokinase (Streptase)
Tham Khảo Ý Kiến Bác Sĩ
Có nhiều loại thuốc khác nhau có thể giúp điều trị và ngăn ngừa tái phát cơn đau tim. Những loại thuốc này hoạt động theo các cơ chế khác nhau để giúp làm giảm các yếu tố nguy cơ và cải thiện chức năng tim.
Nếu bạn từng bị đau tim, bác sĩ sẽ trao đổi về các loại thuốc cụ thể phù hợp để hỗ trợ phục hồi và phòng ngừa tái phát các cơn đau tim.
Đau thắt ngực là cảm giác đau hoặc khó chịu ở ngực, xảy ra khi tim không nhận đủ lượng máu cần thiết. Đau thắt ngực thường là dấu hiệu của một vấn đề tim mạch tiềm ẩn, chẳng hạn như tắc nghẽn các mạch máu quanh tim (xơ vữa động mạch vành) hoặc suy tim. Bài viết này sẽ cung cấp các thông tin về đau thắt ngực, cách điều trị và cho biết khi nào thì bạn nên đi khám bác sĩ.
Khác với cơn đau tim thông thường, thường đi kèm với đau ngực đột ngột hoặc các triệu chứng dễ nhận biết, “cơn đau tim thầm lặng” có thể xảy ra mà không có triệu chứng rõ ràng hoặc không có dấu hiệu cảnh báo điển hình của vấn đề tim mạch. Nếu được chẩn đoán từng gặp phải cơn đau tim thầm lặng, bạn cần phối hợp với bác sĩ để thực hiện các thay đổi trong lối sống và bắt đầu điều trị (nếu cần) để giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề tim mạch nghiêm trọng hơn.
Cơn đau tim sau sinh xảy ra khi dòng máu đến một phần tim bị tắc nghẽn trong những tháng sau khi sinh. Thay đổi hormone có thể làm tăng nguy cơ đau tim trong giai đoạn này. Nguyên nhân chính gây ra cơn đau tim ở khoảng thời gian này là bóc tách động mạch vành tự phát (SCAD). Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết hơn về cơn đau tim sau sinh, bao gồm triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị.
Nhồi máu cơ tim là một dạng của hội chứng mạch vành cấp (ACS), xảy ra khi tim không được cung cấp đủ máu. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về từng loại nhồi máu cơ tim, cũng như các lưu ý về phòng ngừa, điều trị và phục hồi sau cơn nhồi máu cơ tim.
Máy tạo nhịp tim giúp điều trị rối loạn nhịp tim nhưng không ngăn ngừa được cơn đau tim. Đối với những người có dùng máy tạo nhịp tim, đau tim có thể khó chẩn đoán hơn, dẫn đến nguy cơ không được điều trị kịp thời. Hãy gọi cấp cứu ngay nếu nghi ngờ mình đang bị đau tim.