1

Dấu hiệu và triệu chứng đau tim ở người có dùng máy tạo nhịp tim

Máy tạo nhịp tim giúp điều trị rối loạn nhịp tim nhưng không ngăn ngừa được cơn đau tim. Đối với những người có dùng máy tạo nhịp tim, đau tim có thể khó chẩn đoán hơn, dẫn đến nguy cơ không được điều trị kịp thời. Hãy gọi cấp cứu ngay nếu nghi ngờ mình đang bị đau tim.
Hình ảnh 55 Dấu hiệu và triệu chứng đau tim ở người có dùng máy tạo nhịp tim

Người có sử dụng máy tạo nhịp tim thì có thể bị đau tim không?

Người có sử dụng máy tạo nhịp tim vẫn có thể bị đau tim. Tuy nhiên, vẫn nhiều người đã lầm tưởng rằng máy tạo nhịp tim có thể ngăn ngừa được đau tim.

Máy tạo nhịp tim chỉ điều trị rối loạn nhịp tim và ngăn ngừa các biến chứng liên quan, nhưng không thể loại bỏ được tình trạng tắc nghẽn mạch máu trong tim gây ra đau tim.

Bệnh mạch vành (CAD) là nguyên nhân chính gây đau tim. CAD là một tình trạng phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 1/20 người trưởng thành trên 20 tuổi ở Hoa Kỳ.

Khi bị bệnh mạch vành, mảng bám tích tụ trên thành động mạch của tim, làm động mạch thu hẹp lại. Nếu một động mạch bị tắc nghẽn do cục máu đông, máu giàu oxy không thể đến mô tim, dẫn đến đau tim.

Ngược lại, bị đau tim cũng có thể cần đến máy tạo nhịp tim vì tổn thương từ đau tim có thể gây rối loạn nhịp tim.

Dấu hiệu và triệu chứng đau tim ở người có sử dụng máy tạo nhịp tim

Các dấu hiệu và triệu chứng đau tim ở người có sử dụng máy tạo nhịp tim tương tự như ở người không sử dụng máy, bao gồm:

  • Đau, tức ngực hoặc cảm giác tim bị bóp nghẹt
  • Đau ở các khu vực khác của cơ thể như: Cánh tay, Hàm, Cổ, Lưng, Bụng
  • Khó thở
  • Chóng mặt hoặc choáng váng
  • Buồn nôn
  • Đổ mồ hôi lạnh
  • Mệt mỏi cực độ

Khi nào cần tìm kiếm hỗ trợ y tế?

Đau tim là trường hợp cấp cứu y tế.

Trường hợp cấp cứu y tế

Gọi ngay dịch vụ cấp cứu y tế hoặc nhờ ai đó đưa bạn đến phòng cấp cứu gần nhất nếu gặp các dấu hiệu cảnh báo sau:

  • Đau hoặc khó chịu ở ngực kéo dài hơn vài phút, hoặc đau xuất hiện rồi biến mất
  • Chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Đau ở hàm, cổ, hoặc lưng
  • Đau hoặc khó chịu ở cánh tay hoặc vai
  • Khó thở

Chẩn đoán đau tim cho người có sử dụng máy tạo nhịp tim như thế nào?

Việc chẩn đoán cơn đau tim ở người sử dụng máy tạo nhịp có thể gặp khó khăn lúc ban đầu. Nguyên nhân là do phương pháp mà bác sĩ thường sử dụng để chẩn đoán đau tim.

Bác sĩ thường tiến hành xét nghiệm Điện tâm đồ (ECG) trước tiên khi nghi ngờ đau tim. Điện tâm đồ đo hoạt động điện của tim, chuyển dữ liệu thành một dạng sóng. Bác sĩ sẽ xem xét dạng sóng này để xác định xem hoạt động điện của tim có bình thường không. Nếu có bất thường, có thể bạn đang gặp vấn đề về tim mạch, chẳng hạn như cơn đau tim.

Tuy nhiên, máy tạo nhịp tim được thiết kế để gửi các xung điện đều đặn, giữ cho tim đập theo nhịp và tốc độ tự nhiên. Vì vậy, kết quả ECG của người có sử dụng máy tạo nhịp có thể không cho thấy chính xác dấu hiệu của đau tim.

Các chuyên gia đã đưa ra một số tiêu chí ECG để hỗ trợ chẩn đoán đau tim ở người sử dụng máy tạo nhịp tim. Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm khác để chẩn đoán đau tim, bao gồm: Xét nghiệm máu để đo các dấu ấn tim như troponin và creatinine kinase; và Xét nghiệm hình ảnh như:

  • Chụp X-quang ngực (để loại trừ các vấn đề khác).
  • Siêu âm tim.
  • Chụp động mạch vành.

Điều trị đau tim cho người có sử dụng máy tạo nhịp tim như thế nào?

Điều trị đau tim cho người có sử dụng máy tạo nhịp tim sẽ tương tự như ở người không sử dụng máy.

Nếu nghi ngờ đau tim, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị khẩn cấp, bao gồm:

  • Dùng thuốc ngăn ngừa hoặc làm tan cục máu đông.
  • Nitroglycerin: Cải thiện lưu lượng máu trong động mạch của tim.
  • Liệu pháp oxy: Duy trì mức oxy trong máu.

Phương pháp điều trị đau tim phổ biến nhất là can thiệp mạch vành qua da (PCI). Khi thực hiện PCI, bác sĩ sẽ đưa một ống thông đến tim và sử dụng bóng hơi để mở mạch máu bị tắc, sau đó thường đặt stent.

Nếu không được chẩn đoán nhanh chóng, người có sử dụng máy tạo nhịp bị đau tim có thể có tiên lượng kém hơn. Nghiên cứu cho thấy thời gian từ lúc nhập viện đến khi thực hiện PCI ở người có sử dụng máy tạo nhịp tim thường lâu hơn.

Trong một số trường hợp, cơn đau tim nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến chức năng của máy tạo nhịp tim. Nếu mô sẹo do đau tim hình thành tại vị trí của dây dẫn máy tạo nhịp, thiết bị có thể không truyền xung điện hiệu quả đến tim.

Câu hỏi thường gặp về vấn đề tim mạch và máy tạo nhịp tim

Người có sử dụng máy tạo nhịp tim có thể bị ngừng tim không?

Có. Người có sử dụng máy tạo nhịp tim vẫn có thể bị ngừng tim. Nếu bạn mắc rối loạn nhịp tim đe dọa đến tính mạng, điều này có thể dẫn đến ngừng tim. Để tránh tình trạng này, bạn có thể được cấy máy khử rung tim (ICD).

ICD theo dõi nhịp tim và giúp khôi phục nhịp tim bình thường khi có rối loạn nhịp. Nhiều ICD cũng có chức năng tương tự máy tạo nhịp tim.

Làm sao biết máy tạo nhịp tim gặp vấn đề?

Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn nghi ngờ máy tạo nhịp tim không hoạt động bình thường khi gặp các dấu hiệu như:

  • Tim đập nhanh hoặc chậm bất thường.
  • Nấc cụt kéo dài không dứt.
  • Mệt mỏi cực độ.
  • Khó thở.
  • Chóng mặt hoặc choáng váng.
  • Ngất xỉu.

Máy tạo nhịp tim có phát hiện được đau tim không?

Máy tạo nhịp không thể phát hiện đau tim. Nếu bạn có sử dụng máy tạo nhịp tim và nghi ngờ mình bị đau tim, hãy gọi cấp cứu ngay.

Kết luận

Người có sử dụng máy tạo nhịp tim vẫn có thể bị đau tim vì máy này không điều trị hay ngăn ngừa được tình trạng tắc nghẽn mạch máu dẫn đến đau tim.

Chẩn đoán đau tim cho người có sử dụng máy tạo nhịp tim có thể sẽ khó hơn, dẫn đến việc chậm trễ trong điều trị và tiên lượng cũng kém hơn. Ngoài ra, đau tim cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng của máy tạo nhịp tim.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Cách nhận biết triệu chứng của cơn đau tim
Cách nhận biết triệu chứng của cơn đau tim

Cơn đau tim xảy ra khi dòng máu đến cơ tim bị tắc nghẽn hoặc bị giảm đáng kể, gây tổn thương mô tim vĩnh viễn. Điều quan trọng là cần phản ứng nhanh khi gặp các triệu chứng đau tim để giảm thiểu biến chứng và các vấn đề tim mạch lâu dài. Nắm rõ cả các triệu chứng phổ biến và ít phổ biến của cơn đau tim sẽ giúp bạn nhận biết tốt hơn và xử lý kịp thời.

Các triệu chứng của đau tim
Các triệu chứng của đau tim

Đau ngực được coi là triệu chứng phổ biến của đau tim, nhưng trên thực tế, các triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào giới tính, độ tuổi, và tình trạng sức khỏe của mỗi người. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn về các triệu chứng của đau tim, từ đó biết được khi nào cần tìm đến sự hỗ trợ về mặt y tế.

Các triệu chứng có thể xuất hiện trước cơn đau tim từ 1 tháng trở lên
Các triệu chứng có thể xuất hiện trước cơn đau tim từ 1 tháng trở lên

Triệu chứng của cơn đau tim có thể xuất hiện từ trước một tháng hoặc hơn. Đau ngực, rối loạn giấc ngủ và mệt mỏi bất thường là những dấu hiệu cảnh báo phổ biến. Nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo có thể giúp bạn kịp thời tìm kiếm sự hỗ trợ y tế và tăng khả năng hồi phục hoàn toàn.

Dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim
Dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim

Bạn có biết rằng các vấn đề về tim mạch như nhồi máu cơ tim KHÔNG phải lúc nào cũng bộc lộ các dấu hiệu giống nhau? Rất nhiều người bị nhồi máu cơ tim mà trước đó không hề cảm thấy tức ngực.

Phân biệt chứng ợ nóng và nhồi máu cơ tim
Phân biệt chứng ợ nóng và nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim và ợ nóng là hai vấn đề khác nhau nhưng lại có cùng một triệu chứng đó là đau tức ngực. Vì thế nên đôi khi chúng ta rất khó mà biết được mình nên gọi cấp cứu ngay lập tức hay chỉ cần uống một viên thuốc kháng axit là đủ.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây