1

Thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào? - bệnh viện Phổi Trung ương

Thuốc lá “bào mòn” sức khỏe không chỉ người hút trực tiếp mà cả người hút thụ động, thậm chí được coi là thủ phạm cướp đi mạng sống nhiều người. Vì vậy, theo chuyên gia, bỏ thuốc lá là rất cần thiết và nên thực hiện càng sớm càng tốt.

Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) năm nay có chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi”. Nhân dịp này, HNMO đã có cuộc trao đổi với ThS.BS Nguyễn Thị Phương Anh, Trưởng khoa Thăm dò và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi trung ương, về tác hại của thuốc lá và phương pháp cai thuốc thành công.

90% ca mắc ung thư phổi là người hút thuốc lá

Bác sĩ cho biết những tác hại của hút thuốc lá đối với cơ thể con người?

Trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất độc, trong đó có 70 chất gây nghiện và gây ung thư như nicotine, khí CO, hắc ín, các phân tử nhỏ… Khi hút thuốc, các chất này đi trực tiếp vào cơ thể, gây ảnh hưởng tới sức khỏe. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hút thuốc là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khoảng 90% trong số 600.000 ca mắc ung thư phổi hằng năm trên thế giới là người hút thuốc lá. Hút thuốc còn là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. 

Tại Việt Nam, theo số liệu của Bệnh viện K trung ương, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ hút thuốc lá cao.

Cũng phải nói thêm, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc lao và nhiễm khuẩn hô hấp khác, vì khói thuốc đi trực tiếp vào đường thở, gây tổn thương niêm mạc đường thở. Bình thường, niêm mạc có tác dụng bảo vệ phổi nhưng khi hút thuốc, niêm mạc bị teo đi, không còn khả năng bảo vệ, không còn khả năng gây bám dính vi khuẩn và đẩy vi khuẩn ra ngoài, vì thế làm tăng tiết nhầy và là môi trường cho vi khuẩn, virus phát triển. Do vậy, ở những người hút thuốc, tỷ lệ mắc bệnh về hô hấp rất cao.

Ngoài ra, hút thuốc còn gây các bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản gây vô sinh, liệt dương và ảnh hưởng đến da, tóc, răng…

Đó là tác hại đối với người hút thuốc lá trực tiếp, còn với người hút thụ động thì sao, thưa bác sĩ?

- Những người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc do người khác hút (hút thuốc thụ động) cũng có nguy cơ mắc bệnh tương tự như người hút thuốc, thậm chí dòng khói ở đầu điếu thuốc đang cháy (dòng khói phụ) còn chứa chất độc cao gấp 21 lần so với dòng khói chính mà người hút thuốc trực tiếp đưa vào cơ thể. 

Người hút thuốc cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn khi hít phải khói thuốc từ đầu điếu thuốc tỏa ra. Người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với hút 5 điếu thuốc một ngày.

Đặc biệt, người hút thuốc thụ động bị tăng 20-30% nguy cơ ung thư phổi và bệnh tim mạch. Người mẹ hít phải khói thuốc trong thời gian mang thai dễ bị sảy thai, tăng nguy cơ thai chết lưu, làm chậm quá trình phát triển của thai nhi, con sinh ra thường nhẹ cân, thiếu tháng, kém thông minh.

Chưa kể, trẻ em hút thuốc thụ động tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp 1,2-1,5 lần và tăng nguy cơ bị hen phế quản.

 Vậy, bác sĩ có lời khuyên gì với những người đã và chưa hút thuốc lá?

- Hút thuốc ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Vì vậy, những ai đang hút thuốc hãy bỏ thuốc càng sớm càng tốt, bởi cai thuốc dù ở độ tuổi nào cũng giúp kéo dài tuổi thọ, cải thiện tình trạng sụt giảm chức năng hô hấp, giảm nguy cơ mắc ung thư.

Với người chưa hút thuốc, đặc biệt là các bạn trẻ, thì không nên hút thuốc dưới bất cứ hình thức nào. Hãy nói không với thuốc lá. Với những người đã từng hút thuốc, tuyệt đối không hút lại dù chỉ một điếu hay một hơi. 

Trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 chất độc, trong đó có 70 chất gây nghiện và gây ung thư.

Cách để cai thuốc lá thành công

- Việc cai thuốc lá có khó không, thưa bác sĩ?

- Cai thuốc rất dễ nhưng cũng rất khó, vì điều quan trọng nhất là quyết tâm của người cai. Để cai thuốc thành công thì cần 3 yếu tố: Hiểu biết, quyết tâm và hỗ trợ. Người hút phải hiểu biết về tác hại của thuốc lá, hiểu về các yếu tố bất lợi khi cai, cần sự hỗ trợ từ người nhà, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và hỗ trợ của nhân viên y tế, cộng với quyết tâm cai của mình thì sẽ thành công. 

Tuy nhiên, cai thuốc khó ở chỗ là quyết tâm hay không, vì người hút thường dễ bị dao động, có thể hôm nay quyết tâm rất lớn nhưng ngày mai họ gặp sự mời chào của bạn bè hoặc xuất hiện hội chứng cai thuốc thì quyết tâm của họ lại giảm đi.

- Vậy, làm thế nào để cai thuốc thành công?

- Điều quan trọng nhất vẫn là quyết tâm. Thành công hay thất bại phần lớn phụ thuộc vào quyết tâm của người cai.

  • Có quyết tâm rồi, người cai thuốc lá cần lên kế hoạch cai trong 5 ngày:
  • Chọn ngày bỏ thuốc: Nên chọn vào ngày không có quá nhiều vấn đề phức tạp phải giải quyết để chỉ tập trung vào việc bỏ thuốc.
  • Năm ngày trước khi bỏ thuốc: Liệt kê các lý do đi đến quyết định bỏ thuốc. Tuyên bố với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp rằng bạn đang tiến hành bỏ thuốc.
  • Bốn ngày trước bỏ thuốc: Tìm xem ai mà bạn có thể hỏi và chia sẻ khi bạn cần sự giúp đỡ. Bạn có thể nghĩ sẽ làm gì với số tiền tiết kiệm được khi không phải mua thuốc lá.
  • Ba ngày trước bỏ thuốc: Để ý một cách nghiêm túc khi nào và tại sao bạn lại hút thuốc. Suy nghĩ xem có gì khác thay thế điếu thuốc trong tay và nghĩ đến những thói quen sinh hoạt và làm việc thường ngày khác thay thế cho việc hút thuốc. Và cũng từ ngày này, dừng mua thuốc lá.
  • Hai ngày trước bỏ thuốc: Xem lại khi nào và tại sao bạn lại hút thuốc và tìm cách vượt qua. Suy nghĩ về cách vượt qua cơn thèm thuốc.
  • Một ngày trước bỏ thuốc: Giặt toàn bộ quần áo, chăn, màn để không còn mùi thuốc lá; dọn thuốc lá ở nhà và nơi làm việc; bỏ diêm, bật lửa, gạt tàn ở nhà và nơi làm việc; buổi tối hút điếu thuốc cuối cùng để chia tay và lên dây cót “cai thuốc là chiến lược đúng, mình có thể làm được”.
  • Ngày bỏ thuốc: Sáng, nhắc lại tuyên bố với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp rằng hôm nay là ngày quan trọng, ngày bạn cai thuốc lá; hãy tạo công việc bận rộn nhưng không căng thẳng; không uống rượu, cà phê hay những thứ bạn hay dùng với thuốc lá; hãy tự làm cho đầu óc vui vẻ hoặc tạo ra một điều gì đó đặc biệt.


Xin bác sĩ cho biết, sau khi cai thuốc lá, người cai thường xuất hiện tình trạng gì?

- Sau cai thuốc, người cai dễ xảy ra tình trạng tinh thần và thể chất khó chịu (hội chứng cai thuốc).

  • Hội chứng này thường xuất hiện 24 tiếng sau cai và tăng lên đỉnh điểm sau 5-7 ngày rồi giảm dần và biến mất sau cai 4-6 tuần. Khi người cai thuốc gặp hội chứng này, rất cần thuốc hỗ trợ để giảm bớt tình trạng khó chịu, giúp người cai dễ dàng vượt qua.
  • Sau vài tháng cai, có người có biểu hiện tăng cân bởi chuyển hóa cơ bản giảm khi ngừng hút thuốc, thèm ăn hoặc ăn nhiều hơn. Vì vậy, hãy tập thể dục để vừa nâng cao sức khỏe vừa kiểm soát cân nặng, tuyệt đối không dùng biện pháp hút thuốc để giảm cân.


Vậy, khi người cai thuốc cần sự hỗ trợ từ nhân viên y tế thì có thể đến đâu?

- Việc tư vấn cai thuốc lá hoàn toàn miễn phí và được thực hiện ở nhiều bệnh viện trên cả nước. Bệnh viện Phổi trung ương có phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá miễn phí, đặt tại Khoa Thăm dò và Phục hồi chức năng. Số điện thoại tư vấn: 0243 237 3260.

Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Nguồn: Bệnh viện Phổi trung ương

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm
Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào? Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào? 01:57
Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào?
 Hàng năm có khoảng 450 triệu người trên thế giới bị viêm phổi, đây là căn bệnh gây tử vong ở mọi nhóm tuổi với số ca lên đến 4 triệu người,...
 3 năm trước
 641 Lượt xem
Tin liên quan
Viêm phổi ở trẻ em
Viêm phổi ở trẻ em

Viêm phổi có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng thường xuất hiện vào mùa đông và mùa xuân, thường là sau khi bị nhiễm trùng hô hấp trên hoặc cảm lạnh. Nếu bạn cho rằng con của bạn có thể bị viêm phổi, hãy cho bé đi khám bác sĩ ngay.

Các Yếu Tố Giúp Phân Biệt Viêm Phổi Và Viêm Phế Quản?
Các Yếu Tố Giúp Phân Biệt Viêm Phổi Và Viêm Phế Quản?

Triệu chứng của các bệnh về đường hô hấp thường có tính tương đồng, điều này gây khó khăn và trở ngại trong quá trình chẩn đoán và điều trị.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây