1

Đốt u phổi bằng vi sóng - bệnh viện Phổi Trung ương

Bệnh viện Phổi Trung ương đã trở thành đơn vị đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á có thiết bị và triển khai thành công phương pháp “đốt u phổi bằng vi sóng”. Với phương pháp mới này, những bệnh nhân ung thư phổi sẽ có thêm cơ hội được điều trị hiệu quả và kéo dài thời gian sống. Vậy phương pháp này có gì đặc biệt?

Mời quý vị cùng nghe cuộc trao đổi sau đây giữa phóng viên Kênh VOV Sức khỏe với TS. BS Cung Văn Công - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Phổi Trung ương.

PV: Thưa bác sĩ! Theo tìm hiểu của chúng tôi thì phương pháp đốt u phổi bằng vi sóng mới chỉ được áp dụng trên thế giới trong vài năm trở lại đây. Vậy điểm khác biệt của phương pháp này so với các phương pháp điều trị ung thư truyền thống là gì, thưa bác sĩ?

TS. BS Cung Văn Công: Ví dụ đầu tiên người ta hay sử dụng nhất là hóa trị, thứ hai là xạ trị, vấn đề thứ ba bây giờ hiện đại hơn là người ta có thể xác định được gen đột biến gây ung thư ở trong khối u đó và người ta có một loại thuốc truyền vào. Còn đối với phương pháp mà khoa Chẩn đoán hình ảnh chúng tôi đang tiến hành thì đây là một phương pháp thứ tư, đó là đốt u bằng vi sóng.

Bằng phương pháp định vị dưới cắt lớp vi tính thì cái kim sẽ được cắm vào khối u theo đúng tất cả cái phương và cái hướng mà bác sĩ đã định vị trên màn hình. Sau đó thì cái kim đó được nối với một thiết bị phát sóng ngắn. Đây là một phương pháp giúp tiêu diệt tế bào khối u khá nhanh, và chúng tôi cũng đưa vào là một phương pháp thường quy ở bệnh viện để mà điều trị cho những bệnh nhân có khối u phổi.

Kỹ thuật này thì rất phát triển ở Mỹ và Anh. Ở Mỹ thì năm 2016, người ta đã tính toán là có khoảng 10.000 ca, ở Anh thì có khoảng một nửa con số đó, tức là 5.000 ca.
Kỹ thuât đốt u phổi bằng vi sóng hiện đại giúp tiêu diệt tế bào khối u nhanh và là phương pháp được áp dụng tại Bệnh viện Phổi Trung ương một cách thường quy.

PV: Như bác sĩ vừa đề cập thì phương pháp đốt u bằng vi sóng có ưu điểm là giúp tiêu diệt khối u nhanh hơn so với các phương pháp khác. Vậy bác sĩ có thể phân tích sâu hơn về nguyên lý tác động đến tế bào ung thư của phương pháp này?

TS. BS Cung Văn Công: Đây là một phương pháp mà về nguyên lý của nó thì người ta cũng đã biết từ lâu. Tức là máy nó phát ra một sóng ngắn, nó tương tự như các thiết bị vi sóng chúng ta dùng ở nhà đó. Thế khi mà sóng đó được truyền vào trong khối u thì nó sẽ làm cho các phân tử nước ở đó tăng cái dao động, và khi nó tăng như thế thì tự nó cọ xát với nhau và sinh ra nhiệt.

Thời gian từ lúc sóng ngắn được phát vào khối u thì nhiệt độ nó tích tụ lên 80-85 thậm chí 90 độ C và nó sẽ gây chết tế bào u. Ở đây có một nguyên lý rất hay là gì ạ? Là vì nó gây tăng nhiệt độ trong khối u này bởi sự chuyển động của các phân tử nước. Bởi vậy cho nên là khi chúng ta cắm cây kim vào đây thì chỉ những chỗ nào có nước nó mới tăng nhiệt độ. Còn xung quanh cái khối u này nó là khí, cho nên là nhiệt độ xung quanh cái nhu mô phổi này nó sẽ không tăng. Cái này nó sẽ rất an toàn với những phần phổi lành xung quanh.

PV: Theo như tôi được biết thì hiện nay phương pháp đốt u phổi bằng vi sóng đã được bảo hiểm y tế chi trả. Như vậy thì sẽ có rất nhiều bệnh nhân muốn được áp dụng phương pháp này. Vậy liệu có phải tất cả các trường hợp u phổi đều có thể đốt bằng vi sóng, thưa bác sĩ?

TS. BS Cung Văn Công:

Phương pháp này thì trong chuyên môn chúng tôi có 2 dạng chỉ định cơ bản. Một là với khối u phổi ác tính hoặc nghi ngờ ác tính cao mà đã có kết quả của giải phẫu bệnh. Tất cả những u mà có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 5cm thì có chỉ định đốt, và đốt trong trường hợp này là đốt triệt căn.

Còn loại thứ hai là tất cả khối u phổi mà thứ phát, người ta gọi là các nốt di căn phổi. Kim sẽ được cắm vào từng nốt một và sau đó cái liệu trình đốt sẽ được tiến hành. Ngoài ra thì những chỉ định khác, ví dụ những trường hợp những u mà chưa rõ bản chất giải phẫu bệnh, nghi ngờ giữa lành tính và ác tính, những trường hợp u lao người ta cũng có thể đốt.

Những trường hợp mà khối u phổi mà người ta không thể tiến hành phẫu thuật được vì một lý do nào đó như không gây mê, không thể mất thêm phổi nữa thì người ta cũng có thể đốt bằng phương pháp này.

PV: Vậy bác sĩ có thể phân tích thêm về triển vọng của phương pháp này trong tương lai?

TS. BS Cung Văn Công:

Có một ý tưởng mới mà chúng tôi đang ấp ủ là tại Bệnh viện Phổi Trung ương thì số lượng bệnh nhân ho ra máu rất nhiều thì có lẽ chúng tôi sẽ lợi dụng đặc điểm của vấn đề đông cầm máu khi sử dụng thiết bị này để có thể xử lý cấp cứu bệnh nhân. Nhưng đây là một ý tưởng rất mới, thậm chí y văn thế giới còn chưa nói.

Thì chúng tôi cũng đang từng bước thử nghiệm, nếu như có tác dụng thì đó cũng là một cứu cánh với những bệnh nhân ho ra máu mà không thể điều trị bằng nội khoa hoặc phẫu thuật được.

PV: Vâng! Xin cảm ơn TS.BS Cung Văn Công về cuộc trao đổi hôm nay!

Nguồn: Bệnh viện Phổi Trung ương

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm
Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào? Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào? 01:57
Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào?
 Hàng năm có khoảng 450 triệu người trên thế giới bị viêm phổi, đây là căn bệnh gây tử vong ở mọi nhóm tuổi với số ca lên đến 4 triệu người,...
 3 năm trước
 659 Lượt xem
Tin liên quan
Viêm phổi ở trẻ em
Viêm phổi ở trẻ em

Viêm phổi có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng thường xuất hiện vào mùa đông và mùa xuân, thường là sau khi bị nhiễm trùng hô hấp trên hoặc cảm lạnh. Nếu bạn cho rằng con của bạn có thể bị viêm phổi, hãy cho bé đi khám bác sĩ ngay.

Các Yếu Tố Giúp Phân Biệt Viêm Phổi Và Viêm Phế Quản?
Các Yếu Tố Giúp Phân Biệt Viêm Phổi Và Viêm Phế Quản?

Triệu chứng của các bệnh về đường hô hấp thường có tính tương đồng, điều này gây khó khăn và trở ngại trong quá trình chẩn đoán và điều trị.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây