Bệnh Lý Van Tim - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

1. Cơ chế hoạt động của các van tim 

  • Bình thường trong tim có 4 van : Van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ, van động mạch phổi.
  • Các van tim giúp định hướng dòng chảy của máu ra, vào tim theo theo nguyên tắc một chiều:
  • Khi máu được bơm từ buồng tim trên xuống buồng tim dưới: Van 2 lá và van 3 lá mở, van động mạch chủ và van động mạch phổi đóng.
  • Khi máu được bơm từ hai buồng tim phía dưới lên phổi, ra hệ thống tuần hoàn: Van động mạch phổi, van động mạch chủ mở; van 2 lá và van 3 lá đóng lại để máu không trào ngược về tim.
  • Vị trí của van 2 lá, 3 lá, van động mạch phổi và van động mạch chủ, các hướng chảy của dòng máu

2. Bệnh van tim là gì ?

Bệnh van tim xảy ra khi một hoặc nhiều van tim không thực hiện tốt chức năng đóng mở cho máu lưu thông theo một chiều. Có hai dạng thường gặp trong bệnh van tim, đó là bệnh hở van và hẹp van.

  • Hẹp van tim: là khi lá van không còn mềm mại, bị dày hoặc dính các mép van, làm hạn chế khả năng mở và cản trở sự lưu thông của máu qua đó. Tim phải bơm mạnh hơn để buộc máu qua chỗ hẹp.
  • Hở van tim: là khi van không thể đóng kín, làm cho một phần máu bị trào ngược trở lại buồng tim đã bơm máu trước đó. Hở van thường là do van bị co rút, thoái hóa hoặc giãn vòng van, hay dây chằng van quá dài hoặc đứt dây chằng treo van tim. Khi hở van, tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp khối lượng máu bị thiếu hụt do trào ngược và sử lý khối lượng máu tồn dư cho lần co bớm tiếp theo.

Một số trường hợp có thể gặp phối hợp cả hẹp và hở van tim và bệnh của nhiều van tim trong cùng một bệnh nhân.

3. Nguyên nhân gây bệnh van tim?

Van tim khiếm khuyết bẩm sinh:

Điều này có nghĩa là van bị lỗi ngay khi còn ở bào thai, thường gặp ở van động mạch chủ. Khuyết tật van tim bẩm sinh thường được chẩn đoán trong thời thơ ấu. 

Bệnh cơ tim (cardiomyopathy): 

Có thể mắc từ trước khi sinh hoặc là biến chứng của bệnh khác trong quá trình phát triển, như sốt do vi rút hay viêm nội tâm mạc. Bệnh cơ tim làm thay đổi cấu trúc tim và gây hở van.

Nhồi máu cơ tim: Làm tổn thương dây chằng và các trụ cơ gây ra dãn hoặc đứt dây chằng hoặc trụ cơ, gây ra hở van tim.

Tuổi cao: Khi có tuổi, van trở nên kém linh hoạt, dễ bị rách, dễ bị mảng bám canxi tại van (vôi hóa van tim) làm van bị dày lên và xơ cứng, hạn chế lưu lượng máu đi qua van.

Bệnh thấp khớp do liên cầu khuẩn: thường gặp ở trẻ nhở từ 5 đến 15 tuổi. Tổn thương van tim do liên cầu khuẩn còn được gọi là bệnh thấp tim. Thấp tim làm cho van bị dày dính, co kéo hoặc vôi hóa hay hẹp khít lâu ngày dẫn đến đóng không kín gây hẹp - hở van. Tuy nhiên, các triệu chứng của tổn thương van tim thường chỉ xuất hiện khi trẻ đã ở tuổi trưởng thành. Sử dụng kháng sinh đúng và đủ liều để điều trị viêm họng ở trẻ, có thể ngăn ngừa bệnh này.

Một số bệnh khác: Bệnh động mạch vành, tăng huyết áp, phình động mạch chủ, hoặc một số thuốc, phương pháp điều trị (bức xạ) cũng có thể gây hẹp, hở van tim.

Sa van hai lá: Sa van hai lá xảy ra khi 2 lá van không đóng kín, các mép van không áp sát vào nhau mà một trong hai hoặc cả hai nằm giữa buồng tim trên (nhĩ trái) trong thời kỳ tâm thu.

4. Bệnh van tim có nguy hiểm không?

Tùy tình trạng bệnh mà có biểu hiện triệu chứng lâm sàng khác nhau, tùy loại biểu hiện bệnh như hẹp van, hở van hoặc kết hợp vừa hẹp vừa hở…

Theo siêu âm đối với hẹp người ta chia ra làm 4 mức độ dựa vào diện tích mở van đo được (BT # 4cm2) gồm: Nhẹ, trung bình, nặng, rất nặng.

Đối với hở van siêu âm cũng chia làm 4 mức độ: Hở 1/4(nhẹ), 2/4(Trung bình),3/4(Nặng),4/4(Rất nặng).

Bệnh van tim trở nên nguy hiểm, khi tình trạng hẹp, hở van tim tiến triển nặng hơn và gây rối loạn chức năng bơm máu của tim. Hậu quả của bệnh van tim là rối loạn nhịp tim, suy tim, đột quỵ não, nếu không được điều trị tốt.

Bệnh van tim nặng, bạn có thể gặp một hoặc nhiều các triệu chứng sau đây:

  • Khó thở: Bạn có thể cảm nhận được điều này khi hoạt động gắng sức hoặc khi nằm đầu thấp.
  • Mệt mỏi, choáng ngất: Bạn có thể bị mệt mỏi ngay cả khi làm các công việc hàng ngày. Chóng mặt, choáng ngất có thể xảy ra khi tiến triển của bệnh nặng lên.
  • Đánh trống ngực: Hồi hộp, kèm theo cảm giác lo lắng có thể xảy ra. Khi đó tim bất chợt đập nhanh hơn bình thường, cũng có khi nó bỏ qua 1 vài nhịp.
  • Đau thắt ngực (đau tim) – Thường gặp khi bị hẹp van động mạch chủ, bởi vì tim của bạn phải làm việc nhiều hơn để bơm máu từ trái tim đi nuôi cơ thể.
  • Phù mắt cá chân hoặc bàn chân.

5. Điều trị bệnh van tim

Hầu hết các vấn đề về van tim có thể được điều trị bằng thuốc, can thiệp hay phẫu thuật sửa chữa, thay thế. Tùy vào nguyên nhân gây hở van, các triệu chứng của bệnh (mệt mỏi, khó thở, đau tức ngực), mức độ ảnh hưởng của van đến chức năng co bóp của tim, bác sỹ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với bạn.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Tin liên quan
Hạ cholesterol giúp giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch

Khi bạn có quá nhiều cholesterol, nó sẽ tích tụ trong các động mạch của bạn. Sự tích tụ này làm cho động mạch xơ cứng lại - một quá trình được gọi là xơ vữa động mạch.

Dấu hiệu và triệu chứng bệnh tim mạch ở nam giới
Dấu hiệu và triệu chứng bệnh tim mạch ở nam giới

Bệnh tim mạch ở nam giới có những triệu chứng và dấu hiệu gì khác so với nữ giới?

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây