1

Bệnh giảm tiều cầu được điều trị như thế nào? - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Triệu chứng của giảm tiểu cầu

  • Giảm tiểu cầu nhẹ thường không có triệu chứng, chỉ tình cờ phát hiện khi xét nghiệm huyết đồ
  • Giảm tiểu cầu nặng, ví dụ < 20.000/ microlít, có thể biểu hiện bởi chảy máu kéo dài khi bị đứt tay, hoặc ra huyết nhiều lúc hành kinh.
  • Chảy máu tự phát có thể xảy ra khi giảm tiểu cầu nặng (< 10.000 đến 20.000 tiểu cầu/microlít). Thường gặp xuất huyết dưới da hoặc ở niêm mạc miệng, niêm mạc ống tiêu hóa, niêm mạc mũi, hầu, họng.
  • Có thể gặp những nốt xuất huyết giảm tiểu cầu (petechiae); đó là các vết xuất huyết nhỏ bằng đầu kim, màu đỏ, phẳng, quan sát thấy dưới da ở những vùng thấp của cơ thể (như ở hai cẳng chân) do tăng áp suất vì trọng lực. Đây chính là hậu quả xuất huyết ở các mao mạch dưới da hoặc niêm mạc.
  • Ban xuất huyết giảm tiểu cầu (purpura) là những nốt xuất huyết dưới da có đường kính >3 mm, có thể do sự hội tụ của các nốt xuất huyết.

Chẩn đoán giảm tiểu cầu

  • Giảm tiểu cầu thường được tình cờ phát hiện khi kiểm tra huyết đồ.
  • Nếu phát hiện giảm tiểu cầu lần đầu tiên, nên kiểm tra lại huyết đồ để loại trừ tình trạng giảm tiểu cầu giả tạo (pseudothrombocytopenia) do tiểu cầu co cụm lại với nhau. Sau khi kiểm tra, nếu vẫn thấy tình trạng giảm tiểu cầu thì phải tiến hành thêm những bước khác để xác định chẩn đoán.
  • Kiểm tra sức khỏe tổng quát và hỏi bệnh sử là việc quan trọng nhất trong đánh giá giảm tiểu cầu. Lập danh sách toàn bộ các thuốc đang dùng. Hỏi tiền sử bản thân, tiền sử gia đình về giảm tiểu cầu, các nhiễm trùng xảy ra gần đây, tiền sử ung thư, các bệnh tự miễn, các bệnh lý về gan.
  • Hỏi thêm các triệu chứng về chảy máu kéo dài và những vết bầm tím. Kiểm tra da và niêm mạc miệng để tìm các vết xuất huyết. Kiểm tra bụng xem gan, lách có to. Lách to là một dấu hiệu quan trọng trong chẩn đoán.
  • Kiểm tra thêm các thành phần khác của huyết đồ. Xem có tình trạng thiếu máu (lượng hồng cầu hoặc hemoglobin thấp), đa hồng cầu (lượng hồng cầu hoặc hemoglobin cao), giảm bạch cầu hoặc tăng bạch cầu đi kèm?

Các bất thường này gợi ý cho thấy những vấn đề ở tủy xương có thể là nguyên nhân của giảm tiểu cầu.

  • Hình dạng bất thường và hình ảnh hồng cầu bị vỡ (schistocytes) trên phết máu ngoại biên là bằng chứng của các hội chứng  HELLP (tán huyết, rối loạn chức năng gan, giảm tiểu cầu), ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (Thrombotic thrombocytopenic purpura=TTP), hoặc hội chứng tăng urê máu tán huyết (hemolytic uremic syndrome=HUS).
  • Một yếu tố quan trọng khác của huyết đồ là thể tích trung bình của tiểu cầu (mean platelet volume=MPV) dùng để đánh giá kích thước trung bình của tiểu cầu. MPV thấp gợi ý đến những vấn đề về sản xuất tiểu cầu, MPV cao là dấu hiệu của sự tăng phá hủy tiểu cầu.
  • Cần kiểm tra thêm những xét nghiệm về chuyển hóa, chức năng đông máu toàn bộ và tổng phân tích nước tiểu, qua đó có thể phát hiện được các tình trạng xơ gan, suy thận, hoặc bệnh lý tiềm ẩn khác.
  • Đối với một số nguyên nhân gây giảm tiểu cầu như giảm tiểu cầu do heparin (heparin -induced thrombocytopenia=HIT) hoặc ban xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát (idiopathic thrombocytopenic purpura=ITP), cần bổ sung thêm một số xét nghiệm về kháng thể hay xét nghiệm miễn dịch.
  • Sinh thiết tủy xương (chọc tủy) nếu nghi ngờ có bệnh lý tủy xương.

Điều trị giảm tiểu cầu

  • Điều trị tùy thuộc nguyên nhân và mức độ nặng, nhẹ. Một số tình huống đòi hỏi điều trị đặc hiệu và cấp thời trong khi số khác chỉ cần theo dõi định kỳ số lượng tiểu cầu bằng huyết đồ.
  • Trong trường hợp giảm tiểu cầu tự miễn (auto-immune thrombocytopenia) hoặc ban xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát (idiopathic thrombocytopenic purpura =ITP), có thể dùng steroids để giảm phản ứng của hệ miễn dịch tấn công lên tiểu cầu. 
  • Trong các trường hợp nặng hơn, tiêm tĩnh mạch  immunoglobulins (IVIG) hoặc kháng thể để làm chậm lại cơ chế miễn dịch. Các trường hợp kháng trị cần được xử lý bằng phẫu thuật cắt lách.
  • Cần ngưng sử dụng một loại thuốc nào đó khi được xem là nguyên nhân gây giảm tiểu cầu. Đối với các bệnh nhân giảm tiểu cầu do heparin (heparin -induced thrombocytopenia=HIT), cần loại trừ ngay và tránh sử dụng lại heparin, kể cả heparin có trọng lượng phân tử thấp (Lovenox) để đề phòng các phản ứng miễn dịch đối với tiểu cầu.
  • Truyền tiểu cầu thường không cần thiết, trừ trường hợp bệnh nhân có tiểu cầu < 50.000 và đang xuất huyết, hay cần được phẫu thuật hoặc thực hiện các thủ thuật xâm lấn khác. Nếu tiểu cầu xuống <10.000 thì cũng nên truyền tiểu cầu dù không xuất huyết.
  • Khi nghi ngờ giảm tiểu cầu do heparin (heparin -induced thrombocytopenia=HIT) hoặc ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (Thrombotic thrombocytopenic purpura=TTP), thường không khuyến nghị truyền tiểu cầu vì tiểu cầu mới có thể khiến cho tình trạng bệnh trở nặng và kéo dài hơn.

Các biến chứng của giảm tiểu cầu

  • Xuất huyết và mất máu nhiều khi bị vết thương rách đứt da hay chấn thương.
  • Xuất huyết tự phát do giảm tiểu cầu thường ít gặp, trừ phi số lượng tiểu cầu giảm xuống dưới 20.000.
  • Giảm tiểu cầu tự miễn liên quan đến lupus có thể đi kèm với các biến chứng khác của lupus.
  • Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (thrombotic thrombocytopenic purpura=TTP) hoặc hội chứng tăng ure máu tán huyết (hemolytic uremic syndrome=HUS) có thể gây ra các biến chứng thiếu máu nặng, lú lẫn, các biến đổi về thần kinh hoặc suy thận.
  • Giảm tiểu cầu do heparin (heparin-induced thrombocytopenia=HIT) có thể gây các biến chứng rất nặng liên quan đến vấn đề đông máu.

Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Blog khác của bác sĩ
Video có thể bạn quan tâm
TĂNG HUYẾT ÁP  MỐI NGUY HẠI ẢNH HƯỞNG SỨC KHỎE VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TĂNG HUYẾT ÁP  MỐI NGUY HẠI ẢNH HƯỞNG SỨC KHỎE VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT 01:57
TĂNG HUYẾT ÁP  MỐI NGUY HẠI ẢNH HƯỞNG SỨC KHỎE VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Theo các nghiên cứu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng Hội Tim mạch Việt Nam, số người bị tăng huyết áp ngày càng gia tăng và có xu hướng tăng...
 3 năm trước
 694 Lượt xem
Tin liên quan
Hạ cholesterol giúp giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch

Khi bạn có quá nhiều cholesterol, nó sẽ tích tụ trong các động mạch của bạn. Sự tích tụ này làm cho động mạch xơ cứng lại - một quá trình được gọi là xơ vữa động mạch.

Dấu hiệu và triệu chứng bệnh tim mạch ở nam giới
Dấu hiệu và triệu chứng bệnh tim mạch ở nam giới

Bệnh tim mạch ở nam giới có những triệu chứng và dấu hiệu gì khác so với nữ giới?

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây