Bệnh đại tràng co thắt - nguyên nhân và cách phòng bệnh - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Nguyên nhân của bệnh đại tràng co thắt (Hội chứng ruột kích thích)
Nguyên nhân gây ra bệnh đại tràng co thắt (bệnh đại tràng cơ năng) hiện còn nhiều tranh cãi và chưa thật sự hiểu rõ cơ chế. Một số yếu tố nguy cơ sau thường xuất hiện và có thể gây tác động đến sự xuất hiện của bệnh.
- Tình trạng tăng mẫn cảm ruột do rối loạn về cảm giác của hệ thống thần kinh giữa ruột và não.
- Bất thường về các thụ thể cảm nhận của đại tràng.
- Các yếu tố khách quan bên ngoài như trạng thái lo lắng, rối loạn cảm xúc, stress trong công việc, người khó khăn khi hòa nhập với cộng đồng,…
- Chế độ ăn uống không điều độ, nhiều thực phẩm khó tiêu hay nhiều dầu mỡ, thức ăn kém vệ sinh, sử dụng nhiều rượu bia và chất kích thích cũng là những yếu tố nguy cơ xuất hiện bệnh.
Những dấu hiệu nghi ngờ Bệnh lý đại tràng co thắt (Hội chứng ruột kích thích)?
Bệnh thường gặp ở người trẻ tuổi, với ba triệu chứng chính thường gặp là đau bụng, táo bón và tiêu phân lỏng. Ba triệu chứng này có thể phối hợp hoặc đơn độc xen kẽ nhau. Bạn có thể đang gặp phải bệnh lý đại tràng khi có các biểu hiện sau:
- Đau bụng không điển hình, không có điểm cố định. Thường xuất hiện sau khi ăn, khi ăn thức ăn lạ hoặc đôi khi ngay cả trong lúc ăn làm bệnh nhân phải ngừng ăn và muốn đi tiêu. Thường kèm theo cảm giác trướng bụng, đầy hơi,… gây khó chịu.
- Rối loạn thói quen đi tiêu: có thể một ngày đi nhiều lần hoặc bị táo bón 2 đến 3 ngày mới đi tiêu được một lần. Bệnh nhân tự cảm thấy có sự thay đổi trong thói quen này trong thời gian gần đây. Sau khi đi tiêu xong đôi khi còn cảm giác muốn đi tiếp tục.
- Bệnh điển hình thường không có lẫn máu trong phân. Có máu trong phân là một dấu hiệu báo động có tổn thương ở ống tiêu hóa và cần xem xét kỹ để tìm ra nguyên nhân nguy hiểm trong hệ tiêu hóa.
- Bệnh ảnh hưởng nhiều đến tinh thần của bệnh nhân. Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, cảm giác chán ăn, mất ngủ, thiếu tinh thần. Ảnh hưởng nhiều đến các mối quan hệ xã hội.
Thay đổi lối sống là chìa khóa dự phòng an toàn bênh đại tràng co thắt (hội chứng ruột kích thích)
Cùng với việc sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ trong đợt bệnh lý ảnh hưởng nặng nề, việc thay đổi lối sống góp phần quan trọng trong kiểm soát bệnh.
Sau đây là một số lời khuyên dành cho bệnh nhân mắc Hội chứng ruột kích thích:
- Chế độ sinh hoạt lành mạnh: thường xuyên tập thể dục, rèn luyện sức khỏe. Nên tập cho cơ thể một khung giờ đi tiêu để tạo thói quen đi tiêu. Đa số các trường hợp Hội chứng ruột kích thích kiểm soát tốt nhờ một thói quen đi tiêu đúng giờ và đều đặn.
- Chế độ ăn uống hợp lý: tránh thức ăn lạ, dễ gây tiêu chảy hay đau bụng. Giảm thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn sống, sữa,… bổ sung chế độ ăn nhiều chất xơ, dễ tiêu hóa như trái cây, rau, sản phẩm sữa lactose-free, bánh mì,…
- Nên tránh tâm lý căng thẳng, tập luyện một lối sống lành mạnh. Tận dụng thời gian để thư giãn sau khi làm việc mệt mỏi cũng là một biện pháp hữu hiệu để kiểm soát tốt bệnh.
Bệnh nhân nên tham khảo chế độ ăn và luyện tập cụ thể với bác sĩ điều trị để phù hợp với từng cá nhân. Cần có sự phối hợp ăn ý giữa 2 bên để đạt được hiệu quả điều trị cao và tránh các tác hại nguy hiểm của bệnh.
Nguồn: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Nếu không được điều trị, tình trạng loét đường tiêu hóa sẽ ngày càng nặng và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như thủng dạ dày – ruột, chảy máu trong và hình thành sẹo.
Loét dạ dày là bệnh có thể chữa khỏi nhưng nếu trì hoãn hoặc không điều trị đúng cách thì tình trạng sẽ ngày càng nặng và còn dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn.