1

Viêm loét dạ dày – hành tá tràng điều trị bằng cách nào?

Viêm loét dạ dày – hành tá tràng điều trị bằng cách nào? Viêm loét dạ dày – hành tá tràng điều trị bằng cách nào?

Viêm loét dạ dày - hành tá tràng là gì?

Viêm loét dạ dày là tình trạng viêm loét xảy ra ở lớp lót thành bên trong của dạ dày hay được gọi là niêm mạc dạ dày còn viêm loét hành tá tràng là tình trạng tổn thương ở tá tràng – đoạn đầu của ruột non. Một người có thể bị viêm loét ở một trong hai hoặc cả hai cơ quan này cùng một lúc mà thông thường, tình trạng viêm loét xảy ra ở cả hai. Nếu bị viêm loét cả ở dạ dày và tá tràng thì được gọi là viêm loét dạ dày – hành tá tràng hay ngắn gọn hơn là viêm loét dạ dày – tá tràng.

Các triệu chứng thường gặp

Một cách để nhận biết mình bị loét dạ dày hay tá tràng là xác định xem các triệu chứng xảy ra ở đâu và khi nào. Ở một số người, thời gian giữa các bữa ăn, khi bụng đói là lúc mà các vết loét gây đau đớn nhất nhưng cũng có trường hợp mà chính các bữa ăn lại là tác nhân kích hoạt cơn đau.

Tuy nhiên, vị trí của cơn đau không phải lúc nào cũng khớp chính xác với vị trí của vết loét. Rất nhiều người bị đau ở vị trí cách xa vết loét.

Các triệu chứng khác có thể gặp phải còn có:

  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Đầy hơi, trướng bụng

Rất nhiều triệu chứng của viêm loét đường tiêu hóa đều có liên quan đến hiện tượng chảy máu như đi ngoài hay nôn ra máu.

Tuy nhiên, có đến gần 75% người bị loét dạ dày hoặc tá tràng không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào và trên thực tế, những vết loét này cũng hiếm khi gây ra các triệu chứng nghiêm trọng.

Nếu có thì các triệu chứng nghiêm trọng thường là:

  • Lẫn máu trong phân hoặc phân có màu đen
  • Khó thở
  • Ngất xỉu
  • Nôn ra máu
  • Thở gấp mỗi khi hoạt động
  • Người mệt mỏi

Cần đến bệnh viện ngay khi cảm thấy đau dạ dày bất thường và đi kèm với bất kỳ triệu chứng nào nêu trên.

Nguyên nhân gây viêm loét

Vi khuẩn Helicobacter pylori

Helicobacter pylori (H. pylori hay HP) là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm loét dạ dày - tá tràng. Vi khuẩn này ảnh hưởng đến chất nhầy bảo vệ dạ dày và ruột non, khiến cho axit dạ dày có thể phá hủy lớp niêm mạc.

Theo các nhà nghiên cứu, con đường lây nhiễm chủ yếu loại vi khuẩn này là qua thực phẩm, nước và dụng cụ ăn uống. Những người nhiễm khuẩn HP cũng có thể lây cho người khác qua nước bọt, ví dụ như dùng chung bàn chải đánh răng, dụng cụ nội soi, nha khoa,…

Nhiều người bị nhiễm vi khuẩn này từ khi còn nhỏ nhưng rất ít trường hợp phát triển thành viêm loét dạ dày - tá tràng và đa phần thì các triệu chứng (nếu có) thường chỉ bộc lộ khi trưởng thành.

Thuốc men

Những người lạm dụng hoặc phụ thuộc vào các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID), như aspirin, ibuprofen hay naproxen có nguy cơ cao bị viêm loét dạ dày - tá tràng. Trên thực tế, đây là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây ra tình trạng viêm loét, chỉ đứng sau vi khuẩn HP.

Các loại thuốc này gây kích thích và làm hỏng lớp niêm mạc dạ dày và ruột. Acetaminophen (Tylenol) không thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid nên thường được khuyên dùng cho những người không thể uống NSAID do viêm loét hoặc mắc các vấn đề về đường tiêu hóa khác.

Các nguyên nhân khác

Một bệnh lý hiếm gặp có tên là hội chứng Zollinger - Ellison gây ra các khối u ác tính và u lành tính. Những khối u này giải phóng ra hormone gastrin kích thích dạ dày tiết nhiều axit hơn bình thường, làm cho nồng độ axit dạ dày tăng rất cao và dẫn đến viêm loét dạ dày - tá tràng.

Những khối u này thường chủ yếu phát triển ở tuyến tụy và tá tràng nhưng cũng có thể xảy ra ở những nơi khác trong khắp cơ thể.

Ai có nguy cơ bị viêm loét dạ dày - tá tràng?

Mặc dù thuốc kháng viêm không steroid được kê rất phổ biến nhưng các loại thuốc này có thể dẫn đến viêm loét dạ dày – tá tràng. Do đó, những người đang phải dùng các loại thuốc này là đối tượng có nguy cơ cao.

Ngoài ra còn có các loại thuốc khác cũng làm tăng khả năng viêm loét dạ dày - tá tràng và xuất huyết:

  • Các loại thuốc điều trị loãng xương như alendronate (Fosamax) và risedronate (Actonel)
  • Các loại thuốc chống đông máu, như warfarin (Coumadin) hoặc clopidogrel (Plavix)
  • Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) để trị chứng trầm cảm
  • Một số loại thuốc hóa trị

Bên cạnh các loại thuốc nêu trên, nguy cơ bị viêm loét dạ dày – hành tá tràng cũng tăng cao hơn bình thường ở những người:

  • trên 70 tuổi
  • uống nhiều rượu
  • có tiền sử viêm loét đường tiêu hóa
  • hút thuốc
  • từng bị tổn thương nặng hoặc chấn thương thể chất ảnh hưởng đến đường tiêu hóa
  • thường xuyên ăn đồ chua, cay

Chẩn đoán viêm loét dạ dày – tá tràng bằng cách nào?

Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử và các triệu chứng. Hãy nõi rõ những vị trí bị đau và thời điểm xuất hiện các triệu chứng trong ngày cho bác sĩ.

Loét dạ dày - hành tá tràng gây đau ở các vùng khác nhau của bụng và vì có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây đau bụng nên cần tiến hành các phương pháp kiểm tra khác nhau để xác định vấn đề cụ thể.

Các xét nghiệm

Nếu nghi ngời vi khuẩn HP là nguyên nhân gây ra các triệu chứng thì sẽ cần tiến hành các xét nghiệm sau để xác nhận hoặc loại trừ khả năng này:

  • Xét nghiệm máu: nhằm kiểm tra sự hiện diện của một số tế bào chống lại vi khuẩn gọi là kháng thể. Nếu có kháng thể thì bạn đã bị nhiễm khuẩn HP.
  • Xét nghiệm phân: trong quy trình xét nghiệm này, mẫu phân được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích nhằm tìm ra một số loại protein liên quan đến vi khuẩn HP.
  • Xét nghiệm hơi thở: khi xét nghiệm hơi thở, trước tiên bạn sẽ thở vào một túi đựng để kiểm tra hơi thở ở trạng thái bình thường. Tiếp theo uống một loại thuốc có chứa urea gắn phân tử carbon đồng vị và thở vào túi đựng thứ hai. Bác sĩ sẽ tiến hành đo nồng độ carbon dioxide trong hơi thở để xác định sự có mặt của vi khuẩn HP. Nếu bị nhiễm vi khuẩn HP thì ure trong thuốc sẽ bị phân hủy thành một loại carbon dioxide mà thiết bị đo có thể phát hiện.

Nội soi đường tiêu hóa trên

Nội soi đường tiêu hóa trên (hay nội soi thực quản, dạ dày và ruột non - EGD) là phương pháp sử dụng ống nội soi đưa qua miệng xuống thực quản, dạ dày và ruột non để có thể quan sát trạng thái bên trong và phát hiện những vết loét cùng các vị trí bất thường khác. Phương pháp này cũng được sử dụng để lấy mẫu mô (sinh thiết) và thậm chí điều trị một số vấn đề về đường tiêu hóa.

Chụp X-quang đường tiêu hóa trên

Có thể sẽ cần phải chụp X-quang đường tiêu hóa trên. Đầu tiên, bạn sẽ uống một dung dịch chất cản quang bari sulfat và chụp X-quang để bác sĩ quan sát cách mà dung dịch chảy qua đường tiêu hóa. Phương pháp này cho thấy những vị trí có vấn đề ở thực quản, dạ dày và ruột non.

Điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng

Phác đồ điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Người bệnh thường cần dùng thuốc ức chế thụ thể histamine H2 (thuốc kháng histamine H2) hoặc thuốc ức chế bơm proton (PPI) để giảm lượng axit và bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Đối với các trường hợp bị nhiễm khuản HP, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh, thuốc ức chế bơm proton và một số các loại thuốc khác như thuốc bảo vệ niêm mạc để chống lại vi khuẩn và thúc đẩy quá trình chữa lành.

Nếu thuốc kháng viêm không steroid gây viêm loét dạ dày thì cần giảm hoặc ngừng dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Nếu vết loét đang chảy máu thì sẽ cần dùng kỹ thuật nội soi và các dụng cụ chuyên dụng để cầm máu.

Trong trường hợp mà các loại thuốc hoặc điều trị bằng nội soi đều không có tác dụng thì bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Nếu các ổ loét sâu và tạo thành lỗ thủng xuyên qua thành dạ dày hoặc tá tràng thì sẽ cần phẫu thuật khẩn cấp để khắc phục vấn đề.

Biến chứng của viêm loét dạ dày - tá tràng

Nếu không được điều trị, viêm loét dạ dày - tá tràng có thể tiến triển sang một số vấn đề nghiêm trọng hơn, đặc biệt là ở những người còn đang bị một vấn đề khác về sức khỏe.

Các biến chứng phổ biến nhất của viêm loét dạ dày - tá tràng là:

  • Xuất huyết: nguyên nhân do các ổ loét ăn mòn dạ dày hoặc ruột non và phá vỡ các mạch máu.
  • Thủng: vết loét phá hủy niêm mạc và thành dạ dày hoặc tá tràng, khiến vi khuẩn, axit và thức ăn rò rỉ qua.
  • Viêm phúc mạc: tình trạng viêm và nhiễm trùng phúc mạc (lớp màng che phủ bề mặt bên trong của khoang bụng).
  • Tắc nghẽn: mô sẹo hình thành do hậu quả của vết loét và gây cản trở quá trình thức ăn rời khỏi dạ dày hoặc tá tràng.

Ngoài các hậu quả nghiêm trọng trên, viêm loét dạ dày còn có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư. Do đó, khi phát hiện bất kỳ triệu chứng nào nghi là viêm loét dạ dày hoặc tá tràng thì cần đi khám ngay để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Sau khi điều trị, bạn sẽ cần nội soi đường tiêu hóa trên một lần nữa để bác sĩ kiểm tra tình trạng của các ổ loét. Trong hầu hết các trường hợp, viêm loét dạ dày - tá tràng đều khỏi nếu được điều trị đúng cách.

Ngăn ngừa viêm loét dạ dày - tá tràng

Để giảm rủi ro bị viêm loét dạ dày - tá tràng, bạn nên:

  • Hạn chế dùng thuốc kháng viêm không steroid hoặc chuyển sang một loại thuốc khác nếu cần giảm đau thường xuyên.
  • Nếu bắt buộc dùng thuốc kháng viêm không steroid, nên uống trong bữa ăn hoặc uống cùng với thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày.
  • Không hút thuốc vì các chất độc trong khói thuốc sẽ làm chậm quá trình lành vết thương và tăng nguy cơ ung thư đường tiêu hóa.
  • Nếu được chẩn đoán nhiễm khuẩn HP, cần uống đủ liều thuốc kháng sinh được kê. Nếu ngừng giữa chừng, vi khuẩn sẽ còn sót lại trong cơ thể.
  • Thường xuyên vận động thể chất. Việc tập thể dục thường xuyên sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm phản ứng viêm trong cơ thể.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: dạ dày, tá tràng
Tin liên quan
Viêm dạ dày cấp: Triệu chứng và cách xử lý
Viêm dạ dày cấp: Triệu chứng và cách xử lý

Một số triệu chứng của viêm dạ dày cấp rất giống với triệu chứng của các vấn đề về sức khỏe khác nên nếu không đi khám thì rất khó xác định viêm dạ dày cấp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây