1

Viêm Loét Dạ Dày

Viêm dạ dày là bệnh gì?

Viêm dạ dày là tình trạng viêm ở lớp niêm mạc (lớp lóp bảo vệ thành bên trong) dạ dày. Có hai loại viêm dạ dày là viêm dạ dày cấp tính và viêm dạ dày mạn tính. Viêm dạ dày cấp là hiện tượng viêm xảy đến đột ngột và nghiêm trọng. Viêm dạ dày mạn tính là tình trạng viêm kéo dài, có thể lên đến nhiều năm nếu không được điều trị.

Viêm dạ dày ăn mòn là một dạng ít gặp của viêm dạ dày. Bệnh này thường không gây viêm nặng nhưng có thể dẫn đến xuất huyết và tạo ra các vết loét ở niêm mạc dạ dày.

Nguyên nhân gây viêm dạ dày

Lớp niêm mạc dạ dày có thể bị dịch vị phá hủy và gây viêm, dẫn đến tình trạng viêm dạ dày. Những người có lớp niêm mạc mỏng hoặc đã bị tổn hại sẽ có nguy cơ cao bị viêm dạ dày.

Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa cũng là nguyên nhân gây viêm dạ dày. Loại vi khuẩn phổ biến nhất gây ra bệnh này là Helicobacter pylori (H.pylori). Đây là một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng niêm mạc dạ dày, có thể lây truyền từ người sang người, qua thực phẩm hoặc nước.

Một số vấn đề sức khỏe và thói quen hàng ngày cũng có thể làm tăng nguy cơ bị viêm dạ dày, ví dụ như:

  • Nghiện rượu nặng
  • Thường xuyên sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen và aspirin
  • Sử dụng cocaine
  • Tuổi cao, vì niêm mạc dạ dày mỏng đi theo thời gian
  • Hút thuốc lá

Các yếu tố nguy cơ ít phổ biến hơn:

  • Dạ dày phải chịu áp lực cao do chấn thương nặng, bệnh tật hoặc phẫu thuật
  • Bệnh tự miễn
  • Các bệnh về tiêu hóa như bệnh Crohn
  • Nhiễm virus

Các triệu chứng của viêm dạ dày

Không phải ai bị viêm dạ dày cũng gặp phải các triệu chứng rõ rệt nhưng các triệu chứng thường gặp nhất là:

  • Buồn nôn, ói mửa
  • Cảm giác đầy ở bụng trên, đặc biệt là sau khi ăn
  • Khó tiêu

Nếu bị viêm dạ dày ăn mòn thì sẽ còn gặp các triệu chứng khác như:

  • Phân đen
  • Nôn ra máu đỏ hoặc màu nâu giống như bã cà phê

Chẩn đoán viêm dạ dày

Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, hỏi về các triệu chứng và tiền sử mắc bệnh trong gia đình. Tiếp đến, bạn sẽ cần làm xét nghiệm hơi thở, xét nghiệm máu hoặc phân để phát hiện vi khuẩn H. pylori.

Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành nội soi để kiểm tra tình trạng viêm. Nội soi là thủ thuật đưa một ống dài có gắn camera vào đường tiêu hóa qua đường miệng hoặc đường mũi để quan sát bên trong thực quản và dạ dày. Có thể còn phải lấy một mẫu mô nhỏ (sinh thiết) ở niêm mạc dạ dày nếu phát hiện bất cứ điều gì bất thường trong quá trình kiểm tra.

Ngoài ra, bạn sẽ được cho uống dung dịch thuốc cản quang (bari sulfat) và chụp X-quang đường tiêu hóa để xác định vùng có vấn đề.

Điều trị viêm dạ dày bằng cách nào?

Việc điều trị viêm dạ dày phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm. Nếu bị viêm dạ dày do thuốc kháng viêm không steroid hoặc các loại thuốc khác thì có thể chỉ cần ngưng dùng thuốc là đủ để khắc phục vấn đề. Nếu viêm dạ dày là do vi khuẩn H. pylori thì cách điều trị thường là dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn.

Ngoài kháng sinh, còn có một số loại thuốc khác cũng được sử dụng để điều trị viêm dạ dày:

Thuốc ức chế bơm proton

Thuốc ức chế bơm proton phát huy tác dụng bằng cách gây ức chế các tế bào tạo ra axit dạ dày. Một số loại thuốc ức chế bơm proton phổ biến hiện nay:

  • omeprazole (Prilosec)
  • lansoprazole (Prevacid)
  • esomeprazole (Nexium)

Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc này trong thời gian dài, đặc biệt là với liều cao, có thể làm tăng nguy cơ gãy xương cột sống, hông và cổ tay. Việc này còn có thể dẫn đến suy thận, sa sút trí nhớthiếu hụt dinh dưỡng.

Do đó, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu dùng những loại thuốc này để được hướng dẫn về liều dùng phù hợp.

Thuốc giảm axit

Các loại thuốc này có tác dụng làm giảm lượng axit mà dạ dày tạo ra. Hai tên thuốc được dùng phổ biến là:

  • ranitidine (Zantac)
  • famotidine (Pepcid)

Bằng cách giảm lượng axit được giải phóng vào đường tiêu hóa, những loại thuốc này có thể làm dịu cơn đau do viêm dạ dày và giúp niêm mạc dạ dày lành lại.

Thuốc kháng axit

Thuốc kháng axit giúp giảm nhanh các cơn đau do viêm dạ dày. Những loại thuốc này có tác dụng trung hòa axit trong dạ dày.

Tuy nhiên, một số thuốc kháng axit có tác dụng phụ là gây tiêu chảy hoặc táo bón.

Men vi sinh

Probiotic hay men vi sinh đã được chứng minh là có nhiều lợi ích cho hệ tiêu hóa và có khả năng chữa lành các vết loét dạ dày.

Các biến chứng của viêm dạ dày

Nếu không được điều trị, viêm dạ dày sẽ dẫn đến xuất huyết (chảy máu) và loét dạ dày. Một số dạng viêm dạ dày còn làm tăng nguy cơ phát triển ung thư dạ dày, đặc biệt là ở những người có lớp niêm mạc dạ dày mỏng.

Do những biến chứng này mà bạn cần đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường về tiêu hóa, đặc biệt là khi các dấu hiệu này tiếp diễn trong thời gian dài.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 40 trong 9 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Video Viêm Loét Dạ Dày

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây