Bạn đã biết những gì về lá gan?
Giới thiệu chung
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể. Trung bình, gan người trưởng thành nặng khoảng từ 1.4 - 1.6kg và có kích thước gần bằng một quả bóng đá. Cơ quan này có vai trò rất quan trọng đối với quá trình trao đổi chất và hệ miễn dịch của cơ thể. Nếu gan không hoạt động, chúng ta sẽ không thể sống sót được.
Gan có hình bán nguyệt với phần bờ dưới tương đối thẳng, nằm chủ yếu ở vùng trên bên phải của ổ bụng, ngay dưới cơ hoành, trên dạ dày và kéo dài một chút sang vùng bên trái.
Cấu tạo của gan
Nhìn từ mặt trước, gan gồm có hai phần chính, được gọi là hai thùy là thùy gan trái và thùy gan phải. Các thùy này lại được chia thành tám phân thùy. Mỗi phân thùy có khoảng 1.000 tiểu thùy. Mỗi tiểu thùy có một ống nhỏ dẫn về ống gan chung.
So với phần còn lại của cơ thể, gan có một lượng máu khá lớn lưu thông qua, ước tính luôn có khoảng 13% lượng máu của cơ thể nằm bên trong gan.
Gan có chức năng gì?
Gan có chức năng chính là tham gia vào các quá trình trao đổi chất trong cơ thể, gồm có:
- Phân hủy hoặc chuyển hóa các chất
- Tích trữ và giải phóng năng lượng
- Khử các chất độc hại và lọc bỏ ra khỏi máu
Gan thực hiện các chức năng này bằng cách nhận máu có chứa chất dinh dưỡng từ các cơ quan tiêu hóa thông qua tĩnh mạch cửa. Sau đó, các tế bào gan tiếp nhận và bắt đầu lọc máu. Các tế bào này hoạt động giống như một trung tâm phân loại nhỏ, có chức năng xác định:
- những chất dinh dưỡng cần được xử lý
- những gì cần dự trữ
- những gì cần loại bỏ
- những gì cần đưa trở lại máu
Gan tích trữ vitamin và các khoáng chất như đồng và sắt, sau đó giải phóng các chất này khi cơ thể cần. Gan còn giúp chuyển hóa chất béo trong chế độ ăn uống, hoặc tích trữ chất béo hoặc giải phóng dưới dạng năng lượng.
Gan tạo ra khoảng 800 đến 1.000ml mật mỗi ngày. Lượng mật này được vận chuyển qua ống mật đến ruột non. Ruột non sử dụng mật để tiếp tục phân hủy chất béo. Lượng mật thừa chưa được sử dụng sẽ được dự trữ trong túi mật.
Gan còn có vai trò chuyển hóa protein. Quá trình này tạo ra một sản phẩm là amoniac. Khi tăng cao, chất này sẽ gây hại cho cơ thể. Gan biến amoniac độc hại thành urê và giải phóng vào máu để rồi được thận thải ra ngoài qua nước tiểu.
Gan còn giúp chuyển hóa rượu cũng như là nhiều loại thuốc mà bạn dùng để giảm bớt những tác hại lên cơ thể.
Bên cạnh đó, gan cũng đóng vai trò chính trong các quá trình sau:
- Tạo ra các yếu tố miễn dịch để chống lại nhiễm trùng
- Tạo ra các protein chịu trách nhiệm cho sự đông máu
- Phá vỡ các tế bào hồng cầu cũ và bị hỏng
- Dự trữ lượng đường thừa trong máu dưới dạng glycogen
Và ngoài ra gan còn có một số chức năng quan trọng nữa. Như vậy là có thể thấy gan có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của cơ thể.
Khả năng tái tạo của gan
Gan là một cơ quan kỳ diệu, khác với tất cả các cơ quan nội tạng ở chỗ gan có khả năng tự tái tạo. Có nghĩa là sau khi bị tổn hại hoặc sau phẫu thuật cắt bỏ, mô gan có thể phát triển trở lại ở một mức độ nhất định. Quá trình tái sinh này bắt đầu diễn ra khi các tế bào gan còn lại tăng kích thước và sau đó, các tế bào gan mới bắt đầu nhân lên.
Thậm chí kể cả khi bị cắt đi mất đến hai phần ba, gan vẫn có thể tái tạo và trở lại trọng lượng như ban đầu chỉ trong vòng một tuần sau phẫu thuật. Nghiên cứu đã cho thấy gan có thể tái sinh hoàn toàn sau đến 12 lần phẫu thuật cắt gan.
Những bệnh lý về gan
Có nhiều loại bệnh xảy ra với gan và ảnh hưởng đến chức năng của cơ quan này, một số trong đó có thể điều trị thành công nhưng một số khác thì không thể. Dưới đây là một số bệnh lý, vấn đề phổ biến về gan:
Viêm gan tự miễn
Viêm gan tự miễn là bệnh mà trong đó hệ miễn dịch của cơ thể tự tấn công và phá hủy các mô gan khỏe mạnh. Viêm gan tự miễn có thể dẫn đến xơ gan và những tổn thương gan khác.
Teo đường mật bẩm sinh
Teo đường mật bẩm sinh là bệnh xảy ra ở ống dẫn mật và ảnh hưởng đến lưu lượng mật ngay từ khi sinh ra. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể làm hình thành mô sẹo trong gan và làm suy giảm chức năng gan. Hiện nay đã có phương pháp điều trị căn bệnh này.
Xơ gan
Xơ gan là tình trạng mô xơ, sẹo thay thế mô gan khỏe mạnh. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra bệnh xơ gan, ví dụ như sử dụng rượu quá nhiều trong thời gian dài, viêm gan mạn tính hoặc một số bệnh di truyền hiếm gặp, chẳng hạn như bệnh Wilson.
Bệnh thừa sắt
Bệnh thừa sắt là tình trạng sắt thừa tích tụ trong cơ thể và có thể gây hại cho gan.
Viêm gan A
Viêm gan siêu vi là những bệnh viêm gan do virus gây ra. Các loại viêm gan siêu vi thường gặp nhất gồm có viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C, viêm gan D và viêm gan E. Mỗi loại lại có nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Viêm gan A là loại viêm gan do virus phổ biến nhất ở các nước nghèo, nơi thiếu nước sạch và có điều kiện vệ sinh kém. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân viêm gan A đều có thể khỏi bệnh mà không bị suy gan hoặc gặp biến chứng.
Viêm gan B
Có hai loại viêm gan B là viêm gan B mạn tính và viêm gan B cấp tính. Bệnh này có thể lây qua đường tình dục hoặc đường máu, ví dụ như dùng chung kim tiêm với người bị bệnh. Viêm gan B có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, gồm có suy gan và ung thư gan. Tuy nhiên có thể tiêm vắc-xin để phòng căn bệnh này.
Viêm gan C
Viêm gan C cũng gồm có hai loại là viêm gan C cấp tính và mạn tính. Giống như viêm gan B, căn bệnh này có thể lây qua sự tiếp xúc với máu có virus viêm gan C, chẳng hạn như dùng kim tiêm không sạch khi tiêm thuốc hoặc xăm hình và lây khi quan hệ tình dục với người mắc bệnh mà không có biến pháp bảo vệ. Viêm gan C có thể dẫn đến xơ gan, suy gan và ung thư gan.
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
Đây là những tình trạng mà chất béo tích tụ trong gan, gây tổn hại và viêm gan. Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH) là một dạng bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu gây hình thành mô sẹo, xơ trong gan. Những người béo phì và có các vấn đề về sức khỏe liên quan đến béo phì, chẳng hạn như bệnh tiểu đường tuýp 2, có nguy cơ cao mắc bệnh này.
Dấu hiệu của các bệnh về gan
Có hơn 100 loại bệnh về gan khác nhau, nhiều bệnh trong đó có các dấu hiệu ban đầu chỉ giống như cảm cúm và dần dần mới tiến triển thành các triệu chứng tổn thương gan nghiêm trọng hơn, như vàng da và nước tiểu có màu sẫm.
Những dấu hiệu khác của các vấn đề về gan còn có:
- Người mệt mỏi
- Ăn không ngon miệng
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Đau khớp
- Đau hoặc khó chịu ở dạ dày
- Chảy máu cam
- Nổi mạch máu bất thường trên da như hình mạng nhện
- Ngứa ngáy
- Cơ thể suy nhược, không có sức lực
- Giảm ham muốn
Ngoài ra, người bệnh có thể còn gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn như:
- Da và tròng trắng mắt chuyển thành màu vàng (bệnh vàng da)
- Đầu óc nhầm lẫn, không minh mẫn
- Bụng phình to (cổ trướng)
- Sưng phù chân
- Rối loạn cương dương
- Nữ hóa tuyến vú ở nam giới (mô vú phát triển, khiến cho ngực to ra)
- Chứng gan to
- Nước tiểu màu sẫm
- Phân màu nhạt
Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào trong số này thì cần đi khám ngay lập tức.
Làm thế nào để giữ cho gan khỏe mạnh?
Dưới đây là một số lời khuyên về lối sống hàng ngày để giúp bạn giữ cho gan luôn khỏe mạnh và thực hiện các chức năng một cách tốt nhất:
- Tiêm vắc-xin viêm gan A và viêm gan B
- Có biện pháp quan hệ tình dục an toàn bằng cách dùng bao cao su
- Không dùng chung kim tiêm hoặc các vật dụng chăm sóc cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng,… với người khác
- Tập thể dục thường xuyên
- Hỏi kỹ bác sĩ và tìm hiểu về tất cả các loại thuốc nào sắp dùng vì chúng có thể ảnh hưởng đến gan
- Hạn chế uống rượu vì gan phải hoạt động rất vất vả để phân hủy chất độc từ rượu
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với các loại thực phẩm tốt cho gan như chất xơ hay các loại cá béo