Viêm gan tự miễn là gì?
Viêm gan tự miễn là gì?
Virus là nguyên nhân chính gây ra nhiều loại viêm gan nhưng viêm gan tự miễn (autoimmune hepatitis - AIH) lại là không phải do virus gây nên. Loại bệnh gan này xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công chính các tế bào gan. Viêm gan tự miễn là một bệnh lý mạn tính có thể gây hình thành sẹo trong gan (xơ gan) và cuối cùng dẫn đến suy gan.
Các loại viêm gan tự miễn
Dựa trên kết quả xét nghiệm huyết thanh, viêm gan tự miễn được chia ra làm hai loại:
- Loại I: phổ biến hơn, chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trẻ và có liên quan đến các bệnh tự miễn khác.
- Loại II: chủ yếu xảy ra ở các bé gái trong độ tuổi từ 2 đến 14.
Viêm gan tự miễn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là trong độ tuổi thiếu niên hoặc những năm đầu của tuổi trưởng thành.
Nguyên nhân gây viêm gan tự miễn
Viêm gan tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch nhầm lẫn các tế bào gan là những thứ xâm nhập vào từ bên ngoài và tạo ra các kháng thể để tấn công. Đây cũng là hiện tượng xảy ra ở các bệnh tự miễn khác. Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gốc rễ gây nên hiện tượng này nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan tự miễn như:
- có tiền sử gia đình mắc bệnh
- từng bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus
- là nữ
- đang dùng một số loại thuốc, ví dụ như minocycline
Các bệnh tự miễn khác cũng có thể gây ra triệu chứng của bệnh gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm gan tự miễn. Những bệnh này gồm có:
- Bệnh Basedow hay bệnh Graves
- Viêm tuyến giáp
- Viêm đại tràng
- Bệnh tiểu đường tuýp 1
- Viêm khớp dạng thấp
- Xơ cứng bì
- Bệnh viêm ruột (IBD)
- Lupus ban đỏ hệ thống
- Hội chứng Sjogren
Triệu chứng viêm gan tự miễn
Viêm gan tự miễn có nhiều triệu chứng khác nhau với mức độ từ nhẹ đến nặng. Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường không phát hiện triệu chứng nhưng sang các giai đoạn sau, các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột hoặc cũng có thể phát triển dần dần theo thời gian.
Các triệu chứng của viêm gan tự miễn:
- Gan to (hepatomegaly)
- Nổi mạch máu bất thường trên da giống như mạng nhện (dấu sao mạch)
- Trướng bụng
- Nước tiểu đậm màu
- Phân màu nhạt
- Vàng da và lòng trắng mắt (bệnh vàng da)
- Ngứa ngáy do tích tụ dịch mật
- Mệt mỏi
- Ăn không ngon
- Buồn nôn
- Ói mửa
- Đau khớp
- Khó chịu trong bụng
Chẩn đoán viêm gan tự miễn
Viêm gan tự miễn thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác và các triệu chứng cũng rất giống với viêm gan virus. Để chẩn đoán chính xác, người bệnh sẽ cần làm xét nghiệm máu để:
- loại trừ khả năng viêm gan là do virus
- xác định loại viêm gan tự miễn
- kiểm tra chức năng gan
Xét nghiệm máu còn giúp xác định lượng kháng thể có trong máu. Các kháng thể thường có mặt trong các trường hợp bị viêm gan tự miễn gồm có:
- kháng thể kháng cơ trơn
- kháng thể kháng microsome gan thận loại I
- kháng thể kháng nhân
Xét nghiệm máu cũng là cách để đo định lượng kháng thể immunoglobulin G (IgG) trong máu. Đây là kháng thể giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và viêm.
Sinh thiết gan đôi khi cũng là biện pháp cần tiến hành để chẩn đoán viêm gan tự miễn. Phương pháp này cho biết loại và mức độ nghiêm trọng của tình trạng tổn thương gan. Đây là thủ thuật lấy một mẫu nhỏ mô gan bằng kim dài và gửi đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm.
Điều trị viêm gan tự miễn
Các phương pháp điều trị có thể làm chậm, ngăn chặn và đôi khi còn có thể hồi phục những tổn thương trong gan do viêm gan tự miễn. Khoảng 65 đến 80% những người bị viêm gan tự miễn đều thuyên giảm đáng kể các triệu chứng. Tuy nhiên có thể phải duy trì điều trị đến 3 năm mới đạt được điều này. Các loại thuốc được dùng phổ biến để điều trị viêm gan tự miễn gồm có:
Thuốc ức chế miễn dịch
Thuốc ức chế miễn dịch có tác dụng ngăn chặn sự tấn công của hệ miễn dịch lên tế bào gan. Những loại thuốc ức chế miễn dịch phổ biến gồm có mercaptopurine (6-mercaptopurine hay 6-MP) và azathioprine. Tuy nhiên, việc dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch sẽ làm giảm khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng khác của cơ thể.
Corticosteroid
Các loại corticosteroid, thường là prednison, có thể trực tiếp điều trị tình trạng viêm gan. Các loại thuốc này cũng có tác dụng như thuốc ức chế miễn dịch. Người bệnh có thể sẽ phải dùng prednisone trong tối thiểu 18 - 24 tháng và một số người còn phải dùng thuốc suốt đời để ngăn ngừa viêm gan tự miễn tái phát.
Prednison có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng như:
- Bệnh tiểu đường
- Loãng xương
- Cao huyết áp
- Tăng cân
Ghép gan
Phẫu thuật ghép gan có thể điều trị viêm gan tự miễn. Tuy nhiên có những trường hợp dù đã phẫu thuật nhưng bệnh vẫn tái phát. Theo thống kê, tỉ lệ sống sót sau một năm đối với những người đã ghép tạng là 86% còn tỉ lệ sống sót sau 5 năm là khoảng 72%.
Biến chứng của viêm gan tự miễn
Nếu không được điều trị, viêm gan tự miễn có thể gây ra các biến chứng như:
- Suy gan
- Xơ gan
- Ung thư gan
- Tăng áp tĩnh mạch cửa – tĩnh mạch cung cấp máu cho gan
- Giãn tĩnh mạch dạ dày và thực quản
- Tích tụ dịch trong ổ bụng (cổ trướng)
Viêm gan A là một loại viêm gan siêu vi do virus viêm gan A (hepatitis A virus - HAV) gây nên và là dạng viêm gan cấp tính.