5 cách đơn giản để phân biệt trứng còn dùng được hay đã hỏng
Đa số mọi người đều có thói quen mua nhiều trứng một lúc và để trong tủ lạnh ăn dần. Tuy nhiên, sau một thời gian bẵng đi không dùng đến hoặc dùng không hết, nhiều người không nhớ mình đã mua trứng từ khi nào và không biết còn dùng được nữa hay không.
Đúng là theo thời gian, chất lượng của trứng sẽ bị giảm khi túi khí bên trong to dần lên và lòng trắng bị lỏng hơn so với lúc còn tươi nhưng một quả trứng sẽ chỉ bị hỏng khi bị nhiễm vi khuẩn hoặc nấm mốc. Trên thực tế, trứng vẫn hoàn toàn có thể ăn được dù đã để trong tủ lạnh nhiều tuần.
Nếu không yên tâm thì bạn có thể thử 5 cách dưới đây để kiểm tra xem trứng còn dùng được hay đã hỏng.
1. Xem hạn sử dụng
Nếu mua trứng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đựng trong hộp tại siêu thị thì cách đơn giản nhất để biết trứng còn dùng được hay không là kiểm tra hạn sử dụng và ngày sản xuất. Miễn là chưa đến hạn sử dụng thì trứng vẫn hoàn toàn dùng được. Thậm chí, nếu bảo quản tốt thì trứng vẫn dùng được dù đã quá hạn được vài ngày. Nhiệt độ thấp trong tủ lạnh giúp duy trì chất lượng trứng và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.
Một số sản phẩm không ghi hạn sử dụng mà chỉ có ngày sản xuất. Đó là ngày mà gia cầm đẻ trứng. Thời hạn sử dụng trứng tính từ ngày sản xuất phụ thuộc vào điều kiện bảo quản. Cụ thể, nếu trứng được bảo quản ở nhiệt độ từ 4 – 8 độ C thì sử dụng trong vòng 35 ngày từ ngày sản xuất; nếu bảo quản ở nhiệt độ từ 9 – 15 độ C thì sử dụng trong vòng 21 ngày còn nếu bảo quản ở nhiệt độ từ 16 – 25 độ C thì hạn sử dụng là 10 ngày.
Tuy nhiên, nếu trứng không có thông tin về ngày sản xuất và hạn sử dụng thì cần phải sử dụng các biện pháp khác để kiểm tra chất lượng trứng.
Tóm tắt: Xem ngày sử dụng và hạn sản xuất là cách tốt nhất để biết trứng có còn dùng được hay không. Tuy nhiên, cách này chỉ áp dụng được với trứng mua tại siêu thị và có in những thông tin này trên bao bì.
2. Ngửi thử
Nếu mua trứng ở chợ và không rõ ngày sản xuất thì cách đơn giản và chính xác nhất để kiểm tra trứng còn dùng được hay đã hỏng là ngửi mùi của trứng.
Trứng hỏng luôn có mùi khó chịu đặc trưng, không thể nhầm lẫn, bất kể là trứng sống hay đã nấu chín.
Nếu không nhận biết được khi trứng còn nguyên vỏ thì hãy đập trứng lên một chiếc đĩa hoặc bát sạch và ngửi thử.
Nếu phát hiện mùi bất thường thì hãy vứt ngay quả trứng đó đi và rửa sạch bát đĩa trước khi sử dụng lại để tránh vi khuẩn bám trên đó dính sang các món ăn khác.
Nếu trứng có mùi bình thường (hơi tanh) thì có nghĩa là vẫn có thể dùng được.
Tóm tắt: Ngửi mùi trứng là cách đơn giản và chính xác để biết trứng đã hỏng hay chưa. Ngửi thử khi còn nguyên vỏ sẽ không chuẩn nên tốt nhất là đập trứng ra bát hoặc đĩa sạch.
3. Kiểm tra trực quan
Ngoài mùi, màu sắc của trứng và độ nguyên vẹn của vỏ trứng cũng là những dấu hiệu giúp nhận biết trứng còn ăn được hay đã hỏng.
Trước tiên, hãy quan sát kỹ xem vỏ trứng có bị nứt, bị nhớt hay có lớp phấn ở bên ngoài hay không.
Nhớt hoặc vết nứt có thể là những dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn còn bề mặt vỏ trứng có phấn là do đã bị nhiễm nấm mốc.
Dù vỏ trứng khô sạch và không bị nứt thì vẫn chưa thể yên tâm sử dụng mà cần kiểm tra đến màu sắc bên trong. Hãy đập trứng vào bát hoặc đĩa trắng, sạch và nếu nhận thấy lòng đỏ hay lòng trắng có màu hồng, xanh lam, xanh lá cây hoặc đen thì có thể trứng đã bị nhiễm vi khuẩn.
Nếu trứng có những màu sắc bất thường này thì hãy vứt ngay đi và dùng bát, đĩa khác để thử quả trứng tiếp theo. Rửa sạch bát, đĩa đã thử quả trứng hỏng trước khi dùng lại.
Ngoài màu sắc, bạn cũng có thể xem lòng trắng hoặc lòng đỏ trứng có bị loãng hay không. Đây là dấu hiệu cho thấy trứng đã cũ và chất lượng kém nhưng nếu không có mùi và màu bất thường thì trứng vẫn chưa hỏng và hoàn toàn có thể dùng được.
Tóm tắt: Ngoài ngửi thử, hãy kiểm tra vỏ trứng để tìm các dấu hiệu của vi khuẩn và nấm mốc như vết nứt, nhớt hay có phấn. Sau đó, đập trứng ra và quan sát màu sắc, kết cấu của lòng trắng và lòng đỏ trước khi sử dụng.
4. Thả trứng vào nước
Đây là một trong những phương pháp kiểm tra chất lượng trứng được nhiều người biết đến nhất.
Phương pháp này được áp dụng phổ biến để xác định tuổi của trứng có trống (trứng đã thụ tinh và sẽ nở thành gà con) nhưng cũng giúp biết được trứng không trống (trứng không được thụ tinh) có tươi hay không.
Cách kiểm tra này rất đơn giản, chỉ cần nhẹ nhàng thả quả trứng vào trong cốc hoặc bát to đựng nước. Nếu quả trứng chìm xuống đáy thì có nghĩa là trứng còn tươi. Còn nếu trứng không chìm hẳn xuống đáy hoặc nổi lên mặt nước thì có nghĩa là trứng đã cũ.
Lý do là bởi khi một quả trứng để lâu, túi khí nhỏ bên trong sẽ to lên khi lượng nước giảm dần do bay hơi và bị thay thế bằng không khí. Khi túi khí đủ lớn thì trứng sẽ nổi trong nước.
Mặc dù phương pháp này giúp phân biệt trứng tươi và trứng cũ nhưng lại không phát hiện được trứng đã hỏng.
Có những quả trứng dù đã hỏng nhưng vẫn chìm khi thả vào nước và ngược lại, nếu trứng nổi thì chỉ là do trứng đã để lâu chứ không có nghĩa là trứng không còn dùng được.
Tóm tắt: Thả trứng vào nước xem trứng chìm hay nổi là một cách phổ biến để kiểm tra xem trứng có còn tươi hay không. Tuy nhiên, cách này không giúp phát hiện trứng hỏng.
5. Soi trứng
Soi trứng là một phương pháp được sử dụng để đánh giá chất lượng của trứng thương phẩm hoặc để theo dõi sự phát triển của gà con bên trong trứng sau khi thụ tinh.
Trước đây, phương pháp này được thực hiện với nến nhưng ngày nay được thực hiện bằng thiết bị chuyên dụng tại các cơ sở chăn nuôi gia cầm để phân loại trứng trước khi bán ra thị trường. Bạn cũng có thể áp dụng tại nhà để xem trứng còn tươi hay đã cũ.
Để soi trứng, bạn cần một căn phòng tối và một nguồn sáng nhỏ, chẳng hạn như đèn pin hoặc đèn đọc sách. Soi đèn ở đầu to của quả trứng. Sau đó, nghiêng quả trứng và nhanh tay xoay từ trái sang phải. Nếu thực hiện đúng, đèn sẽ chiếu vào bên trong quả trứng.
Điều này cho phép bạn kiểm tra xem túi khí của trứng to hay nhỏ. Trong một quả trứng tươi, túi khí chỉ dày tối đa 3,175mm (1/8inch). Trong trứng để lâu, không khí sẽ thay thế lượng nước mất đi do bay hơi và túi khí sẽ to lên.
Bạn cũng có thể xoay quả trứng sang trái sang phải để kiểm tra độ đặc của lòng trắng và lòng đỏ. Lòng trắng và lòng đỏ ít chuyển động có nghĩa là trứng còn tươi.
Cách này hơi phức tạp và đòi hỏi kỹ thuật nên phải tập vài lần mới có thể thực hiện đúng nhưng sẽ giúp kiểm tra trứng tươi hay trứng cũ một cách chính xác. Tuy nhiên, giống như cách thả trứng vào nước, soi trứng cũng không giúp phát hiện trứng hỏng.
Tóm tắt: Soi trứng là một biện pháp phức tạp nhưng chính xác để kiểm tra xem trứng còn tươi hay đã cũ. Tuy nhiên, cách này không cho biết trứng đã hỏng hay còn dùng được.
Tóm tắt bài viết
Biết cách nhận biết trứng đã hỏng hay còn dùng được sẽ giúp chúng ta không phải vứt đi những quả trứng còn tốt một cách lãng phí.
Trong số 5 cách kiểm tra nêu trên thì cách chính xác nhất là đập trứng ra, ngửi thử và kiểm tra màu sắc của trứng.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng dù trứng có chứa vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm, chẳng hạn như Salmonella thì vẫn có thể có màu sắc và mùi hoàn toàn bình thường.
Vì vậy, kể cả khi đã kiểm tra và không phát hiện dấu hiệu bất thường thì vẫn phải nấu chín trứng trước khi ăn, hạn chế ăn trứng sống và trứng lòng đào.
Kefir và sữa chua đều là những sản phẩm lành mạnh mà mỗi người nên bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày.
Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh được biết đến với công dụng chống lại các gốc tự do gây hại cho tế bào da và có thể giúp trị mụn trứng cá.
Đối với các vấn đề về da thì tác dụng của việc bôi vitamin E trên da sẽ khác so với bổ sung vitamin E vào bên trong cơ thể. Mặc dù vẫn cần cung cấp đủ chất dinh dưỡng này cho cơ thể từ chế độ ăn uống hàng ngày nhưng để trị mụn trứng cá thì bôi vitamin E trực tiếp lên da sẽ mang lại hiệu quả cao nhất.
Vitamin A có tác dụng trị mụn trứng cá nhưng còn tùy thuộc vào nguồn gốc và dạng vitamin A được sử dụng. Ăn thực phẩm giàu vitamin A giúp cải thiện làn da từ bên trong còn các sản phẩm bôi da chứa vitamin A sẽ tác động trực tiếp vào mụn trứng cá.
Khi thiếu kẽm, cơ thể không thể sản sinh ra các tế bào mới khỏe mạnh và điều này dẫn đến nhiều dấu hiệu, triệu chứng khác nhau.
- 0 trả lời
- 66 lượt xem