Sau ghép gan sống thêm được bao lâu?

Một lá gan khỏe mạnh là điều cần thiết để kéo dài sự sống cho người bị bệnh gan vì gan là cơ quan đảm nhận chức năng lọc máu và loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Ghép gan là giải pháp cuối cùng cho những trường hợp bị bệnh gan mạn tính và các bệnh gan cấp tính nghiêm trọng.
Sau ghép gan sống thêm được bao lâu? Sau ghép gan sống thêm được bao lâu?

Ghép gan là gì?

Ghép gan là giải pháp điều trị cho những trường hợp mà gan không còn hoạt động bình thường. Đây là quy trình phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ gan của người bệnh và sau đó thay thế bằng một phần hoặc toàn bộ lá gan từ người hiến. Người hiến có thể là người còn sống khỏe mạnh hoặc người đã chết não.

Một lá gan khỏe mạnh là điều cần thiết để kéo dài sự sống cho người bị bệnh gan vì gan là cơ quan đảm nhận chức năng lọc máu và loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Ghép gan là giải pháp cuối cùng cho những trường hợp bị bệnh gan mạn tính và các bệnh gan cấp tính nghiêm trọng.

Tại sao cần ghép gan?

Ghép gan là phương pháp thường được chỉ định cho những người bị bệnh gan giai đoạn cuối, khi những phương pháp điều trị khác không còn đủ hiệu quả để duy trì sự sống cho người bệnh. Những người mắc bệnh này sẽ tử vong nếu không được ghép gan.

Ghép gan cũng là lựa chọn cho những trường hợp bị bệnh gan mạn tính hoặc suy gan phát triển quá nhanh. Xơ gan là lý do phổ biến nhất của các ca phẫu thuật ghép gan. Đây là tình trạng mà mô gan khỏe mạnh bị thay thế bằng mô sẹo do các nguyên nhân như:

  • Lạm dụng rượu trong thời gian dài
  • Viêm gan B hoặc viêm gan C mạn tính
  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
  • Viêm gan tự miễn
  • Teo đường mật bẩm sinh, một bệnh gan ở trẻ sơ sinh
  • Rối loạn chuyển hóa

Trước khi chỉ định phẫu thuật, bác sĩ sẽ cần cân nhắc các yếu tố khác để xem người bệnh có cần hay có phù hợp ghép gan hay không. Các yếu tố này gồm có:

  • Mức độ nghiêm trọng của vấn đề
  • Các vấn đề sức khỏe khác
  • Tiền sử bệnh lao và các bệnh nhiễm trùng mạn tính như HIV
  • Tình trạng thể chất tổng thể
  • Tình trạng tinh thần
  • Sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè

Một người sẽ không thể phẫu thuật ghép gan nếu như mắc các bệnh mạn tính khác ảnh hưởng đến sự thành công của ca phẫu thuật, ví dụ như ung thư đã di căn sang các bộ phận cơ thể khác hoặc có vấn đề nghiêm trọng về tim mạch. Với những người bị xơ gan do rượu thì bác sĩ sẽ phải cân nhắc khả năng bỏ rượu của người đó trước khi quyết định ghép gan.

Tỉ lệ sống sau ghép gan

Theo số liệu thống kê, tỉ lệ sống sau 1 năm ở những người được ghép gan là 89%. Tỉ lệ sống sau 5 năm là 75%. Đôi khi gan sau khi ghép tiếp tục có vấn đề, bệnh ban đầu lại tái phát hoặc bị cơ thể đào thải.

Do đó, bệnh nhân cần được tiếp tục theo dõi trong một thời gian dài sau khi phẫu thuật để phát hiện các vấn đề không mong muốn. Người bệnh cần xét nghiệm máu thường xuyên và theo bệnh viện Johns Hopkins, người được ghép gan còn phải dùng thuốc chống thải ghép cho đến hết đời.

Quy trình ghép gan

Tìm người hiến tặng

Nếu như không có người thân hiến gan thì bạn sẽ được đưa vào danh sách chờ. Tình trạng bệnh và nhu cầu ghép gan của mỗi người sẽ được đánh giá dựa trên thang điểm MELD (Model of end-stage liver disease). Điểm số sẽ được xác định dựa trên các chỉ số xét nghiệm máu, chẳng hạn như:

  • Nồng độ creatinin trong máu, chỉ số này cho biết chức năng thận đang ở mức nào
  • Chỉ số INR: đây là thước đo khả năng tạo ra protein đông máu của gan

Điểm số càng cao thì bệnh càng nặng, và người đó càng được ưu tiên trong danh sách. Người bệnh cần làm xét nghiệm máu thường xuyên để cập nhật điểm MELD và vị trí trong danh sách. Ngoài ra còn có một thang điểm riêng dành cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Mức độ thành công của ca phẫu thuật ghép gan phụ thuộc vào sự tương thích của người nhận và người hiến, vì vậy nên sẽ phải chờ cho đến khi tìm thấy người hiến phù hợp. Những người có nhóm máu hiếm thường phải chờ lâu hơn mới tìm được người hiến tặng phù hợp.

Những người bị suy gan cấp thường thuộc nhóm được ưu tiên cao nhất vì nguy cơ tử vong của những người này cao hơn so với những người mắc bệnh mạn tính.

Sau khi tìm được người hiến

Thời gian chờ được ghép gan có thể rất lâu nhưng một khi tìm ra người hiến thích hợp thì có thể tiến hành phẫu thuật ngay lập tức. Gan có thể được hiến từ một người đã chết nào hoặc người vẫn còn sống khỏe mạnh. Đôi khi gan từ một người hiến có thể được ghép cho hai người nhận cùng lúc. Phần bên phải của gan hiến tặng thường được sử dụng để ghép cho người lớn, trong khi phần bên trái thường được sử dụng cho trẻ em.

Phục hồi sau ghép gan

Phẫu thuật chỉ là một phần trong quá trình có được gan mới. Bệnh nhân thường cần nằm viện khoảng 3 tuần sau ghép gan. Trong thời gian này, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ thành công của ca phẫu thuật và theo dõi sự hoạt động của gan cũng như là các dấu hiệu bất thường. Có thể phải mất đến một năm cơ thể mới hồi phục hoàn toàn sau ca ghép tạng.

Rủi ro và biến chứng của ghép gan

Rủi ro lớn nhất của phương pháp ghép gan là ca phẫu thuật thất bại. Trong những trường hợp như vậy, cơ thể từ chối tiếp nhận phần gan mới. Phẫu thuật ghép gan cũng có nguy cơ nhiễm trùng khá cao. Ngoài ra, phương pháp ghép gan còn có thể dẫn đến các biến chứng lâu dài khác như:

  • Xuất huyết
  • Tổn thương ống dẫn mật
  • Hình thành cục máu đông
  • Tác dụng phụ của thuốc chống thải ghép – thuốc dùng để ngăn hệ miễn dịch đào thải gan mới, ví dụ như steroid làm tăng lượng đường trong máu.

Triệu chứng của thải ghép sau ghép gan

Khi cơ thể từ chối tiếp nhận gan mới, ban đầu sẽ không có triệu chứng. Chỉ khi xét nghiệm thì mới phát hiện được dấu hiệu là nồng độ men gan trong máu tăng cao. Tuy nhiên, dần dần người bệnh sẽ cảm thấy mệt, ốm với các triệu chứng buồn nôn, đau bụng, sốt và vàng da.

Cách để duy trì gan khỏe mạnh

Sau khi ghép gan, bạn nên điều chỉnh lại lối sống của mình bằng cách tập thể dục thường xuyên và có chế độ ăn uống lành mạnh để tăng cường tình trạng sức khỏe. Sức khỏe tốt sẽ giúp giảm khả năng cơ thể từ chối tiếp nhận cơ quan nội tạng mới.

Bạn cũng cần tránh các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh gan như:

  • Lạm dụng rượu
  • Hút thuốc
  • Lạm dụng thuốc giảm đau acetaminophen
  • Béo phì
  • Cholesterol cao

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây