Thành phần nhôm trong chất khử mùi và chất chống mồ hôi có tác dụng gì?
Rất nhiều người sử dụng chất khử mùi hoặc chất chống mồ hôi mỗi ngày. Hai sản phẩm này đều là những cách hiệu quả để kiểm soát mồ hôi nhưng có cơ chế tác dụng khác nhau:
- Chất khử mùi làm giảm mùi hôi trên cơ thể
- Chất chống mồ hôi làm giảm sự tiết mồ hôi
Thành phần nhôm có tác dụng gì trong chất khử mùi và chất chống mồ hôi?
Nhôm không có trong chất khử mùi.
Mặt khác, hầu hết các loại chất chống mồ hôi đều chứa nhôm. Các sản phẩm hai trong một, có nghĩa là vừa có tác dụng khử mùi vừa có tác dụng chống mồ hôi cũng chứa nhôm.
Chất chống mồ hôi giúp giảm lượng mồ hôi bằng cách bít lỗ chân lông và làm cho mồ hôi từ các tuyến mồ hôi không thể chảy lên bề mặt da. Chất chống mồ hôi chứa nhiều thành phần khác nhau, trong đó có muối nhôm. Muối nhôm tan trên da và chảy vào lỗ chân lông. Điều này bít các lỗ chân lông và ngăn sự đổ mồ hôi.
Các bác sĩ da liễu thường chỉ định dùng chất chống mồ hôi kê đơn để điều trị tình trạng đổ quá nhiều mồ hôi hay tăng tiết mồ hôi. Những chất chống mồ hôi này có thể chứa 10 đến 30% nhôm chlorohydrate - một loại muối nhôm phổ biến. Nồng độ này cao hơn nhiều so với nồng độ nhôm trong chất chống mồ hôi không kê đơn.
Nhôm có ngăn cản sự đào thải chất độc gây ung thư không?
Theo một số ý kiến, nhôm trong chất chống mồ hôi ngăn cản cơ thể đào thải các chất độc gây ung thư qua mồ hôi.
Tuy nhiên trên thực tế, các chất độc gây ung thư không được đào thải khỏi cơ thể qua các hạch bạch huyết ở nách (dưới cánh tay). Thận và gan mới là những cơ quan đào thải các chất độc này khỏi cơ thể qua nước tiểu và phân.
Tác hại của nhôm trong chất chống mồ hôi
Mối lo ngại lớn nhất về thành phần nhôm trong chất chống mồ hôi và các sản phẩm bôi ngoài da khác là nhôm có liên quan đến bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc thông thường với nhôm có thể gây ung thư hay bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác.
Ung thư vú
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society), không có bất cứ bằng chứng khoa học nào cho thấy việc sử dụng chất chống mồ hôi gây ra hay làm trầm trọng thêm bệnh ung thư vú. (1)
Nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp xúc với một lượng nhôm lớn có thể gây hại.
Một nghiên cứu vào năm 2017 đã khảo sát hàng trăm phụ nữ về tần suất và thời gian sử dụng chất chống mồ hôi. Nhóm mắc bệnh ung thư vú cho biết họ sử dụng chất chống mồ hôi nhiều lần trong ngày, bắt đầu từ trước 30 tuổi. (2)
Nhóm phụ nữ không bị ung thư vú cho biết rằng họ ít sử dụng chất chống mồ hôi hơn. Khi làm xét nghiệm, các nhà nghiên cứu phát hiện cả hai nhóm đều có muối nhôm trong mô vú nhưng những phụ nữ bị ung thư vú ở góc phần tư bên trên và thường xuyên sử dụng các sản phẩm chứa nhôm có lượng nhôm trong mô vú cao hơn so với những phụ nữ không bị ung thư.
Các nhà nghiên cứu cũng không loại trừ khả năng nhôm tích tụ một cách tự nhiên trong các khối u vú sau khi đã hình thành chứ không phải nhôm gây ra hay làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy rằng quá nhiều nhôm có thể làm thay đổi cách cơ thể tạo ra hoặc phản ứng với nội tiết tố nữ estrogen. Những thay đổi trong hệ nội tiết có thể gây hại cho cơ thể theo thời gian. (3)
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng lượng nhôm có trong các sản phẩm như chất chống mồ hôi chỉ được hấp thụ rất ít vào da (0,01 – 0,06%).
Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa về tác động của nhôm đối với nguy cơ mắc ung thư.
Bệnh thận
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) yêu cầu các nhà sản xuất chất chống mồ hôi phải in thêm cảnh báo lên nhãn sản phẩm với nội dung: “Người mắc bệnh thận cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.”
Điều này khiến một số người cho rằng nhôm trong chất chống mồ hôi có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận.
Tuy nhiên, nhôm trong chất chống mồ hôi không gây hại cho thận ở người có sức khỏe bình thường. Thận có chức năng đào thải nhôm và các chất thải khác trong cơ thể. Ngoài ra, Tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ (National Kidney Foundation - NKF) xác nhận rằng lượng nhôm hấp thụ vào cơ thể qua da không đủ để gây hại cho thận. (4)
Bệnh thận mạn
Tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ khuyến cáo những người đã mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối nên tránh các sản phẩm chăm sóc da có chứa nhôm. (5)
Lý do là vì ở giai đoạn này của bệnh thận mạn, chức năng thận chỉ còn khoảng 30% và không thể đào thải nhôm đủ nhanh (nhôm cũng có trong thuốc điều trị bệnh thận và dịch lọc máu). Điều này khiến nhôm tích tụ trong cơ thể và gây ra các vấn đề sức khỏe.
Bệnh về xương
Theo một nghiên cứu vào năm 2018, nồng độ nhôm tăng cao do lọc máu kéo dài có thể gây ra chứng nhuyễn xương ở những người mắc bệnh thận.
Suy giảm trí nhớ
Theo một đánh giá tài liệu vào năm 2016, việc tiếp xúc liên tục với nhôm trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Một đánh giá tài liệu khác vào năm 2018 cho thấy những người mắc bệnh Alzheimer có nồng độ các kim loại như nhôm, thủy ngân và cadmium trong máu cao hơn so với người không mắc. Tuy nhiên, những kim loại này được cho là đến từ môi trường xung quanh chứ không phải do sử dụng chất chống mồ hôi.
Cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu xem liệu nhôm hoặc các kim loại khác trong cơ thể có liên quan đến chứng sa sút trí tuệ hay không.
Có chất chống mồ hôi nào không chứa nhôm không?
Tất cả các loại chất chống mồ hôi đều chứa nhôm. Nếu bạn lo ngại các tác hại của nhôm thì còn nhiều cách khác để giảm mùi cơ thể mà không cần sử dụng chất chống mồ hôi.
Chất khử mùi không chứa thành phần nhôm. Nếu muốn tránh nhôm, bạn có thể lựa chọn các sản phẩm như:
- Chất khử mùi không có mùi thơm
- Chất khử mùi không chứa thành phần gây dị ứng
- Khử mùi cơ thể bằng baking soda
Các sản phẩm và thành phần khác có thể lựa chọn còn có:
- Alpha hydroxy acid (AHA) nồng độ thấp và các axit dùng được cho mặt khác nhưng cần lưu ý những thành phần này có thể gây kích ứng da
- Tinh bột bình tinh (arrowroot)
- Tinh bột ngô (cornstarch)
Cách đọc nhãn sản phẩm
FDA đã ra quy định các hãng sản xuất chất chống mồ hôi phải liệt kê nhôm trong danh sách thành phần nếu có.
Do đó, khi chọn mua chất chống mồ hôi, hãy đọc kỹ danh sách thành phần để biết sản phẩm đó có chứa nhôm hay không. Nhôm có thể xuất hiện dưới các cái tên như:
- Aluminum salts
- Aluminum compounds
- Aluminum chlorohydrate
- Aluminum zirconium tetrachlorohydrex gly
Tóm tắt bài viết
Tất cả các chất chống mồ hôi đều có chứa nhôm để làm bít lỗ chân lông và giảm đổ mồ hôi. Trong khi đó, chất khử mùi không có thành phần nhôm.
Kết quả các nghiên cứu còn nhiều mâu thuẫn về việc liệu nhôm trong chất chống mồ hôi có thể tích tụ trong cơ thể hay không. Tuy nhiên, khả năng là lượng nhôm trong cơ thể đến từ các nguồn khác, chẳng hạn như thuốc. Chưa hề có bằng chứng khoa học nào chứng minh mối liên hệ trực tiếp giữa nhôm với bệnh ung thư hay các vấn đề sức khỏe khác.
Mặc dù vậy nhưng dựa trên một số nghiên cứu, các chuyên gia đã đưa ra khuyến cáo rằng một số người không nên sử dụng chất chống mồ hôi, chẳng hạn như những người bị bệnh thận mạn giai đoạn cuối. Những người mắc bệnh thận phải luôn kiểm tra kỹ danh sách thành phần trên các sản phẩm bôi ngoài da trước khi mua hoặc sử dụng.
Dùng chất khử mùi là một cách phổ biến để giảm mùi khó chịu trên cơ thể nhưng nhiều bậc cha mẹ cảm thấy lo ngại về việc sử dụng chất khử mùi khi con còn nhỏ. Trên thực tế không có quy định nào về độ tuổi bắt đầu sử dụng chất khử mùi. Cha mẹ có thể bắt đầu cho trẻ sử dụng những sản phẩm này bất cứ khi nào cảm thấy cần thiết.
Chất khử mùi và chất chống mồ hôi là hai sản phẩm được sử dụng phổ biến để giảm mùi cơ thể. Nhiều người sử dụng chất khử mùi và chất chống mồ hôi mỗi ngày nhưng không phải ai cũng biết sự khác biệt giữa những sản phẩm này.
Chất khử mùi tự nhiên không có tác dụng bít các tuyến mồ hôi giống như chất chống mồ hôi nhưng bù lại, những sản phẩm này không chứa nhôm - thành phần có thể gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe.
Chất chống mồ hôi và chất khử mùi đều có tác dụng giảm mùi cơ thể nhưng hai sản phẩm này hoạt động theo những cơ chế khác nhau. Chất chống mồ hôi làm giảm sự tiết mồ hôi trong khi chất khử mùi làm tăng độ axit của da.
Bài viết đánh giá về công nghệ vi sóng Miradry trong điều trị tăng tiết mồ hôi nách của Nhật
- 3 trả lời
- 877 lượt xem
Tôi đang muốn biết vì sao botox lại không ngăn được mồ hôi nách của tôi (nó chỉ có tác dụng trong hai tuần). Có thể nào là do chất chống mồ hôi mà tôi đang sử dụng hàng ngày hay không (tôi dùng trong cả hôm tiêm botox)? Bác sĩ thực hiện tiêm đã giải thích với tôi rằng thuốc chống mồ hôi đã chặn các tuyến mồ hôi sẵn rồi, nên có lẽ Botox sẽ không thể hoạt động như bình thường. Bác sĩ đó đã có kinh nghiệm sử dụng Bocouture và Azzalure trong 15 năm, tôi được tiêm tổng cộng 80 đơn vị.
- 3 trả lời
- 608 lượt xem
Tôi sẽ điều trị bằng miradry trong 2 tuần nữa. Tôi đang tự hỏi liệu có chất khử mùi tự nhiên nào không có nhôm và các chất hóa học có hại mà các bác sĩ sẽ khuyên dùng sau khi điều trị bằng MiraDry không? Tôi mong là sẽ không phải sử dụng chất khử mùi sau khi điều trị xong, nhưng tôi muốn biết để đề phòng.
- 6 trả lời
- 737 lượt xem
Tác dụng ngăn đổ mồ hôi của MiraDry sẽ kéo dài trong bao lâu?
- 4 trả lời
- 575 lượt xem
Tự hỏi liệu Miradry có thể thay thế chất khử mùi không? Tôi muốn biết vì bạn của tôi bị ung thư, và các bác sĩ đã nói với cô ấy rằng chất khử mùi đang được coi là có nguy cơ gây hại cho sức khỏe hoặc nguy cơ gây ung thư. Cô ấy đã thử chất khử mùi tự nhiên nhưng nó không có tác dụng! Nếu bạn tôi chọn thực hiện phương pháp Miradry, thì cô ấy có thể ngừng sử dụng chất khử mùi mà vẫn không có mùi hôi hay không?
- 4 trả lời
- 719 lượt xem
Tôi có cần phải điều trị bằng MiraDry nhiều lần không? MiraDry có giảm tiết mồ hôi và giảm mùi mồ hôi không?