Những loại mỹ phẩm nào không nên bảo quản trong tủ lạnh?
Cách bảo quản sản phẩm chăm sóc da
Nhiệt độ bảo quản có ảnh hưởng lớn đến thời hạn sử dụng của các sản phẩm chăm sóc da như serum, kem dưỡng, lotion, kem chống nắng… Mỗi loại sản phẩm cần được bảo quản ở nhiệt độ khác nhau, tùy thuộc vào thành phần có trong sản phẩm. Nhiệt độ bảo quản lý tưởng đối với serum chứa chất chống oxy hóa có thể làm hỏng kem dưỡng có chứa ceramide. Dưới đây là hướng dẫn giúp bạn bảo quản sản phẩm chăm sóc da đúng cách.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất, hãy luôn đọc kỹ thông tin ghi trên bao bì sản phẩm. Hầu hết các loại mỹ phẩm đều có ghi rõ nhiệt độ bảo quản và những lưu ý khi bảo quản nhưng cũng có một số sản phẩm không có thông tin này. Nếu sản phẩm không đi kèm hướng dẫn về cách bảo quản, hãy bảo quản sản phẩm ở điều kiện nhiệt độ phòng. Nếu bạn băn khoăn không biết có nên bảo quản sản phẩm trong tủ lạnh hay không thì hãy đọc danh sách thành phần của sản phẩm. Một số hoạt chất như vitamin C và retinoid nên được bảo quản trong tủ lạnh. Đây là những hoạt chất dễ phân hủy khi tiếp xúc với nhiệt và ánh sáng. Việc bảo quản ở nhiệt độ thấp sẽ giúp các hoạt chất này để được lâu hơn. Mặt khác, các loại lipid như dầu và cồn béo (fatty alcohol) khi gặp lạnh sẽ đông đặc và phân tách, điều này sẽ phá hỏng kết cấu của sản phẩm. Phần bên dưới của bài viết sẽ giải thích kỹ hơn về phản ứng của từng thành phần chăm sóc da với nhiệt độ thấp.
Nhiệt độ trong tủ lạnh là bao nhiêu?
Nhiệt độ ngăn mát
Ngăn mát của tủ lạnh thường được cài đặt mức nhiệt độ trong khoảng từ 1,6 – 4 độ C (35 - 38 độ F). Thường bạn sẽ không thể chỉnh nhiệt độ ngăn mát lên cao quá mức này. Mức nhiệt độ này là quá thấp đối với nhiều sản phẩm chăm sóc da.
Nhiệt độ ngăn đông
Nhiệt độ trong ngăn đông của tủ lạnh thường dao động trong khoảng từ -23 đến -18 độ C (-10 đến 0 độ F).
Không được bảo quản bất kỳ loại mỹ phẩm nào trong ngăn đông vì điều này sẽ gây ra nhiều vấn đề như:
- Thay đổi kết cấu sản phẩm: Kem dưỡng ẩm sẽ mất đi kết cấu mịn mượt, trở nên quá đặc hoặc thậm chí đông cứng nếu để trong ngăn đông của tủ lạnh và sẽ rất khó hoặc không thể thoa kem lên da. Sau khi lấy kem ra khỏi tủ lạnh, bạn sẽ phải chờ rất lâu để sản phẩm rã đông mới có thể dùng được.
- Phân tách: Một số sản phẩm chăm sóc da có chứa nhiều thành phần khác nhau có thể phân tách hoặc phân bố không đều khi được bảo quản ở nhiệt độ quá lạnh. Điều này sẽ dẫn đến thoa các hoạt chất không đều trên da hoặc thay đổi kết cấu của sản phẩm.
- Giảm hiệu quả: Nhiệt độ quá thấp có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của một số hoạt chất trong sản phẩm dưỡng da. Một số hoạt chất có thể bị giảm hiệu quả hoặc thậm chí mất tác dụng hoàn toàn khi được để ở nhiệt độ quá thấp.
- Ảnh hưởng đến bao bì: Chai lọ đựng sản phẩm dưỡng da cũng có thể bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ quá lạnh trong ngăn đông. Ví dụ, chai lọ và ống nhựa có thể trở nên giòn và nứt, dẫn đến rò rỉ sản phẩm hoặc nhiễm bẩn.
Những sản phẩm chăm sóc da không nên để trong tủ lạnh
Những sản phẩm chăm sóc da tuyệt đối không được để trong tủ lạnh:
- Serum exosome
- Serum yếu tố tăng trưởng (growth factor)
- Serum peptide
Nhiệt độ quá lạnh sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định và hiệu quả của yếu tố tăng trưởng và peptide trong các sản phẩm dưỡng da như serum. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có thành phần cụ thể trong sản phẩm, dạng bào chế và bao bì của sản phẩm.
Những sản phẩm dưới đây có thể bảo quản trong tủ lạnh nhưng sản phẩm sẽ bị đặc lại hoặc các thành phần bị phân tách, đặc biệt là khi bảo quản ở nhiệt độ quá thấp:
- Kem dưỡng da (mặt và cơ thể)
- Lotion
- Thuốc mỡ
Những sản phẩm dưới đây có thể bảo quản trong tủ lạnh nhưng cần được lấy ra ngoài về nhiệt độ phòng trước khi sử dụng:
- Toner
- Serum retinol (không chứa peptide)
- Serum vitamin C
Cách bảo quản kem dưỡng, lotion và dầu dưỡng da
Kem dưỡng, dầu dưỡng da và lotion không nên được bảo quản trong tủ lạnh do nhiệt độ thấp sẽ làm thay đổi kết cấu của những sản phẩm này. Hầu hết các sản phẩm nhũ hóa đều chứa dầu và nước với tỷ lệ cân bằng và được ổn định bằng chất nhũ hóa và chất làm đặc, những thành phần này có thể bị hỏng khi gặp nhiệt độ lạnh. Ví dụ, việc bảo quản lạnh emulsion hệ dầu trong nước (oil-in-water) sẽ khiến sản phẩm có kết cấu đặc hơn và khó thoa lên da. Bảo quản lạnh kem dưỡng da hệ nước trong dầu (water-in-oil) sẽ khiến sản phẩm mất tính ổn định và tách lớp. Bảo quản lạnh dầu dưỡng da sẽ thúc đẩy quá trình đông đặc của chất béo trung tính và lipid thực vật. Những sản phẩm như kem dưỡng, dầu dưỡng da và lotion nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng, lý tưởng nhất là từ 15 đến 25 độ C, cách xa nguồn nhiệt và ánh sáng. Một ngoại lệ là các loại kem dưỡng da gốc nước có chứa chất bảo quản. Những loại kem dưỡng da này nên được bảo quản lạnh để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
Sản phẩm chăm sóc da hữu cơ thường không chứa chất bảo quản. Nếu bạn không thể dùng hết trong vòng 3 tháng thì nên bảo quản các sản phẩm này trong tủ lạnh để giảm thiểu sự phát triển của nấm, vi khuẩn và những vi sinh vật gây hại khác. Tuy nhiên cũng không nên để các sản phẩm chăm sóc da hữu cơ trong tủ lạnh quá lâu. Tùy vào thành phần mà sản phẩm sẽ có sự thay đổi nhất định về kết cấu khi được bảo quản trong tủ lạnh.
Ceramide, axit béo và lipid thay đổi như thế nào khi để lạnh?
Ceramide, dầu có nguồn gốc từ thực vật, cholesterol, squalane và axit béo (cả axit béo bão hòa và không bão hòa) là những thành phần phổ biến trong kem dưỡng ẩm. Những thành phần này rất dễ bị đông cứng, kết tinh hoặc kết cấu bị phá hỏng hoàn toàn khi để lạnh. Các phân tử lipid cực nhỏ không hoạt động tốt ở nhiệt độ thấp. Sự thay đổi về mặt vật lý của những thành phần này sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả cũng như tính toàn vẹn của chúng trong sản phẩm. Sở dĩ lipid có những thay đổi này ở nhiệt độ thấp là do cấu trúc và tính chất phân tử của chúng.
Lipid chủ yếu gồm các chuỗi carbon không phân cực, kỵ nước (có nghĩa là đẩy nước).
Ở nhiệt độ cao, động năng giúp cho các chuỗi carbon kỵ nước này di chuyển và trượt qua nhau một cách tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, nhiệt độ thấp sẽ làm hao hụt động năng, khiến cho các chuỗi lipid di chuyển chậm lại, xếp chồng lên nhau và đông đặc hoặc kết tinh. Điều này khiến cho lipid không thể hòa trộn vào các sản phẩm gốc nước như toner, serum hay emulsion. Lipid sẽ kết tụ, cứng lại và làm hỏng kết cấu của sản phẩm. Trong một số trường hợp, lipid thậm chí còn có thể tách hoàn toàn khỏi phần chất lỏng và kết quả là kem dưỡng da hoặc lotion bị tách nước.
Tất cả các loại kem dưỡng ẩm có kết cấu đặc chứa chất béo và dầu đều nên được bảo quản ở nhiệt độ phòng và tránh xa nơi có ánh sáng. Không nên để những sản phẩm này trong phòng tắm vì phòng tắm thường có nhiệt độ cao và ẩm ướt. Để kem dưỡng ẩm ở nơi có nhiệt độ quá cao cũng sẽ không tốt.
Ceramide
Ceramide là các phân tử lipid dạng sáp giúp củng cố hàng rào bảo vệ da. Ceramide có thể có nguồn gốc từ thực vật hoặc được tổng hợp. Khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, ceramide sẽ đặc lại đáng kể, điều này có thể làm thay đổi kết cấu của kem dưỡng và serum. Ở nhiệt độ lạnh, ceramide còn có thể kết tinh và tách khỏi dung dịch.
Axit béo
Axit béo cũng là một thành phần thường có trong các sản phẩm dưỡng ẩm da. Các loại kem dưỡng có kết cấu đặc thường chứa nhiều axit béo hơn so với lotion. Kem dưỡng ẩm phục hồi hàng rào bảo vệ da thường chứa hàm lượng lớn axit béo.
Có 2 loại axit béo chính được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da là axit béo bão hòa và axit béo không bão hòa. Các axit béo bão hòa như axit stearic và axit palmitic dễ dàng đông đặc và khó hòa tan hơn. Các loại kem dưỡng da chứa nhiều axit béo bão hòa không nên bảo quản lạnh. Trong khi đó, các axit béo không bão hòa như axit oleic và axit linoleic vẫn ở dạng lỏng ở nhiệt độ thấp. Những axit béo này không hoạt động tốt ở nhiệt độ cao. Axit béo không bão hòa có thể được bảo quản trong tủ lạnh để dùng được lâu hơn nhưng hãy lấy sản phẩm ra ngoài và chờ cho sản phẩm tan chảy trước khi dùng.
Cồn béo
Cồn béo (fatty alcohol) gồm có một chuỗi hydrocarbon không phân cực gắn với một nhóm hydroxyl phân cực. Một số loại cồn béo được sử dụng phổ biến trong mỹ phẩm chăm sóc da gồm có cetyl alcohol, stearyl alcohol và cetearyl alcohol.
Cũng giống như các loại lipid khác, các phân tử cồn béo này được tạo nên từ các chuỗi có xu hướng xếp chồng lên nhau khi gặp nhiệt độ thấp. Điều này khiến chúng cứng lại và mất khả năng di chuyển. Vì cồn béo thường được sử dụng làm chất làm đặc và chất nhũ hóa trong kem dưỡng da và serum nên nhiệt độ thấp sẽ làm thay đổi đáng kể kết cấu của sản phẩm.
Ví dụ, ở nhiệt độ phòng, cetyl alcohol sẽ làm cho một sản phẩm kem dưỡng lỏng nhẹ có kết cấu đặc và xốp hơn. Nhưng khi gặp lạnh, các chuỗi cetyl khóa chặt lại với nhau và khiến sản phẩm có kết cấu quá đặc, không thể tán đều lên da. Bình thường, cetearyl alcohol có tác dụng nhũ hóa hỗn hợp dầu và nước nhưng ở nhiệt độ thấp, cetearyl alcohol sẽ đông đặc lại và khiến sản phẩm bị phân tách.
Tóm lại, mặc dù cồn béo là thành phần giúp tạo kết cấu mịn mượt cho các loại kem dưỡng hay lotion ở nhiệt độ phòng nhưng ở nhiệt độ lạnh, cồn béo sẽ thay đổi và làm hỏng kết cấu của sản phẩm. Do đó, không nên bảo quản lạnh bất kỳ sản phẩm chăm sóc da nào có chứa lượng lớn các thành phần này.
Có nên bảo quản serum trong tủ lạnh không?
Điều này còn tùy thuộc vào hoạt chất trong serum.
Exosome
Exosome là những túi ngoại bào có kích thước rất nhỏ được tiết ra bởi các tế bào. Exosome đã được nhiều nghiên cứu phát hiện là có tác dụng chống lão hóa và ngày càng có nhiều hãng mỹ phẩm tung ra các dòng sản phẩm chứa exosome. Đa số các sản phẩm chứa exosome hiện nay có dạng serum. Các lipid tạo nên cấu trúc của exosome có thể giữ được tính ổn định khi được bảo quản lạnh. Tuy nhiên, không nên để serum exosome trong ngăn đông của tủ lạnh. Sự thay đổi nhiệt độ quá lớn có thể làm vỡ các exosome mỏng manh.
Bạn có thể bảo quản sản phẩm chứa exosome trong tủ lạnh để làm chậm quá trình phân hủy tự nhiên nhưng nên lấy sản phẩm ra ngoài và chờ sản phẩm trở về nhiệt độ phòng rồi mới thoa lên da. Thoa serum exosome lạnh sẽ làm giảm sự hấp thu hoạt chất vào da.
Serum, toner và kem dưỡng ẩm chứa glycerin
Glycerin là một chất hút ẩm được sử dụng trong rất nhiều sản phẩm dưỡng ẩm da. Glycerin có nguồn gốc từ dầu thực vật và có tính ưa nước nên có tác dụng làm mềm da rất tốt. Tuy nhiên, khi được để lạnh, glycerin sẽ trở nên đặc hơn và sản phẩm sẽ khó thoa lên da hơn. Nếu không ngại điều này thì bạn có thể bảo quản sản phẩm chứa glycerin trong tủ lạnh. Serum chứa glycerin khi được bảo quản lạnh sẽ có kết cấu đặc giống như kem chứ không còn lỏng như serum thông thường nữa.
Serum axit hyaluronic
Việc bảo quản lạnh không giúp cải thiện hiệu quả hay hiệu lực của axit hyaluronic. Nhờ cấu trúc đặc biệt nên các phân tử axit hyaluronic giữ được khả năng liên kết với nước ổn định trong phạm vi nhiệt độ rộng. Nhưng việc bảo quản lạnh có thể khiến axit hyaluronic cấp thấp đặc lại, làm cho serum trở nên dính và khó thoa lên da.
Ở nhiệt độ cao, axit hyaluronic có thể bị phân hủy thành các thành phần gây viêm. Vì vậy, tốt nhất nên bảo quản serum axit hyaluronic ở nhiệt độ phòng.
Niacinamide
Niacinamide là một chất làm sáng da và chống viêm hiệu quả. Niacinamide có tính ổn định cao ở phạm vi nhiệt độ bình thường trong phòng. Nhiệt độ cao và ánh sáng làm giảm dần hiệu quả của niacinamide nhưng khi gặp lạnh, niacinamide sẽ bị hỏng nhanh hơn. Do đó, bạn không nên để các sản phẩm chứa niacinamide trong tủ lạnh mà chỉ nên bảo quản ở bên ngoài.
Retinol
Retinol, retinaldehyde, adapalene và tretinoin đều thuộc nhóm retinoid – các dẫn xuất của vitamin A. Đây là những hoạt chất chống lão hóa mạnh nhưng rất không ổn định khi tiếp xúc với nhiệt, ánh sáng và không khí. Việc bảo quản lạnh có thể giúp làm tăng gấp đôi hoặc gấp ba thời hạn sử dụng của các sản phẩm chứa retinoid. Các loại retinoid mạnh như tretinoin đặc biệt dễ phân hủy.
Giữ nhiệt độ trong nhà cao hoặc bạn hiện không dùng retinol thì nên bảo quản sản phẩm trong tủ lạnh nhưng chỉ nên để ngăn mát, không cho sản phẩm vào ngăn đông. Để retinol trong ngăn đông tủ lạnh sẽ làm mất đi hiệu lực của hoạt chất và không thể khôi phục được.
Vitamin C
Vitamin C (axit ascoricic) và nhiều dẫn xuất của vitamin C nên được bảo quản lạnh để làm chậm quá trình oxy hóa và phân hủy theo thời gian. Hiện nay, một số hãng sản xuất sử dụng các công nghệ hiện đại như bao vi nang (microencapsulation) để làm tăng tính ổn định và duy trì hiệu lực của vitamin C. Những sản phẩm được tạo ra bằng công nghệ này khó phân hủy hơn và có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng.
Nếu để serum vitamin C trong tủ lạnh, bạn nên lấy serum ra ngoài và chờ sản phẩm về nhiệt độ phòng mới thoa lên da. Vitamin C vốn đã khó thẩm thấu vào da và serum vitamin C lạnh sẽ càng khó thẩm thấu hơn.
Bảo quản kem chống nắng
Kem chống nắng, bất kể là kem chống nắng hóa học hay kem chống nắng vật lý, nên được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh nắng chiếu trực tiếp. Nhiệt độ quá cao hay quá thấp đều sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định và hiệu quả của kem chống nắng. Việc có nên bảo quản kem chống nắng trong tủ lạnh hay không còn tùy thuộc vào loại và thành phần trong kem chống nắng.
Kem chống nắng vật lý
Kem chống nắng vật lý có chứa các khoáng chất như oxit kẽm (zinc oxide) và titan dioxide (titanium dioxide) tạo nên lớp màng bảo vệ trên da, ngăn da tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím. Loại kem chống nắng này không cần bảo quản trong tủ lạnh. Các hoạt chất chính trong kem chống nắng vật lý vẫn ổn định ngay cả khi được để ở nơi có nhiệt độ cao và có ánh sáng chiếu. Bảo quản lạnh kem chống nắng vật lý sẽ làm đặc hoặc thay đổi kết cấu của kem, gây khó khăn khi sử dụng mà không kéo dài đáng kể thời hạn sử dụng hay hiệu quả của sản phẩm.
Kem chống nắng hóa học
Kem chống nắng hóa học chứa các chất hóa học hấp thụ tia cực tím. Loại kem chống nắng này nên được bảo quản trong tủ lạnh.
Một số hoạt chất trong kem chống nắng hóa học như avobenzone dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao và tiếp xúc với tia cực tím. Bảo quản lạnh kem chống nắng chứa những thành phần này có thể giúp tăng tính ổn định và duy trì khả năng hấp thụ tia cực tím lâu hơn. Đặc biệt, các thành phần tan trong chất béo có thể bị oxy hóa nhanh hơn ở nhiệt độ cao vì nhiệt làm tăng tốc độ phản ứng của các thành phần này với dầu. Vì vậy, bảo quản lạnh các loại kem chống nắng hóa học có chứa thành phần không ổn định sẽ giúp kéo dài hạn sử dụng, đặc biệt là khi bạn không dùng sản phẩm thường xuyên. Lưu ý, các loại kem chống nắng dạng sữa hoặc kem được nhũ hóa có thể sẽ thay đổi kết cấu và khó thoa lên da hơn khi được bảo quản lạnh.
Bảo quản toner
Một thành phần rất phổ biến trong các loại toner là cồn, ví dụ như ethanol và isopropyl alcohol. Những thành phần này giúp làm sạch sâu lỗ chân lông và mang lại cảm giác mát lạnh khi bôi lên da. Vì cồn dễ dàng tan trong nước bất kể ở nhiệt độ nào nên các loại toner chứa cồn sẽ ít có nguy cơ thay đổi kết cấu hoặc phân tách thấp hơn khi được bảo quản lạnh.
Bảo quản lạnh có thể giúp cho các thành phần như chiết xuất thực vật lâu bị oxy hóa hơn. Các loại toner không chứa cồn có thể bị thay đổi kết cấu (đặc lại) khi để lạnh nhưng những loại có chứa cồn thường vẫn duy trì kết cấu ổn định.
Nhưng có một điều cần lưu ý, để lạnh toner có thể sẽ làm chậm tốc độ thẩm thấu của các thành phần trong toner vào da. Sau khi thoa toner lạnh lên da, các sản phẩm chăm sóc da khác cũng sẽ thẩm thấu vào da kém hơn.
Bảo quản thuốc mỡ
Các loại thuốc mỡ như Vaseline, Aquaphor hay thuốc mỡ kháng sinh như Polysporin, Mupiricin và Neosporin có thành phần dầu khoáng (mineral oil), sáp dầu khoáng (petroleum jelly) và dimethicon. Những thành phần này sẽ dễ tán lên da hơn ở nhiệt độ phòng bình thường. Nếu để trong tủ lạnh, sáp dầu khoáng sẽ cứng lại, rất khó lấy khỏi hộp và thoa lên da. Điều tương tự cũng xảy ra với dầu khoáng.
Tóm lại, không nên tùy tiện bảo quản các sản phẩm chăm sóc da trong tủ lạnh. Các thành phần như retinoid và vitamin C có thể và nên được bảo quản lạnh để duy trì hiệu quả. Nhưng những sản phẩm chứa lipid, axit béo và cồn béo sẽ đông cứng lại hoặc phân tách và không thể sử dụng được. Mặc dù bảo quản các sản phẩm hữu cơ, không chứa chất bảo quản trong tủ lạnh trong thời gian ngắn có thể làm chậm sự phát triển của vi sinh vật nhưng kết cấu của sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng. Hầu hết các sản phẩm chăm sóc da có tính ổn định cao chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ phòng là đủ. Điều này sẽ giúp duy trì kết cấu bình thường của sản phẩm.
Nhiều người có thói quen để mỹ phẩm dưỡng da trong tủ lạnh và thậm chí còn sắm một chiếc tủ lạnh mini chuyên để mỹ phẩm. Nhưng, điều này có thực sự cần thiết hay không?
Nhóm các sản phẩm chống lão hóa cũng chiếm phần lớn trong số các loại sản phẩm dưỡng da và dường như mọi dòng sản phẩm chống lão hóa đều có chứa một thành phần nổi bật đóng vai trò duy trì sự trẻ trung cho làn da, ví dụ như peptide, yếu tố tăng trưởng, AHA, BHA,...
Bước đầu tiên trong việc xây dựng một quy trình chăm sóc da hiệu quả là để biết được da của mình thuộc loại nào.
Có nhiều thành phần bị hạn chế hoặc bị cấm trong các sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm do không an toàn, có hại hoặc thậm chí gây nguy hiểm.
Cồn là một thành phần phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da. Có nhiều loại cồn khác nhau được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da. Vậy cồn có tác dụng gì trong sản phẩm chăm sóc da? Và việc sử dụng cồn trên da có an toàn không?
- 0 trả lời
- 1080 lượt xem
Bác sĩ cho e hỏi e dùng TO buffet test 1 lượng nhỏ trên da thì sáng dậy bị như này có phải kích ứng k ạ? Nó khá ngứa ạ!
- 0 trả lời
- 734 lượt xem
Bác sĩ ơi, em đang stress quá. Bị mụn đã stress rồi, hết mụn lại để vài chục vết thâm càng stress hơn. Bác sĩ tư vấn giúp em sản phẩm nào trị thâm tốt với ạ. Da em là da dầu, lỗ chân lông to. Cảm ơn bác sĩ ạ!
- 0 trả lời
- 2236 lượt xem
Bác sĩ ơi, bạn em dạo gần đây cứ đi nắng về là da bị mẩn ngứa đỏ ửng như thế này , không biết có phải do bị dị ứng không ? Trước thì không bị , dạo gần đây lại lên mẩn nên em cần tư vấn xem có nên uống thuốc hay bôi thuốc gì không? Bác sĩ tư vấn giúp em với ạ! Cảm ơn bác sĩ!
- 0 trả lời
- 1394 lượt xem
Bác sĩ ơi giúp em với ạ hic. Từ khi sang nhật, Da em cứ rửa mặt xong là nó khô, ngứa và căng như này. Thi thoảng nổi cả mụn viêm với sưng nữa ạ. Em nên skincare thế nào để khắc phục tình trạng này ạ? Cảm ơn bác sĩ!