Căng da mặt SMAS Mở rộng
Tại sao có kỹ thuật SMAS Mở rộng?
Căng da mặt SMAS là một phương pháp vô cùng hiệu quả trong lĩnh vực làm trẻ hóa da mặt. Tuy nhiên, phương pháp này không có tác động đáng kể lên những dấu hiệu lão hóa ở vùng má, cũng như nếp nhăn quanh mũi môi. Do đó, vào những năm 70, kỹ thuật SMAS mở rộng được ra đời nhằm nâng cao hiệu quả của phương pháp SMAS vốn có.
Về căn bản, căng da mặt SMAS Mở rộng khác SMAS thông thường ở chỗ lớp SMAS (lớp mạc cơ nằm dưới da bao phủ cơ mặt) được bóc tách xa hơn về phía mũi và môi trên, cho phép bác sĩ làm căng da vùng giữa mặt tốt hơn, đặc biệt là xử lý nếp nhăn kéo dài từ hai bên cánh mũi đến khóe miệng. Như vậy, kỹ thuật này sẽ xử lý tốt 2/3 dưới của khuôn mặt, bao gồm vùng má, nếp nhăn quanh mũi-môi, góc hàm và cổ. Kỹ thuật này không bao gồm căng da trán và xử lý nếp nhăn ở mắt, nhưng tất nhiên bác sĩ có thể chọn kết hợp các kỹ thuật khác để tạo hiệu ứng kéo căng da phù hợp nhất cho từng trường hợp riêng biệt.
Đối tượng phù hợp làm SMAS Mở rộng?
Về căn bản, chỉ cần bạn có mong muốn trẻ hóa khuôn mặt của mình, thì bạn có thể cân nhắc làm quá trình căng da mặt SMAS Mở rộng. Tuy nhiên, cách chính xác nhất để biết chính là nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ và phòng khám có chuyên môn.
Đối tượng phù hợp với ca phẫu thuật
Các tiêu chí chung để bạn có thể tự đánh giá mức độ phù hợp của bản thân như sau:
- Da mặt chảy xệ, có các dấu hiệu lão hóa đáng kể (nếp nhăn, mất độ đầy đặn...) đặc biệt là ở vùng giữa mặt.
- Có sức khỏe nói chung tốt và ổn định
- Hiểu rõ những rủi ro của cuộc phẫu thuật, có mức độ kỳ vọng hợp lý vào kết quả của ca phẫu thuật: Sẽ có sự cải thiện về độ trẻ trung, nhưng sẽ không mang lại vẻ đẹp hoàn hảo
Đối tượng không nên làm phẫu thuật
Có một số chống chỉ định nói chung đối với kỹ thuật SMAS mở rộng, đó là:
- Lạm dụng các sản phẩm chứa nicotin
- Cơ địa sẹo lồi, máu khó đông hoặc không thể ngừng sử dụng các sản phẩm chống đông máu trong thời gian phẫu thuật
- Từng phẫu thuật căng da mặt bằng phương pháp deep-plane trước đó
- Có những kỳ vọng không thực tế
- Một số bệnh nhân phù hợp hơn với các kỹ thuật căng da mặt khác, chứ không phải là SMAS mở rộng. Ví dụ, những bệnh nhân có vùng giữa mặt trẻ trung không nên thực hiện thủ thuật này.
- Điều quan trọng là phải đánh giá tình trạng tâm thần, chống chỉ định y tế, hoặc các tình huống sống có thể dẫn đến biến chứng. Bệnh nhân mắc chứng Rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder - NPD), mặc cảm ngoại hình (tiếng Anh: Body dysmorphic disorder – BDD) và các rối loạn tâm thần khác nên khám và điều trị tâm thần trước khi thực hiện phẫu thuật, hoặc thậm chí nên tránh các thủ thuật thẩm mỹ.
Chuẩn bị như thế nào trước khi làm phẫu thuật?
Khi đã trao đổi kỹ càng với bác sĩ về kết quả mong muốn và lên kế hoạch phẫu thuật chi tiết, bạn sẽ được hướng dẫn cụ thể về những gì cần chú ý trong thời gian trước khi làm phẫu thuật. Hãy đảm bảo bạn làm theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Để chuẩn bị cho quá trình căng da mặt, bệnh nhân thường được khuyến khích ngừng hút thuốc ít nhất 3 đến 4 tuần trước phẫu thuật. Bệnh nhân cũng nên tạm ngừng bất kỳ thuốc kháng đông nào nếu có thể trước khi làm phẫu thuật để tránh tụ máu trong thời gian hồi phục. Bệnh nhân cũng nên giữ một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi điều độ để đảm bảo sức khỏe tốt nhất sau phẫu thuật. Ngoài ra, bạn cũng có thể lo xa và chuẩn bị trước đồ dùng sẽ cần trong quá trình hồi phục, chẳng hạn như vài cái gối tựa đủ vững để ngủ ngồi trong giai đoạn đầu, đồ ăn nấu sẵn trong tủ lạnh nếu bạn không có người chăm sóc và nấu ăn cho bạn, nhờ bạn bè người thân đưa đón hoặc đến chăm sóc trong lúc bạn đang hồi phục...
Quy trình phẫu thuật
Khi thực hiện căng da mặt SMAS mở rộng, bệnh nhân nên được gây mê, tức an thần sâu, và nên được đặt nằm thẳng trên bàn mổ xoay được để các bác sĩ dễ dàng tiếp cận mặt bệnh nhân. Da mặt và cổ sẽ được khử trùng như các ca phẫu thuật khác. Bác sĩ có thể chọn tiêm dung dịch tumescent truyền thống, hoặc hỗn hợp 0,25% bupivacaine và 0,5% lidocaine, dọc theo vị trí định rạch mổ, nhưng không làm biến dạng mô mềm. Đây là các dung dịch có tác dụng gây tê tại chỗ, cũng như tăng khả năng cầm máu và hỗ trợ rạch mổ thuận lợi hơn.
Đường rạch của căng da mặt SMAS mở rộng
Đường rạch đã được đánh dấu trước khi tiến hành mổ. Bắt đầu từ đường chân tóc thái dương, tránh cắt nang tóc để không dẫn tới tình trạng rụng tóc sau phẫu thuật. Sau đó, bác sĩ kéo dao mổ xuống dưới, men theo mép tai, vòng vào sau gờ bình tai ở nữ, vòng sát qua dái tai, đi về phía sau vành tai và kéo dài tiếp về phía đường chân tóc phía sau. Ở nam, đường rạch sẽ chạy ở mép trước bình tai, vì nếu rạch phía sau thì khi kéo căng da, phần da mọc râu sẽ bị kéo theo vào bình tai, từ đó có thể tạo ra tình trạng mọc râu ở vị trí kỳ lạ sau phẫu thuật.
Bóc tách da
Từ vết rạch, bóc tách và nhấc lớp da bề mặt lên, đồng thời cần để lại một lớp mỡ phủ trước SMAS để tạo ra vạt SMAS chắc chắn hơn. Vạt da không nên bị bóc tách quá dày mà làm mỏng vạt SMAS, cũng không nên bóc tách quá mỏng để tránh làm hại đến hệ thống mạch máu ở da.
Hướng bóc tách là về phía trước, hướng vào trong (hướng về mũi-miệng); dừng lại khi chạm đến cơ vòng mi mắt, gò má. Tùy vào mức độ da chảy xệ và lão hóa ở mặt mà có những lúc bác sĩ sẽ bóc tách vượt qua đường Marionnette (nếp gấp mũi-má, miệng-má) để giải phóng dây chằng xương-da hàm dưới (mandibular osteocutaneous ligament) nằm ở vùng mặt dưới. Mức độ bóc tách này nên được xác định từ trước khi làm phẫu thuật khi bệnh nhân ở trong tư thế đứng thẳng.
Từ vết rạch ở chẩm, phía sau tai, vạt da được bóc tách xuống cổ, hướng về phía trước (vào giữa cổ). Từ vùng giữa mặt, vạt da tiếp tục được bóc tách xuống dưới cổ, khi đi qua hàm thì để lại mỡ ở hàm gắn với lớp SMAS, để sau này kéo nó lên cao cùng với SMAS. Xuống đến cổ, vạt da được bóc tách từ trên xuống này sẽ kết hợp với phần vạt được bóc tách từ sau tai về phía trước. Vạt da ở cổ bóc tách ở bề mặt phía trên cơ platysma, lớp mỡ của cơ platysma được bóc tách cùng với da.
Mức độ bóc tách ở cổ khác nhau tùy theo từng trường hợp. Có những bác sĩ sẽ dừng lại sau khi đã giải phóng dây chằng cơ platysma-hàm dưới (platysma mandibular ligament) và chạm đến đường dọc giữa cổ. Nhưng thường thì các bác sĩ sẽ bóc tách da trong phạm vi 4cm, tính từ mép dưới của gờ bình tai.
Bóc tách SMAS
Đường rạch ngang ở lớp SMAS được đặt ở mép dưới cung gò má, trùng với một đường thẳng được kẻ từ phía trên ống tai ngoài; đây là mép trên của vạt SMAS.
Đường rạch dọc ở lớp SMAS nằm phía trước bình tai, cách bình tai 2cm. Đuôi của đường rạch dọc kéo xuống dưới, cách góc xương hàm dưới (gonial angle) 2 cm về phía sau và nằm trước vùng có dây thần kinh tai lớn (great auricular nerve).
Bắt đầu bóc tách SMAS từ điểm dưới tai hoặc dái tai, vì SMAS chỗ này dày và dễ nhận diện hơn. Bóc tách ở bề mặt phủ trên tuyến nước bọt mang tai, hướng về giữa mặt (mũi-miệng) và hướng lên trên (về phía mạc cơ cắn-tuyến nước bọt). Trong lúc bóc tách lên trên, cần tránh vượt qua bờ dưới xương gò má, cho đến khi đã giải phóng dây chằng gò má da (zygomatic cutaneous ligament) và dây chằng cơ cắn da trên (upper maseteric cutaneous liagement), và cơ gò má lớn đã lộ ra. Khi gặp cơ gò má lớn, tiến hành bóc tách ở mặt phẳng phủ trên nó. Một khi giải phóng hết các dây chằng, vạt SMAS dễ dàng dược kéo về sau, lên cao.
Từ mép dưới (quanh tai), bóc tách vạt SMAS kèm cơ platysma đến mép trước của cơ cắn, lúc này mỡ má thường lộ ra và có thể được cắt bớt nếu muốn. Rồi tiếp tục bóc tách theo hướng xuống dưới, chéo vào giữa cổ. Ở mép ngoài cơ ức-đòn-chũm, bóc tách vạt SMAS-platysma về phía trước 3-4 cm. Tuy nhiên, mỗi bác sĩ có thể có tiêu chí bóc tách khác nhau.
Mỡ chảy xệ ở hàm và dưới hàm có thể được cắt bớt theo hướng chéo lên trên để cải thiện đường quai hàm.
Kết thúc quá trình bóc tách vạt SMAS.
Xử lý cổ
Hầu như bệnh nhân nào cũng cần xử lý cơ platysma lỏng lẻo ở trước cổ (hay ở đường dọc giữa cổ). Lúc này một đường rạch được thực hiện bên dưới cằm, cách cằm 1 cm. Da được bóc tách khỏi lớp cơ phía sau nó, nối thông vạt đã bóc tách ở hai bên cổ. Liên kết cơ platysma và da được giải phóng. Lúc này hai mép cơ platysma sẽ được khâu kín với nhau, từ cằm tới cuối, hoặc khâu kín một phần, tùy vào kỹ thuật mà bác sĩ lựa chọn.
Kéo SMAS, da và khâu cố định
Khi đã hoàn thành việc bóc tách vạt, vạt SMAS được kéo theo hướng chéo lên trên về phía sau, phần trước tai thì cố định ở vùng trước bình tai, phần sau tai thì cố định vào màng xương chẩm. Khâu khoảng 10-12 mũi mỗi bên để cố định SMAS và cơ platysma.
Da thừa được cắt bỏ và kéo về phía sau, theo chiều ngang và được khâu lại với lực căng tối thiểu.
Bác sĩ có thể chọn đặt ống dẫn lưu hoặc không. Một khi đã hoàn thành, bác sĩ sẽ bôi thuốc kháng sinh và đặt băng gạc mềm.
Hồi phục sau phẫu thuật
Bạn có thể về nhà sau khi nhận được sự cho phép của bác sĩ. Những ngày đầu tiên sẽ là lúc bạn cần đến thuốc giảm đau nhiều nhất và là lúc bạn cần người hỗ trợ nhất. Bạn sẽ bị sưng nề, thường nặng nhất trong 3-5 ngày đầu tiên và giảm dần sau đó, nhưng có thể kéo dài đến hai tuần.
Ống dẫn lưu thường được loại bỏ trong vòng 24 giờ. Chỉ khâu thường được tháo 5-6 ngày sau phẫu thuật.
Thường thì bệnh nhân làm căng da mặt hầu như đều đã cảm thấy cơ thể quay trở lại trạng thái gần như bình thường, họ đã sẵn sàng trở lại làm việc và bắt đầu các hoạt động thể chất nhẹ nhàng. Và sau khoảng 1 tháng, bạn gần như đã sinh hoạt bình thường và đã bắt đầu nhìn thấy những cải thiện rõ rệt về diện mạo của mình. Dĩ nhiên, các mốc thời gian trên chỉ là tương đối và mỗi người có thể hồi phục sớm hơn hoặc muộn hơn tùy cơ địa. Hãy làm theo mọi chỉ dẫn của bác sĩ.
Biến chứng
Các biến chứng của phẫu thuật căng da mặt SMAS Mở rộng cũng tương tự như các phương pháp căng da mặt khác. Những biến chứng này bao gồm tụ máu, tụ dịch, phù nề, tổn thương nhánh dây thần kinh mặt, tổn thương thần kinh thoáng qua, sẹo xấu, đường chân tóc bị thay đổi, biến dạng tai dái tai pixie hoặc biến dạng bình tai, nhiễm trùng vết thương và huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Tụ máu là một trong những biến chứng đáng sợ nhất do nguy cơ gây hoại tử vạt da, thậm chí đôi khi dẫn đến tổn thương đường thở.
Trước khi làm phẫu thuật hãy trao đổi thật kỹ với bác sĩ về những biến chứng mà bạn có thể gặp phải và những cách nào để phòng tránh chúng.
Xem thêm: Phương pháp Căng chỉ da mặt
Căng da mặt SMAS hiện nay đang được coi là kỹ thuật tiêu chuẩn.
Căng da mặt SMAS là phương pháp vô cùng phổ biến và rất hiệu quả trong việc làm căng phần da mặt đã lão hóa, phương pháp này xử lý mô mềm chảy xệ ở vùng góc hàm, hàm, cổ...
Rạch cao lớp SMAS được tin rằng có thể giúp cải thiện kết quả căng da mặt, đem lại vùng giữa mặt trẻ trung, cả khuôn mặt đẹp tự nhiên hơn...
Căng da mặt không phẫu thuật là sự kết hợp của các quy trình nhằm giải quyết tình trạng da chảy xệ, da mỏng nhăn nheo (da crepey) và các đường nhăn nhỏ mà không có đường mổ, gây mê toàn thân hoặc nằm viện
Căng da vùng mặt dưới là một quy trình phẫu thuật giúp căng da và thắt chặt da vùng mặt dưới.
- 12 trả lời
- 2169 lượt xem
Khi nhìn ảnh chụp những người đã từng phẫu thuật căng da mặt Deep Plane thì tôi thấy là phương pháp này có thể khắc phục vấn đề chảy xệ ở má và cổ rất hiệu quả nhưng còn trong những trường hợp căng da mặt SMAS thì tình trạng chảy xệ vẫn còn sau khi phẫu thuật. Có đúng là như vậy không?
- 46 trả lời
- 3011 lượt xem
Tôi không thể tìm thấy thông tin về chi phí phẫu thuật căng da mặt. Bác sĩ làm ơn giúp tôi ước tính xem căng da mặt truyền thống giá bao nhiêu?
- 29 trả lời
- 12570 lượt xem
Tôi đang định phẫu thuật thẩm mỹ căng da mặt nhưng lại lo lắng về thời gian phải nghỉ việc sau khi mổ. Quá trình hồi phục sau căng da mặt có lâu không? Khi nào tôi có thể ra ngoài mà diện mạo trông sẽ đẹp, trẻ trung tự nhiên và không kỳ cục (hoặc bị lộ việc vừa mới căng da mặt) ?
- 48 trả lời
- 5199 lượt xem
Căng da mặt mini nghe thật hấp dẫn đối với tôi. Giá rẻ hơn, ít xâm lấn hơn, có thể giúp khắc phục vùng da chảy xệ và cằm xị của tôi. Tại sao tôi lại có thể lựa chọn căng da mặt toàn phần? Lựa chọn nào sẽ tốt hơn?
- 29 trả lời
- 2911 lượt xem
Tôi sắp 50 tuổi. Da mặt tôi tương đối săn chắc và khá đẹp so sới độ tuổi của mình vì vậy tôi nghĩ không cần căng da mặt. Tuy nhiên vùng cổ và cằm của tôi trông không đẹp như vùng mặt. Có cách nào để làm săn chắc và làm căng vùng cằm và cổ của tôi không?