1

Viêm màng ngoài tim: Nguyên nhân, biến chứng và cach điều trị

Viêm màng ngoài tim là tình trạng viêm xảy ra ở lớp mô mỏng, có dạng giống như một chiếc túi rỗng bao xung quanh tim. Viêm màng ngoài tim thường gây ra cơn đau nhói ở ngực. Triệu chứng này xảy ra do các lớp màng ngoài tim bị kích thích cọ xát vào nhau.

Các trường hợp viêm màng ngoài tim nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, những trường hợp nghiêm trọng sẽ phải điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời viêm màng ngoài tim sẽ làm giảm nguy cơ biến chứng về lâu dài.

Triệu chứng viêm màng ngoài tim

Đau ngực là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh viêm màng ngoài tim. Viêm màng ngoài tim thường gây cảm giác đau nhói nhưng đôi khi là đau âm ỉ, nhức hoặc cảm giác tức ngực giống như bị chèn ép.

Đau ngực do viêm màng ngoài tim thường xảy ra ở chính giữa ngực hoặc lệch về bên trái. Cơn đau có thể lan sang vai trái và cổ, dữ dội hơn khi ho, nằm xuống hoặc hít thở sâu và đỡ hơn khi ngồi dậy hoặc ngả người về phía trước.

Các dấu hiệu và triệu chứng khác của viêm màng ngoài tim còn có:

  • Ho dai dẳng
  • Mệt mỏi, uể oải
  • Sưng phù chân
  • Sốt nhẹ
  • Tim đập nhanh, mạnh
  • Khó thở khi nằm
  • Bụng chướng to

Các triệu chứng cụ thể phụ thuộc vào loại viêm màng ngoài tim. Viêm màng ngoài tim được chia thành nhiều loại theo kiểu triệu chứng và thời gian kéo dài triệu chứng:

  • Viêm màng ngoài tim cấp: xảy ra đột ngột và không kéo dài quá 3 tuần. Viêm màng ngoài tim cấp có thể tái phát. Triệu chứng đau ngực do viêm màng ngoài tim cấp thường giống với đau ngực do nhồi máu cơ tim.
  • Viêm màng ngoài tim tái phát: xảy ra khoảng 4 đến 6 tuần sau đợt viêm màng ngoài tim cấp.
  • Viêm màng ngoài tim kéo dài: các triệu chứng kéo dài liên tục khoảng 4 đến 6 tuần nhưng không quá 3 tháng.
  • Viêm màng ngoài tim co thắt mãn tính: thường tiến triển chậm và kéo dài hơn 3 tháng.

Khi nào cần đi khám?

Nhiều triệu chứng của viêm màng ngoài tim giống với triệu chứng của các bệnh tim mạch và phổi khác. Do đó, khi bị đau ngực phải đi khám ngay để xác định nguyên nhân.

Nguyên nhân gây viêm màng ngoài tim

Nguyên nhân gây viêm màng ngoài tim thường khó xác định và nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân (viêm màng ngoài tim vô căn).

Một số nguyên nhân phổ biến gây viêm màng ngoài tim gồm có:

  • Phản ứng của hệ miễn dịch sau tổn thương tim do nhồi máu cơ tim hoặc phẫu thuật tim (hội chứng Dressler)
  • Bệnh tự miễn như bệnh lupus và viêm khớp dạng thấp
  • Chấn thương tim hoặc ngực
  • Các bệnh lý mãn tính như suy thận và ung thư

Biến chứng của viêm màng ngoài tim

Chẩn đoán và điều trị sớm viêm màng ngoài tim sẽ làm giảm nguy cơ biến chứng. Nhưng nếu không điều trị, viêm màng ngoài tim có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Tràn dịch màng ngoài tim: Tình trạng tích tụ chất lỏng xung quanh tim, có thể dẫn đến các biến chứng về tim.
  • Viêm màng ngoài tim co thắt: Màng ngoài tim bị viêm kéo dài có thể dần trở nên dày lên và hình thành sẹo vĩnh viễn. Những thay đổi này gây ảnh hưởng đến chức năng bơm máu của tim. Viêm màng ngoài tim co thắt thường dẫn đến khó thở, sưng phù chân và phình bụng nghiêm trọng.
  • Chèn ép tim: Sự tích tụ chất lỏng quanh tim sẽ gây áp lực lên tim. Tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng do tim không thể bơm máu bình thường. Tim bơm máu kém sẽ gây tụt huyết áp nghiêm trọng. Do đó, chèn ép tim cần được điều trị khẩn cấp.

Phòng ngừa viêm màng ngoài tim

Không có biện pháp nào có thể phòng ngừa viêm màng ngoài tim. Tuy nhiên, các cách dưới đây có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và từ đó làm giảm nguy cơ viêm ở tim:

  • Tránh tiếp xúc với những người có triệu chứng cúm hoặc các bệnh do nhiễm virus khác.
  • Giữ vệ sinh thân thể: Rửa tay thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa lây nhiễm bệnh.
  • Tiêm đủ các loại vắc xin cần thiết: Nhiều bệnh gây viêm cơ tim như Covid-19, rubella và cúm có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc xin. Mặc dù vắc-xin phòng COVID-19 có thể gây viêm màng ngoài tim và viêm cơ tim, đặc biệt là ở nam giới từ 12 đến 17 tuổi nhưng lợi ích vẫn lớn hơn nhiều so với rủi ro.

Chẩn đoán viêm màng ngoài tim

Để chẩn đoán viêm màng ngoài tim, trước tiên bác sĩ sẽ khám lâm sàng và hỏi về các triệu chứng cũng như bệnh sử.

Bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe đặt trên ngực và lưng để nghe âm thanh của tim. Viêm màng ngoài tim gây ra âm thanh bất thường gọi là tiếng cọ màng ngoài tim. Âm thanh này xảy ra khi hai lớp của màng ngoài tim cọ xát vào nhau.

Bệnh nhân sẽ phải làm xét nghiệm máu để kiểm tra các dấu hiệu nhồi máu cơ tim, viêm và nhiễm trùng. Ngoài ra, các phương pháp khác cũng được sử dụng để chẩn đoán viêm màng ngoài tim còn có:

  • Điện tâm đồ (ECG): Ghi lại các tín hiệu điện trong tim. Các điện cực được đặt trên da của bệnh nhan để ghi lại các tín hiệu điện khiến tim co bóp. Các tín hiệu này được truyền đến máy tính và chuyển thành dạng sóng hiển thị trên màn hình hoặc trên giấy.
  • Chụp X-quang lồng ngực: Hình ảnh chụp X-quang lồng ngực cho thấy những bất thường về kích thước và hình dạng của tim. Chụp X-quang giúp phát hiện chứng tim to.
  • Siêu âm tim: Sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh động của tim. Siêu âm tim giúp đánh giá chức năng bơm máu của tim và phát hiện tình trạng tích tụ chất lỏng xung quanh tim.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) tim: Chụp CT tim sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh của tim và các cấu trúc khác trong ngực. Ảnh chụp CT giúp phát hiện sự dày lên của thành tim – một dấu hiệu của viêm màng ngoài tim co thắt.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim: MRI tim sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh mặt cắt của tim. Chụp MRI tim cho thấy tình trạng dày lên, viêm hoặc những thay đổi khác ở lớp mô mỏng xung quanh tim.

Điều trị viêm màng ngoài tim

Việc điều trị viêm màng ngoài tim phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Viêm màng ngoài tim nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Trong thời gian chờ hồi phục, bệnh nhân nên nghỉ ngơi và có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn theo chỉ dẫn của bác sĩ để giảm triệu chứng đau ngực. Tránh hoạt động thể chất nặng vì những hoạt động này có thể kích hoạt các triệu chứng viêm màng ngoài tim.

Tuy nhiên, những trường hợp viêm màng ngoài tim nặng sẽ phải điều trị bằng thuốc hoặc các thủ thuật xâm lấn.

Điều trị nội khoa (điều trị bằng thuốc)

Người mắc bệnh viêm màng ngoài tim thường được kê các loại thuốc có tác dụng giảm sưng viêm như:

  • Thuốc giảm đau: Triệu chứng đau ngực do viêm màng ngoài tim thường được điều trị bằng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như aspirin hoặc ibuprofen. Nếu đau dữ dội thì sẽ phải dùng thuốc giảm đau kê đơn.
  • Colchicine: Thuốc này có tác dụng làm giảm phản ứng viêm trong cơ thể và được sử dụng để điều trị viêm màng ngoài tim cấp tính và viêm màng ngoài tim tái phát. Tuy nhiên, những người mắc bệnh gan hoặc thận không nên dùng colchicine. Colchicine cũng có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của các loại thuốc khác. Bác sĩ sẽ kiểm tra bệnh sử cẩn thận trước khi kê colchicine.
  • Corticoid (corticosteroid): Đây là một nhóm thuốc chống viêm mạnh. Các loại corticoid như prednisone có thể được sử dụng nếu các triệu chứng viêm màng ngoài tim không thuyên giảm khi đã điều trị bằng các loại thuốc khác hoặc viêm màng ngoài tim tái phát sau điều trị.

Nếu nguyên nhân gây viêm màng ngoài tim là do nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân sẽ phải điều trị bằng thuốc kháng sinh và dẫn lưu dịch nếu cần thiết.

Điều trị ngoại khoa

Nếu viêm màng ngoài tim gây tích tụ dịch xung quanh tim, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị sau đây để loại bỏ dịch:

  • Chọc hút dịch màng ngoài tim: Trong thủ thuật này, một cây kim vô trùng hoặc một ống thông nhỏ được sử dụng để loại bỏ chất lỏng tích tụ ra khỏi khoang màng tim.
  • Cắt màng ngoài tim: Đôi khi cần phải cắt bỏ toàn bộ màng ngoài tim nếu màng ngoài tim bị cứng vĩnh viễn do viêm màng ngoài tim co thắt.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Hẹp eo động mạch chủ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, có nhiệm vụ vận chuyển máu giàu oxy từ tim đến phần còn lại của cơ thể. Hẹp eo động mạch chủ là tình trạng một đoạn động mạch chủ bị hẹp hơn bình thường. Điều này buộc tim phải co bóp mạnh hơn để đẩy máu qua động mạch chủ.

Cholesterol cao: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Các Phòng Ngừa
Cholesterol cao: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Các Phòng Ngừa

Khi lượng Cholesterol tăng lên quá cao, chúng sẽ bắt đầu tích tụ trên thành động mạch tạo nên các mảng bám cholesterol, làm lòng động mạch bị thu hẹp gây cản trở sự lưu thông máu và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Bệnh Buerger (viêm thuyên tắc mạch máu) điều trị bằng cách nào?
Bệnh Buerger (viêm thuyên tắc mạch máu) điều trị bằng cách nào?

Bệnh Buerger hay viêm thuyên tắc mạch máu là một bệnh hiếm gặp xảy ra ở động mạch và tĩnh mạch ở tay và chân. Ở những người mắc bệnh lý này, các mạch máu bị viêm, sưng và có thể bị tắc nghẽn do cục máu đông (huyết khối). Điều này làm gián đoạn sự lưu thông máu đến da, làm hỏng mô da và có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc hoại thư. Các triệu chứng đầu tiên của bệnh Buerger thường xuất hiện ở bàn tay và bàn chân rồi cuối cùng lan rộng ra trên cánh tay và cẳng chân.

Viêm động mạch Takayasu điều trị bằng cách nào?
Viêm động mạch Takayasu điều trị bằng cách nào?

Viêm động mạch Takayasu (Takayasu's arteritis) là một loại viêm mạch máu hiếm gặp, xảy ra ở động mạch chủ (động mạch lớn mang máu từ tim đến phần còn lại của cơ thể) và các nhánh chính của động mạch chủ.

Thông liên thất: Triệu chứng và cách điều trị

Thông liên thất là một dạng dị tật tim bẩm sinh phổ biến, trong đó vách ngăn giữa các buồng dưới của tim (tâm thất) có lỗ thông bất thường, khiến cho máu chảy từ tâm thất trái sang tâm thất phải. Sau đó, máu giàu oxy sẽ được bơm trở lại phổi thay vì được vận chyển đi khắp cơ thể, điều này khiến tim phải làm việc nhiều hơn.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây