1

TƯ VẤN HIV/AIDS CHO PHỤ NỮ MANG THAI

Bài giảng sản phụ khoa Tập 2_ĐHYHN_Năm 2020

I. ĐẠI CƯƠNG VỀ TƯ VẤN

Tư vấn là một quá trình trao đổi thông tin hai chiều giữa người tư vấn và người được tư vấn, trong đó người tư vấn giúp cho người được tư vấn hiểu rõ vấn đề mà mình quan tâm, tự xác định nhu cầu của mình, quyết định giải pháp, có thái độ và hành động thích hợp, đúng đắn đối với hoàn cảnh, vấn đề của mình. Tư vấn không phải là dạy dỗ, khuyên bảo, mà là một quá trình trong đó người tư vấn tìm hiểu và giúp người được tư vấn tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của mình để giúp cho họ tìm hiểu khả năng và nhu cầu của bản thân, tự tin vào chính mình để có thể tự mình xác định cách giải quyết vấn đề.

Tư vấn HIV/AIDS (bao gồm cả tư vấn chung về HIV/AIDS và tư vấn cho những người bị nhiễm/nghi ngờ bị nhiễm HIV) là một trọng tâm của công tác phòng chống HIV/AIDS. Đây là một loại hình tư vấn đặc biệt liên quan đến nhiều phương diện của cuộc sống con người, từ thể chất, tâm lý và các mối quan hệ xã hội. Nó bao gồm việc cung cấp những kiến thức cơ bản và cần thiết về HIV/AIDS và cách phòng tránh, hỗ trợ người được tư vấn vượt qua các mặc cảm, khủng hoảng có thể có, thay đổi hành vi để có một cuộc sống có chất lượng cho chính bản thân mình đồng thời phòng tránh lây nhiễm cho những người khác (trong gia đình và xã hội).

1.1. Tầm quan trọng của tư vấn HIV/AIDS

  • Từ khi tìm ra tác nhân gây bệnh AIDS tới nay, người ta mới chỉ tìm ra được một số loại thuốc làm chậm lại sự phát triển của virus chứ chưa chữa khỏi được nhiễm HIV, do đó việc phòng bệnh vẫn đang đóng vai trò thiết yếu.
  • Mặc dù một số vaccin đang được thử nghiệm, chưa có loại nào tỏ ra có hiệu quả tốt trong việc phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS. Phần lớn các thuốc và vaccin đã nêu trên đều rất đắt tiền chưa thể sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Tuy vậy, căn bệnh chết người này lại có thể được phòng chống một cách có hiệu quả bằng cách thay đổi hành vi và thái độ của các thành viên trong cộng đồng.
  • Khác với nhiều loại bệnh lây nhiễm khác, người bị nhiễm HIV có thời gian ủ bệnh kéo dài. Trong thời gian ủ bệnh đó, họ không có biểu hiện lâm sàng và có thể sinh hoạt bình thường (kể cả sinh hoạt tình dục) và do đó có thể truyền bệnh cho nhiều người khác. Do đó, họ cần phải được tư vấn để biết cách phòng tránh lây nhiễm cho những người xung quanh có tiếp xúc với mình.
  • Do tính chất và hậu quả nặng nề của căn bệnh, những người bị nhiễm HIV/AIDS có thể có những biểu hiện phản ứng tiêu cực khác nhau như nổi khùng, phẫn chí, buông thả, bi quan, chán nản, lo sợ, thậm chí hận thù với xã hội. Họ cũng có nguy cơ bị xa lánh, tách rời khỏi xã hội và phân biệt đối xử, thậm chí bởi ngay người thân trong gia đình họ. Trong khi một số hành động tiêu cực như hận thù, buông thả có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ cộng đồng thì các ảnh hưởng tâm lý khác có thể làm giảm, thậm chí huỷ hoại chất lượng cuộc sống của họ và gia đình họ. Những người này đều cần được tiếp cận với những thông tin cần thiết để có thể tiếp tục sống với căn bệnh này một cách có ích cho xã hội.
  • Như vậy, việc tác động làm thay đổi các thái độ, hành vi theo hướng tích cực thông qua công tác tuyên truyền vận động giữ một vai trò thiết yếu hiện nay trong phòng chống HIV/AIDS, đề phòng lây lan cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của họ và gia đình họ. Việc tuyên truyền này có thể được tiến hành bằng nhiều cách khác nhau bao gồm từ thông tin giáo dục truyền thông qua các kênh thông tin đại chúng cho đến thông qua tư vấn riêng biệt. Khác với giáo dục truyền thông, tư vấn riêng biệt không những cung cấp các thông tin chung cho người được tư vấn mà còn chú trọng đến những nhu cầu, đòi hỏi và hoàn cảnh riêng tư của họ để có thể giúp họ sự lựa chọn đúng đắn nhất cho chính bản thân mình.

1.2. Mục đích của tư vấn HIV/AIDS

* Cung cấp thông tin cần thiết để hỗ trợ về mặt tâm lý và xã hội cho người được tư vấn:

  •  Giúp người được tư vấn biết cách phòng bệnh cho bản thân mình (phòng lây nhiễm HIV nếu chưa bị nhiễm, phòng chống nhiễm trùng cơ hội nếu đã bị nhiễm).
  •  Giúp cho người được tư vấn ổn định tinh thần, tự tin vào mình, tự quyết định và tự vượt qua khủng hoảng, hoang mang, lo sợ không cần thiết trong cuộc sống.
  •  Cung cấp cho người được tư vấn thông tin về những quyền lợi của họ và hỗ trợ cho họ tiếp tục sống hoà mình với cộng đồng.
  •  Cung cấp cho người được tư vấn thông tin về những dịch vụ, cơ sở sẵn có cũng như giúp họ tiếp cận các cơ sở đó để có được sự hỗ trợ về các mặt kinh tế, xã hội và đặc biệt là y tế khi có nhu cầu để vượt qua khó khăn và giữ gìn sức khoẻ cho chính bản thân mình.

* Ngăn chặn lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng:

  • Giúp cho người được tư vấn biết các đường lây truyền HIV, hiểu được những hành vi có nguy cơ lây nhiễm HIV cao, thông qua đó thay đổi hành vi theo chiều hướng tích cực (giảm thiểu nguy cơ) để phòng tránh lây nhiễm HIV cho chính bản thân, những người khác trong gia đình và trong cộng đồng nơi mình sống. Thay đổi hành vi nguy cơ là biện pháp hữu hiệu duy nhất để phòng tránh lây nhiễm HIV. Sự quyết tâm của từng con người, cá thể trong việc thay đổi hành vi nguy cơ đóng vai trò quyết định đối với công tác phòng chống HIV/AIDS.

1.3. Người được tư vấn HIV/AIDS

1.3.1. Những đối tượng cần được tư vấn HIV/AIDS

- Vì những lý do đã nêu trên, việc tư vấn chung về HIV/AIDS, tư vấn về thay đổi hành vi để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV là cần thiết cho mọi loại đối tượng. Chúng ta cần phải tận dụng mọi cơ hội để tư vấn phòng chống HIV/AIDS cho mọi người có nhu cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực các dịch vụ y tế.

- Hiện nay ở nước ta, tình hình lây nhiễm HIV/AIDS đang ngày càng lan rộng với số lượng người nhiễm HIV/AIDS ngày càng tăng. Nạn dịch này không chỉ khu trú ở nhóm những người có nguy cơ cao (như ma tuý, mại dâm) mà còn có xu hướng lan vào những nhóm người từng được coi là nguy cơ thấp cho nên việc tư vấn và khuyến khích làm xét nghiệm là rất cần thiết cho các đối tượng sau (1).

  •  Những người lo lắng là họ có thể bị nhiễm HIV/AIDS vì một lý do nào đó.
  •  Những người tự nguyện xét nghiệm HIV.
  •  Những người có các hành vi có nguy cơ cao (như tiêm chích ma tuý, mại dâm, sinh hoạt tình dục bừa bãi).
  • Các bệnh nhân mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  •  Bạn tình/bạn đời của người nhiễm HIV.
  •  Người cho máu.
  •  Bệnh nhân nghi bị AIDS (có các dấu hiệu nhiễm trùng cơ hội điển hình).
  •  Những người chăm sóc bệnh nhân bị tai nạn rủi ro như bị kim tiêm, dao, vật nhọn sau khi dùng cho bệnh nhân đâm gây chảy máu.
  •  Phụ nữ có thai nghi bị nhiễm, có nguy cơ cao.

- Riêng đối với những phụ nữ mang thai, sản phụ hoặc phụ nữ cho con bú, HIV/AIDS không những chỉ lây truyền qua sinh hoạt tình dục (như mại dâm, sinh hoạt bừa bãi) và đường máu (như tiêm chích ma tuý, truyền máu không an toàn) mà còn có thể lây truyền từ mẹ sang con, để những hậu quả lâu dài và nặng nề hơn. Do vậy, việc tư vấn và xét nghiệm cho nhóm đối tượng này còn có những đặc thù riêng của nó.

1.3.2. Quyền của người được tư vấn

- Quyền được tiếp cận

  • Mọi người có quyền được tiếp cận với dịch vụ tư vấn cũng như các dịch vụ hỗ trợ xã hội và y tế khác.

- Quyền được an toàn

  • Khi đã lựa chọn một dịch vụ nào đó (không kể đó là dịch vụ xã hội hay y tế), người được tư vấn có quyền được hưởng dịch vụ đó một cách an toàn. Dịch vụ đó không được phép gây hại cho người tiếp nhận dịch vụ.

- Quyền được thông tin

  • Người được tư vấn có quyền được cung cấp đầy đủ mọi thông tin về vấn đề mà họ quan tâm.

- Quyền được lựa chọn

  • Người được tư vấn có quyền tự lựa chọn (một cách tự nguyện) việc thay đổi hành vi của mình cũng như các dịch vụ sẵn có cho mình.

- Quyền được riêng tư

  • Người tư vấn phải đảm bảo tạo được không khí kín đáo, tin cậy cho người được tư vấn để họ có thể bộc lộ và chỉ có những người liên quan tiếp cận được những thông tin về cá nhân họ trong suốt quá trình tư vấn.

- Quyền được giữ bí mật

  • Muốn tư vấn được tốt, người tư vấn phải có được những thông tin cá nhân về người được tư vấn. Những thông tin về cá nhân này do bản thân người được tư vấn đưa ra chỉ được sử dụng vào mục đích nâng cao chất lượng tư vấn và không được cung cấp cho người khác hoặc sử dụng vào những mục đích khác nếu không có sự đồng ý của người được tư vấn.

- Quyền được tôn trọng

  • Người tư vấn không được phép phân biệt đối xử, không có thái độ coi thường, miệt thị, chỉ trích hoặc lên án (dựa trên những thông tin cá nhân mà người được tư vấn đưa ra) mà phải hết sức tôn trọng người được tư vấn. Điều này đặc biệt quan trọng cho môi trường tư vấn HIV/AIDS vì tính chất của những thông tin có thể được bàn luận tới.

- Quyền được hưởng tiện nghi

  • Dịch vụ tư vấn phải được cung cấp một cách toàn diện, có chất lượng, không gây phiền hà hoặc điều gì có hại cho người được tư vấn. Quyền được tiếp tục
  • Người được tư vấn có quyền quay trở lại tư vấn tiếp tục khi họ cảm thấy cần thiết, còn có điều thắc mắc cần làm rõ..

- Quyền được góp ý kiến

  • Người được tư vấn phải có được cơ hội đưa ra ý kiến riêng của mình, ý kiến đó phải được tôn trọng và bàn bạc cụ thể giữa người tư vấn và người được tư vấn.

1.4. Người tư vấn

1.4.1. Phẩm chất cần có của người tư vấn

  • Phải có hiểu biết về HIV/AIDS để có thể cung cấp thông tin, giải thích và hướng dẫn cho người được tư vấn một cách đầy đủ và chính xác về những vấn đề mà họ quan tâm.
  • Phải có kỹ năng tư vấn trong quá trình giao tiếp (xem phần các kỹ năng tư vấn).
  • Phải biết đồng cảm, tự đặt mình vào vai trò của người được tư vấn để thông cảm với họ.
  • Phải kiên trì, bình đẳng, nhận xét khách quan và nhạy cảm với những vấn đề của người được tư vấn để có thể giúp đỡ họ một cách công bằng.
  • Phải có một cách nhìn tích cực đối với cuộc sống và con người.

1.4.2. Nhiệm vụ của người tư vấn

  • Giúp cho người được tư vấn hiểu rõ về HIV/AIDS và các đường lây truyền. Cung cấp đầy đủ thông tin mà người được tư vấn mong muốn để họ có thể hiểu biết rõ thực trạng hoàn cảnh của mình (kể cả ý nghĩa của các xét nghiệm - nếu có) cũng như sẵn sàng đối phó một cách tích cực với hoàn cảnh đó.
  • Vận động và giúp cho người được tư vấn tự xác định những hành động đúng đắn, tránh những hành vi có nguy cơ cao để tự dự phòng, giữ gìn sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
  • Luôn đặt ra lợi ích của người được tư vấn làm trọng tâm.
  • Giữ bí mật những thông tin riêng tư của người được tư vấn (kể cả kết quả xét nghiệm, nếu có).
  • Luôn đảm bảo tôn trọng tất cả các quyền của người được tư vấn.

1.4.3. Các kỹ năng tư vấn

1.4.3.1. Quan sát

  • Kỹ năng đọc hiểu ngôn ngữ không lời của đối tượng tiếp xúc để tìm hiểu tâm tư, tình cảm của họ. Trong khi tiếp xúc cần quan sát: cách ăn mặc mỗi lần tiếp xúc, cách diễn tả nét mặt, cử chỉ, âm điệu, lời nói hay các phản ứng đặc biệt khi nói, trình bày hoặc khi nghe một vấn đề nào đó.

1.4.3.2. Lắng nghe

- Kỹ năng tập trung vào đối tượng, không bị chi phối bởi hoàn cảnh bên ngoài hoặc suy nghĩ của chính mình để có thể cảm nhận, tìm hiểu những thông điệp mà đối tượng tiếp xúc muốn nói thông qua lời nói, trực tiếp hay ngụ ý.

- Trong khi lắng nghe đối tượng, người tư vấn cần phải:

  •  Tạo bầu không khí thoải mái, tin tưởng để đối tượng có thể bộc lộ suy nghĩ tình cảm của mình.
  •  Chấp nhận tất cả mọi thông tin do đối tượng đưa ra, không phản ứng ngay lập tức, dù thông tin đó có chính xác hay không.
  •  Không cắt ngang hoặc tỏ ra sốt ruột, hối thúc đối tượng.
  •  Luôn khuyến khích đối tượng (bằng cả lời nói và cử chỉ, nét mặt) nói lên suy nghĩ và trình bày quan điểm của mình.

1.4.3.3. Quan tâm

  • Kỹ năng hướng mình hoàn toàn về phía đối tượng về mặt tâm lý để đáp ứng nhu cầu của họ. Người tư vấn phải luôn quan tâm đến những vấn đề mà người được tư vấn đang quan tâm/tìm hiểu.
  • Trong quá trình giao tiếp, người tư vấn cũng phải luôn tỏ ra cho đối tượng biết mình đang hết sức quan tâm đến họ không chỉ thông qua lời nói mà còn bằng cử chỉ, thái độ, ánh mắt, nét mặt và chứng tỏ sự tham gia tích cực của mình và quan tâm sâu sắc đến người được tư vấn và hoàn cảnh của họ, đồng thời động viên, khuyến khích người được tư vấn bày tỏ bộc lộ những thông tin cá nhân và quan điểm của họ.

1.4.3.4. Đặt câu hỏi

  • Kỹ năng đặt câu hỏi giữ vai trò vô cùng quan trọng trong tư vấn HIV/AIDS. Người tư vấn phải đặt câu hỏi một cách rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu để cho đối tượng có thể hiểu được. Câu hỏi phải được đặt ra một cách khéo léo tế nhị để thu thập được thông tin cần thiết, kể cả về nhiều yếu tố riêng tư cá nhân nhưng vẫn lịch sự, tôn trọng đối tượng, tránh làm họ bị tổn thương hoặc cảm thấy bị chỉ trích, phê phán. Để hướng đối tượng tới trọng tâm của vấn đề, cần phải sử dụng những câu hỏi dẫn dắt, gợi mở đến chủ đề cần thiết để làm sáng tỏ vấn đề cũng như tạo điều kiện cho người được tư vấn bày tỏ suy nghĩ của mình.
  • Trong các thể loại câu hỏi, nên tránh sử dụng những câu hỏi đóng (những câu hỏi để trả lời “có” hoặc “không” hoặc trả lời rất ngắn) trong quá trình từ vấn, vì những câu hỏi này không tạo điều kiện cho đối tượng suy nghĩ sâu, cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cũng như không cho người được tư vấn sự lựa chọn rộng rãi. Dạng câu hỏi này chỉ nên được sử dụng để khẳng định lại thông tin mà đối tượng vừa nêu (dưới dạng “... có phải không ?...).
  • Câu hỏi dẫn dắt (ví dụ: “thế còn/về vấn đề... thì thế nào? “ hoặc “anh/chị có thể nói thêm về vấn đề... ?) có thể được sử dụng trong quá trình tư vấn để làm rõ hơn một vấn đề, thảo luận xa hơn, sâu hơn. Nó cũng có thể được sử dụng để bắc cầu nổi, dẫn dắt đối tượng từ chủ đề đang thảo luận sang một vấn đề cụ thể hơn, đáng quan tâm hơn, thay vì cắt ngang và đột ngột thay đổi chủ đề.
  • Dạng câu hỏi nên được sử dụng nhất trong tư vấn là các câu hỏi mở (ví dụ như: “ như thế nào ?” hoặc “vì sao...?”. Đây là loại câu hỏi mà đối tượng không trả lời ngắn được. Nó tạo ra cho người được tư vấn khoảng không gian tự do để có thể cung cấp thông tin một cách đầy đủ nhất, không phụ thuộc nhiều vào người hỏi, không bị giới hạn. Câu hỏi mở đồng thời cũng tạo điều kiện cho họ tự suy nghĩ, tìm hiểu và trình bày ý nghĩ của họ theo trình tự và mức độ quan trọng của thông tin theo quan điểm riêng của họ.

1.4.3.5. Nhắc lại

  • Đây là một kỹ năng được sử dụng để chứng tỏ sự quan tâm của mình với đối tượng (thông qua việc nhắc lại đúng những thông tin mà họ vừa cung cấp cho mình). Người tư vấn cũng có thể nhắc lại những nội dung đó với ngôn ngữ của mình để khẳng định mình hiểu đúng, diễn tả rõ hơn ý của người được tư vấn, nhấn mạnh nội dung đó.

1.4.3.6. Tóm tắt

  • Việc tóm tắt lại nội dung một cách ngắn gọn và dễ hiểu giúp cho đối tượng nắm được những điểm chính, cơ bản đã thảo luận. Việc này thường được làm cuối mỗi chủ đề buổi tư vấn để chuẩn bị (bắc cầu nối) cho chủ đề hoặc buổi tư vấn sau đó.

1.4.3.7. Khuyến khích, động viên, an ủi

  • Người tư vấn phải luôn tỏ thái độ khuyến khích đối tượng để họ được củng cố niềm tin vào chính bản thân mình, thấy thoải mái khi cung cấp thông tin cũng như tự tin khi hành động. Điều này rất quan trọng khi chuẩn bị cho người được tư vấn làm quen với hoàn cảnh mới của họ, cũng như khích lệ họ tự nguyện có những thay đổi trong hành vi. Người được tư vấn sẽ cảm thấy bạn tin rằng họ sẽ tự vượt qua những khó khăn trở ngại và làm chủ cuộc sống của mình. Nên khuyến khích những việc tốt mà họ đã làm được. Tuy nhiên, không nên chỉ trích phê phán những gì họ làm chưa đúng ngay lập tức mà dần dần chỉ cho họ thấy có thể làm được điều đó một cách tốt hơn.

1.4.3.8. Các kỹ năng khác

  • Sử dụng từ ngữ: mặc dù người tư vấn phải hiểu biết rõ về chuyên môn (HIV/AIDS) trong quá trình tư vấn, người tư vấn phải tuỳ theo trình độ văn hoá của đối tượng mà sử dụng từ ngữ cho thích hợp để giải thích rõ cho họ về các vấn đề cần thiết sử dụng những ngôn từ thông thường, tránh sử dụng từ chuyên môn sâu.
  • Khả năng chuyên môn: người tư vấn phải tự biết rõ trách nhiệm nhưng cũng phải tự xác định những giới hạn về khả năng chuyên môn của mình để có thể gửi đối tượng đi (đến cán bộ chuyên môn cao hơn hoặc tuyến cao hơn) để họ được tư vấn sâu hơn trong những trường hợp người tư vấn không đủ khả năng giải đáp cho họ.
  • Thích ứng với hoàn cảnh: các câu hỏi, lời khuyên của người tư vấn phải được đưa ra một cách thích hợp với hoàn cảnh cụ thể, trình độ văn hoá của người được tư vấn, ngôn ngữ, phong tục tập quán của địa phương, tôn giáo của họ để có sức thuyết phục, dễ dàng được chấp nhận đối với cộng đồng đó.

II. TƯ VẤN XÉT NGHIỆM HIV/AIDS

2.1. Hình thức, địa điểm tư vấn

  • Nơi tư vấn phải là nơi kín đáo nhưng lại dễ tiếp cận. Do người được tư vấn có thể có những mặc cảm hoặc bị kỳ thị, tuy phòng tư vấn phải có biển tên rõ ràng nhưng không nên ghi hoặc có dấu hiệu gì biểu thị là liên quan đến HIV/AIDS. Trong trường hợp cơ sở thiếu phòng, có thể bố trí cùng chung với phòng tư vấn trước đẻ (cho phụ nữ có thai) hoặc tư vấn KHHGĐ với điều kiện phòng ốc phải cho phép tư vấn cho từng người riêng biệt và kín đáo.
  • Về nguyên tắc, tư vấn HIV/AIDS là tư vấn riêng biệt. Tuy nhiên, riêng tư vấn trước xét nghiệm có thể được lồng ghép một phần với giáo dục - truyền thông cho từng nhóm nhỏ những đối tượng cùng có nhu cầu tìm hiểu thông tin (còn được gọi là tư vấn nhóm). Có thể tổ chức từng buổi giáo dục - truyền thông về HIV/AIDS theo nhóm (mỗi nhóm từ 10-20 người) có người trình bày hoặc sử dụng phương tiện truyền thông (như băng video) hỗ trợ. Trong các buổi này, những thông tin chung về HIV/AIDS, đường lây truyền, cách phòng tránh có thể được đưa ra cùng với thảo luận nhóm. Sau đó có thể tiến hành tư vấn riêng biệt cho từng người có nhu cầu để thảo luận về những vấn đề riêng tư của họ. Đây là một cách làm có thể giúp cho việc tiết kiệm thời gian và nhân lực, cung cấp đầy đủ thông tin nhưng vẫn đảm bảo được tính kín đáo khi cần.

2.2. Tư vấn trước xét nghiệm

2.2.1. Mục đích

  •  Tạo dựng lòng tin của đối tượng đối với người tư vấn.
  •  Tìm hiểu, đánh giá tâm lý, hiểu biết, trình độ học vấn, hoàn cảnh của người được tư vấn.
  •  Cung cấp cho người được tư vấn những thông tin chủ yếu về HIV/AIDS.
  •  Giải thích về các đường lây truyền HIV và cách hạn chế các hành vi nguy cơ.
  •  Xác định nhu cầu, giúp đối tượng vượt qua những lo lắng sợ hãi ban đầu.
  •  Giúp người được tư vấn tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm của mình và hậu quả có thể có, qua đó tự quyết định nhu cầu xét nghiệm HIV cho mình. Đây là một điều rất quan trọng, đặc biệt là đối với phụ nữ có thai vì nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con.
  • Cung cấp thông tin về xét nghiệm HIV và ý nghĩa của các kết quả xét nghiệm. Nhấn mạnh tính bí mật của các kết quả xét nghiệm.

2.2.2. Nội dung các bước tư vấn

- Bước 1

  • Chào hỏi, làm quen. Đây là bước đầu hết sức quan trọng để giúp cho người tư vấn gây được mối thiện cả của đối tượng. Sự tin tưởng của đối tượng sẽ giúp cho người tư vấn tìm hiểu các thông tin về cá nhân và hoàn cảnh kinh tế, y tế, xã hội của gia đình họ một cách cụ thể. Thông qua đó, người tư vấn có thể bước đầu xác định nhu cầu của đối tượng cũng như động cơ khiến họ tìm đến với mình để hỗ trợ họ trong các bước sau đó.

- Bước 2

  •  Thảo luận cụ thể để đánh giá hoàn cảnh, kiến thức về HIV/AIDS và mức độ nguy cơ của đối tượng.
  •  Tuỳ theo kết quả đánh giá kiến thức, cung cấp cho người được tư vấn những thông tin cần thiết và thích hợp.
  •  Cung cấp cho người được tư vấn các thông tin chung về HIV/AIDS, thời gian và diễn biến của bệnh.
  • Cùng với đối tượng xác định mức độ nguy cơ của họ. Để đánh giá hành vi nguy cơ, cần phải thảo luận về nhiều vấn đề tế nhị như quan hệ, hành vi tình dục, sử dụng ma tuý nhằm mục đích đưa ra lời khuyên thích hợp.
  • Đối với hành vi tình dục không an toàn, cần phải tìm hiểu hoàn cảnh xảy ra hành vi đó. Có thể có nhiều hoàn cảnh khác nhau bao gồm từ việc có nhiều bạn tình thường xuyên cho đến những trạng thái hưng phấn (do rượu, ma tuý...), bạn bè lôi kéo trong lúc không có bao cao su, hoặc có bao cao su nhưng bị thủng, vỡ. Điều quan trọng là phải nhấn mạnh sự chung thuỷ, chế độ một vợ một chồng và việc sử dụng bao cao su, ngay cả với bạn tình của mình, ngay cả khi nghĩ rằng họ không bị nhiễm. Quan hệ tình dục không an toàn không chỉ xảy ra đối với quan hệ mại dâm mà còn qua quan hệ với bạn tình, người yêu. Nguy cơ lây nhiễm HIV không chỉ giới hạn ở tình dục khác giới mà còn tăng lên qua quan hệ tình dục cùng giới. Cần chú trọng tư vấn về việc sử dụng bao cao su, đặc biệt là đối với những người hành nghề mại dâm hoặc những người tỏ ra dễ có hành vi tình dục bột phát, không thường xuyên, dễ bị chi phối do hứng khởi. Chính vào lúc “cao hứng, bột phát” như vậy là lúc đối tượng dễ quên, bỏ qua việc sử dụng bao cao su nhất.
  • Đối với những người nghiện chích ma tuý, việc cai nghiện được là lý tưởng.
  • Tuy nhiên, cai nghiện là một việc khó và lâu dài. Do đó, người tư vấn cần phải nhấn mạnh những nguy cơ của việc dùng chung bơm kim tiềm. Giảm thiểu nguy cơ bằng cách rửa/vô khuẩn bơm kim tiêm, tốt nhất là sử dụng bơm kim tiễm dùng một lần là hành động có lợi ngay trước mắt để giảm bớt tác hại và có thể dễ dàng đạt hơn. Cần phải tư vấn cho những người này cách làm sạch/vô khuẩn bơm kim tiêm đúng cách và cố gắng dùng loại một lần rồi bỏ đi.
  • Đối với những trường hợp cán bộ y tế bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp hoặc tai nạn trong khi chăm sóc người thân nhiễm HIV hoặc nghi bị nhiễm liên quan đến máu hoặc các chất dịch cơ thể (qua tiêm chích, vết cắt khi mổ, bắn dịch vào mắt, mũi, miệng hoặc vết thương ở da), họ đều phải được tư vấn về lây nhiễm và xét nghiệm HIV cũng như điều trị dự phòng theo quy định của Bộ Y tế.
  • Đối với người nghi ngờ là đã bị phơi nhiễm, dù là nguy cơ cao hay thấp, người tư vấn cần an ủi, trấn an nỗi lo sợ của người được tư vấn, cung cấp ngay (trước khi có kết quả xét nghiệm) cho họ những thông tin cần thiết để tránh lây nhiễm cho người khác như tạm thời tránh cho máu, tinh trùng, mô, sữa; thực hiện hành vi tình dục an toàn để bảo vệ bạn tình khỏi bị lây nhiễm.
  • Đặc biệt đối với phụ nữ, người tư vấn cần nhấn mạnh khả năng dễ bị lây nhiễm HIV của phụ nữ cũng như khả năng lây truyền từ mẹ sang con nếu bản thân người phụ nữ bị nhiễm và có thai để họ có thể suy nghĩ và tuỳ theo từng giai đoạn mà quyết định xem mình có nên có thai hay không (đối với người phụ nữ chưa có thai) hoặc cách xử trí nếu đang có thai hoặc mới đẻ. Cần nhấn mạnh tầm quan trọng của xét nghiệm HIV, đặc biệt là đối với phụ nữ có thai để có thể can thiệp được sớm, giảm bớt những nguy cơ và hậu quả về sau.

- Bước 3

  • Thảo luận về những đường lây truyền và không lây truyền HIV, hình thức và thời gian hình thành kháng thể nếu bị lây nhiễm, hình thức xét nghiệm (xét nghiệm tìm kháng nguyên) và những ưu điểm cũng như hạn chế của xét nghiệm, ý nghĩa của giai đoạn cửa sổ...

- Bước 4

Thảo luận với đối tượng về ý nghĩa thực tế của các kết quả xét nghiệm lần đầu. Ngay từ khi tư vấn trước khi xét nghiệm, người làm công tác tư vấn cũng cần nhấn mạnh đến ý nghĩa của kết quả xét nghiệm lần đầu:

  •  HIV âm tính không có nghĩa là chắc chắn không bị nhiễm HIV. Người được tư vấn có thể còn ở trong giai đoạn cửa sổ. Do đó vẫn cần phải làm xét nghiệm lại sau khoảng 2-3 tháng để khẳng định lại.
  •  HIV dương tính lần đầu không có nghĩa là chắc chắn đã bị nhiễm HIV mà chỉ có ý nghĩa nghi ngờ. Cần phải thử lại bằng hai xét nghiệm khác (theo đúng phương cách 3) ở những cơ sở y tế có khả năng và thẩm quyền để khẳng định cho chắc chắn.
  •  Người tư vấn cũng cần giải thích ngay cho đối tượng trong thời gian này về các khả năng dương tính giả (HIV dương tính nhưng không bị nhiễm) hoặc âm tính giả (HIV âm tính những vẫn bị nhiễm) vì tuỳ theo kỹ thuật xét nghiệm, các khả năng này tuy hiếm (hoặc rất hiếm) nhưng vẫn có thể xảy ra.

- Bước 5

  • Thảo luận về ảnh hưởng có thể có của các xét nghiệm đối với người được tư vấn và những người có liên quan. Nhưng ảnh hưởng thực tế của kết quả xét nghiệm có thể bao gồm cả việc thay đổi lối sống trong gia đình, quan hệ tình dục, chăm sóc y tế cho người nhiễm trong gia đình, bảo hiểm y tế, chế độ làm việc trong tương lai... Mục tiêu chủ yếu của bước này là để báo động trước cho đối tượng những hậu quả có thể xảy ra về mặt y tế, tâm lý, cuộc sống gia đình cũng như xã hội chứ không phải để tạo sự lo âu không cần thiết. Ngay từ bước này, người tư vấn cũng cần chú ý rằng việc tư vấn trước xét nghiệm không chỉ chuẩn bị riêng cho quá trình xét nghiệm mà còn có khả năng giúp đỡ cho đối tượng thay đổi hành vi của mình để phòng tránh lây nhiễm cho bản thân (nếu kết quả sau đó là âm tính).

- Bước 6

  • Đánh giá mức độ lo lắng của đối tượng trước xét nghiệm. Mục đích của bước này là để tìm hiểu cảm nghĩ của người được tư vấn về HIV/AIDS, khả năng phản ứng của họ trước các kết quả xét nghiệm, đặc biệt nếu là HIV(+) để có thể chuẩn bị tinh thần cho họ chờ đón kết quả. Cần phải an động viên đối tượng và nhấn mạnh rằng tình trạng HIV(+) kể cả khi đã được khẳng định, không có nghĩa là AIDS. Người bị nhiễm HIV còn có khả năng sống một thời gian khá dài nữa. Họ không những phải tìm cách tránh lây truyền cho những người xung quanh mà còn có thể sống một cuộc sống có chất lượng và có ích trong thời gian đó.

- Bước 7

  • Mô tả các bước xét nghiệm, bao gồm việc lấy máu, thời gian chờ đợi, thời gian nhận kết quả, cách thông báo kết quả cho họ. Đồng thời khẳng định lại với đối tượng rằng kết quả xét nghiệm sẽ được giao tận tay họ (trừ khi họ có ý muốn khác) và giữ bí mật.
  • Để làm xét nghiệm, kỹ thuật viên cần phải lấy một lượng máu nhỏ từ tĩnh mạch (ở tay) của đối tượng và làm xét nghiệm tìm kháng thể (đối với đại đa số các trường hợp) hoặc kháng nguyên (hiếm khi làm vì tuy rất có giá trị nhưng lại rất tốn tiền).

- Bước 8

  • Thảo luận với người được tư vấn về lối sống lành mạnh, cách giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm (cho mình và bản thân). Đánh giá trình độ hiểu biết của đối tượng về HIV/AIDS, các cách phòng tránh. Thông qua đó tư vấn bổ sung để nâng cao trình độ hiểu biết của họ, bàn luận trước (một cách sơ bộ) về các cách họ có thể đối phó trước với kết quả xét nghiệm và xử trí. Nhấn mạnh cho đối tượng biết họ có thể có được một số hỗ trợ về mặt xã hội khi cần thiết.

- Bước 9

  • Hẹn đối tượng ngày tư vấn tiếp theo. Thời điểm tư vấn sau xét nghiệm nên được đặt vào cùng với ngày nhận (ngay sau khi nhận) kết quả xét nghiệm để có thể cùng bàn với họ hướng xử trí với từng kết quả cụ thể. Không nên để thời gian từ lúc nhận kết quả đến lúc tư vấn sau xét nghiệm kéo dài, tránh tình trạng người được tư vấn có thể bị khủng hoảng về tinh thần.
  • Cần chú ý rằng cho dù tư vấn trước xét nghiệm có được tiến hành cẩn thận, kỹ lưỡng đến đậu thì ai cũng có thái độ lo lắng, có thể dẫn đến tiêu cực trong thời gian đợi kết quả xét nghiệm. Vì vậy, họ cần phải được hỗ trợ ngay từ khi còn đang chờ kết quả xét nghiệm. Họ cần phải được khuyến khích quay trở lại phòng tư vấn (hoặc gọi điện thoại, nếu cơ sở có máy điện thoại) để được giải đáp những thắc mắc còn tồn tại cũng như hỗ trợ khi cần thiết.

2.3. Tư vấn sau xét nghiệm

  • Người cán bộ trả kết quả xét nghiệm phải có trách nhiệm chuyên môn để có thể tư vấn hoặc giới thiệu đối tượng đến ngay cán bộ tư vấn, đặc biệt là trong trường hợp kết quả HIV dương tính. Kết quả xét nghiệm phải được giao trực tiếp cho đối tượng, không giao vào tay người khác trừ khi đó là ý muốn đã được đối tượng nêu rõ. Không được thông báo kết quả xét nghiệm bằng thư, thông qua điện thoại...
  • Về mặt thời gian, như đã nêu trên, thời điểm tư vấn sau xét nghiệm nên được thu xếp vào cùng ngày hoặc càng sớm càng tốt sau thời điểm nhận kết quả xét nghiệm để có thể kịp thời an ủi động viên người được tư vấn nếu cần.
  • Để tránh phải nhắc đi nhắc lại (hoặc bỏ sót) một nội dung nào đó, người tư vấn sau xét nghiệm tốt nhất nên được bố trí đồng thời là người dã tư vấn trước xét nghiệm. Người tư vấn cũng nên có một phiếu hoặc cuốn sổ ghi chép những điều đã tư vấn/bàn luận từ lần trước. Tuy nhiên, đây là một điều khó thực hiện tại nhiều cơ sở.
  • Trong bất cứ tình huống nào, người tư vấn cũng nên đánh giá lại đối tượng, xem họ đã được cung cấp và còn nhớ những thông tin gì từ lần tư vấn trước để có cơ sở cung cấp thông tin và bàn luận trong lần này, đồng thời nhắc lại những thông tin quan trọng nhất.
  • Việc thông báo cũng như tư vấn, bàn luận về kết quả xét nghiệm cần phải được tiến hành trực tiếp với đối tượng, đảm bảo nguyên tắc kín đáo, giữ bí mật. Người thân của đối tượng chỉ có thể có mặt trong buổi tư vấn nếu đối tượng trực tiếp yêu cầu.

2.3.1. Tư vấn cho người có kết quả HIV âm tính

  • Kết quả xét nghiệm HIV âm tính sẽ khiến cho đối tượng yên tâm, được giải toả. Tuy vậy, đây vẫn là một cơ hội tốt để khuyến khích người được tư vấn thay đổi hành vi nguy cơ cao (nếu có), tránh lây nhiễm cho bản thân trong tương lai. Cần phải nhắc lại những thông tin cơ bản về HIV/AIDS, xác định hành nguy cơ cao, khó khăn và thuận lợi trong việc thay đổi hành vi cũng như khuyến khích, khiến cho đối tượng tự tin thay đổi hành vi.
  • Người tư vấn cũng cần nhắc lại tầm quan trọng của giai đoạn cửa sổ cũng như khả năng âm tính giả (hiếm gặp) và khuyến khích đối tượng tự nguyện đi xét nghiệm lại sau khoảng 3 tháng để có thể khẳng định chắc chắn hơn.
  • Tư vấn cho người có kết quả HIV dương tính đã được khẳng định.
  • Đối tượng có thể đã được chuẩn bị đón nhận kết quả xét nghiệm từ lần tư vấn trước một cách kỹ lưỡng. Tuy vậy, trong lần tư vấn sau xét nghiệm, nếu kết quả HIV dương tính người tư vấn vẫn cần phải thận trọng xem xét và lựa chọn thời gian thích hợp để thông báo kết quả cho đối tượng.
  • Dù đối tượng có thể được chuẩn bị kỹ càng đến đâu trong lần tư vấn trước, việc nhận kết quả HIV dương tính cũng sẽ gây ảnh hưởng nặng nề về tâm lý cho họ. Người tư vấn cần phải hiểu rõ diễn biến tâm lý của họ cũng như những phản ứng có thể xảy ra để kịp thời có hành động hỗ trợ thích hợp.
  • Những khả năng phản ứng của người mới nhận kết quả HIV dương tính và cách xử trí hỗ trợ trong tư vấn

2.3.2. Sốc, choáng

  • Đối tượng tỏ ra bối rối, hoảng loạn, choáng váng, thậm chí có thể xỉu hoặc ngất. Mặc dù có thể đã được chuẩn bị tinh thần từ trước, tỏng tình trạng này, nếu tiếp tục được tư vấn ngay, đối tượng sẽ không hiểu mình đang được nghe nói về vấn đề gì nữa cả. Trong những trường hợp này, đối tượng cần được ở gần một ai đó gần gũi, thân thiết, tin cậy để được chăm sóc, an ủi. Nếu không có người thân ở bên cạnh, người tư vấn cần phải cố tạo mối quan hệ thân thiết để trấn an tinh thần cho họ, giúp họ vượt qua giai đoạn này.

2.3.3. Từ chối

  • Đối tượng tỏ ra không tin vào kết quả, khẳng định là mình không thể bị nhiễm, vẫn khoẻ mạnh bình thường. Đây là một phản ứng mạnh, xảy ra một cách vô thức do sợ hãi và rất hay gặp trong thực tế. Hình thức phản ứng này bắt đầu ngay khi đối tượng được nghe kết quả xét nghiệm và có thể kéo dài hay ngắn tuỳ theo cảm xúc của từng người. Người tư vấn cần phải kiên nhẫn giải thích, không tỏ ra khó chịu đối với đối tượng để làm cho họ hiểu được rằng họ đã bị nhiễm.

2.3.4. Tức giận

  • Đối tượng có thể tỏ ra tức giận đối với bản thân (tự xỉ vả mình, mặc cảm tội lỗi), đối với người khác (thù ghét người truyền bệnh cho mình, muốn trả thù...) hoặc chung chung (hận đời, đổ lỗi cho tất cả mọi người xung quanh. Người tư vấn nên kiên nhẫn lắng nghe, để cho đối tượng nói hết ra những điều bực tức trong lòng để thấy dễ chịu hơn, đồng thời tìm cách xoa dịu đối tượng.

2.3.5. Lo sợ

  • Sau khi qua những giai đoạn khủng hoảng ban đầu, hoặc ngay khi nghe thông báo, người có kết quả HIV dương tính có thể tỏ ra lo sợ trước mọi hậu quả mà họ nghĩ ra được là: sợ đau, mất việc, sợ người khác biết, bạn bè đồng nghiệp ruồng bỏ, xua đuổi, tan vỡ hạnh phúc gia đình, sợ chết... Để làm cho họ yên lòng hơn, người tư vấn cần để cho họ bộc lộ hết từng điều lo lắng của mình, trên cơ sở đó giải thích những quyền lợi của họ (quyền được bí mật, Luật bảo vệ sức khoẻ, Luật lao động, những nghề họ có thể tiếp tục được làm...), cũng như hướng dẫn cho họ thông báo cho gia đình mình hoặc tư vấn cho gia đình họ một cách thích hợp (người bị nhiễm vẫn có thể sống tại nhà mà không làm lây nhiễm cho người khác).

2.3.6. Cô đơn

  • Cảm giác bị mọi người xung quanh bỏ rơi, xa lánh hoặc tự mình muốn thu mình lại, tránh giao tiếp với xã hội bên ngoài. Đây thường là một phản ứng muộn. Trong trường hợp này, người tư vấn cần xác định nguyên nhân để giải quyết vấn đề. Nếu họ thực sự bị gia đình và những người thân xa lánh, cần tư vấn cho cả gia đình họ hiểu rằng HIV không bị lây qua những tiếp xúc thông thường, đồng thời tư vấn cho họ thực hành các hành vi an toàn để tránh lây nhiễm. Nếu đây chỉ là cảm giác của bản thân đối tượng, người tư vấn cần phải thuyết phục người thân trong gia đình cùng tham gia an ủi cho đối tượng. Điều quan trọng là họ cần phải biết được còn có nhiều người cùng cảnh ngộ, có những nhóm “Bạn giúp Bạn”, hỗ trợ xã hội cần thiết.

2.3.7. Mặc cảm

  • Cảm giác như mọi người đều đang chú ý đến mình, bàn bạc về kết quả HIV dương tính của mình, tự cảm thấy có tội lỗi, không xứng đáng với mọi người xung quanh. Hãy tư vấn khẳng định rằng họ vẫn có thể có một cuộc sống hữu ích cho cuộc sống, cho xã hội và khuyến khích họ thay đổi hành vi theo hướng đó.

2.3.8. Chán nản

  • Đối tượng cảm thấy tuyệt vọng, thấy mình vô dụng. Nếu không được tư vấn kịp thời, họ có thể có những phản ứng tiêu cực như bỏ ăn dẫn đến suy kiệt cơ thể hoặc nguy hiểm hơn là có thể tự vẫn. Trong trường hợp này, người tư vấn cần khuyến khích họ giao tiếp với xã hội, những người cùng cảnh ngộ, động viên họ nghĩ về trách nhiệm của mình đối với bản thân và gia đình. Đặc biệt nên vận động người thân của họ tham gia vào quá trình tư vấn để đạt được kết quả tốt.

2.3.9. Chấp nhận

  • Đây có thể được coi là thái độ tích cực và thường là một phản ứng muộn. Tuy nhiên, những đối tượng được tư vấn tốt trước xét nghiệm, đặc biệt là những người có hiểu biết kiến thức, có thể có thái độ này ngay khi được thông báo kết quả HIV dương tính. Sau một thời gian, khi đối tượng đã vượt qua những khủng hoảng ban đầu, họ bắt đầu chấp nhận tình trạng nhiễm HIV, sẵn sàng hợp tác, thay đổi hành vi và tìm giải pháp tốt nhất cho cuộc sống của mình (sống có chất lượng và có ích).
  • Đây là lúc rất thuận lợi để người tư vấn với đối tượng bàn bạc cụ thể và lập kế hoạch cho cuộc sống tương lai (công việc, gia đình, xã hội) cũng như cách chăm sóc sức khoẻ cho bản thân đối tượng.

2.3.10. Hy vọng

  • Đối tượng có thể có thái độ tích cực là hy vọng vào cuộc sống tương lai: có thể tiếp tục sống với tình trạng HIV dương tính một thời gian dài, vẫn còn có khả năng sống một cách có ích, chăm sóc cho gia đình, con cái mình, hy vọng người thân trong gia đình mình vẫn có thể khoẻ mạnh có tương lai. Cần phải tiếp tục động viên an ủi họ giữ được niềm hy vọng ấy, đồng thời vẫn tư vấn cho họ cách phòng tránh lây nhiễm cho những người xung quanh.

2.4. Tư vấn sâu cho người nhiễm HIV

2.4.1. Tư vấn cho người nhiễm HIV về mặt xã hội

  • Nhu cầu liên hệ với người thân quen: nhiều người nhiễm HIV muốn liên hệ, thông báo ngay cho người thân của họ nhưng lại chần chừ do mặc cảm, lo sợ. Người tư vấn nên hỏi đối tượng xem họ có muốn giúp đỡ không, cần liên hệ/thông báo với ai trước để tạo điều kiện thuận lợi cho họ. Khi tiếp xúc với những người này, người tư vấn cần tìm và khuyến khích sự hợp tác của họ. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo nguyên tắc giữ bí mật cho đối tượng, chỉ thông báo cho người thân những thông tin mà người được tư vấn yêu cầu giúp đỡ thông báo.
  • Nhiệm vụ chủ yếu của người tư vấn trong giai đoạn này là hỗ trợ cho người nhiễm HIV đương đầu và tiếp tục sống với bệnh tật một cách có ích. Nếu có thể, cần động viên sự hỗ trợ của người thân trong gia đình họ ngay từ đầu bởi vì hầu như chắc chắn rằng họ sẽ suy sụp rất nhanh nếu không có sự hỗ trợ đó. Nhận thức của người nhiễm HIV về các hỗ trợ xã hội cho họ cũng là điều vô cùng cần thiết. Bởi vậy, cần phải coi trọng việc giới thiệu họ đến với các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ xã hội, nhóm “Bạn giúp Bạn”... Tất cả những hỗ trợ này của gia đình và xã hội cần phải được tiến hành liên tục và kịp thời, không nên để chậm trễ khi tình trạng khủng hoảng tinh thần đã xảy ra.
  • Người tư vấn cũng cần tuỳ theo chuyên môn của mình mà hướng dẫn và giúp đỡ cho những người thân của họ bằng cách cung cấp những thông tin thiết thực cho việc chăm sóc tại nhà và nhu cầu đến với cơ sở y tế khi cần thiết.
  • Nhu cầu được tiếp tục làm việc: rất nhiều người nhiễm HIV lo sợ bị mất việc làm do cơ quan/xí nghiệp nơi họ làm việc biết được rằng họ bị nhiễm HIV. Do đó, người tư vấn cần giữ đúng nguyên tắc bí mật cho đối tượng đồng thời cần tư vấn cho họ tránh làm những công việc có thể dẫn đến lây nhiễm cho người khác.
  • Người nhiễm HIV là những người có nguy cơ cao bị phân biệt đối xử, kỳ thị trong xã hội cũng như trong gia đình. Người thân của họ cũng có nguy cơ bị phân biệt đối xử trong cộng đồng họ sinh sống vì có người trong gia đình nhiễm HIV. Do đó, người tư vấn cần chú ý chỉ thông báo cho người thân, khi được sự đồng ý của đối tượng và giữ bí mật kết quả xét nghiệm đối với những người không liên quan.
  • Việc thông báo cho vợ/chồng/bạn tình của đối tượng nhiễm là một phần thiết yếu của tư vấn nhiễm HIV. Người tư vấn cần phải giải thích cho đối tượng rằng họ có trách nhiệm thông báo kết quả xét nghiệm cho vợ/chồng/bạn tình của họ, khuyến khích những người này đi tư vấn và xét nghiệm cũng như áp dụng các biện pháp dự phòng cho tương lai. Cần phải chuẩn bị cho họ biết các biện pháp dự phòng có thể là nhiều biện pháp khác nhau, từ việc chấm dứt một phần hoặc tất cả các quan hệ thân mật từ trước cho đến việc tiếp tục những quan hệ này nhưng áp dụng những hành vi an toàn/nguy cơ thấp.
  • Trong nhiều trường hợp bị nhiễm, người ta sẽ thấy cả vợ và chồng đều có kết quả xét nghiệm HIV dương tính. Câu hỏi ai là người bị trước và làm lây cho ai có thể được đặt ra. Việc trả lời câu hỏi này dựa vào các kết quả xét nghiệm y tế là hết sức khó khăn, hầu như không thể được. Tuy nhiên, cần tư vấn cho cả hai vợ chồng hiểu rằng điều đó là không có ích gì cho hoàn cảnh hiện tại của họ và không nên tập trung suy nghĩ về vấn đề đó. Ngược lại, họ cần cùng nhau bàn bạc về kế hoạch trong tương lai.
  • Tuỳ từng trường hợp cụ thể, người nhiễm HIV có thể cần quan tâm đến cả những người có nguy cơ nhiễm bệnh tính từ thời điểm người được tư vấn bị phơi nhiễm với HIV. Điều này đòi hỏi đối tượng nhớ lại những lần sinh hoạt tình dục hoặc dùng chung bơm kim tiêm một thời gian dài từ vài tháng đến vài năm trước đây. Cần hỗ trợ cho đối tượng thông báo cho những người khác một cách phù hợp.
  • Trường hợp miễn cưỡng: Thông thường, khi đã được tư vấn tốt, có rất ít trường hợp đối tượng từ chối sử dụng những biện pháp dự phòng thích hợp để phòng tránh lây lan HIV cho người khác. Phần lớn trong số họ sẽ lo lắng về việc HIV có thể tiếp tục lây sang người. Theo luật hiện hành ở Việt Nam, nếu người bị nhiễm HIV từ chối trách nhiệm đề phòng lây lan cho người khác, người tư vấn có trách nhiệm thông báo cho các cấp có thẩm quyền theo quy định của Pháp lệnh phòng chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 31/5/1995.

2.4.2. Tư vấn cho người nhiễm HIV về mặt sức khoẻ

2.4.2.1. Hướng dẫn cho người nhiễm sống lành mạnh

- Tư vấn cho người nhiễm hiểu diễn biến của nhiễm HIV trong cơ thể. Khi cơ thể đã bị nhiễm HIV, có thể có ba xu hướng phát triển:

  •  Hoặc đối tượng có thể mang HIV kéo dài (10 năm hoặc lâu hơn) mà vẫn sống khoẻ mạnh bình thường nếu họ thay đổi hành vi, thực hiện chế độ dinh dưỡng và rèn luyện thân thể tốt.
  •  Hoặc nhiễm HIV có thể phát triển thành AIDS trong vòng 5-7 năm nếu để diễn biến tự nhiên.
  • Hoặc sẽ diễn biến rất nhanh thành AIDs trong thời gian vài năm nếu đối tượng tiếp tục các hành vi nguy cơ dùng chung bơm kim tiêm, sinh hoạt tình dục không an toàn với nhiều người. Những hành vi như vậy một mặt sẽ làm lây nhiễm cho người khác, mặt khác có thể làm họ bị nhiễm thêm, hoặc bị nhiễm các bệnh nhiễm trùng cơ hội một cách nhanh chóng hơn, hoặc bị các nhiễm trùng khác kích hoạt cho HIV phát triển nhanh trong cơ thể. Do đó, tiếp tục có hành vi không an toàn, nguy cơ cao có nghĩa là tự rút ngắn cuộc đời còn lại của mình.

- Khi đã diễn biến thành AIDS, tuỳ theo điều kiện chăm sóc về y tế và xã hội, người bệnh còn có thể sống thêm 15 năm nữa. Các thuốc điều trị hiện nay chỉ nhằm chữa các bệnh nhiễm trùng cơ hội và làm chậm lại sự phát triển của HIV trong cơ thể.

- Hướng dẫn cho người nhiễm áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV cho gia đình và cộng đồng

  •  Không cho máu, tinh dịch, noãn, các cơ quan của cơ thể để dùng cho người khác.
  •  Tránh lây truyền qua đường máu, sử dụng riêng các dụng cụ vệ sinh cá nhân (bàn chải đánh răng, dao cạo râu...) cũng như bơm kim tiêm. Xử lý các đồ vải và chất thải dính máu theo nguyên tắc vô trùng.
  •  Không dùng chung bơm kim tiêm, chỉ sử dụng bơm kim tiêm sạch.
  •  Thực hiện tình dục an toàn, sử dụng bao cao su.
  • Phụ nữ nhiễm HIV không nên có thai, không nên cho con bú.

- Tư vấn cho người nhiễm về chế độ ăn uống, sinh hoạt tập luyện để duy trì cuộc sống khoẻ mạnh

  •  Cần phải ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Đảm bảo vệ sinh ăn uống, không ăn thực phẩm ôi thiu, sống. Các đồ dùng vật dụng chế biến thức ăn phải được rửa sạch bằng nước rửa chén bát, tốt nhất là ngâm trong nước sát khuẩn rồi tráng trước và sau khi sử dụng.
  •  Luyện tập thể dục thẻ thao đều đặn, nhẹ nhàng.
  •  Tránh buồn phiền lo lắng không cần thiết. Gặp gỡ bạn bè và gia đình thường xuyên.
  •  Nghỉ ngơi khi mệt mỏi và đảm bảo ngủ đủ thời gian.
  •  Tiếp tục lao động, làm việc nếu còn khả năng.
  •  Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
  •  Chú ý đến các vấn đề giữ gìn sức khoẻ. Nghe theo lời khuyên của thầy thuốc để tránh các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
  •  Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cá nhân: đánh răng, tắm rửa, thay quần áo. Đối với phụ nữ, thực hiện tốt vệ sinh kinh nguyệt. Băng vệ sinh sau khi dùng phải cho vào túi nilon kín cho vào sọt rác để vứt đi.
  •  Cố gắng tránh các vết thương, sang chấn.
  •  Không uống rượu, hút thuốc lá.
  •  Không tự ý dùng thuốc không có chỉ định của thầy thuốc.
  •  Đi khám bệnh ngay khi bị ốm.

2.4.2.2. Tâm trạng bất an

  • Đây là một phản ứng gần như tự nhiên của mỗi con người khi họ đột nhiên bị bắt buộc phải thay đổi hoàn cảnh sống và làm việc, thích ứng với hoàn cảnh mới. Sự thật về tình trạng nhiễm HIV của đối tượng cùng những thay đổi, đòi hỏi mới và đa dạng trong cuộc sống của bản thân, gia đình và những người xung quanh. Nếu không được trấn an, phản ứng này kéo dài có thể dẫn đến hoang mang lo sợ không cần thiết và ảnh hưởng đến đối tượng cũng như kết quả điều trị.

2.4.2.3. Ảnh hưởng của các bệnh khác

  • Trong quá trình phát triển bệnh, người nhiễm HIV sẽ bị các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Sự xuất hiện của các bệnh nhiễm trùng, ung thư... có ảnh hưởng lớn đến tâm lý của đối tượng. Điều này cũng có thể dẫn đến sự xa lánh của những người xung quanh, kể cả những người thân trong gia đình. Người tư vấn cần thông báo trước cho đối tượng về những bệnh này và giải thích đó là những hiện tượng bình thường. Điều quan trọng là họ cần phải được báo trước để chuẩn bị đối phó với những bệnh đó và được điều trị kịp thời.

2.4.2.4. Lo sợ lây nhiễm HIV

  • Người nhiễm có thể lo sợ một cách quá mức về khả năng làm lây nhiễm HIV cho người khác. Một số người có thể có khó khăn khi muốn quan hệ tình dục. Họ sẽ lo lắng không biết bạn tình của mình sẽ phản ứng như thế nào khi biết mình nhiễm HIV, đồng thời cũng lo lắng tìm cách bảo vệ cho bạn tình của mình không bị nhiễm. Người tư vấn cần động viên cả bạn tình của họ đi xét nghiệm HIV, đồng thời động viên họ thực hiện những hành vi tình dục an toàn để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Điều quan trọng không phải là từ bỏ hoàn toàn, không có quan hệ tình dục mà là thực hiện tình dục an toàn.

2.4.2.5. Khủng hoảng

- Người nhiễm HIV, kể cả sau khi đã vượt qua được cơn sốc ban đầu, là người dễ bị tổn thương hơn hẳn những người bình thường và có thể chịu ảnh hưởng nặng nề của ngay cả những yếu tố như:

  •  Đổ vỡ trong mối quan hệ nào đó.
  •  Thay đổi trong công việc.
  •  Rắc rối, mất mát trong gia đình...

- Ngoài ra, còn có một số yếu tố khác liên quan (trực tiếp hoặc gián tiếp) đến tình trạng nhiễm HIV cũng có thể gây ra khủng hoảng như:

  •  Khi mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
  •  Khi được khuyên bắt đầu điều trị bằng thuốc.
  •  Khi nghe về những sự kiện xã hội, những thông điệp liên quan đến HIV/AIDS.
  •  Bị phân biệt đối xử...

- Người tư vấn cần phải cố gắng chuẩn bị trước cho đối tượng về những vấn đề có thể xảy ra. Khi đối tượng đã bị rơi vào tình trạng khủng hoảng, người tư vấn cần khuyến khích họ giải bày những nỗi sợ hãi, lo lắng, nghi vấn của chính họ và giải đáp thắc mắc nếu cần. Cần giúp đỡ và động viên họ tự giúp đỡ bản thân cũng như tìm sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội, bạn giúp bạn... Việc bản thân họ tích cực tham gia các công tác xã hội cũng là một biện pháp phòng tránh khủng hoảng tinh thần, củng cố sự tự tin.

2.4.2.6. Đau buồn, mất mát, chán nản

  • Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cảm giác mất mát ở người nhiễm HIV, một số liên quan đến những mất mát (thực sự hoặc lo mặc cảm) trong các quan hệ trong gia đình, bạn bè, xã hội, địa vị xã hội, dự kiến trong tương lai, tham vọng (có thể không thực hiện được nữa) cũng như sức khoẻ. Nhiều người bắt buộc phải thay đổi lối sống cũ, phải phụ thuộc mất tính độc lập, khả năng và thói quen sinh hoạt, kể cả sinh hoạt tình dục. Một mặt, cần tư vấn cho gia đình họ về các khía cạnh này để chăm sóc cho người thân bị nhiễm, tránh cho họ cảm giác cô đơn, bị bỏ rơi. Mặt khác, cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi hành vi và động viên bản thân đối tượng rằng đây là những biện pháp họ có thể làm để góp phần tích cực cho sự an toàn của bản thân họ và để tránh lây nhiễm cho những người xung quanh.
  • Người bị nhiễm HIV cũng có thể có cảm giác chán nản, vô vọng, thậm chí dẫn đến tự vẫn. Người tư vấn cần an ủi họ, hướng dẫn tham gia những hoạt động tích cực để tự thấy mình vẫn còn có ích cho bản thân, gia đình, con cái và xã hội như lấy đó làm niềm an ủi cho bản thân.

2.4.2.7. Cảm giác tội lỗi, hổ thẹn

  • Khi đã bị nhiễm, nhiều người sẽ có thể có cảm giác hổ thẹn vì những gì mình đã làm trước đây, nay không thể che giấu gia đình được nữa. Nhiều người cũng có thể cảm thấy mình có tội vì có thể đã làm lây sang người khác, hoặc làm phiền đến người khác khi bị bệnh.

2.5. Những điểm đặc biệt khi tư vấn cho phụ nữ

Ngoài những điểm chung về tư vấn HIV/AIDS đã nêu ở trên, trong việc tư vấn cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ, trong độ tuổi sinh hoạt tình dục, sinh đẻ còn có những điểm đặc biệt mà người tư vấn cần chú ý sau đây:

2.5.1. Tư vấn chung cho phụ nữ về HIV/AIDS

  •  Do cấu trúc giải phẫu, niêm mạc của cơ quan sinh dục nữ có diện tiếp xúc rộng, hơn nữa trong quan hệ tình dục, người phụ nữ là người nhận tinh dịch nên dễ bị lây nhiễm hơn nam giới. Thêm vào đó, khi bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh thường khó phát hiện ở phụ nữ hơn nam giới, nên dễ trở thành mạn tính gây vết viêm loét ở cơ quan sinh dục, tăng khả năng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục.
  • Trong quá trình thực hiện chức năng sinh sản, mang thai, chuyển dạ và đẻ, sức khoẻ hay bị suy sụp, người phụ nữ dễ bị mất máu nên phải truyền dịch, truyền máu... nên cũng dễ bị lây nhiễm.
  • Những nhu cầu làm đẹp như phẫu thuật thẩm mỹ, xấu tai, xăm, nếu không được thực hiện hợp vệ sinh cũng có thể là nguồn gây phơi nhiễm.
  •  Ngoài ra, do những bất bình đẳng giới còn tồn tại, nhiều chị em không có khả năng chủ động sử dụng biện pháp bảo vệ như bao cao su, thực hiện tình dục an toàn nên dễ bị lây nhiễm hơn nam giới.
  •  Nên khuyên người phụ nữ xét nghiệm HIV trước khi quyết định có thai. Nhấn mạnh ý nghĩa của khả năng lây truyền từ mẹ sang con nếu họ có thai và nhiễm HIV. Nếu đã có thai, họ cần được khám thai định kỳ và khuyên xét nghiệm HIV sớm để có thể xử trí kịp thời.

2.5.2. Tư vấn cho thai phụ/sản phụ bị nhiễm HIV

  •  Nên tư vấn sớm cho những người phụ nữ nhiễm HIV không nên có thai vì những lý do đã nêu ở trên.
  •  Nếu người phụ nữ đã có thai, hãy cung cấp cho họ những thông tin về khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con cũng như điều trị dự phòng để họ tự có được sự lựa chọn đúng đắn về cách xử trí với quá trình thai nghén, tuỳ thuộc vào nhu cầu, hoàn cảnh của họ cũng như tình trạng thai, kể cả tuổi thai.
  • Đặc biệt, với những phụ nữ mới có thai (tuổi thai dưới 12 tuần theo kinh cuối cùng), cần tập trung tư vấn cho họ tự nguyện phá thai vì khả năng lây truyền từ mẹ sang con là khá cao.
  • Trong trường hợp người phụ nữ và gia đình đồng ý tự nguyện phá thai sau khi đã được tư vấn thông tin đầy đủ và có chỉ định phá thai (thai còn nhỏ, ở ba tháng đầu hoặc ba tháng giữa), có thể giải quyết phá thai áp dụng các biện pháp thích hợp. Những trường hợp này, thai phụ cần phải được chăm sóc tại các cơ sở có khả năng phẫu thuật (có bác sĩ chuyên khoa sản và phòng mổ), khoa sản bệnh viện huyện hoặc các bệnh viện tỉnh. Sau khi phá thai, những phụ nữ này cần được tư vấn để tiếp tục điều trị.
  •  Nếu tuổi thai quá lớn (từ 16-20 tuần trở đi), không có chỉ định phá thai hoặc đối tượng tư vấn muốn giữ thai để đẻ thì họ cần phải được tư vấn về nhu cầu cần thiết phải được gửi lên các khoa sản bệnh viện tỉnh hoặc cấp cao hơn để xác định có ý kiến can thiệp cụ thể về mặt điều trị và theo dõi. Họ cần phải được điều trị hoặc tiếp tục sử dụng các thuốc chống HIV để hạ thấp khả năng lây truyền từ mẹ sang con trong thời gian mang thai (đối với AZT) và chuyển dạ đẻ (AZT hoặc nevirapin). Việc chăm sóc trước sinh và đỡ đẻ cần phải được thực hiện tại các cơ sở này để đảm bảo việc áp dụng những quy trình kỹ thuật cần thiết.
  •  Trong bất kể trường hợp nào (người phụ nữ hoặc cặp vợ chồng quyết định chấm dứt thai kỳ hay tiếp tục theo dõi để đẻ) thì họ cũng cần được khuyên theo dõi hoặc tiến hành thủ thuật ở những cơ sở có chuyên môn, đủ điều kiện tuân theo các quy trình phòng tránh nhiễm khuẩn cần thiết để phòng tránh cho bản thân họ và những người khác.
  •  Trong trường hợp phụ nữ có thai bị nhiễm HIV muốn sinh con, hoặc phát hiện ra nhiễm HIV trong quá trình chuyển dạ đẻ thì họ cần phải được tư vấn về trách nhiệm đối với đứa con, không nên bỏ rơi nhưng cũng không nên cho con bú vì khả năng lây nhiễm.
  •  Người làm công tác tư vấn cần phải đánh giá một cách nhạy cảm nhu cầu và điều kiện của người mẹ để đưa ra lời khuyên hợp lý cho việc nuôi con của họ bởi vì họ vẫn chăm sóc con đầy đủ nhưng chỉ không cho con bú và cũng cần nói rõ việc cán bộ y tế sẽ giúp họ (ví dụ như trong việc làm giảm hoặc ngừng sự bài tiết sữa sau khi đẻ).
  • Cần tư vấn cho bà mẹ về tầm quan trọng của việc cho trẻ sơ sinh uống siro AZT hoặc nevirapin sau đẻ phòng tránh lây nhiễm cho con để họ chấp nhận điều trị cho trẻ.
  •  Người tư vấn nên khuyên các bà mẹ nhiễm HIV tuân theo các hướng dẫn y tế để tạo điều kiện thuận lợi cho họ không cho con bú cũng như trong các quy trình chăm sóc sau đẻ khác như tắm cho con, chăm sóc dây rốn, chăm sóc chính bản thân mình, kể cả chăm sóc vú phòng tránh những vết thương có thể xảy ra (ví dụ như tránh xây xát ở da gây chảy máu...).
  • Nếu không được điều trị dự phòng, tỉ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con khoảng 20-35%. Trong khi đó nếu được điều trị dự phòng đúng cách (điều trị trong tử cung từ khi tuổi thai 36 tuần bằng AZT hoặc lúc mẹ chuyển dạ bằng nevirapin cũng như cho trẻ uống siro và cho ăn thức ăn thay thế) thì tỉ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con chỉ còn khoảng 8-10%.
  • Người tư vấn cần hướng dẫn cho các bà mẹ nhiễm HIV tiếp tục theo dõi và điều trị sau đẻ, bồi dưỡng cơ thể, điều trị bằng thuốc3) và tuân thủ chế độ chống thiếu máu thiếu sắt cũng như các nhiễm trùng cơ hội họ có thể mắc phải trong thời gian nuôi con.

 

Bài viết nghiên cứu có thể bạn quan tâm
Ghép màng nuôi cấy tế bào các loại điều trị vết thương, vết bỏng - Bộ y tế 2013
  •  1 năm trước

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành bỏng - Bộ y tế 2013

Protein niệu ở thai kỳ - Bộ y tế 2015
  •  1 năm trước

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về thận, tiết niệu - Bộ y tế 2015

Biến chứng thường gặp ở bệnh nhân lọc màng bụng liên tục ngoại trú. - Bộ y tế 2015
  •  1 năm trước

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh về thận, tiết niệu - Bộ y tế 2015

Tin liên quan
Nhiễm HIV/AIDS trong thai kỳ
Nhiễm HIV/AIDS trong thai kỳ

Nếu bạn bị HIV dương tính, việc điều trị thích hợp có thể làm giảm đáng kể nguy cơ lây lan virus sang em bé và điều này rất cần thiết để bảo vệ sức khoẻ của bạn.

Phụ nữ bị bệnh tiểu đường cần biết gì trước khi mang thai?
Phụ nữ bị bệnh tiểu đường cần biết gì trước khi mang thai?

Bị tiểu đường nhưng không kiểm soát được trước khi thụ thai có thể tạo ra những khác biệt lớn trong kết quả thai kỳ.

Bệnh ung thư của tôi đang thuyên giảm, cần lưu ý gì trước khi mang thai?
Bệnh ung thư của tôi đang thuyên giảm, cần lưu ý gì trước khi mang thai?

Hầu hết phụ nữ đã được điều trị ung thư và hiện tại không còn bệnh đều có thể tự tin mang thai.

Mang thai ở độ tuổi 40
Mang thai ở độ tuổi 40

Không thể phủ nhận rằng tỷ lệ thụ thai của bạn sẽ thấp hơn nhiều so với vài năm trước đây. Các chuyên gia cho biết, sau 45 tuổi hầu như không thể mang thai bằng trứng của chính bạn.

Mang thai ở độ tuổi 30
Mang thai ở độ tuổi 30

Nhiều người coi những năm 30 là điều kiện hạnh phúc để làm mẹ.

Hỏi đáp có thể bạn quan tâm
Thiếu cân có ảnh hưởng đến khả năng mang thai không?
  •  4 năm trước
  •  1 trả lời
  •  918 lượt xem

- Bác sĩ cho tôi hỏi, thiếu cân có ảnh hưởng đến khả năng mang thai không? Cảm ơn bác sĩ!

Bị nhiễm HPV có ảnh hưởng đế cơ hội mang thai hay không?
  •  4 năm trước
  •  1 trả lời
  •  950 lượt xem

- Thưa bác sĩ, tôi bị nhiễm HPV. Điều này có ảnh hưởng đến cơ hội thụ thai của hai vợ chồng tôi không ạ? Cảm ơn bác sĩ!

Trà xanh có hỗ trợ mang thai không?
  •  4 năm trước
  •  1 trả lời
  •  903 lượt xem

- Tôi nghe nhiều người nói uống trà xanh hàng ngày có thể giúp phụ nữ dễ mang thai hơn. Điều này có đúng không, thưa bác sĩ?

Có thể mang thai trong suốt thời gian bị kinh nguyệt không?
  •  4 năm trước
  •  1 trả lời
  •  1734 lượt xem

- Thưa bác sĩ, liệu tôi có thể mang thai nếu quan hệ trong thời gian đang ra hành kinh không? Cảm ơn bác sĩ!

Bị bệnh da liễu mạn tính có cần điều trị đặc biệt gì trước khi mang thai không?
  •  4 năm trước
  •  1 trả lời
  •  1168 lượt xem

- Thưa bác sĩ, tôi bị bệnh da liễu mạn tính. Tôi có cần điều trị đặc biệt gì trước khi mang thai không ạ? Cảm ơn bác sĩ!

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây