Tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ thấp là gì?
Định nghĩa
Tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ thấp (low-grade squamous intraepithelial lesion - LSIL) là một tình trạng bất thường xảy ra ở cổ tử cung, được phát hiện ra khi làm xét nghiệm Pap. Còn được gọi là chứng loạn sản nhẹ, tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ thấp có nghĩa là các tế bào cổ tử cung bắt đầu có biểu hiện bất thường nhưng chưa phải là ung thư.
Mô trên bề mặt cổ tử cung được tạo thành từ các tế bào vảy. Xét nghiệm Pap hay phết tế bào cổ tử cung là phương pháp được thực hiện để tầm soát ung thư cổ tử cung, tiền ung thư và các bất thường khác ở tế bào cổ tử cung.
Trong số những trường hợp có kết quả xét nghiệm Pap bất thường thì đa số đều không bị ung thư cổ tử cung. Tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ thấp có thể tự khỏi nhưng cần xét nghiệm lại sau vài tháng để theo dõi.
Các triệu chứng
Tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ thấp không có bất kỳ triệu chứng nào nên phụ nữ sẽ chỉ biết mình có tế bào bất thường trên cổ tử cung khi làm xét nghiệm Pap. Vì lý do này nên việc tầm soát định kỳ là rất quan trọng để chẩn đoán và điều trị sớm.
Khuyến nghị tầm soát ung thư cổ tử cung
Khuyến nghị về tần suất tầm soát ung thư cổ tử cung theo từng nhóm tuổi như sau:
- Từ 21 – 29 tuổi: xét nghiệm Pap 3 năm một lần
- Từ 30 – 65 tuổi: chọn 1 trong 3 phương án:
- Chỉ xét nghiệm HPV: 5 năm một lần
- Cả xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV: 5 năm một lần
- Chỉ xét nghiệm Pap: 3 năm một lần
Sẽ cần làm xét nghiệm thường xuyên hơn nếu bị HIV/AIDS, có hệ miễn dịch suy yếu do những nguyên nhân khác hoặc có tiển sử tổn thương tiền ung thư hay ung thư cổ tử cung trước đây.
LSIL và ung thư
Tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ thấp không phải là ung thư. Mặc dù xét nghiệm Pap được sử dụng để tầm soát ung thư cổ tử cung nhưng không thể xác định chắc chắn các tế bào bất thường có phải là ung thư hay không. Vì vậy nên sẽ cần thêm phương pháp sinh thiết cổ tử cung.
Xét nghiệm Pap cho thấy các tế bào tiền ung thư và những thay đổi bất thường khác có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Điều này rất quan trọng vì khi phát hiện sớm dấu hiệu tiền ung thư thì có thể can thiệp điều trị để không phát triển thành ung thư. Phần lớn những trường hợp ung thư cổ tử cung đều xảy ra ở những phụ nữ không làm xét nghiệm Pap định kỳ.
Tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ thấp thường là do nhiễm HPV (virus u nhú ở người). Một số chủng HPV gây biến đổi tế bào bất thường và dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Tuy nhiên, không phải ai nhiễm những chủng HPV này cũng đều bị ung thư. Hơn nữa, có thể phải sau từ 10 đến 20 năm hoặc thậm chí lâu hơn kể từ thời điểm nhiễm HPV thì mới phát sinh ung thư.
Tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ cao
Trong khoảng 10% trường hợp, tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ thấp tiến triển thành tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ cao (high-grade squamous intraepithelial lesions - HSIL) trong vòng 2 năm. Những người từ 30 tuổi trở lên có nguy cơ gặp phải vấn đề này cao hơn so với những người ở độ tuổi 20.
Tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ cao có nghĩa là những thay đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung đã trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu không điều trị, tình trạng này có thể phát triển thành ung thư cổ tử cung. Trong những trường hợp như vậy, bác sĩ sẽ yêu cầu làm các xét nghiệm khác như soi cổ tử cung, sinh thiết và loại bỏ các khu vực tế bào bất thường.
Tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ cao còn được gọi là chứng loạn sản vừa hoặc nặng.
Nguyên nhân
Hầu hết những phụ nữ bị tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ thấp đều bị nhiễm HPV. Gần như tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung đều là do virus này gây ra.
Cần làm gì khi bị tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ thấp?
Nếu kết quả xét nghiệm Pap cho thấy các bất thường nhẹ (LSIL) thì bác sĩ sẽ đưa ra các khuyến nghị điều trị dựa trên độ tuổi, số lần xét nghiệm Pap cho kết quả bất thường và các yếu tố nguy cơ ung thư cổ tử cung khác.
Các chỉ định có thể được đưa ra:
- Tiếp tục xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV ngay lập tức hoặc sau 12 tháng. Các phương pháp xét nghiệm này có thể được thực hiện cùng một lúc.
- Xét nghiệm định type HPV để phát hiện HPV chủng 16 hoặc 18 – hai chủng HPV gây ra phần lớn các ca ung thư cổ tử cung.
- Soi cổ tử cung: một thủ thuật trong đó bác sĩ kiểm tra cổ tử cung bằng một thiết bị phóng đại hình ảnh. Thủ thuật này được thực hiện tương tự như quy trình khám phụ khoa. Nếu thấy mô đáng ngờ trong quá trình soi cổ tử cung thì sẽ cần lấy mẫu bệnh phẩm để phân tích (sinh thiết).
Nếu xét nghiệm Pap lần thứ hai cũng cho kết quả bất thường thì sẽ cần phải làm lại một lần nữa sau 12 tháng. Nếu lúc này có kết quả bình thường thì có thể quay lại tần suất xét nghiệm thông thường.
Vì tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ thấp có thể tiến triển thành tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ cao và ung thư nên cần đi tái khám để làm xét nghiệm theo chỉ định.
Có cần điều trị không?
Theo một nghiên cứu lớn vào năm 2017, hầu hết những phụ nữ bị tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ thấp đều có kết quả xét nghiệm HPV dương tính. Khoảng 90% trong số đó cơ thể tự chống lại virus và thay thế các tế bào bất thường bằng tế bào khỏe mạnh trong vòng 2 năm. Điều này chủ yếu diễn ra ở thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ.
Nếu cơ thể không thể chống lại HPV và xét nghiệm Pap tiếp tục cho thấy tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ thấp thì sẽ cần phẫu thuật loại bỏ các tế bào bất thường.
Các tế bào sẽ được loại bỏ bằng một trong các cách dưới đây:
- Cắt bỏ bằng vòng điện (LEEP): sử dụng một vòng tròn bằng kim loại nhỏ, mảnh, có dòng điện chạy qua để loại bỏ các khu vực bất thường
- Khoét chóp cổ tử cung: sử dụng dao mổ để loại bỏ một phần mô hình nón có tế bào bất thường ở cổ tử cung
- Phẫu thuật lạnh hay áp lạnh: sử dụng dụng cụ làm lạnh sâu để đóng băng và phá hủy các tế bào bất thường
- Liệu pháp laser: phá hủy các tế bào cổ tử cung bất thường bằng chùm ánh sáng hội tụ
Quá trình hồi phục sau điều trị
Tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ thấp thường tự khỏi và HPV cũng biến mất khỏi cơ thể sau một thời gian. Trong những trường hợp này thì không cần thiết phải điều trị.
Nhưng nếu hệ miễn dịch yếu và không thể chống lại HPV thì sẽ cần điều trị.
Các phương pháp phẫu thuật cắt bỏ và phá hủy tế bào bất thường đều là các thủ thuật ngoại trú, có nghĩa là có thể về ngay sau khi hoàn tất. Bệnh nhân sẽ bị đau trong khoảng một vài ngày. Hiện tượng dịch âm đạo ra nhiều và lỏng có thể kéo dài trong vài ngày đến vài tuần, tùy thuộc vào thủ thuật được thực hiện. Không nên quan hệ tình dục trong vài tuần sau khi thực hiện thủ thuậ cho đến khi cổ tử cung lành hoàn toàn.
LSIL có lây không?
Tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ thấp không lây nhưng HPV là một bệnh lây truyền qua đường tình dục. Điều này có nghĩa là virus có thể lây từ người này sang người khác qua quan hệ tình dục đường âm đạo, đường hậu môn hoặc đường miệng.
HPV phổ biến đến mức gần như bất cứ ai có quan hệ tình dục cũng bị nhiễm vào một thời điểm nào đó nhưng đa phần là tự khỏi. Không phải lúc nào nhiễm HPV cũng biểu hiện triệu chứng nên nhiều người không hề biết mình bị nhiễm virus.
Nếu kết quả xét nghiệm Pap cho thấy tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ thấp thì cần tuân theo các khuyến nghị sàng lọc trong tương lai.
Ngăn ngừa ung thư cổ tử cung
Một biện pháp để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung là làm xét nghiệm Pap định kỳ. Cách này giúp phát hiện sớm và xử lý các tế bào bất thường trước khi chúng phát triển thành ung thư.
Khi nào không cần tầm soát?
Không cần thiết phải tầm soát ung thư cổ tử cung nếu đã phẫu thuật cắt tử cung toàn phần không phải vì lý do ung thư hay tiền ung thư.
Nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn về kế hoạch tầm soát phù hợp nhất.
Một cách quan trọng nữa để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung là tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV. Tuy nhiên, vắc-xin này không thể bảo vệ hoàn toàn khỏi ung thư nên dù đã tiêm thì vẫn cần tầm soát định kỳ.
Ngoài ra, để tránh bị ung thư cổ tử cung thì không được hút thuốc, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và không quan hệ với nhiều người để giảm nguy cơ nhiễm HPV.
Tóm tắt bài viết
Tổn thương tế bào biểu mô vảy mức độ thấp thường tự khỏi hoặc có thể điều trị để không phát triển thành ung thư cổ tử cung.
Mặc dù tình trạng này không phải là ung thư nhưng cần làm xét nghiệm Pap định kỳ theo khuyến nghị để phát hiện sớm và điều trị các tế bào bất thường trước khi chúng trở thành ung thư.