Tăng huyết áp gây hại cho cơ thể như thế nào?

Huyết áp được thể hiện qua hai chỉ số là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Huyết áp tâm thu là áp lực máu tác động lên thành mạch khi tim co bóp và huyết áp tâm trương là áp lực máu khi tim nghỉ giữa các lần co bóp. Ở người trưởng thành, huyết áp dưới 120/80 mmHg (huyết áp tâm thu dưới 120 mmHg và huyết áp tâm trương dươi 80 mmHg) được coi là bình thường.
Tăng huyết áp thường không có triệu chứng cho đến khi xảy ra biến chứng. Đó là lý do tại sao cần đo huyết áp thường xuyên và hiểu về chỉ số huyết áp.
Tăng huyết áp ảnh hưởng đến hầu hết mọi hệ thống trong cơ thể.
Hệ tuần hoàn
Ban đầu, tăng huyết áp chỉ gây ra những tổn hại nhẹ nhưng tổn hại sẽ tăng dần theo thời gian. Càng để lâu không được phát hiện hoặc kiểm soát, những vấn đề do tăng huyết áp gây ra sẽ càng nghiêm trọng.
Động mạch và các mạch máu khác có nhiệm vụ mang máu đi khắp cơ thể và cung cấp máu cho các mô. Áp lực máu cao sẽ dần dần làm hỏng thành động mạch.
Ban đầu, thành động mạch sẽ có những vết rách nhỏ. Cholesterol xấu trong máu sẽ tích tụ trong những vết rách này. Khi có quá nhiều cholesterol tích tụ trong thành động mạch, lòng động mạch sẽ bị hẹp lại và máu khó chảy qua.
Điều này làm giảm lưu lượng máu đến các mô và cơ quan. Sự gián đoạn dòng máu đến tim có thể gây đau ngực, rối loạn nhịp tim và nhồi máu cơ tim.
Khi huyết áp tăng cao và động mạch bị hẹp hoặc tắc, tim sẽ phải co bóp mạnh hơn để bơm máu đi khắp cơ thể. Theo thời gian, tình trạng này sẽ khiến cho thành của tâm thất trái (buồng dưới bên trái của tim) dày lên. Điều này sẽ càng làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Suy tim là khi tim yếu đi và giảm khả năng bơm máu. Tình trạng này xảy ra do huyết áp cao, tim phải làm việc quá sức hoặc do nhồi máu cơ tim. Các triệu chứng của suy tim gồm có:
- Khó thở, hụt hơi
- Sưng ở bàn chân, mắt cá chân, cẳng chân hoặc bụng phình to
- Mệt mỏi, suy yếu
- Đau ngực
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều.
Huyết áp cao còn có thể khiến cho động mạch suy yếu bị phình lên. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ đâu trong cơ thể.
Túi phình ngày càng lớn và thường không được phát hiện cho đến khi chèn ép lên vùng lân cận và gây đau hoặc bị vỡ.
Vỡ túi phình động mạch có thể gây tử vong nếu xảy ra ở một trong những động mạch chính.
Hệ thần kinh
Tăng huyết áp có thể dẫn đến sa sút trí tuệ và suy giảm nhận thức. Giảm lưu lượng máu đến não sẽ gây ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng suy nghĩ.
Huyết áp cao không chỉ làm hỏng các mạch máu của tim mà còn làm hỏng cả các động mạch trong não. Khi một động mạch cấp não cho não bị tắc nghẽn hoặc vỡ, một vùng của não sẽ không nhận được máu và cơn đột quỵ sẽ xảy ra. Khi bị thiếu oxy, các tế bào não sẽ bắt đầu chết.
Cơ hội sống sót và nguy cơ tổn thương não vĩnh viễn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ và tốc độ điều trị.
Các mạch máu trong mắt cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tăng huyết áp. Huyết áp cao có thể làm vỡ các mạch máu này và dẫn đến vấn đề về thị lực như mờ mắt hoặc mù lòa. Huyết áp cao còn có thể gây tích tụ dịch bên dưới võng mạc.
Hệ xương
Huyết áp cao có thể làm tăng lượng canxi bị đào thải qua nước tiểu, từ đó làm giảm mật độ khoáng chất trong xương và dẫn đến loãng xương. Những phụ nữ đã mãn kinh có nguy cơ đặc biệt cao. Loãng xương khiến xương suy yếu và dễ gãy.
Hệ hô hấp
Giống như não và tim, các động mạch trong phổi cũng có thể bị tổn thương và tắc nghẽn do tăng huyết áp. Tắc nghẽn ở một động mạch mang máu đến phổi sẽ gây thuyên tắc phổi. Đây là một tình trạng rất nghiêm trọng và cần được điều trị khẩn cấp. Phình động mạch cũng có thể xảy ra ở phổi.
Ngưng thở khi ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ có đặc điểm là hơi thở gián đoạn nhiều lần trong khi ngủ. Những người bị ngưng thở khi ngủ thường cảm thấy không tỉnh táo khi thức dậy. Nghiên cứu cho thấy chứng ngưng thở khi ngủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp.
Hệ sinh dục
Huyết áp cao có thể gây tắc nghẽn các mạch máu mang máu đến dương vật hoặc âm đạo và dẫn đến rối loạn chức năng tình dục.
Nam giới có thể bị rối loạn cương dương – tình trạng khó đạt được hoặc duy trì sự cương cứng dương vật và phụ nữ có thể gặp phải những vấn đề như:
- Giảm khoái cảm
- Khô âm đạo
- Khó đạt cực khoái
Hệ tiết niệu
Thận có chức năng lọc chất thải ra khỏi máu và bài tiết vào nước tiểu. Ngoài ra, cơ quan này còn điều hòa thể tích và áp lực máu. Để thực hiện tốt các chức năng này, thận cần có các mạch máu khỏe mạnh.
Huyết áp cao có thể làm hỏng các mạch máu lớn dẫn đến thận và các mạch máu nhỏ bên trong thận. Theo thời gian, điều này sẽ khiến chức năng thận suy giảm. Tình trạng này được gọi là suy thận.
Trên thực tế, tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân chính gây suy thận. Khi suy thận tiến triển sang giai đoạn cuối, người bệnh sẽ phải lọc máu hoặc ghép thận.
Tóm tắt bài viết
Tăng huyết áp mặc dù không có triệu chứng nhưng lại âm thầm gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể. Đó là lý do tại sao cần đo huyết áp thường xuyên để phát hiện sớm tình trạng này. Duy trì thói quen lối sống lành mạnh như tập thể dục đều đặn, ăn nhiều rau củ quả, hạn chế đường, muối và chất béo xấu, không hút thuốc và uống rượu bia vừa phải sẽ giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp và kiểm soát huyết áp khi bị tăng huyết áp.

Tăng huyết áp không được coi là một loại bệnh tim mạch nhưng có thể dẫn đến bệnh tim mạch.

Nhiều người sợ đi máy bay do sợ độ cao, sợ không gian hẹp hoặc lo sợ xảy ra tai nạn. Đối với những người mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch hoặc tăng huyết áp, mỗi chuyến bay lại đi kèm những nỗi lo khác.

Khó thở có thể là do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có tăng huyết áp và tăng áp phổi.

Lo âu có thể gây ra nhiều triệu chứng về thể chất, trong đó có tăng huyết áp. Mặc dù lo lắng không gây ra tình trạng tăng huyết áp mạn tính nhưng cả lo lắng ngắn hạn và mạn tính đều có thể khiến huyết áp tăng vọt.

Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành động mạch. Huyết áp tăng và giảm một chút vào các thời điểm khác nhau trong ngày là điều bình thường. Tuy nhiên, khi huyết áp duy trì ở mức cao trong một thời gian dài thì được gọi là tăng huyết áp, hay cao huyết áp. Đây là một vấn đề rất phổ biến.