Tán sỏi ngoài cơ thể là gì?
Sỏi thận xảy ra khi khoáng chất và các chất khác trong nước tiểu kết tinh trong thận, tạo thành khối rắn. Sỏi thận có thể gồm có các tinh thể nhỏ và có cạnh sắc nhọn hoặc bề mặt nhẵn mịn. Sỏi thận nhỏ thường trôi ra ngoài một cách tự nhiên khi đi tiểu.
Tuy nhiên, nếu sỏi thận có kích thước quá lớn thì cơ thể sẽ không thể đào thải qua nước tiểu. Sỏi có thể mắc kẹt lại ở thận hoặc gây tắc nghẽn đường tiết niệu và dẫn đến tổn thương thận. Những người bị sỏi thận có thể gặp phải các triệu chứng như tiểu ra máu, đau dữ dội hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Trong những trường hợp mà sỏi thận không thể tự trôi ra ngoài và gây ra những vấn đề này, một giải pháp điều trị là tán sỏi ngoài cơ thể.
Cơ chế của tán sỏi ngoài cơ thể
Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể sử dụng sóng âm thanh để phá vỡ sỏi thận lớn thành những mảnh nhỏ hơn. Loại sóng âm thanh này còn được gọi là sóng xung kích năng lượng cao. Loại tán sỏi ngoài cơ thể được sử dụng phổ biến nhất là tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích (extracorporeal shock wave lithotripsy - ESWL).
Trong quá trình tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích, một thiết bị tạo ra sóng xung kích, sau đó sóng đi vào cơ thể người bệnh và phá vỡ những viên sỏi.
Phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích đã xuất hiện từ đầu những năm 1980 và nhanh chóng được sử dụng rộng rãi thay cho phẫu thuật để điều trị cho những ca bệnh có sỏi thận kích thước lớn. Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích là một thủ thuật không xâm lấn, có nghĩa là không cần phẫu thuật. Các thủ thuật không xâm lấn thường an toàn hơn và người bệnh phục hồi nhanh hơn so với các thủ thuật xâm lấn.
Quá trình tán sỏi ngoài cơ thể thường mất khoảng 45 phút đến một tiếng. Phương pháp này được thực hiện với một số phương pháp vô cảm như gây tê tại chỗ, gây tê vùng hoặc gây mê toàn thân để người bệnh không cảm thấy đau đớn, khó chịu.
Sau thủ thuật, các mảnh sỏi sẽ trôi ra khỏi thận hoặc niệu quản (ống nối từ thận đến bàng quang) theo nước tiểu.
Chuẩn bị trước khi điều trị
Người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc đang dùng, cả thuốc kê đơn lẫn thuốc không kê đơn và thực phẩm chức năng. Một số loại thuốc, chẳng hạn như aspirin, ibuprofen, warfarin và các loại thuốc làm loãng máu khác, có thể gây cản trở khả năng đông máu và làm tăng rủi ro trong quá trình thực hiện thủ thuật.
Người bệnh có thể phải ngừng dùng các loại thuốc này trước khi điều trị. Tuy nhiên, nếu đang dùng thuốc kê đơn thì không được tự ý ngừng thuốc mà phải hỏi ý kiến bác sĩ trước.
Một số người chỉ cần gây tê tại chỗ hay gây tê vùng khi tán sỏi ngoài cơ thể nhưng hầu hết người bệnh đều cần gây mê toàn thân để hoàn toàn không cảm nhận đau đớn trong suốt quá trình điều trị. Nếu cần gây mê toàn thân, người bệnh sẽ phải nhịn ăn trong ít nhất 6 giờ trước thủ thuật.
Nếu điều trị bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích và sử dụng phương pháp gây mê toàn thân thì người bệnh cần nhờ người đưa đón vì gây mê toàn thân sẽ khiến người bệnh không tỉnh táo sau thủ thuật và không thể tự lái xe.
Tán sỏi ngoài cơ thể được thực hiện như thế nào?
Tán sỏi ngoài cơ thể là một thủ thuật ngoại trú, có nghĩa là người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày mà không cần phải ở lại bệnh viện.
Đầu tiên, người bệnh sẽ thay đồ và nằm trên bàn điều trị. Sau đó, người bệnh sẽ được gây mê và dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Trong quá trình tán sỏi ngoài cơ thể, sóng xung kích năng lượng cao sẽ đi qua cơ thể người bệnh cho đến khi đến được sỏi thận. Sóng xung kích sẽ phá vỡ sỏi thành những mảnh rất nhỏ có thể dễ dàng đi qua đường tiết niệu.
Sau khi hoàn tất quá trình điều trị, người bệnh sẽ được theo dõi trong khoảng hai giờ trước khi ra về. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp cần phải ở lại bệnh viện lâu hơn để theo dõi thêm. Người bệnh nên nghỉ ngơi hoàn toàn từ 1 – 2 ngày và cần uống nhiều nước trong vài tuần sau khi tán sỏi ngoài cơ thể. Uống nhiều nước sẽ giúp thận đào thải hết những mảnh sỏi còn sót lại.
Rủi ro của tán sỏi ngoài cơ thể
Giống như hầu hết các thủ thuật y tế khác, tán sỏi ngoài cơ thể cũng có một số rủi ro như chảy máu trong và cần phải truyền máu hay nhiễm trùng và thậm chí tổn thương thận khi một mảnh sỏi gây cản trở dòng nước tiểu chảy ra khỏi thận. Phương pháp điều trị này có thể làm hỏng thận và khiến thận không còn hoạt động tốt như trước.
Mặc dù hiếm gặp nhưng tán sỏi ngoài cơ thể còn có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng như tăng huyết áp hoặc suy thận.
Tán sỏi ngoài cơ thể có loại bỏ được hết sỏi thận không?
Quá trình hồi phục sau khi tán sỏi ngoài cơ thể ở mỗi ca bệnh là khác nhau tùy vào số lượng và kích thước của sỏi nhưng phương pháp điều trị này đa phần có thể loại bỏ hoàn toàn sỏi thận. Trong một số trường hợp, người bệnh cần điều trị 2 – 3 lần để loại bỏ hết sỏi. Mặc dù tán sỏi ngoài cơ thể là một phương pháp điều trị rất hiệu quả nhưng sỏi thận có thể tái phát sau điều trị.