1

Statin: Các lợi ích và tác dụng phụ

Statin là một nhóm thuốc được dùng để điều chỉnh mức cholesterol và điều trị một số vấn đề sức khỏe khác.
Statin: Các lợi ích và tác dụng phụ Statin: Các lợi ích và tác dụng phụ

Cholesterol là một loại chất béo, có dạng sáp, tồn tại trong tất cả các tế bào và là một chất rất cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể.

Tuy nhiên, lượng cholesterol quá cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Cholesterol có thể gây tích tụ mảng bám (mảng xơ vữa) trong lòng động mạch, làm cản trở sự lưu thông máu và tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.

Statin là một nhóm thuốc được dùng để điều chỉnh mức cholesterol và điều trị một số vấn đề sức khỏe khác. Nhưng nhóm thuốc này cũng đi kèm các tác dụng phụ và rủi ro.

Statin là gì?

Statin là một nhóm thuốc kê đơn giúp giảm cholesterol. Statin có tác dụng ức chế HMG-CoA reductase – một loại enzyme mà cơ thể sử dụng để tạo ra cholesterol trong gan.

Gan cùng với các tế bào khác trong cơ thể tạo ra khoảng 75% lượng cholesterol trong máu. Khi enzyme này bị ức chế, lượng cholesterol mà gan tạo ra sẽ giảm đáng kể.

Có nhiều loại thuốc statin. Tất cả đều có cơ chế hoạt động tương tự và mang lại hiệu quả tương đương nhau nhưng mỗi người sẽ hợp với một vài loại thuốc nhất định. Bác sĩ sẽ kê statin dựa trên chỉ số cholesterol và các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim mạch.

Có thể sẽ cần thử từ 2 - 3 loại statin khác nhau mới có thể tìm ra loại phù hợp nhất với mình.

Các lợi ích của statin

Hầu hết các loại thuốc thuộc nhóm statin đều giúp giảm lipoprotein mật độ thấp (low-density lipoprotein), hay còn được gọi là LDL hoặc cholesterol “xấu”. Giảm cholesterol sẽ giúp giảm nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch khác.

Theo Richard N. Fogoros – một bác sĩ chuyên khoa tim mạch và giáo sư y khoa, “Statin có hiệu quả cao hơn bất kỳ phương pháp giảm cholesterol nào khác.”

Statin còn có các lợi ích khác ngoài giảm cholesterol. Ví dụ, nhóm thuốc này giúp ổn định niêm mạc mạch máu và điều này có lợi cho toàn bộ cơ thể. Tác dụng này của statin còn giúp giảm nguy cơ bong mảng xơ vữa trong tim và nhờ đó giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Ngoài ra, statin giúp làm giãn mạch máu và dẫn đến hạ huyết áp.

Các tác dụng phụ của statin

Các tác dụng phụ thường gặp nhất của statin là buồn nôn, nôn, đau nhức cơ và khớp. Người dùng statin cũng có thể gặp các tác dụng phụ về tiêu hóa như táo bón, đầy hơi hoặc tiêu chảy.

Khi cơ thể đã thích nghi với thuốc thì các tác dụng phụ thường sẽ tự hết.

Tuy nhiên, statin có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như:

  • Tăng nguy cơ tiểu đường tuýp 2 hoặc tăng đường huyết
  • Suy giảm trí nhớ
  • Tổn thương gan
  • Tổn thương cơ
  • Tổn thương thận

Không phải ai dùng statin cũng gặp tác dụng phụ nhưng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ sẽ tăng cao ở những người:

  • là phụ nữ
  • trên 65 tuổi
  • mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 hoặc 2
  • dùng nhiều loại thuốc cùng lúc để giảm cholesterol
  • có khung cơ thể nhỏ
  • bị bệnh gan hoặc thận
  • uống quá nhiều rượu

Nếu gặp tác dụng phụ thì hãy báo với bác sĩ. Có thể bác sĩ sẽ kê một loại statin khác, điều chỉnh liều lượng hoặc thử sang một nhóm thuốc khác.

Ưu điểm và nhược điểm của statin

Ưu điểm

  • Giảm nguy cơ hẹp động mạch
  • Giúp chống lại phản ứng viêm và nhờ đó làm giảm tổn thương động mạch
  • Statin giúp giảm sự sản xuất cholesterol trong gan, ngòai ra còn có tác dụng giảm triglyceride và tăng lượng HDL cholesterol hay cholesterol tốt.

Nhược điểm

  • Có thể gây chóng mặt
  • Có thể tương tác với một số chất trong quả bưởi và làm tăng nguy cơ tổn thương gan, suy thận

Hầu hết mọi người đều không gặp tác dụng phụ khi dùng statin và nếu có thì các tác dụng phụ thường gặp nhất cũng chỉ rất nhẹ. Một trong các tác dụng phụ là đau nhức cơ nhưng thường tự khỏi khi cơ thể đã thích nghi với thuốc. Một tác dụng phụ phổ biến khác là chóng mặt. Việc uống statin trong hoặc ngay trước/sau khi ăn bưởi có thể xảy ra phản ứng tiêu cực.

Phản ứng giữa statin và một số chất trong quả bưởi sẽ gây ức chế một loại enzyme quan trọng có chức năng giúp cơ thể xử lý statin. Enzyme này cân bằng lượng thuốc đi vào máu. Các hợp chất được sản sinh ra do phản ứng sẽ cản trở enzyme và làm tăng lượng statin trong máu.

Điều này có nghĩa là ăn hoặc uống nước ép bưởi có thể làm tăng tác dụng phụ của statin và tăng nguy cơ phân hủy cơ, tổn thương gan và suy thận. Những trường hợp nhẹ hơn có thể bị đau nhức xương khớp và cơ.

Những ai cần dùng statin?

Vào tháng 11 năm 2018, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ và Trường Đại học Tim mạch Hoa Kỳ đã đưa ra hướng dẫn mới về các nhóm đối tượng nên dùng ​​statin.

Các nhóm này là những người có nguy cơ cao bị đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim:

  • Những người bị bệnh tim mạch
  • Những người có mức LDL cholesterol cao
  • Những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và tuổi từ 40 đến 75
  • Những người có nguy cơ tim mạch cao

Thuốc statin thường phải dùng suốt đời (nhưng cũng có người chỉ cần dùng một thời gian). Ngay cả khi mức cholesterol đã giảm thì có thể vẫn phải dùng thuốc. Nếu ngừng thuốc, cholesterl có thể sẽ tăng trở lại.

Tuy nhiên, nếu như biết cách thay đổi lối sống, chẳng hạn như giảm cân nếu thừa cân và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh thì có thể ngừng dùng thuốc.

Lưu ý, tuyệt đối không được tự ý ngừng thuốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ.

Các loại thuốc khác giúp giảm cholesterol

Nếu gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng statin hoặc không nằm trong nhóm đối tượng được khuyến nghị dùng statin thì bác sĩ có thể sẽ kê một loại thuốc khác để giảm cholesterol.

Thuốc ức chế hấp thu cholesterol

Ruột non hấp thụ cholesterol trong thức ăn và giải phóng cholesterol vào máu. Các thuốc ức chế hấp thu cholesterol như ezetimibe giúp hạn chế sự hấp thụ cholesterol trong chế độ ăn.

Thuốc ức chế PCSK9

Proprotein convertase subtilisin/kexin type 9 (PCSK9) là gen kiểm soát số lượng thụ thể lipoprotein mật độ thấp (LDL) trong cơ thể. Các thụ thể này điều hòa lượng LDL cholesterol đi vào máu. Thuốc ức chế PCSK9 có cơ chế hoạt động là gây ức chế enzyme PCSK9 được biểu hiện bởi gen này.

Thuốc cô lập axit mật

Gan tạo ra axit mật từ cholesterol. Axit mật là thành phần cần thiết cho quá trình tiêu hóa. Thuốc cô lập axit mật có cơ chế là liên kết với axit mật và khiến cho gan phải sử dụng nhiều cholesterol hơn để tổng hợp axit mật. Điều này làm giảm nồng độ cholesterol trong máu.

Kết hợp thuốc ức chế hấp thu cholesterol và statin

Loại thuốc kết hợp này làm giảm sự hấp thụ cholesterol trong ruột non và sự sản xuất cholesterol trong gan.

Thay đổi lối sống

Ngoài dùng thuốc, còn nhiều cách khác để giảm lượng cholesterol trong máu mà chủ yếu là phải thay đổi thói quen sống.

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Một số loại thực phẩm đã được chứng minh là giúp giảm cholesterol và nguy cơ mắc bệnh tim mạch:

  • Chất xơ hòa tan, có trong các loại thực phẩm như bột yến mạch, trái cây khô, táo, lê, các loại đậu, trái cây họ cam quýt và cà rốt
  • Các loại cá béo như cá trích, cá hồi, cá mòi
  • Các loại hạt như óc chó và hạnh nhân
  • Dầu ô liu và dầu hạt cải
  • Ngũ cốc nguyên hạt

Bỏ thuốc lá

Đối với những người hút thuốc lá, việc cai thuốc sẽ giúp cải thiện mức cholesterol, hạ huyết áp và giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim. Các lợi ích này sẽ bắt đầu diễn ra chỉ trong vòng vài giờ sau khi bỏ thuốc.

Tập thể dục

Giảm cân nếu thừa cân và thường xuyên hoạt động thể chất sẽ giúp cải thiện mức cholesterol.

Đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, đánh cầu lông hay bất kỳ hình thức tập thể dục nào cũng đều có lợi cho sức khỏe tim mạch.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây