Những vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì
Béo phì là gì?
Béo phì là tình trạng có quá nhiều mỡ thừa trong cơ thể. Béo phì làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Lượng mỡ thừa lớn sẽ gây áp lực lên xương khớp và các cơ quan nội tạng, đồng thời còn dẫn đến những thay đổi phức tạp về nội tiết tố (hormone), sự trao đổi chất và làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể.
Những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên được coi là bị béo phì. Bạn có thể dễ dàng tính chỉ số BMI của mình bằng các trang web, ví dụ như trang web này của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh. Bạn chỉ cần nhập chiều cao (tính bằng mét) và cân nặng (tính bằng kg) là công cụ sẽ cho ra chỉ số BMI.
Mặc dù không phải ai bị béo phì cũng sẽ gặp phải các vấn đề dưới đây nhưng béo phì sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ.
Dưới đây là 10 nguy cơ sức khỏe của bệnh béo phì và những cách để ngăn ngừa.
1. Tiểu đường tuýp 2
Bệnh tiểu đường tuýp 2 xảy ra khi lượng đường trong máu tăng cao hơn bình thường. Theo thời gian, điều này sẽ dẫn đến các biến chứng sức khỏe khác, ví dụ như bệnh tim mạch, tổn thương thần kinh, đột quỵ, bệnh thận và các vấn đề về thị lực.
Ở những người bị béo phì, chỉ cần giảm 5 đến 7% khối lượng cơ thể và tập thể dục thường xuyên là sẽ có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự khởi phát của bệnh tiểu đường tuýp 2.
2. Bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch xảy ra phổ biến hơn ở những người bị béo phì so với những người có cân nặng khỏe mạnh. Theo thời gian, chất béo có thể tích tụ trong các động mạch có nhiệm vụ mang máu đến tim. Những người bị béo phì thường có huyết áp, nồng độ lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL), triglyceride và mức đường huyết cao hơn bình thường - tất cả đều góp phần gây ra bệnh tim mạch.
Khi chất béo tích tụ, động mạch sẽ bị hẹp lại và có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim. Cục máu đông hình thành trong các động mạch hẹp này có thể gây đột quỵ.
3. Đột quỵ
Đột quỵ và bệnh tim mạch có nhiều yếu tố nguy cơ giống nhau. Đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu đến não bộ bị gián đoạn. Đột quỵ gây tổn thương mô não và dẫn đến một loạt biến chứng, gồm có suy giảm khả năng ngôn ngữ, suy nghĩ, vận động và suy yếu cơ.
Một bản đánh giá vào năm 2010 tổng hợp 25 nghiên cứu khác nhau với gần 2.3 triệu người tham gia đã cho thấy béo phì làm tăng đến 64% nguy cơ đột quỵ.
4. Ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ trong đó sự hô hấp bị gián đoạn nhiều lần trong giấc ngủ.
Những người thừa cân và béo phì có nguy cơ cao bị chứng ngưng thở khi ngủ. Nguyên nhân là do nhiều mỡ tích tụ ở quanh cổ, khiến cho đường thở bị hẹp lại và điều này dẫn đến ngáy và khó thở vào ban đêm.
Giảm cân sẽ làm giảm lượng mỡ ở cổ và khắc phục tình trạng ngưng thở khi ngủ.
5. Cao huyết áp
Mô mỡ trong cơ thể cũng cần được cung cấp oxy và chất dinh dưỡng. Khi có nhiều mỡ thừa, các mạch máu sẽ cần vận chuyển máu tích cực hơn đến các mô mỡ. Điều này có nghĩa là tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể.
Sự gia tăng lượng máu lưu thông gây thêm áp lực lên thành động mạch và dẫn đến cao huyết áp hay tăng huyết áp. Theo thời gian, tình trạng cao huyết áp sẽ làm hỏng tim và động mạch.
6. Bệnh gan
Những người bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (nonalcoholic steatohepatitis - NASH). Điều này xảy ra khi mỡ thừa tích tụ trong gan. Lượng mỡ này có thể làm hỏng gan và gây hình thành các mô sẹo, dẫn đến một tình trạng gọi là xơ gan.
Bệnh gan nhiễm mỡ thường không biểu hiện triệu chứng nhưng cuối cùng có thể dẫn đến suy gan. Cách duy nhất để điều trị hoặc kiểm soát tình trạng bệnh là giảm cân, tập thể dục và tránh uống rượu bia.
7. Bệnh túi mật
Túi mật có nhiệm vụ lưu trữ dịch mật và sau đó chuyển đến ruột non trong quá trình tiêu hóa. Dịch mật giúp cơ thể tiêu hóa chất béo.
Béo phì làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật. Đây là vấn đề xảy ra khi dịch mật tích tụ và cứng lại trong túi mật. Những người bị béo phì thường có nồng độ cholesterol trong mật cao hơn hoặc có túi mật to và hoạt động không tốt, dẫn đến sỏi mật. Sỏi mật gây đau đớn và cần phải phẫu thuật loại bỏ.
Chế độ ăn giàu chất xơ và chất béo tốt sẽ giúp ngăn ngừa sỏi mật. Nên tránh các loại thực phẩm từ ngũ cốc tinh chế như gạo trắng, bánh mì trắng, phở, mì…
8. Một số bệnh ung thư
Vì có nhiều bệnh ung thư khác nhau, tùy vào vị trí hình thành khối u nên mối liên hệ giữa béo phì và ung thư không rõ ràng như các bệnh khác như bệnh tim mạch hay đột quỵ. Tuy nhiên, béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, ví dụ như ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư túi mật, ung thư tuyến tụy, ung thư thận, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tử cung, ung thư cổ tử cung, ung thư nội mạc tử cung và ung thư buồng trứng.
Một khảo sát đã ước tính rằng khoảng 28.000 trường hợp ung thư mới ở nam giới và 72.000 trường hợp ở phụ nữ trong năm 2012 ở Hoa Kỳ có liên quan đến thừa cân và béo phì.
9. Các biến chứng khi mang thai
Những phụ nữ mang thai bị thừa cân hoặc béo phì sẽ dễ bị kháng insulin, đường huyết cao và cao huyết áp. Điều này có thể làm tăng nguy cơ biến chứng khi mang thai và sinh nở, ví dụ như:
- Tiểu đường thai kỳ
- Tiền sản giật
- Cần phải sinh mổ
- Hình thành cục máu đông
- Ra máu nhiều sau khi sinh
- Sinh non
- Sảy thai
- Thai chết lưu
- Khuyết tật não và tủy sống
Trong một nghiên cứu, hơn 60% phụ nữ có chỉ số BMI từ 40 trở lên khi mang thai đã gặp phải một trong những biến chứng này. Nếu bạn đang bị thừa cân hoặc béo phì và đang có ý định sinh con thì nên giảm cân trước để tránh những nguy cơ sức khỏe nêu trên và đảm bảo sức khỏe của con sau này. Nếu đang mang thai thì hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn về chế độ ăn uống và tập thể dục nhằm giảm cân an toàn.
10. Trầm cảm
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, béo phì còn tác động tiệu cực đến sức khỏe tinh thần. Nhiều người béo phì bị trầm cảm. Một số nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa béo phì và rối loạn trầm cảm nặng.
Những người béo phì thường bị trêu chọc, kỳ thị và phân biệt đối xử do kích thước cơ thể của họ. Dần dần theo thời gian, điều này sẽ dẫn đến cảm giác chán nản, buồn bã và tự ti.
Hiện nay, nhiều nhóm vận động, chẳng hạn như Hiệp hội người béo (National Association to Advance Fat Acceptance - NAAFA) đang nỗ lực xóa bỏ sự phân biệt đối xử đối với những người có thừa cân, béo phì.
Nếu bạn đang bị béo phì và có các biểu hiện trầm cảm thì hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ.
Làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ?
Giảm ít nhất 5% khối lượng cơ thể có thể giảm nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe nêu trên, bao gồm cả bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường tuýp 2.
Sự kết hợp giữa chế độ ăn uống và tập thể dục sẽ giúp giảm cân từ từ theo thời gian. Không cần thiết phải thay đổi hoàn toàn lối sống mà điều quan trọng là phải duy trì các thay đổi lành mạnh một cách lâu dài.
Đối với tập thể dục, hãy dành ít nhất 150 phút tập cardio cường độ vừa mỗi tuần. Như vậy là chỉ cần chạy bộ tốc độ vừa phải 5 ngày một tuần và mỗi ngày 30 phút là dần dẫn sẽ có thể đạt được mức cân nặng mục tiêu. Khi cân nặng đã giảm và thể chất được cải thiện thì hãy thử tăng dần thời lượng tập lên 300 phút mỗi tuần. Ngoài ra, nên kết hợp tập cardio với tập thể hình, ví dụ như tập tạ hay các bài tập không cần dụng cụ như chống đẩy, plank và sit-up ít nhất 2 lần một tuần.
Một số điều chỉnh để có chế độ ăn uống lành mạnh hơn gồm có:
- Ăn nhiều rau xanh mỗi bữa
- Thay thế các loại thực phẩm từ ngũ cốc tinh chế, ví dụ như bánh mì trắng, mì và cơm bằng thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì nguyên cám, gạo lứt và yến mạch.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu protein nạc, chẳng hạn như thịt nạc, ức gà, thủy hải sản, trứng, các loại đậu và đậu nành.
- Hạn chế tối đa đồ chiên, thức ăn nhanh và đồ ăn có đường.
- Tránh các loại đồ uống có đường như nước ngọt có ga và nước trái cây.
- Không uống rượu bia
Nếu đã điều chỉnh chế độ ăn và tập thể dục mà vẫn không thể giảm cân thì hãy hỏi bác sĩ về việc dùng thuốc hoặc phẫu thuật giảm cân. Những phương pháp này sẽ giúp giảm cân nhanh chóng hơn nhưng vẫn phải thực hiện những thay đổi về lối sống.
Tóm tắt bài viết
Béo phì có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Nếu đang bị thừa cân và béo phì thì hãy thực hiện các biện pháp giảm cân ngay bây giờ để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa các biến chứng như tiểu đường tuýp 2 và cao huyết áp. Cần kết hợp tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh. Nếu vẫn không thể giảm cân thành công thì nói chuyện với bác sĩ về các phương pháp khác như dùng thuốc hay phẫu thuật.
Béo phì là một vấn đề sức khỏe phức tạp. Cách đơn giản và hiệu quả nhất để điều trị béo phì là kết hợp chế độ ăn uống, tập thể dục và thay đổi thói quen sinh hoạt.
Hai phương pháp đơn giản và an toàn nhất để giảm cân là thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục. Tuy nhiên, với những trường hợp béo phì nghiêm trọng thì hai cách này sẽ không mấy hiệu quả và cần đến những giải pháp khác, ví dụ như phẫu thuật giảm cân.