Những điều cần biết về phẫu thuật cắt vạt dạ dày để giảm cân
Có nhiều phương pháp phẫu thuật giảm cân khác nhau nhưng đều có cơ chế chung là làm giảm kích thước dạ dày, dẫn đến ăn ít đi và giảm cân nhanh chóng.
Phẫu thuật cắt vạt dạ dày (gastric sleeve) là một dạng phẫu thuật giảm cân và còn được gọi là cắt dạ dày theo chiều dọc.
Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về phẫu thuật cắt vạt dạ dày, gồm có quy trình thực hiện, hiệu quả và các rủi ro có thể xảy ra.
Quy trình thực hiện
Hiện nay, quy trình phẫu thuật cắt vạt dạ dày được thực hiện với kỹ thuật nội soi. Một ống dài và hẹp được đưa vào ổ bụng qua một đường rạch nhỏ. Ống này có đèn và một máy ảnh nhỏ gắn ở đầu. Bác sĩ sẽ rạch thêm một vài đường nhỏ nữa để đưa dụng cụ phẫu thuật vào.
Trước khi tiến hành, bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân và sau đó nhanh chóng chìm vào giấc ngủ sâu nên không còn cảm nhận thấy bất cứ điều gì. Bệnh nhân được dùng máy thở để duy trì hô hấp trong suốt quá trình diễn ra ca mổ.
Bác sĩ sẽ chia dạ dày thành hai phần không bằng nhau. Khoảng 80% phần cong bên ngoài của dạ dày sẽ bị cắt bỏ, chỉ giữ lại 20% và sau đó các mép cắt được khâu lại bằng chỉ hoặc ghim phẫu thuật. Lúc này, dạ dày mới sẽ có hình thuôn dài giống như quả chuối và kích thước chỉ bằng khoảng 25% so với trước đây.
Ca phẫu thuật cắt vạt dạ dày thường kéo dài khoảng một tiếng. Khi ca phẫu thuật hoàn tất, bệnh nhân sẽ được chuyển đến phòng hồi sức để chăm sóc hậu phẫu và ở đó trong khoảng một tiếng hoặc lâu hơn cho đến khi tỉnh lại.
Các đường rạch nhỏ ở bụng sẽ nhanh chóng liền lại. Phương pháp phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu nên thời gian hồi phục sẽ nhanh hơn nhiều so với phương pháp mổ mở truyền thống.
Nếu không có vấn đề gì phát sinh thì bệnh nhân có thể về nhà trong vòng 2 đến 3 ngày sau phẫu thuật.
Hiệu quả như thế nào?
Phẫu thuật cắt vạt dạ dày giúp giảm cân theo hai cơ chế là:
- Làm cho dạ dày nhỏ đi đáng kể nên sẽ cảm thấy no nhanh hơn khi ăn. Điều này có nghĩa là ăn ít đi và nạp vào ít calo hơn.
- Phần dạ dày sản sinh ra ghrelin (hormone gây cảm giác đói) đã bị cắt bỏ nên sẽ không còn cảm thấy đói và thèm ăn nhiều như trước.
Theo Hiệp hội Phẫu thuật Chuyển hóa và Giảm cân Hoa Kỳ (American Society for Metabolic and Bariatric Surgery), phẫu thuật cắt vạt dạ dày có thể giúp giảm ít nhất 50% cân nặng thừa trong vòng 18 đến 24 tháng. Một số người có thể giảm đến 60, 70%.
Tuy nhiên, để có thể giảm cân thành công thì vẫn phải thực hiện theo chế độ ăn kiêng và kế hoạch tập luyện do bác sĩ khuyến nghị. Bằng cách thực hiện những thay đổi lối sống này, hiệu quả giảm cân sẽ được duy trì lâu dài hơn.
Các lợi ích khác
Giảm đi một số cân nặng lớn sẽ giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và giúp bạn thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách dễ dàng hơn.
Một lợi ích lớn khác của việc giảm cân và giảm mỡ thừa trong cơ thể là giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính liên quan đến béo phì, ví dụ như:
- Tiểu đường tuýp 2
- Cholesterol cao (mỡ máu cao)
- Cao huyết áp
- Ngưng thở khi ngủ
Ai nên phẫu thuật cắt vạt dạ dày?
Bất kỳ phương pháp phẫu thuật giảm cân nào, gồm có cả phẫu thuật cắt vạt dạ dày, đều là những giải pháp cuối cùng và chỉ được tính đến khi đã thử hết các cách khác, gồm có ăn kiêng, tập luyện và dùng thuốc giảm cân mà đều không hiệu quả.
Lúc này, bạn vẫn phải đáp ứng một số điều kiện về chỉ số khối cơ thể (BMI) và tình trạng sức khỏe thì mới có thể tiến hành phẫu thuật giảm cân. Các điều kiện này gồm có:
- Béo phì nghiêm trọng (chỉ số khối cơ thể BMI từ 40 trở lên), hoặc
- Chỉ số BMI từ 35 đến 39 và đang mắc ít nhất một vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì
Đôi khi, phẫu thuật cắt vạt dạ dày được thực hiện cho cả những trường hợp mới chỉ thừa cân, chưa đến mức béo phì nhưng đang mắc bệnh liên quan đến béo phì.
Các rủi ro và biến chứng
Phẫu thuật cắt vạt dạ dày là một thủ thuật tương đối an toàn. Tuy nhiên, giống như tất cả các ca đại phẫu khác, quy trình phẫu thuật này vẫn đi kèm một số rủi ro nhất định.
Một số rủi ro và biến chứng chung có thể xảy ra sau mọi ca phẫu thuật gồm có:
- Xuất huyết: chảy máu quá nhiều từ vết mổ hoặc từ bên trong cơ thể có thể dẫn đến sốc.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu: ca phẫu thuật và quá trình hồi phục có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch, thường là ở tĩnh mạch chân.
- Thuyên tắc phổi: xảy ra khi một phần của cục máu đông vỡ ra và di chuyển theo máu đến phổi.
- Rối loạn nhịp tim: ca phẫu thuật có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim, đặc biệt là rung nhĩ.
- Viêm phổi: các cơn đau sau mổ có thể gây thở nông và dẫn đến các dạng nhiễm trùng phổi, ví dụ như viêm phổi.
Phẫu thuật cắt vạt dạ dày còn có một số biến chứng riêng, ví dụ như:
- Rò rỉ dạ dày: dịch dạ dày có thể bị rò rỉ ra ngoài từ vị trí khâu.
- Hẹp dạ dày: một phần của ống dạ dày mới có thể hẹp lại và gây tắc nghẽn.
- Thiếu hụt vitamin: phần dạ dày bị cắt bỏ có vai trò hấp thụ lượng vitamin mà cơ thể cần từ thức ăn. Do đó, sau phẫu thuật có thể bị thiếu hụt vitamin và cần uống bổ sung.
- Ợ nóng (trào ngược dạ dày thực quản): việc thu nhỏ dạ dày có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng ợ nóng hay chứng trào ngược dạ dày thực quản. Vấn đề này thường có thể điều trị được bằng thuốc không kê đơn.
Cho dù đã phẫu thuật nhưng để giảm cân thành công và duy trì cân nặng sau giảm thì vẫn phải thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục thường xuyên. Bạn sẽ tăng cân trở lại nếu như ăn quá nhiều, ăn uống không lành mạnh hoặc vận động quá ít.
Các vấn đề khác
Một vấn đề mà nhiều người gặp phải khi giảm cân, đặc biệt là khi giảm một số cân nặng lớn chỉ trong thời gian ngắn là da trở nên chùng nhão, chảy xệ hay còn gọi là “da thừa”. Đây là một vấn đề rất phổ biến sau khi giảm cân bằng cách phẫu thuật.
Phần da thừa này có thể gây kích ứng, ngứa ngáy hay thậm chí lở loét và nhiều trường hợp phải phẫu thuật cắt bỏ. Tuy nhiên, nên chờ khoảng 12 - 18 tháng để cơ thể ổn định hoàn toàn sau khi phẫu thuật cắt dạ dày. Lúc này, da đã ngừng co lại và nếu như vẫn bị chảy xệ thì có thể cân nhắc phẫu thuật cắt da thừa.
Một điều nữa cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định phẫu thuật là, không giống như một số phương pháp phẫu thuật giảm cân khác, một khi đã cắt dạ dày thì sẽ không thể khôi phục lại như trước được nữa.
Chế độ ăn uống trước và sau phẫu thuật
Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ hướng dẫn những thay đổi lối sống mà bạn cần thực hiện sau phẫu thuật để giảm cân và duy trì cân nặng sau giảm.
Một trong những thay đổi chính là phải thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và duy trì trong suốt phần đời còn lại.
Tuỳ tình trạng sức khỏe mỗi người mà bác sĩ sẽ đưa ra khuyến nghị cụ thể về chế độ ăn trước và sau phẫu thuật nhưng thường sẽ có các lưu ý dưới đây:
- Hai tuần trước phẫu thuật: ăn nhiều protein, giảm lượng carb và không được ăn đường.
- Hai ngày trước và tuần đầu tiên sau phẫu thuật: chỉ được ăn món lỏng và uống đồ uống không chứa caffeine, cacbonat.
- Trong 3 tuần tiếp theo: có thể ăn các món xay nhuyễn.
Bạn có thể ăn uống bình thường trở lại sau khoảng một tháng. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy nhanh no hơn nhiều và ăn ít hơn hẳn so với lúc trước. Hơn nữa, tần suất cảm thấy đói trong ngày cũng giảm.
Việc ăn ít đi và ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày có thể gây thiếu hụt một số chất dinh dưỡng. Để ngăn ngừa vấn đề này thì nên uống vitamin tổng hợp, canxi, tiêm vitamin B12 hàng tháng và bổ sung những chất khác theo khuyến nghị của bác s.
Tóm tắt bài viết
Cắt vạt dạ dày là một trong một số các phương pháp phẫu thuật giảm cân với cơ chế là làm cho dạ dày nhỏ lại để giảm lượng thức ăn tiêu thụ. Khi một phần dạ dày bị cắt bỏ, bạn sẽ ít cảm thấy đói hơn, nhanh no hơn và giảm hấp thụ calo từ thực phẩm.
Để tiến hành ca phẫu thuật này, bạn phải đáp ứng một số điều kiện nhất định, gồm có đã thử các phương pháp giảm cân khác (ăn kiêng, tập thể dục và dùng thuốc giảm cân) mà không thành công, chỉ số BMI trên 40 hoặc trong khoảng 35 - 39.9 và còn mắc các vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì.
Nếu thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên sau phẫu thuật thì sẽ có thể giảm hơn 50% cân nặng thừa trong vòng 24 tháng.
Tuy nhiên, giống như hầu hết các quy trình phẫu thuật khác, cắt vạt dạ dày cũng có một số rủi ro, ví dụ như xuất huyết, huyết khối tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi, rối loạn nhịp tim hay viêm phổi và ngoài ra còn có thêm các rủi ro riêng như rò rỉ dạ dày, thiếu hụt dinh dưỡng, trào ngược dạ dày thực quản,…
Cắt vạt dạ dày và nối tắt dạ dày đều là những phương pháp phẫu thuật giảm cân. Hai quy trình phẫu thuật này có một số điểm tương đồng và cũng có những điểm khác biệt lớn. Cả hai cũng đều có những ưu và nhược điểm riêng.
Đặt bóng dạ dày Obalon là một phương pháp giảm cân không xâm lấn và giúp giảm cân hiệu quả cho những trường hợp béo phì nhẹ, đã thử các cách giảm cân khác nhưng không thành công và chưa từng phẫu thuật dạ dày trước đây.
Béo phì là một vấn đề sức khỏe phức tạp. Cách đơn giản và hiệu quả nhất để điều trị béo phì là kết hợp chế độ ăn uống, tập thể dục và thay đổi thói quen sinh hoạt.
Nếu bạn đang có ý định phẫu thuật cắt vạt dạ dày để giảm cân thì có một điều rất quan trọng mà bạn cần biết, đó là những thay đổi về chế độ ăn uống. Vì dạ dày sẽ được thu nhỏ lại rất nhiều so với trước nên chắc chắn, thói quen ăn uống sẽ có sự thay đổi lớn.
Phẫu thuật nối tắt dạ dày là một phương pháp hiệu quả để giảm cân và cải thiện sức khỏe. Thực hiện đúng theo hướng dẫn về chế độ ăn uống trước và sau khi phẫu thuật sẽ giúp ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, an toàn hơn, nhanh hồi phục hơn và giúp giảm cân hiệu quả.