1

Phân biệt phẫu thuật cắt vạt dạ dày và nối tắt dạ dày

Cắt vạt dạ dày và nối tắt dạ dày đều là những phương pháp phẫu thuật giảm cân. Hai quy trình phẫu thuật này có một số điểm tương đồng và cũng có những điểm khác biệt lớn. Cả hai cũng đều có những ưu và nhược điểm riêng.
Nối tắt dạ dày (trái) và cắt vạt dạ dày (phải) Phân biệt phẫu thuật cắt vạt dạ dày và nối tắt dạ dày

Phẫu thuật giảm cân là giải pháp cuối cùng được cân nhắc sau khi các biện pháp khác như ăn kiêng, tập thể dục hay dùng thuốc giảm cân đều không có tác dụng. Những phương pháp phẫu thuật này thường được thực hiện cho những trường hợp béo phì nặng và giúp giảm cân nhanh chóng.

Hai phương pháp phẫu thuật giảm cân phổ biến nhất là cắt vạt dạ dày (gastric sleeve) và nối tắt dạ dày (gastric bypass).

Cả hai có một số điểm tương đồng và một số điểm khác biệt.

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về quy trình thực hiện hai phương pháp phẫu thuật này, các ưu và nhược điểm cùng với những lưu ý về chế độ ăn uống.

Điểm giống nhau giữa cắt vạt dạ dày và nối tắt dạ dày

Cả phẫu thuật cắt vạt dạ dày và nối tắt dạ dày đều thu nhỏ dạ dày từ kích thước bình thường thành một chiếc túi nhỏ. Điều này giúp giảm cân theo hai cơ chế:

  • Dạ dày nhỏ hơn sẽ nhanh đầy hơn, từ đó tạo cảm giác no nhanh hơn khi ăn và giảm lượng thức ăn tiêu thụ
  • Loại bỏ đi phần dạ dày sản xuất ghrelin – một loại hormone gây đói

Tuy nhiên, hai phương pháp phẫu thuật giảm cân này lại có quy trình thực hiện khác nhau.

Điểm khác nhau giữa cắt vạt dạ dày và nối tắt dạ dày

Cắt vạt dạ dày

Trong quy trình cắt vạt dạ dày, bác sĩ cắt bỏ hẳn đi khoảng 80% dạ dày.

Mép của phần dạ dày còn lại được khâu lại tạo thành vào một chiếc túi nhỏ, dài hình quả chuối. Ngoài ra không có sự thay đổi nào khác. Túi dạ dày mới vẫn nối với ruột non như bình thường.

Nối tắt dạ dày

Nối tắt dạ dày còn được gọi là nối dạ dày – hỗng tràng Roux-en-Y. Trong quy trình phẫu thuật này, bác sĩ chia dạ dày thành hai phần, một phần nhỏ bên trên và một phần lớn bên dưới. Sau đó dùng ghim phẫu thuật đóng kín mép của phần dạ dày bên dưới lại. Tiếp theo, bác sĩ cắt ngang qua ruột non ở vị trí cách dạ dày một đoạn. Phần ruột non bên dưới đường cắt được nối với túi dạ dày nhỏ bên trên. Như vậy là thức ăn sẽ đi thẳng từ túi dạ dày nhỏ xuống phần dưới của ruột non và bỏ qua phần dạ dày còn lại cùng với đoạn đầu ruột non. Điều này giúp no nhanh hơn khi ăn và giảm lượng thực phẩm tiêu thụ. Ngoài ra, khi thức ăn không đi qua phần dạ dày còn lại và đoạn đầu ruột non thì sẽ giảm sự hấp thụ chất dinh dưỡng và calo, từ đó giúp giảm cân.

Lựa chọn khác

Phẫu thuật thắt đai dạ dày (gastric band surgery) cũng là một phương pháp phẫu thuật giảm cân.

Trong quy trình này, một dải đai có thể bơm phồng được buộc quanh phần trên của dạ dày để ngăn dạ dày ra làm hai phần, phần nhỏ bên trên và phần lớn hơn bên dưới, vẫn để lại một đường thông hẹp ở giữa để thức ăn có thể đi qua. Kích thước của đường thông này sẽ quyết định tốc độ giảm cân và có thể điều chỉnh được bằng cách bơm phồng thêm hoặc làm xẹp bớt dây đai qua một cổng vào nhỏ được đặt bên dưới da bụng. Trong quy trình thắt đai dạ dày, vì dạ dày không bị cắt nên có thể khôi phục lại như cũ bằng cách tháo đai thắt.

Khác biệt về thời gian phục hồi

Nối tắt dạ dày phức tạp hơn so với cắt vạt dạ dày. Lý do là vì quy trình phẫu thuật nối tắt dạ dày gồm có hai bước trong khi cắt vạt dạ dày chỉ gồm có một bước.

Cả hai đều được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi, trong đó một ống nhỏ, dài có gắn camera và đèn cùng với các dụng cụ phẫu thuật khác được đưa vào trong ổ bụng qua một vài đường rạch nhỏ.

Đối với cắt vạt dạ dày, nếu ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, bạn không bị đau nhiều sau phẫu thuật và không có vấn đề nào phát sinh thì có thể về nhà sau 1 - 2 ngày.

Còn nếu như bị đau nhiều hoặc xảy ra các vấn đề khác thì sẽ phải nằm viện thêm 1 hoặc 2 ngày.

Vì phẫu thuật nối tắt dạ dày phức tạp hơn nên thường sẽ phải nằm viện ít nhất 2 ngày rồi mới được về nhà. Còn nếu phát sinh biến chứng sau phẫu thuật thì sẽ phải ở lại bệnh viện lâu hơn.

Một số trường hợp không thể phẫu thuật nội soi mà cần phải sử dụng kỹ thuật mổ mở truyền thống. Đây là kỹ thuật mà bác sĩ rạch một đường dài ở thành bụng để tiếp cận đến dạ dày. Đường rạch này lâu liền hơn so với các đường rạch nội soi.

Nếu mổ mở, bạn sẽ phải ở lại viện cho đến khi vết khâu liền lại thì mới có thể về nhà, thường là từ 4 đến 5 ngày.

Một số trường hợp phải mổ mở thay vì mổ nội soi:

  • Từng phẫu thuật dạ dày trước đây
  • Béo phì nghiêm trọng
  • Còn có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ngoài béo phì

Sau khi xuất viện, bạn sẽ cần tiếp tục nghỉ ngơi thêm một thời gian để hồi phục hoàn toàn. Thường phải sau từ 3 đến 4 tuần mới có thể hoạt động trở lại bình thường.

Các rủi ro và biến chứng

Phẫu thuật giảm cân là những quy trình phẫu thuật tương đối an toàn.

Theo Hiệp hội Phẫu thuật Chuyển hóa và Giảm cân Hoa Kỳ, nguy cơ xảy ra biến chứng nghiêm trọng khi phẫu thuật giảm cân chỉ khoảng 4%, thấp hơn nhiều so với nguy cơ xảy ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng liên quan đến béo phì.

Tuy nhiên, dù là bất kỳ ca phẫu thuật nào thì cũng đều tiềm ẩn rủi ro, ví dụ như:

  • Mất máu (xuất huyết)
  • Hình thành cục máu đông ở chân (huyết khối tĩnh mạch sâu) hoặc phổi (thuyên tắc phổi)
  • Tác dụng phụ của thuốc gây mê toàn thân
  • Nhiễm trùng vết mổ
  • Đau đớn sau phẫu thuật
  • Viêm phổi

Ngoài ra, các phương pháp phẫu thuật giảm cân còn có thêm một số rủi ro riêng, ví dụ như:

  • Sỏi mật
  • Thiếu hụt vitamin và dinh dưỡng
  • Buồn nôn, đổ mồ hôi và tiêu chảy do ăn quá nhanh hoặc ăn thức ăn có đường, đồ chiên, đồ dầu mỡ hoặc sữa (hội chứng dumpling)
  • Da chảy xệ, chùng nhão do giảm đi một số cân nặng lớn

Rủi ro của cắt vạt dạ dày

Các rủi ro cụ thể của phương pháp cắt vạt dạ dày gồm có:

  • Trào ngược axit
  • Rò rỉ dịch dạ dày
  • Hẹp dạ dày
  • Tắc nghẽn dạ dày

Rủi ro của nối tắt dạ dày

Các rủi ro cụ thể của phương pháp nối tắt dạ dày gồm có:

  • Nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng cao hơn do bỏ qua cả một phần ruột non
  • Tăng nhạy cảm với rượu bia
  • Viêm loét dạ dày
  • Tắc ruột
  • Thủng dạ dày

Thay đổi chế độ ăn uống

Những thay đổi về chế độ ăn uống mà bạn cần thực hiện sau khi phẫu thuật cắt vạt dạ dày và nối tắt dạ dày về cơ bản là giống nhau, gồm có:

  • Trong khoảng một tuần đầu sau phẫu thuật, bạn sẽ chỉ được uống hoặc ăn các món lỏng.
  • Trong 3 tuần tiếp theo có thể ăn thức ăn xay nhuyễn và sau đó là thức ăn mềm.
  • Sau 2 tháng thì có thể ăn uống bình thường.

Sự khác biệt chính trong chế độ ăn uống sau cắt vạt dạ dày và sau nối tắt dạ dày là lượng thức ăn mà bạn có thể tiêu thụ do kích thước túi dạ dày mới không giống nhau.

  • Phẫu thuật cắt vạt dạ dày tạo ra một túi dạ dày mới có thể tích khoảng 90ml
  • Sau khi nối tắt dạ dày, túi dạ dày mới chỉ chứa được khoảng 30ml

Một số nguyên tắc ăn uống quan trọng mà bạn cần tuân thủ sau khi phẫu thuật cắt vạt dạ dày hoặc nối tắt dạ dày:

  • Chỉ ăn một lượng nhỏ và dừng lại ngay khi cảm thấy no
  • Nhai kỹ thức ăn
  • Ăn chậm
  • Uống bổ sung các loại vitamin và chất dinh dưỡng được bác sĩ khuyến nghị
  • Uống đủ nước
  • Uống từng chút một, không uống quá nhiều cùng một lúc
  • Tránh các loại thức ăn khó tiêu, chẳng hạn như thịt dai và bánh mì
  • Tránh đồ uống có ga

Dạ dày sẽ giãn dần ra và tăng kích thước theo thời gian. Không nên ăn quá nhiều sau khi phẫu thuật giảm cân vì dạ dày có thể to lên đủ để khiến bạn tăng cân trở lại.

Những ưu và nhược điểm

Một trong những ưu điểm lớn nhất của cả phương pháp cắt vạt dạ dày và nối tắt dạ dày là làm giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì, chẳng hạn như:

  • Tiểu đường tuýp 2
  • Cao huyết áp
  • Nồng độ cholesterol cao (mỡ máu cao)
  • Bệnh tim mạch
  • Đột quỵ
  • Gan nhiễm mỡ

Ngoải ra, hai phương pháp này còn có những ưu và nhược điểm riêng như sau:

Ưu, nhược điểm của cắt vạt dạ dày

Ưu điểm:

  • Có thể giảm tới 65% cân nặng thừa.
  • Quy trình phẫu thuật chỉ gồm có một bước nên nguy cơ xảy ra biến chứng thấp hơn.
  • Thời gian phục hồi nhanh hơn so với nối tắt dạ dày.
  • Nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng và vitamin thấp hơn.
  • Ít xảy ra hội chứng dumpling hơn.

Nhược điểm:

  • Giảm cân ít hơn so với nối tắt dạ dày.
  • Tốc độ giảm cân chậm hơn.
  • Không thể khôi phục dạ dày lại như cũ được.
  • Có thể gây ra trào ngược axit dạ dày.

Ưu và nhược điểm của nối tắt dạ dày

Ưu điểm:

  • Có thể giảm tới 80% cân nặng thừa.
  • Bỏ qua một phần ruột non giúp giảm lượng calo nạp vào cơ thể.
  • Giảm cân nhanh hơn so với phẫu thuật cắt vạt dạ dày.
  • Dù khó nhưng vẫn có thể khôi phục dạ dày lại như trước.

Nhược điểm:

  • Quy trình phẫu thuật gồm có 2 bước nên nguy cơ xảy ra biến chứng cao hơn.
  • Thời gian hồi phục lâu hơn so với phẫu thuật cắt vạt dạ dày.
  • Vì bỏ qua một phần ruột non nên làm giảm sự hấp thụ các chất dinh dưỡng và vitamin, dẫn đến thiếu hụt.
  • Dễ xảy ra Hội chứng dumpling hơn.

Nên chọn phương pháp nào?

Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật giảm cân sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, ví dụ như:

  • Cân nặng
  • Bệnh sử
  • Tình trạng sức khỏe hiện tại
  • Mục tiêu

Dựa trên những yếu tố này, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn phương pháp phù hợp nhất.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Cần lưu ý gì về chế độ ăn uống trước và sau phẫu thuật cắt vạt dạ dày?
Cần lưu ý gì về chế độ ăn uống trước và sau phẫu thuật cắt vạt dạ dày?

Nếu bạn đang có ý định phẫu thuật cắt vạt dạ dày để giảm cân thì có một điều rất quan trọng mà bạn cần biết, đó là những thay đổi về chế độ ăn uống. Vì dạ dày sẽ được thu nhỏ lại rất nhiều so với trước nên chắc chắn, thói quen ăn uống sẽ có sự thay đổi lớn.

Hướng dẫn chế độ ăn uống trước và sau phẫu thuật nối tắt dạ dày
Hướng dẫn chế độ ăn uống trước và sau phẫu thuật nối tắt dạ dày

Phẫu thuật nối tắt dạ dày là một phương pháp hiệu quả để giảm cân và cải thiện sức khỏe. Thực hiện đúng theo hướng dẫn về chế độ ăn uống trước và sau khi phẫu thuật sẽ giúp ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, an toàn hơn, nhanh hồi phục hơn và giúp giảm cân hiệu quả.

Đặt bóng dạ dày Obalon – giảm cân không cần phẫu thuật
Đặt bóng dạ dày Obalon – giảm cân không cần phẫu thuật

Đặt bóng dạ dày Obalon là một phương pháp giảm cân không xâm lấn và giúp giảm cân hiệu quả cho những trường hợp béo phì nhẹ, đã thử các cách giảm cân khác nhưng không thành công và chưa từng phẫu thuật dạ dày trước đây.

Những điều bố mẹ cần biết về béo phì ở trẻ em
Những điều bố mẹ cần biết về béo phì ở trẻ em

Trẻ béo phì có nguy cơ mắc phải các vấn đề sức khỏe cao hơn so với những trẻ có cân nặng bình thường. Một số vấn đề nghiêm trọng nhất gồm có bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và hen suyễn.

Những điều cần biết về béo phì khi mang thai
Những điều cần biết về béo phì khi mang thai

Khi mang thai, phụ nữ phải ăn uống đầy đủ để cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi đang phát triển. Tăng cân là điều không tránh khỏi trong thai kỳ nhưng nếu tăng quá nhiều và bị béo phì thì lại không tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây