1

Mangan và magiê có gì giống và khác nhau?

Mangan và magiê đều có vai trò quan trọng nhưng mỗi khoáng chất có những lợi ích, chức năng khác nhau.
Mangan và magiê có gì giống và khác nhau? Mangan và magiê có gì giống và khác nhau?

Có hơn 30 loại vitamin và khoáng chất được coi là chất dinh dưỡng thiết yếu trong chế độ ăn uống của con người. Đó là những chất dinh dưỡng mà cơ thể không thể tự tạo ra mà cần phải hấp thụ từ thực phẩm. Các vitamin và khoáng chất thiết yếu thường có nhiều trong trái cây, rau củ và thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, sữa và trứng.

Mangan và magiê là hai trong số các khoáng chất thiết yếu. Cơ thể cần được cung cấp đủ hai khoáng chất này một cách thường xuyên để có thể hoạt động một cách bình thường.

Mangan và magiê đều có vai trò quan trọng nhưng mỗi khoáng chất có những lợi ích, chức năng khác nhau.

Mangan và magiê

Một trong những điểm khác biệt chính giữa mangan và magiê là nhu cầu của cơ thể đối với mỗi khoáng chất.

Mangan là một khoáng chất vi lượng, có nghĩa là cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ. Trong khi đó, magiê là một khoáng chất đa lượng. Mỗi ngày, cơ thể chúng ta cần nhiều magiê hơn gấp hàng trăm lần so với mangan.

Tuy nhiên, mangan và magiê cũng có những điểm tương đồng. Ví dụ, cả hai đều có trong các loại hạt, các loại đậu, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt.

Ngoài ra, mangan và magiê đều có cấu trúc hóa học của kim loại.

Ở liều lượng lớn, cả hai cũng đều gây hại cho cơ thể. Vì vậy, nếu sử dụng viên uống bổ sung thì cần dùng đúng liều lượng và cẩn thận khi tiếp xúc trực tiếp với hai chất này.

Rất khó bổ sung quá nhiều mangan hoặc magiê từ chế độ ăn uống. Các trường hợp thừa magiê hay mangan đều là do dùng quá liều viên uống bổ sung hoặc các loại thuốc không kê đơn như thuốc kháng axit hoặc thuốc nhuận tràng (thừa magiê).

Bảng dưới đây là các điểm giống và khác giữa mangan và magiê.

  Mangan Magiê
Loại hợp chất Khoáng chất Khoáng chất
Cấu trúc hóa học Kim loại chuyển tiếp Kim loại kiềm thổ
Ký hiệu hóa học Mn Mg
Nhu cầu hàng ngày 2,3 mg 420 mg
Nguồn cung cấp Thực phẩm tự nhiên, viên uống bổ sung Thực phẩm tự nhiên, viên uống bổ sung
Chức năng Đồng yếu tố enzyme, tham gia vào quá trình chuyển hóa, hình thành xương, chức năng miễn dịch, đông máu Đồng yếu tố enzyme, tham gia vào quá trình sản xuất năng lượng, chức năng cơ và thần kinh, điều hòa huyết áp
Lợi ích Hỗ trợ sức khỏe xương và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Tăng cường sức khỏe xương, giúp ngăn ngừa bệnh đau nửa đầu và giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Thực phẩm Trai, hàu, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả hạch, rau xanh Các loại hạt, quả hạch, rau xanh, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, cám yến mạch

Tóm tắt: Mangan và magiê là những khoáng chất thiết yếu, có nghĩa là cơ thể không thể tự tạo ra mà phải được cung cấp từ chế độ ăn uống. Hai khoáng chất này có các chức năng khác nhau nhưng có chung một số vai trò, chẳng hạn như hỗ trợ sức khỏe xương và hoạt động của enzyme.

Mangan

Mặc dù mangan là một khoáng chất vi lượng mà cơ thể chỉ cần một lượng nhỏ nhưng lại có các chức năng rất quan trọng trong cơ thể.

Mangan cần thiết cho nhiều phản ứng nhỏ diễn ra bên trong tế bào, chẳng hạn như giúp các enzyme thực hiện các quá trình bên trong cơ thể, gồm có tiêu hóa, trao đổi chất, tăng trưởng, sinh sản và sản sinh năng lượng.

Mangan cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chống oxy hóa diễn ra khắp cơ thể.

Khoáng chất này là thành phần chính của một hợp chất hóa học có tên là mangan superoxide dismutase (MnSOD). Chất chống oxy hóa này có chức năng bảo vệ tế bào khỏi sự oxy hóa.

Các nhà khoa học hiện vẫn đang nghiên cứu để tìm ra cơ chế chính xác của MnSOD. Nhờ có khả năng bảo vệ tế bào khỏi tổn hại nên MnSOD giúp ngăn ngừa ung thư và các bệnh mạn tính khác.

Các lợi ích của mangan

Là một chất chống oxy hóa, mangan ngăn cản quá trình oxy hóa tế bào và giúp ngăn ngừa các bệnh mạn tính. Bổ sung đủ mangan còn đem lại một số lợi ích khác cho sức khỏe, gồm có:

  • Hỗ trợ sự phát triển xương: Ở trẻ nhỏ, mangan hỗ trợ sự phát triển của xương còn ở người cao tuổi, khoáng chất này giúp ngăn ngừa sự mất xương.
  • Giúp điều trị và ngăn ngừa bệnh tiểu đường: Nhiều nghiên cứu trên người đã phát hiện ra rằng chế độ ăn nhiều mangan giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 ở người lớn.
  • Điều hòa huyết áp: Mặc dù cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn nhưng một số nghiên cứu gần đây đã quan sát thấy mối liên hệ giữa huyết áp với nồng độ mangan trong máu và nước tiểu.
  • Có lợi cho sức khỏe não bộ: Mangan không chỉ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của não mà việc duy trì nồng độ mangan trong máu ở mức bình thường còn giúp ngăn ngừa các bệnh về thần kinh như bệnh Parkinson và bệnh động kinh.

Thừa và thiếu mangan

Mangan là một chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể con người cần để tồn tại và phát triển. Việc duy trì nồng độ mangan trong máu ở mức bình thường là điều rất quan trọng. Quá nhiều hay quá ít đều có thể gây ra tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Thừa mangan

Vì liều lượng lớn mangan có thể gây ngộ độc nên cần đặc biệt cẩn thận khi dùng viên uống bổ sung. Chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ và phải dùng đúng liều lượng.

Tiếp xúc với một lượng lớn mangan trong môi trường, chẳng hạn như khói hàn hoặc nguồn nước bị ô nhiễm, cũng có thể gây nguy hiểm. Điều này thậm chí còn ảnh hưởng đến chức năng não, khả năng vận động, trí nhớ và tâm trạng.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiếp xúc quá nhiều với mangan có thể làm tăng nguy cơ loãng xương ở phụ nữ và khuyết tật trí tuệ ở trẻ em.

Thiếu mangan

Thiếu hụt mangan có thể xảy ra do rối loạn di truyền làm giảm khả năng hấp thụ của cơ thể hoặc chế độ ăn không có đủ khoáng chất này.

Thiếu mangan có thể gây ra co giật, dị dạng xương, chậm phát triển, gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Tóm tắt: Mangan là một khoáng chất vi lượng và chất chống oxy hóa mà cơ thể chỉ cần một lượng nhỏ. Thiếu mangan có thể gây co giật và chậm phát triển, trong khi thừa mangan sẽ gây tác động tiêu cực đến não bộ và hệ thần kinh.

Magiê

Magiê là một trong những nguyên tố phổ biến nhất tạo nên Trái đất và cũng chiếm tỷ lệ lớn trong cơ thể con người.

Khoáng chất này là một phần quan trọng của các hoạt động tế bào, giúp kích hoạt các enzyme, tham gia sản sinh năng lượng và giữ cho các cơ, gồm có cả tim, co thắt và thả lỏng một cách bình thường. Magiê giống mangan ở chỗ cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong các quá trình tế bào.

Tuy nhiên, cơ thể cần lượng magiê lớn hơn nhiều so với mangan. Khoáng chất này có trong nhiều loại thực phẩm và chỉ cần có chế độ ăn uống lành mạnh nhiều các loại đậu, quả hạch và ngũ cốc nguyên hạt là có thể đáp ứng đủ nhu cầu magiê của cơ thể.

Tuy nhiên, một số người có nguy cơ thiếu magiê, gồm có người lớn tuổi, người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 hoặc các bệnh về đường tiêu hóa và người nghiện rượu.

Nếu chỉ cung cấp magiê cho cơ thể từ thực phẩm rất khó bị thừa magiê nhưng tình trạng này có thể xảy ra khi dùng viên uống bổ sung hoặc thuốc chứa magiê.

Magiê là thành phần có trong một số loại thuốc như thuốc nhuận tràng và thuốc kháng axit. Vì vậy, nếu dùng những loại thuốc này quá liều hoặc dùng đồng thời với viên uống bổ sung magiê thì cơ thể sẽ hấp thụ lượng magiê nhiều hơn mức cần thiết.

Các lợi ích của magiê

Magiê không chỉ có vai trò quan trọng ở cấp độ tế bào mà việc bổ sung đủ khoáng chất này cho cơ thể còn mang lại những lợi ích sau:

  • Giúp ngăn ngừa đau nửa đầu: Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người bị đau đầu nghiêm trọng thường có nồng độ magiê ở mức thấp. Bổ sung đủ magiê có thể ngăn ngừa đau đầu và một số nghiên cứu cho thấy rằng khoáng chất này còn giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh đau nửa đầu.
  • Ngăn ngừa bệnh trầm cảm: Magiê tác động đến hóa sinh não và các đường mòn thần kinh. Khoáng chất này đã được chứng minh là có vai trò quan trọng đối với sức khỏe tâm thần. Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa lượng magiê thấp và chứng trầm cảm.
  • Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Magiê cũng đóng vai trò quan trọng trong phản ứng viêm và điều này có ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch. Thiếu magiê có thể góp phần gây tăng huyết áp, các vấn đề về động mạch và tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
  • Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường: Thiếu hụt magiê là vấn đề thường gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Một số nghiên cứu cho thấy rằng nồng độ magiê cao giúp cải thiện tình trạng kháng insulin, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và có thể làm giảm các chất chỉ điểm phản ứng viêm ở những người bị tiền tiểu đường.

Thừa và thiếu magiê

Giống như mangan, quá nhiều hoặc quá ít magiê cũng đều gây hại đến sức khỏe.

Thừa magiê

Tăng magiê máu là tình trạng xảy ra khi có quá nhiều magiê trong máu. Tình trạng này thường là kết quả do dùng quá liều viên uống bổ sung hoặc thuốc ở những người bị suy giảm chức năng thận.

Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, tăng magiê máu sẽ gây tổn hại đến hệ thống tim mạch và thần kinh, thậm chí còn có thể dẫn đến tử vong trong những trường hợp nghiêm trọng.

Thiếu magiê

Hạ magiê máu, tình trạng có quá ít magiê trong máu, thường xảy ra ở những người mắc các bệnh lý khiến cơ thể bài tiết quá nhiều magiê.

Tình trạng này cũng xảy ra ở những người ăn quá ít thực phẩm chứa magiê trong suốt một thời gian dài.

Thiếu magiê thường gây ra các triệu chứng nhẹ như buồn nôn, mất cảm giác thèm ăn và mệt mỏi nhưng cũng có thể có các triệu chứng nghiêm trọng như co giật, tê bì chân tay và rối loạn nhịp tim.

Tóm tắt: Cơ thể cần magiê cho quá trình sản sinh năng lượng và hoạt động bình thường của tim. Cần bổ sung đủ magiê để tránh xảy ra các vấn đề về tim mạch.

Tóm tắt bài viết

Mangan và magiê đều là các khoáng chất thiết yếu nhưng có các chức năng khác nhau.

Nhu cầu của cơ thể đối với mỗi khoáng chất cũng không giống nhau. Mỗi ngày cơ thể cần nhiều magiê hơn mangan.

Một điểm giống nhau giữa cả mangan và magiê là cả hai đều có trong các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như quả hạch, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và rau củ.

Thừa hay thiếu mangan và magiê đều gây ra các vấn đề sức khỏe từ nhẹ đến nặng. Do đó, điều quan trọng là phải duy trì một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và không dùng quá liều viên uống bổ sung hay các loại thuốc chứa hai khoáng chất này.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Trứng gà vỏ nâu và trứng gà vỏ trắng có gì khác nhau?
Trứng gà vỏ nâu và trứng gà vỏ trắng có gì khác nhau?

Khi đi mua trứng, bạn sẽ thấy có hai loại trứng gà là trứng vỏ nâu và trứng vỏ trắng. Trứng gà vỏ nâu thường có giá rẻ hơn nhưng đa số người vẫn cho rằng trứng gà vỏ trắng bổ hơn và ngon hơn. Điều này có đúng hay không? Trứng vỏ nâu khác gì với trứng vỏ rắng và khi mua nên chọn loại nào?

Trứng gà và trứng vịt có gì khác nhau?
Trứng gà và trứng vịt có gì khác nhau?

Mặc dù có sự khác biệt về màu sắc, kích thước và mùi vị nhưng cả trứng gà và trứng vịt đều chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.

Dầu dừa và bơ dừa có gì khác nhau?
Dầu dừa và bơ dừa có gì khác nhau?

Hầu hết mọi người đều đã quá quen thuộc với dầu dừa. Loại dầu này được sử dụng phổ biến trong cả nấu ăn cũng như là chăm sóc da và tóc. Nhưng bơ dừa thì lại chưa được biết đến nhiều.

Cà phê khử caffeine (Decaf Coffee) có gì khác với cà phê thông thường?
Cà phê khử caffeine (Decaf Coffee) có gì khác với cà phê thông thường?

Cà phê là một trong những loại đồ uống phổ biến nhất trên thế giới. Nhiều người mặc dù thích uống cà phê nhưng lại phải hạn chế lượng caffeine vì lý do sức khỏe.

Vàng răng do cà phê: Nguyên nhân và cách khắc phục
Vàng răng do cà phê: Nguyên nhân và cách khắc phục

Uống cà phê thường xuyên có thể gây ra một vấn đề không mong muốn đó là răng bị ngả vàng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây