Hút thuốc ảnh hưởng như thế nào đến huyết áp?

Các nghiên cứu vẫn chưa làm rõ liệu hút thuốc lá có làm tăng nguy cơ tăng huyết áp hay không. Tăng huyết áp là khi huyết áp thường xuyên ở mức cao. Tuy nhiên, huyết áp tăng vọt trong thời gian ngắn cũng gây hại.
Mặc dù vẫn chưa rõ hút thuốc có tác động như thế nào đến nguy cơ tăng huyết áp nhưng có một điều chắc chắn rằng bỏ thuốc lá giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch khác.
Hút thuốc ảnh hưởng như thế nào đến huyết áp?
Hút thuốc sẽ khiến cho huyết áp tạm thời tăng lên. Mỗi khi hút thuốc, hệ thần kinh giao cảm sẽ được kích hoạt và huyết áp sẽ lập tức tăng.
Hệ thần kinh giao cảm kiểm soát phản ứng của cơ thể với những tình huống nguy hiểm hoặc căng thẳng. Khi hệ thần kinh giao cảm được kích hoạt, các tín hiệu hormone sẽ làm tăng lượng máu đến các cơ. Điều này giúp chúng ta tỉnh táo hơn và sẵn sàng ứng phó với những gì xảy ra. Sự gia tăng lưu lượng máu còn làm tăng nhịp tim và huyết áp.
Những thay đổi này cũng xảy ra khi hút thuốc. Theo thời gian, huyết áp cao sẽ dần làm hỏng thành động mạch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nghiêm trọng.
Hút thuốc còn làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch – tình trạng tích tụ chất béo ở bên trong động mạch. Các mảng xơ vữa thu hẹp lòng động mạch, giảm lưu thông máu và nếu không được điều trị, tình trạng này có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Huyết áp cao sẽ làm tăng tốc độ tích tụ mảng xơ vữa bên trong động mạch.
Thuốc lá truyền thống và thuốc lá điện tử
Thuốc lá điện tử đã trở nên phổ biến hơn trong vài năm trở lại đây. Nhiều nhà sản xuất thuốc lá điện tử khẳng định rằng đây là một lựa chọn thay thế lành mạnh hơn cho thuốc lá truyền thống. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn chưa đưa ra kết luận liệu có đúng là thuốc lá điện tử an toàn hơn thuốc lá truyền thống hay không.
Có bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc lá điện tử và tăng huyết áp. Ví dụ, một nghiên cứu vào năm 2018 phát hiện ra rằng hút thuốc lá điện tử khiến cho huyết áp tăng lên đáng kể ở những người bị tăng huyết áp. Điều này xảy ra ngay sau khi hút thuốc.
Một nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy thuốc lá điện tử cũng làm tăng huyết áp giống như thuốc lá thông thường.
Triệu chứng của tăng huyết áp
Tăng huyết áp thường diễn ra trong thầm lặng mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Hơn nữa, hiện tượng huyết áp tăng lên do hút thuốc đa phần chỉ là tạm thời, huyết áp sẽ về mức bình thường trong vòng 20 phút sau khi ngừng hút. Chính vì vậy nên tình trạng này thường không được phát hiện khi khám sức khỏe.
Khi tình trạng tăng huyết áp trở nên nghiêm trọng, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như:
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Chảy máu mũi
- Lú lẫn
- Nhìn mờ
- Hụt hơi
- Rối loạn nhịp tim (tim đập nhanh hoặc mạnh trong lồng ngực)
- Nước tiểu màu đỏ hoặc hồng
Người bị tăng huyết áp có cần bỏ thuốc lá không?
Nếu bạn đang hút thuốc và bị tăng huyết áp thì nên bỏ thuốc. Một nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy hút thuốc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp, đặc biệt là ở người trẻ tuổi.
Theo Hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), những người hút thuốc khó kiểm soát huyết áp hơn, ngay cả khi dùng thuốc điều trị tăng huyết áp.
Như đã nói ở trên, hút thuốc khiến huyết áp tạm thời tăng cao. Một nghiên cứu vào năm 2005 thậm chí còn chỉ ra rằng hút thuốc lá làm giảm tác dụng của thuốc điều trị tăng huyết áp, ví dụ như amlodipine.
Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch. Các nhà nghiên cứu trong một nghiên cứu vào năm 2021 đã quan sát thấy rằng ở những người hút thuốc lá, việc giảm hút thuốc giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Phòng ngừa tăng huyết áp cho người hút thuốc
Cai thuốc là một trong những cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Các biện pháp khác để làm giảm và kiểm soát huyết áp ổn định gồm có:
- Duy trì cân nặng vừa phải
- Tập thể dục thường xuyên
- Hạn chế uống rượu
- Ăn uống cân bằng, lành mạnh
- Ăn ít muối
- Dùng thuốc điều trị tăng huyết áp đều đặn
- Giảm căng thẳng
Một vài câu hỏi về hút thuốc và huyết áp
Hút thuốc lá thụ động có làm tăng huyết áp không?
Hút thuốc lá thụ động cũng có thể làm tăng huyết áp.
Một nghiên cứu vào năm 2019 phát hiện ra rằng thường xuyên hít phải khói thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.
Hút thuốc làm tăng huyết áp lên bao nhiêu và trong bao lâu?
Một báo cáo nghiên cứu vào năm 2010 cho thấy việc sử dụng nicotine dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều có thể làm tăng huyết áp lên tới 5 - 10 mmHg. Điều này xảy ra ngay sau khi sử dụng và kéo dài khoảng 20 phút.
Tại sao huyết áp tăng cao sau khi cai thuốc lá?
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người đã bỏ thuốc lá có chỉ số huyết áp cao hơn. Điều này có thể là do một số thay đổi tạm thời trên cơ thể trong thời gian đầu cai thuốc, ví dụ như tăng cân.
Nhiều người còn gặp phải các triệu chứng lo âu trong quá trình cai thuốc lá và điều này có thể khiến huyết áp tăng cao.
Tuy nhiên, việc bỏ thuốc sẽ mang lại những lợi ích lớn hơn nhiều so với những tác động tiêu cực tạm thời như tăng cân hay tăng huyết áp.
Có được hút thuốc khi đang dùng thuốc trị tăng huyết áp không?
Bạn nên hỏi bác sĩ về việc hút thuốc lá trong thời gian dùng thuốc điều trị tăng huyết áp. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hút thuốc có thể làm giảm tác dụng của một số loại thuốc trị tăng huyết áp. Nếu hút thuốc lá, có thể bạn sẽ cần dùng liều cao hơn hoặc đổi sang loại thuốc khác.
Thuốc hỗ trợ cai thuốc lá có làm tăng huyết áp không?
Trong một nghiên cứu vào năm 2016, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các sản phẩm hỗ trợ cai thuốc lá không làm tăng huyết áp, kể cả ở những người đang bị tăng huyết áp.
Tóm tắt bài viết
Hút thuốc khiến cho huyết áp tăng lên tạm thời. Hút thuốc kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, khiến cho nhịp tim và huyết áp tăng trong 15 đến 20 phút.
Hiện tại vẫn chưa rõ liệu hút thuốc có làm tăng nguy cơ tăng huyết áp hay không nhưng hút thuốc sẽ làm tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe khác, bao gồm cả bệnh tim mạch.
Nếu bạn bị tăng huyết áp và đang hút thuốc, bỏ thuốc sẽ giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn. Huyết áp có thể tăng cao trong thời gian đầu cai thuốc nhưng điều này chỉ ra tạm thời. Bỏ thuốc lá mang lại rất nhiều lợi ích về lâu dài cho sức khỏe.

Mất nước có thể làm thay đổi huyết áp. Giảm thể tích máu có thể khiến huyết áp giảm xuống mức thấp nguy hiểm và thậm chí gây sốc. Mất nước còn có liên quan đến tăng huyết áp.

Cà phê là một trong những loại thức uống được yêu thích nhất trên thế giới. Tổng lượng cà phê được tiêu thụ mỗi năm trên toàn thế giới là khoảng 8,6 triệu tấn. Đối với nhiều người, uống một tách cà phê là một thói quen không thể thiếu vào mỗi sáng. Cà phê giúp tinh thần tỉnh táo và cải thiện khả năng tập trung. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến tranh cãi về việc liệu rằng uống cà phê thường xuyên có thực sự tốt cho sức khỏe hay không và thức uống này có tác động như thế nào đến huyết áp cũng như sức khỏe tim mạch.

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tăng huyết áp bởi những gì mà chúng ta ăn hàng ngày có ảnh hưởng trực tiếp đến mức huyết áp cũng như sức khỏe tim mạch nói chung.

Tai trong rất dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về áp lực và lưu lượng máu. Tăng huyết áp có thể dẫn đến các vấn đề về tai như ù tai, giảm thính lực, chóng mặt hay cảm giác như tai bị bít.

Cao huyết áp, hay còn được gọi là tăng huyết áp, có thể góp phần gây rối loạn chức năng cương dương. Bên cạnh đó, một số loại thuốc dùng để điều trị cao huyết áp cũng có thể gây ra rối loạn cương dương.