Hôn mê do tiểu đường bao lâu sẽ hồi phục?
Hôn mê do tiểu đường là gì?
Hôn mê do tiểu đường là một biến chứng của bệnh tiểu đường, là trạng thái mà bệnh nhân bất tỉnh kéo dài, không phản ứng với các kích thích xung quanh. Hôn mê có thể xảy ra ở cả bệnh tiểu đường type 1 và type 2.
Dưới đây là các dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng ngừa hôn mê do tiểu đường.
Nguyên nhân gây hôn mê do tiểu đường
Hôn mê do tiểu đường xảy ra khi lượng đường (glucose) trong máu quá thấp hoặc quá cao. Glucose là nguồn năng lượng chính của các tế bào trong cơ thể. Lượng đường trong máu thấp hay hạ đường huyết có thể gây bất tỉnh nếu não bộ không được cung cấp đủ glucose.
Mặt khác, lượng đường trong máu cao hay tăng đường huyết có thể gây mất nước và cũng dẫn đến bất tỉnh.
Nhanh chóng đưa lượng đường trong máu về mức bình thường khi xảy ra tăng đường huyết hoặc hạ đường huyết sẽ ngăn ngừa được hôn mê do tiểu đường. Trong những trường hợp bị hôn mê do tiểu đường, nếu điều trị kịp thời thì sẽ có thể ổn định mức đường huyết, phục hồi ý thức và sức khỏe cho bệnh nhân một cách nhanh chóng.
Người bệnh cũng có thể rơi vào trạng thái hôn mê do tiểu đường nếu bị nhiễm toan ceton. Nhiễm toan ceton xảy ra khi lượng đường trong máu quá cao, khiến cơ thể phải đốt cháy chất béo làm năng lượng thay cho glucose. Quá trình đốt cháy chất béo tạo ra một chất gọi là ceton. Tình trạng ceton tích tụ trong máu được gọi là nhiễm toan ceton.
Các triệu chứng xảy ra trước khi bị hôn mê
Tùy vào nguyên nhân gây hôn mê mà bệnh nhân sẽ gặp những triệu chứng khác nhau trước khi rơi vào trạng thái hôn mê do tiểu đường.
Tăng đường huyết
Các triệu chứng thường gặp của tăng đường huyết là khát nước liên tục và đi tiểu nhiều lần.Lúc này đo đường huyết sẽ cho kết quả cao hơn bình thường. Khi xảy ra tăng đường huyết, nồng độ glucose trong nước tiểu cũng tăng cao.
Đường trong máu quá cao sẽ dẫn đến nhiễm toan ceton. Triệu chứng của nhiễm toan ceton cũng gồm có khát nước và tăng tần suất đi tiểu. Ngoài ra, nhiễm toan ceton còn có các triệu chứng khác như:
- Cảm giác rất mệt, không có sức lực
- Đau bụng
- Mặt đỏ bừng
- Khô da
- Khô miệng
- Đau đầu
- Hơi thở có mùi trái cây
- Đau bụng
- Thở gấp
- Buồn nôn, nôn
Hạ đường huyết
Các triệu chứng của hạ đường huyết gồm có:
- Đau đầu
- Mệt mỏi
- Chóng mặt
- Mơ hồ, thiếu tỉnh táo
- Tim đập nhanh
- Bồn chồn, lo âu
- Run tay
- Đói cồn cào
- Đổ mồ hôi
Các triệu chứng khẩn cấp
Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng sau đây thì cần phải gọi cấp cứu hoặc nhờ người đưa ngay đến bệnh viện:
- Nôn mửa
- Khó thở
- Đầu óc lú lẫn, mơ hồ
- Mệt mỏi cực độ
- Chóng mặt
Hôn mê do tiểu đường là một tình trạng cần can thiệp khẩn cấp. Hôn mê có thể dẫn đến tổn thương não hoặc tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Điều trị hôn mê do tiểu đường
Việc điều trị cũng tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến hôn mê. Nếu là do tăng đường huyết thì thường sẽ phải truyền dịch tĩnh mạch để bổ sung nước cho cơ thể, nhờ đó làm giảm lượng đường trong máu. Người bệnh cũng có thể sẽ được truyền insulin để giúp các tế bào sử dụng glucose trong máu hiệu quả hơn. Nếu bị sụt giảm natri, kali hoặc phốt phát, người bệnh sẽ được bổ sung để đưa nồng độ các chất điện giải này về mức bình thường. Các trường hợp nhiễm toan ceton cũng được điều trị tương tự.
Nếu nguyên nhân gây hôn mê là do hạ đường huyết thì người bệnh sẽ được tiêm glucagon để làm tăng lượng đường trong máu.
Phục hồi sau hôn mê do tiểu đường
Khi lượng đường trong máu trở về mức bình thường, tình trạng sức khỏe của người bệnh sẽ cải thiện gần như ngay lập tức. Thông thường, người bệnh sẽ nhanh chóng tỉnh lại sau khi bắt đầu được điều trị.
Tuy nhiên, các triệu chứng đã xảy ra trong một thời gian dài trước khi điều trị hoặc tình trạng hôn mê do tiểu đường kéo dài vài giờ trở lên thì não bộ sẽ bị tổn thương. Nếu không được điều trị, tình trạng hôn mê do tiểu đường có thể dẫn đến tử vong.
Khi được điều trị kịp thời, đa số các trường hợp hôn mê do tiểu đường đều hồi phục hoàn toàn. Những người mắc bệnh tiểu đường và từng bị hôn mê nên đeo vòng tay y tế hoặc mang theo giấy tờ ghi rõ tình trạng bệnh và các bước xử lý để người xung quanh biết cách hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp.
Trong một số trường hợp, bệnh tiểu đường được phát hiện sau khi người bệnh bị hôn mê. Tùy vào loại tiểu đường và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp, gồm có các loại thuốc, insulin, thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục.
Ngăn ngừa hôn mê do tiểu đường
Những người bị tiểu đường cần hết sức chú ý đến mức đường huyết và chế độ ăn uống hàng ngày. Cách tốt nhất để ngăn ngừa hôn mê do tiểu đường là kiểm soát tốt đường huyết. Để giữ lượng đường trong máu luôn ổn định, người bệnh cần dùng thuốc và thường xuyên đo đường huyết cũng như ceton theo khuyến nghị của bác sĩ.
Ngoài ra cần chú ý đến lượng carbohydrate trong chế độ ăn, bất kể mắc bệnh tiểu đường type 1 hay type 2. Có thể đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn uống phù hợp cho người bệnh tiểu đường.
Hãy hỏi bác sĩ về cách xử lý khi lỡ quên tiêm insulin hoặc dùng các loại thuốc điều trị tiểu đường khác và khi xuất hiện các triệu chứng tăng hoặc hạ đường huyết.
Bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường không được kiểm soát có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể, trong đó có tim mạch. Đó là lý do tại sao người bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn. Nguy cơ sẽ càng tăng cao khi có tuổi. Khi về già, các chất hóa học trong cơ thể cũng sẽ thay đổi. Do đó mà liều dùng thuốc cũng như chế độ ăn uống thường sẽ thay đổi theo.
Hôn mê do tiểu đường không phổ biến nhưng có thể xảy ra với bất kỳ ai. Thực hiện đầy đủ các biện pháp để kiểm soát bệnh tiểu đường sẽ giúp phòng ngừa các vấn đề dẫn đến hôn mê.
Khi nào cần gọi cấp cứu?
Gọi cấp cứu ngay khi thấy có người bị bất tỉnh, bất kể vì lý do gì. Đó có thể là ngất tạm thời do tụt huyết áp đột ngột hoặc căng thẳng, sợ hãi quá mức. Nếu biết người đó bị bệnh tiểu đường, hãy nói với tổng đài và nhân viên cấp cứu để có biện pháp xử trí phù hợp khi tiếp nhận bệnh nhân.
Nếu người đó chưa bị bất tỉnh và tình trạng có vẻ không quá nghiêm trọng thì hãy đo đường huyết để xem đường trong máu có đang quá cao hay quá thấp hay không. Nếu đường huyết trên 240 mg/dL thì hãy tiếp tục kiểm tra mức ceton trong nước tiểu bằng que thử.
Nếu ceton trong nước tiểu ở mức cao, hãy đưa người đó đến bệnh viện. Nếu mức ceton vẫn bình thường thì tập thể dục, điều chỉnh chế độ ăn uống và/hoặc dùng thuốc là đủ để giảm mức đường huyết.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm nấm Candida và một trong số đó là bệnh tiểu đường.
Có nhiều loại statin và hiệu quả mà thuốc mang lại ở mỗi người là khác nhau. Vậy người bị bệnh tiểu đường nên chọn loại statin nào?
Bên cạnh việc dùng thuốc để kiểm soát mức đường huyết, những người mắc bệnh tiểu đường còn phải điều chỉnh chế độ ăn uống, chẳng hạn như hạn chế đồ ăn thức uống có đường và ăn các loại thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng. Ngoài ra, việc lựa chọn đúng loại chất béo trong chế độ ăn cũng rất quan trọng.