Hồi phục chức năng tim: Vật lý trị liệu sau cơn đau tim
Vật lý trị liệu tim là gì?
Cơn đau tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Hoa Kỳ. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), độ tuổi trung bình xảy ra cơn đau tim lần đầu ở Hoa Kỳ là 65,6 tuổi đối với nam và 72,0 tuổi đối với nữ.
Hồi phục chức năng tim là chương trình giúp bệnh nhân hồi phục sau cơn đau tim và cải thiện chất lượng cuộc sống. Đây là bước quan trọng để giảm nguy cơ tái phát cơn đau tim. Chương trình thường được triển khai khi bạn còn đang trong bệnh viện hoặc ngay sau khi bạn xuất viện.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), chương trình này rất hữu ích cho bất kỳ ai từng gặp vấn đề về tim, như cơn đau tim. Phần lớn các chương trình kéo dài khoảng 3 tháng, nhưng thời gian có thể dao động từ 2 đến 8 tháng.
Chương trình hồi phục chức năng tim bao gồm:
- Tư vấn và huấn luyện về tập luyện
- Giáo dục cách quản lý các yếu tố nguy cơ
- Tư vấn để giảm căng thẳng
Chuyên gia vật lý trị liệu thường là người hướng dẫn phần hoạt động thể chất của chương trình. Mục tiêu của chương trình là cải thiện khả năng vận động và chất lượng cuộc sống cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Việc duy trì hoạt động thể chất sau cơn đau tim là rất cần thiết để giữ cho tim khỏe mạnh. Nghiên cứu năm 2018 cho thấy việc tăng cường hoạt động thể chất trong năm đầu sau cơn đau tim có thể giúp giảm nguy cơ tử vong.
Chuyên gia vật lý trị liệu có thể đánh giá mức độ thể lực hiện tại của bạn và xây dựng chương trình tập luyện chi tiết nhằm cải thiện sức khỏe tim mạch.
Lợi ích của vật lý trị liệu tim
Thực hiện chương trình hồi phục chức năng tim là phương pháp hiệu quả nhất nhất để ngăn ngừa cơn đau tim tái phát trong tương lai và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nghiên cứu cho thấy hồi phục chức năng tim có thể giúp:
- Nâng cao sức khỏe và khả năng vận động, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống
- Giảm nguy cơ tái phát cơn đau tim trong tương lai
- Tăng cường dung tích phổi
- Cải thiện sức khỏe tim mạch
- Duy trì được cân nặng hợp lý
- Cải thiện huyết áp
- Cải thiện sức khỏe tinh thần
- Nâng cao khả năng lao động
- Giảm đau cơ thể
- Giảm căng thẳng
- Tăng cường năng lượng và sức bền
- Cải thiện thói quen tập luyện, chế độ ăn uống và lối sống
Hồi phục chức năng tim không chỉ dành cho cơn đau tim
Vật lý trị liệu và chương trình hồi phục chức năng tim cũng rất cần thiết trong quá trình phục hồi sau nhiều loại phẫu thuật tim hoặc biến cố tim mạch khác, như:
- Suy tim
- Phẫu thuật van tim
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành
- Đặt stent
- Ghép tim
- Đau thắt ngực ổn định mãn tính
- Hội chứng mạch vành cấp
Quá trình thực hiện vật lý trị liệu tim
Hồi phục chức năng tim thường được triển khai khi bạn còn nằm viện hoặc ngay sau khi xuất viện. Mỗi chương trình được thiết kế riêng phù hợp với nhu cầu cá nhân của bệnh nhân.
Theo một bài đánh giá năm 2016, chương trình tập luyện thể chất thường bao gồm 36 buổi kéo dài trong 12 tuần, tuy nhiên một số chương trình có thể kéo dài hơn.
Ban đầu, chuyên gia vật lý trị liệu sẽ đánh giá tình trạng thông qua kiểm tra thể chất và có thể sử dụng các bài kiểm tra sức khỏe hoặc chụp hình ảnh tim. Sau đó, họ sẽ thiết kế một chương trình cá nhân hóa, tăng dần cường độ theo thời gian.
Theo hướng dẫn năm 2020, chương trình vật lý trị liệu có thể bao gồm:
- Bài tập aerobic để tăng cường sức mạnh tim
- Tư vấn nhằm cải thiện thói quen tập luyện và lối sống
- Tập luyện kháng lực để xương và cơ bắp chắc khoẻ hơn
- Các bài tập điều chỉnh cơ chế thở
- Luyện tập khả năng cân bằng và linh hoạt
Khi còn nằm viện, chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn bạn các bài tập nhẹ nhàng trên giường nhằm cải thiện khả năng vận động và ngăn ngừa mất sức hoặc cứng cơ do nghỉ ngơi lâu ngày.
Sau khi xuất viện, các buổi tập phổ biến có thể bao gồm đạp xe tại chỗ, chạy bộ, hoặc sử dụng các thiết bị hỗ trợ tăng cường thể lực tim mạch. Trong quá trình tập, chuyên gia sẽ theo dõi nhịp tim, huyết áp, nhịp thở và mức oxy để đánh giá phản ứng của cơ thể.
Những rủi ro của vật lý trị liệu tim
Không phải ai cũng phù hợp với các bài tập của chương trình hồi phục chức năng tim, chẳng hạn như những người bị đau thắt ngực không ổn định. Bác sĩ sẽ xác định liệu tình trạng sức khỏe của bạn có ảnh hưởng đến việc tập luyện hay không.
Các chương trình bao gồm tập aerobic cường độ cao và luyện tập kháng lực được nhiều tổ chức y tế hàng đầu đánh giá là an toàn.
Các rủi ro nghiêm trọng rất hiếm gặp. Một nghiên cứu tại Pháp năm 2006 cho thấy mỗi triệu giờ tập luyện chỉ ghi nhận 1,3 trường hợp bị ngừng tim.
Một nghiên cứu nhỏ năm 2017 trên những người có sử dụng thiết bị điều chỉnh nhịp tim cho thấy những người tham gia hồi phục chức năng tim có ít biến chứng hơn so với những người không tham gia.
Những điều cần biết trước khi bắt đầu hồi phục chức năng tim
Để tham gia chương trình hồi phục chức năng tim cần có sự tư vấn từ bác sĩ. Bác sĩ sẽ cung cấp thông tin chi tiết về chương trình dành cho bạn.
Nếu bạn có bảo hiểm, hãy chắc chắn rằng chính sách bảo hiểm có chi trả cho khâu điều trị này. Một số trường hợp, như người đã cấy thiết bị điều chỉnh nhịp tim, có thể không được bảo hiểm chi trả.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), Medicare và hầu hết các nhà cung cấp bảo hiểm khác đều hoàn trả chi phí cho hồi phục chức năng tim trong điều trị cơn đau tim. Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ, Medicare chi trả 36 buổi tập được giám sát trong 12 tuần.
Tiên lượng sau hồi phục chức năng tim
Tham gia hồi phục chức năng tim tạo điều kiện tốt nhất để nâng cao chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa tái phát cơn đau tim.
Một bài đánh giá năm 2021 cho thấy những người tham gia chương trình có thể giảm 13% nguy cơ bị tái phát cơn đau tim.
Một nghiên cứu năm 2016 trên 4.929 người từng bị đau tim phát hiện rằng những người tham gia hồi phục chức năng tim đều có thể sống lâu hơn đáng kể.
Các nghiên cứu cho thấy hồi phục chức năng tim giúp giảm khoảng 32% nguy cơ tử vong trong vòng 5 năm sau bất kỳ biến cố tim mạch nào.
Hãy trao đổi với bác sĩ về những lợi ích của chương trình hồi phục chức năng tim sau cơn đau tim.
Đau ngực kèm theo đau hàm có thể là dấu hiệu sớm của một cơn đau tim. Mặc dù còn có những nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến đau ngực và đau hàm nhưng bạn vẫn nên thăm khám y tế kịp thời để tránh gặp phải vấn đề nghiêm trọng hơn.