1

Đột quỵ ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?

Đột quỵ có thể ảnh hưởng đến nhiều vùng trên cơ thể, tùy thuộc vào phần não bị ảnh hưởng. Một số biến chứng có thể kéo dài, thậm chí là tồn tại vĩnh viễn sau cơn đột quỵ.
Đột quỵ ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể? Đột quỵ ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể?

Đột quỵ xảy ra khi dòng máu mang oxy không thể đến một phần não. Khi không có oxy, các tế bào não sẽ bắt đầu chết chỉ trong vòng vài phút. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể và gây ra nhiều biến chứng. Nếu không được điều trị kịp thời, đột quỵ còn có thể dẫn đến tử vong. Do đó, người bị đột quỵ cần được cấp cứu càng sớm càng tốt. Cơ hội sống sót, khả năng phục hồi và các biến chứng gặp phải sẽ phụ thuộc vào loại, mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ, thời điểm được cấp cứu và vùng não bị ảnh hưởng.

Hệ hô hấp

Đột quỵ có thể ảnh hưởng đến phần não có chức năng kiểm soát nhịp thở. Đột quỵ còn có thể làm suy yếu các cơ hô hấp.

Mặc dù những tác động này thường là tạm thời nhưng một số người gặp phải các vấn đề về hô hấp kéo dài, đặc biệt là các vấn đề xảy ra trong khi ngủ. Có tới 7 trên 10 người bị đột quỵ mắc chứng ngưng thở khi ngủ.

Đột quỵ xảy ra ở thân não - nơi kiểm soát các chức năng quan trọng như hô hấp, nhịp tim và thân nhiệt - cũng có thể gây ra các vấn đề về hô hấp. Loại đột quỵ này có nguy cơ hôn mê hoặc tử vong cao.

Đột quỵ cũng có thể ảnh hưởng gián tiếp đến hệ hô hấp. Khi cơn đột quỵ làm tổn thương vùng não điều khiển chức năng nuốt, người bệnh sẽ bị chứng khó nuốt. Đây là một biến chứng phổ biến sau đột quỵ nhưng thường đỡ dần theo thời gian.

Nếu các cơ ở cổ họng, lưỡi hoặc miệng không thể đưa thức ăn xuống thực quản, thức ăn và nước uống có thể đi vào đường thở và mắc trong phổi. Điều này sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, như nhiễm trùng và viêm phổi.

Hệ thần kinh

Hệ thần kinh gồm có não, tủy sống và mạng lưới dây thần kinh phân bố khắp cơ thể. Mạng lưới dây thần kinh này truyền tín hiệu từ não đến phần còn lại của cơ thể và ngược lại. Khi bị tổn thương, não sẽ không nhận được tín hiệu một cách chính xác.

Não được chia thành các vùng và mỗi vùng kiểm soát các chức năng khác nhau:

  • Não phải: Khả năng tập trung chú ý, trí nhớ, khả năng nhận dạng khuôn mặt và đồ vật, hành vi, tâm trạng.
  • Não trước: trí thông minh, chuyển động, tư duy, tính cách, lập kế hoạch
  • Não trái: ngôn ngữ, trí nhớ, lý luận, tổ chức, tư duy phân tích, hành vi

Đột quỵ ảnh hưởng đến hệ thần kinh và dẫn đến những vấn đề như:

  • Tê: Một triệu chứng phổ biến của đột quỵ là tê và cảm giác như có kim châm, thường xảy ra ở một bên cơ thể.
  • Thay đổi cảm giác: Dễ cảm thấy đau hơn và cường độ cơn đau tăng lên so với bình thường hoặc khó nhận biết được nóng và lạnh.
  • Vấn đề về thị lực như mất thị lực toàn bộ, mất một bên hoặc một phần thị trường, rối loạn chuyển động mắt và não không thể xử lý thông tin thị giác một cách chính xác.
  • Bàn chân rủ: Tình trạng cơ chân bị yếu hoặc liệt, khiến cho người bệnh khó nâng phần trước của bàn chân lên. Bàn chân rủ có biểu hiện là người bệnh kéo lê bàn chân khi đi hoặc phải co đầu gối nhiều hơn để nâng cao bàn chân. Tình trạng này thường có thể khắc phục bằng cách phục hồi chức năng và đeo nẹp.

Những người từng bị đột quỵ có nguy cơ bị co giật cao hơn. Nguy cơ co giật phụ thuộc vào loại, vị trí và mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ. Cứ 5 người từng bị đột quỵ thì có đến 1 người bị co giật. Những người bị đột quỵ xuất huyết não có nguy cơ cao hơn.

Hệ tuần hoàn

Đột quỵ thường xuất phát từ các vấn đề về tim và mạch máu mà người bệnh mắc từ trước. Những người từng bị đột quỵ sẽ có nguy cơ cao bị lại.

Để ngăn ngừa đột quỵ tái phát, người bệnh nên thay đổi lối sống, ví dụ như ăn uống lành mạnh và tăng cường hoạt động thể chất. Bên cạnh đó, người bệnh có thể sẽ phải dùng một số loại thuốc.

Một điều rất quan trọng là phải kiểm soát tốt tất cả các vấn đề sức khỏe đang mắc, nhất là cholesterol cao, tăng huyết áp và bệnh đái tháo đường. Những người hút thuốc cần bỏ thuốc càng sớm càng tốt để phòng ngừa đột quỵ.

Hệ cơ

Tùy thuộc vào vùng não bị tổn thương, đột quỵ có thể ảnh hưởng đến nhiều nhóm cơ khác nhau. Vấn đề phát sinh có thể nhẹ hoặc nặng nhưng thường cần phục hồi chức năng để cải thiện.

Tình trạng gián đoạn lưu thông máu thường xảy ra ở một bán cầu não. Bán cầu não trái điều khiển nửa người bên phải và bán cầu não phải điều khiển nửa người bên trái. Khi bán cầu não trái bị tổn thương nặng, người bệnh có thể sẽ bị liệt nửa người bên phải.

Khi tín hiệu thần kinh không thể truyền từ não đến các cơ một cách chính xác, tình trạng liệt và yếu cơ sẽ xảy ra. Các cơ bị yếu sẽ không thể hỗ trợ cơ thể và người bệnh sẽ gặp khó khăn khi chuyển động và bị mất thăng bằng.

Hệ tiêu hóa

Trong khoảng thời gian đầu sau đột quỵ, người bệnh sẽ không hoạt động nhiều như bình thường và điều này có thể gây táo bón. Một số loại thuốc mà người bệnh phải sử dụng sau đột quỵ cũng có thể gây táo bón.

Đột quỵ có thể ảnh hưởng đến phần não kiểm soát đường ruột. Điều này có thể gây ra chứng đại tiện không tự chủ. Tình trạng này phổ biến hơn ở giai đoạn đầu sau đột quỵ và thường cải thiện dần theo thời gian.

Hệ tiết niệu

Tổn thương do đột quỵ có thể làm gián đoạn sự giao tiếp giữa não và các cơ kiểm soát bàng quang. Điều này có thể gây ra các rối loạn tiểu tiện như tiểu nhiều lần, tiểu gấp và tiểu không tự chủ. Giống như chứng đại tiện không tự chủ, những rối loạn tiểu tiện này thường chỉ là tạm thời và sẽ tự cải thiện theo thời gian.

Hệ sinh dục

Hơn một nửa số người sống sót sau đột quỵ bị rối loạn chức năng tình dục, ví dụ như:

  • Giảm ham muốn
  • Giảm tiết dịch âm đạo
  • Rối loạn cương cương (khó đạt được hoặc duy trì sự cương cứng)
  • Không thể đạt cực khoái hoặc đạt cực khoái quá sớm

Những vấn đề về thể chất và tâm lý do đột quỵ cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng tình dục.

Ví dụ, tình trạng liệt sẽ khiến người bệnh gặp khó khăn hoặc không thể quan hệ tình dục.

Tóm tắt bài viết

Đột quỵ có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và hệ thống của cơ thể. Các biến chứng phát sinh sau đột quỵ phụ thuộc vào loại, mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ và vùng não bị ảnh hưởng. Một số biến chứng là tạm thời trong khi một số biến chứng sẽ tồn tại vĩnh viễn. Điều trị kịp thời sẽ giúp giảm nguy cơ gặp phải biến chứng nghiêm trọng và tích cực phục hồi chức năng sau đột quỵ sẽ giúp làm giảm các biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây